Giải pháp triển khai nhiệm vụ trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 của TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm, TS. Lê Thanh Phong - Chánh án TAND Tp Hồ Chí Minh đã có tham luận chia sẻ những giải pháp triển khai nhiệm vụ của TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, có giá trị tham khảo rất bổ ích đối với các Tòa án trong cả nước.
Năm 2021, TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh đất nước nói chung và Tp Hồ Chí Minh nói riêng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại có ý nghĩa quan trọng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình kinh tế xã hội của cả năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 có những biến động đáng kể, một số chỉ tiêu phát triển kinh tê - xã hội sụt giảm, các hoạt động của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước đều bị ảnh hưởng, làm hạn chế đến việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có Tòa án. Việc thực hiện giãn cách xã hội, tạm dừng công tác xét xử một thời gian trong năm 2020 đã dẫn đến một số tồn tại như: lượng án cần phải giải quyết còn nhiều, số lượng đơn thư của người dân tập trung nhiều những tháng đầu năm 2021, đặc biệt là sự gia tăng không nhỏ số lượng hồ sơ liên quan đến phá sản doanh nghiệp và các tranh chấp về lao động,…dẫn đến lượng án thụ lý năm 2021 của Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh.
Chánh án Lê Thanh Phong cho biết: Hằng năm, TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh thụ lý, giải quyết trung bình hơn 60.000 vụ việc các loại án và gần 10.000 vụ việc xem xét xử lý hành chính. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2021, TAND hai cấp Thành phố đã thụ lý mới 24.408 vụ việc, tăng 7.519 vụ việc so với cùng kỳ năm trước(Trong đó: Hình sự tăng 594 vụ; Dân sự tăng 4.069 vụ việc; Hôn nhân và gia đình tăng 1.459 vụ việc; Kinh doanh thương mại tăng 983 vụ việc; Phá sản doanh nghiệp tăng 10 việc; Lao động tăng 291 vụ việc; Hành chính tăng 113 vụ) và vụ việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tăng 2.013 trường hợp.
Chính vì những điều kiện thực tế và thách thức như trên, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị, mỗi cấp mỗi ngành cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong công tác, nâng cao hơn nữa tính sáng tạo, đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu công việc trong tình hình mới.
Các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: Nguyễn Anh
Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021, TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu chung của nhiệm kỳ 2021 – 2026 là: Tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức và nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Thư ký, cán bộ, công chức Tòa án với phương châm vì dân, vì công lý; tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động và cải cách thủ tục hành chính tư pháp theo hướng hiện đại, đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động tố tụng, đặc biệt là công tác tiếp dân, tăng cường công tác dân vận trong hoạt động xét xử; xứng đáng với niềm tin của người dân vào Tòa án.
Xác định yếu tố con người là quan trọng, xuyên suốt, trong mọi hoàn cảnh, điều kiện tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức luôn được xem là nền tảng để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, do đó TAND Tp Hồ Chí Minh đề ra chủ đề hành động của năm 2021 là “Công chức, người lao động Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao đạo đức công vụ - nâng cao chất lượng xét xử, vì dân, vì công lý” để làm nền tảng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đã để ra.
Chánh án Lê Thanh Phong cho biết: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp (chưa được kiểm soát hoàn toàn), để đảm bảo thực hiện tốt “Mục tiêu kép – Vừa triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh”, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tòa án; có giải pháp quyết định để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại án. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện các đề án mang tính ứng dụng cao về công nghệ thông tin như:
+ Tiếp tục hoàn thiện Đề án đối thoại trực tuyến trong giải quyết án hành chính. Đề án được triển khai thực hiện từ ngày 01/01/2021 và nhận được sự hưởng ứng của các đương sự nhất là người bị kiện và người khởi kiện. Tòa án nhân dân Thành phố tiến hành đối thoại trực tuyến hơn 50 vụ án/tháng. Việc triển khai đối thoại trực tuyến trong giải quyết án hành chính là giải pháp mang tính đột phá, nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính, khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự tại thành phố, hạn chế khiếu kiện đông người.
+ Thực tiễn giải quyết án dân sự, hành chính cho thấy, có nhiều đương sự thường xuyên thay đổi nơi cư trú, việc cư trú, học tập, làm việc tại nước ngoài, những địa phương khác nhau; một số đơn vị có địa bàn hành chính rộng, địa chỉ phức tạp như Củ Chi, Bình Chánh - mới đây là thành phố Thủ Đức nên việc tống đạt văn bản tố tụng theo phương thức truyền thống gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, rất nhiều đương sự mong muốn được Tòa án tống đạt văn bản qua các phương thức khác như qua thư điện tử (email), qua Zalo, Viber,... Do đó, hiện nay TAND Tp Hồ Chí Minh đang xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tống đạt điện tử trong Tố tụng dân sự và Tố tụng hành chính. Đây được xem là giải pháp mang tính đột phá, tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia tố tụng, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho cả đương sự và Tòa án, đặc biệt mang lại nhiều lợi ích trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
+ Tập trung phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động thí điểm một số Đề án đã được xây dựng từ đầu năm 2020 như: Đề án phiên họp trực tuyến xem xét, quyết định áp dụng đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tp Hồ Chí Minh. Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin liên thông các cơ quan tư pháp thành phố”; Đề án “Truyền hình trực tuyến các phiên tòa”. Các cơ quan, tổ chức được Tòa án nhân dân Thành phố xin ý kiến đều cho rằng các Đề án mà TAND Thành phố đang triển khai xây dựng và thực hiện đều có tính khả thi phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, là giải pháp mang tính đột phá, khắc phục những hạn chế, bất cập đang tồn tại.
