Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi – Chặt hơn luật hiện hành

KIM DUNG - Tại Phiên họp thứ 23, UBTVQH thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Nhiều nội dung mới được thảo luận kỹ, nhất là những quy định mới chặt hơn luật hiện hành.

7 lần đặc xá cho 85.897 phạm nhân

Sau 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành Quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Qua đó, đã đặc xá cho 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Kết quả thực hiện công tác đặc xá những năm qua cho thấy, đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá cơ bản phù hợp và có tính răn đe, giáo dục cao, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2017, công tác thi hành án dân sự liên quan đến công tác đặc xá đã thi hành xong 199.109 việc với số tiền thu được là trên 3.184 tỷ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.437 tỷ đồng; thu bồi thường cho công dân, tổ chức xã hội gần 1.750 tỷ đồng.

Công bố quyết định đặc xá ở một trại giam – Ảnh LĐTĐ

 

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá đã bộc lộ những tồn tại, bất cập không còn phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành sau đó, như Hiến pháp năm 2013, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015… Ngoài ra, diện người được đặc xá tha tù trước thời hạn với số lượng lớn, đối tượng rộng nên chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa đặc ân của Nhà nước ta đối với người phạm tội. Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với quy định của các đạo luật liên quan đến tư pháp hình sự mới được Quốc hội thông qua và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá thời gian qua, thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết.

Cân nhắc tính khả thi

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị việc xây dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) cần phải khắc phục được những hạn chế, bất cập trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành (nhất là về điều kiện, thời điểm, trình tự, thủ tục đặc xá…). Ngoài ra, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo với các quy định trong các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng nếu như luật hiện hành (Luật Đặc xá năm 2007) quy định đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân mới được xét đặc xá. Dự thảo quy định đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với hình phạt tù chung thân.

Bên cạnh đó, luật hiện hành quy định ba thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, Chính phủ đề nghị bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước.

Về các trường hợp không đề nghị đặc xá, Ủy ban Tư pháp nhận thấy việc bổ sung thêm các trường hợp không được đặc xá với người bị kết án như đề nghị của Chính phủ là cần thiết, bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, việc loại trừ hoặc bổ sung những tội cụ thể nào cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là đối chiếu với các quy định tại Điều 66 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện, bảo đảm ý nghĩa của chế định đặc xá, khuyến khích người phạm tội cải tạo tốt để sớm được tái hòa nhập cộng đồng, phù hợp với những chính sách khoan hồng khác của Nhà nước.

Về bản chất, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn khi đáp ứng những điều kiện nhất định. Do vậy, chế định này có liên quan chặt chẽ với nhiều chính sách khoan hồng khác của Nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 như: Miễn chấp hành hình phạt (Điều 62), giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63), tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66) nhưng báo cáo đánh giá tác động chưa làm rõ việc sửa đổi Luật Đặc xá có tác động thế nào đến việc thực hiện các quy định có liên quan này. Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục giải trình, làm rõ các vấn đề nêu trên.

Uỷ ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Chính phủ nhằm thu hẹp bớt các trường hợp đặc xá. Tuy nhiên, phải quy định cụ thể trong dự thảo như thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm tính minh bạch và chủ động khi thực hiện. Ban soạn thảo cũng phải giải trình rõ lý do vì sao bỏ thời điểm đặc xá nhân ngày lễ lớn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Luật Đặc xá không sửa không được, song cần phải quan tâm đến sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đặc xá nhằm đảm bảo đúng ý nghĩa là một đặc ân của Nhà nước đối với những người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn hay tù chung thân được giảm xuống có thời hạn. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc tính khả thi khi thống nhất quan điểm không mở rộng diện được đặc xá và quy định chặt chẽ các điều kiện đặc xá.

Chấp hành hình phạt tiền ?

Luật năm 2007 quy định đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ khác, thì dự thảo luật sửa thành người bị kết án phạt tù về “bất kỳ tội gì” đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích nếu xử lý không khéo sẽ tạo cú sốc rằng người giàu, người có tiền thực hiện thì được đặc xá còn người nghèo, không có tiền để chấp hành thì ở tù suốt đời.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu với những người quá nghèo, quá khó khăn không đủ điều kiện thực hiện hình phạt bổ sung thì nên để Chủ tịch nước xem xét. Đồng thời, ban soạn thảo cần đánh giá tác động xem điều kiện trong dự thảo có “chặt” quá hay không và ảnh hưởng thế nào tới các đối tượng.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, nếu điều kiện “chặt’ quá thì không được nhưng nếu “lỏng” thì có khi việc đặc xá lại tràn lan, mất đi ý nghĩa của chính sách này. Ông Nguyễn Văn Sơn thừa nhận có trường hợp điều kiện quá khó khăn, bất khả kháng sẽ không chấp hành xong, trong khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác. Ở góc độ khác là trong khi bị hại chưa được đảm bảo lợi ích chính đáng được pháp luật bảo vệ, tài sản của nhà nước, tổ chức chưa được khắc phục mà đối tượng vẫn được xem xét đặc xá thì e rằng dư luận chưa hẳn đã đồng tình.

Qua thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi, ban hành Luật để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thi hành công tác đặc xá trong thời gian vừa qua và đảm bảo được sự thống nhất với các Luật có liên quan được ban hành sau.