- Chú trọng làm tốt công tác hòa giải, công tác đối thoại; tăng cường làm tốt công tác dân vận trong hoạt động xét xử; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, đảm bảo đúng pháp luật, chặt chẽ, rõ ràng, khả thi. Trong thời gian tới, công tác đầu vào được tăng cường tổ chức phù hợp với điều kiện của luật tố tụng, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh. Tập trung thực hiện việc giải thích, đính chính nhằm khắc phục triệt để các trường hợp bản án, quyết định tuyên không rõ ràng theo yêu cầu của Tòa án nhân dân tối cao. Tập trung nâng cao tỷ lệ giải quyết án kinh doanh thương mại, tăng cường đối thoại giữa Tòa án và Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phối hợp để nhanh chóng giải quyết các tranh chấp thương mại, góp phần năng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Tp Hồ Chí Minh.
Thứ hai, kịp thời đưa ra những giải pháp xử lý nhằm bảo đảm các mặt hoạt động của Tòa án vẫn được diễn ra trong mọi điều kiện, hoàn cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.
+ Trong thời gian thực hiện giãn cách, tạm dừng xét xử, TAND thành phố đã tập trung thực hiện, xử lý những công việc mang tính nội bộ, không tiếp xúc đương sự như: Tổ chức kiểm tra việc giải quyết án tạm đình chỉ; kiểm tra hồ sơ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;… Qua công tác kiểm tra, việc giải quyết án tạm đình chỉ của TAND thành phố đã có chuyển biến tích cực, chỉ trong 6 tháng triển khai thực hiện, đã kéo giảm được 52,8% lượng án tạm đình chỉ.
+ Đồng thời, để đảm bảo công tác chuyên môn vẫn được thực hiện đúng quy định pháp luật, một số giải pháp được triển khai thực hiện nhanh như: Thực hiện Thông báo kết quả xử lý đơn qua Thư điện tử; xem xét ký kết Hợp đồng bưu chính viễn thông để thực hiện chuyển trả kết quả tận nhà cho người dân;…
Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác đóng góp xây dựng pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến và áp dụng thống nhất pháp luật; kiện toàn hệ thống, cơ sở vật chất, nhân lực nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả trong tình hình mới.
+ Mặt dù trong một thời gian ngắn và khó khăn về nhiều mặt, nhưng công tác triển khai Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án của TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh đã thực hiện kịp thời, 22 Trung tâm Hòa giải đối thoại của 22 đơn vị TAND hai cấp đã đi vào hoạt động ổn định. Trong quá trình hoạt động, TAND thành phố sẽ tiếp cập nhật những khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời đến Tòa án nhân dân tối cao.
+ Với sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo TANDTC, ngày 18/01/2021, bộ máy lãnh đạo của TAND tp Thủ Đức đã được kiện toàn và đi vào hoạt động. Do hiện nay vẫn phải sử dụng trụ sở của 03 đơn vị cũ (Tòa án nhân dân Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức), các trụ sở làm việc đều chật hẹp, phân tán, địa bàn rộng,... nên gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, điều hành. Trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng TAND thành phố và Ban Lãnh đạo TAND thành phố Thủ Đức sẽ tập trung, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành liên quan để sớm kiện toàn tổ chức, cơ sở vật chất, bảo đảm các mặt công tác của đơn vị được hiệu quả.
Thứ tư, làm tốt công tác xây dựng Đảng, gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ. Chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ, tạo nguồn Thẩm phán và công tác điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, Thẩm phán. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong hoạt động công vụ, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức và nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Thư ký, cán bộ, công chức Tòa án với phương châm vì dân, vì công lý.
Trên cơ sở kết luận kiểm tra công tác chuyên môn và kiến nghị của Đoàn Kiểm tra TANDTC, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo TAND hai cấp thành phố nghiêm túc tiếp thu và khẩn trương khắc phục những thiếu sót trong các mặt công tác, đồng thời kiên quyết thực hiện nghiêm việc xử lý, kỷ luật đối với cá nhân sai phạm theo đúng quy định của Quyết định 120/QĐ-TANDTC.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp và nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới; dự báo những vấn đề phát sinh trong thời đại công nghệ, kinh tế số; đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động và thủ tục hành chính - tư pháp theo hướng hiện đại, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án.
Bên cạnh việc tiếp tục triển khai các chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành như: Chương trình một cửa, một cửa liên thông; Chương trình số hóa dữ liệu hồ sơ, bản án, quyết định của Tòa án nhân dân Thành phố; Chương trình quản lý văn thư trong Tòa án nhân dân hai cấp;Chương trình Phần mềm khai thác dữ liệu số của Tòa án nhân dân thành phố;... Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các chương trình, phần mềm phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế, hưởng ứng chủ đề năm 2021 của Tp Hồ Chí Minh là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và là cơ sở xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai.
TS Lê Thanh Phong - Chánh án TAND Tp Hồ Chí Minh - Ảnh: KS
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận