Giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn – một số hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ việc về thuốc giả, thực phẩm giả, thực phẩm chức năng giả,… được phát hiện, gây hoang mang trong dư luận xã hội vì nó có liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Điều này đặt ra yêu cầu cần có hành lang pháp lý phù hợp, hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, củng cố niềm tin vào cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng được coi là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong các quan hệ tranh chấp xảy ra trên thực tế. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (Luật BVQLNTD năm 2023) thì: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.”. Khi phát sinh tranh chấp, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết bởi Tòa án có thẩm quyền.

Hiện nay, quy định về giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) và Luật BVQLNTD năm 2023; tuy nhiên, bài viết này, tác giả chỉ tập trung phân tích, đánh giá quy định về xét xử theo thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

1. Quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Khoản 1 Điều 70 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định:

“Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Luật này. Tòa án giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.”.

Trong BLTTDS năm 2015 quy định về quy trình, thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục thông thường và theo thủ tục rút gọn. Theo đó, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng điều kiện luật định. Cụ thể, khoản 2, 3 Điều 70 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định:

“2. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

3. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự.”.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thủ tục rút gọn là thủ tục đặc biệt được áp dụng để xét xử các vụ án dân sự khi đáp ứng được những điều kiện luật định với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật[1]. Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành[2].

Việc xét xử vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn không phải là nội dung mới mà đã được ghi nhận trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, tuy nhiên, có khác về thuật ngữ được sử dụng. Cụ thể, khoản 2 Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây:…”.

Luật BVQLNTD năm 2023 sửa đổi cụm từ “thủ tục đơn giản” thành “thủ tục rút gọn”. Việc sửa đổi này nhằm thống nhất với việc sử dụng cụm từ “thủ tục rút gọn” trong quy định về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại BLTTDS năm 2015. Việc quy định thống nhất sẽ tạo căn cứ pháp lý để áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Có thể thấy, chế định về xét xử vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn là một chế định có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu của xã hội đặt ra, nhất là trong thời gian gần đây, một loạt các vụ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng được phát hiện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Với những vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nếu được giải quyết nhanh chóng theo thủ tục rút gọn nhưng vẫn bảo đảm tính khách quan, chính xác sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên đương sự và cả cơ quan tiến hành tố tụng, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân vào một nền tư pháp công bằng, hiện đại, chuyên nghiệp như yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Do vậy, bài viết này, tác giả tập trung phân tích, đánh giá, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quy định về giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn; đồng thời nêu một số kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật.

2. Một số tồn tại, hạn chế

2.1. Về điều kiện là giá trị của giao dịch để áp dụng thủ tục rút gọn

Khoản 2 Điều 70 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định: “2. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.”.

Điều luật quy định, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn và không cần phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015. Đây là quy định mang tính ấn định về giá trị tranh chấp trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, là điều kiện duy nhất mà không cần thêm điều kiện nào khác nữa để Tòa án ra quyết định giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.

So sánh, đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật BVQLNTD năm 2010 thì thấy, quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật BVQLNTD năm 2023 có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, nếu quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật BVQLNTD năm 2010 quy định phải đảm bảo đủ các điều kiện sau đây thì vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản, bao gồm:

- Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện;

- Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

- Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.

Như vậy, trong quy định này, điều kiện về giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng chỉ là một trong số các điều kiện để đưa ra xem xét có áp dụng thủ tục rút gọn hay không. Còn quy định tại Luật BVQLNTD năm 2023 quy định chỉ cần 01 điều kiện duy nhất là vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì đã được xét xử theo thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này vào thực tiễn tạo ra một số hạn chế, vướng mắc, cụ thể:

Thứ nhất, nếu chỉ căn cứ vào giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng để xác định điều kiện xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn trong một số trường hợp là chưa khả thi. Có thể thấy, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết, chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không. Thực tế, nhiều giao dịch vài tỷ đồng nhưng giấy tờ, hóa đơn giao dịch lại chi tiết hơn nhiều so với các giao dịch nhỏ[3]. Ngược lại, trong rất nhiều trường hợp giá trị tranh chấp chỉ vài triệu đồng nhưng tình tiết rất phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, các bên không lập hợp đồng mà thỏa thuận miệng, cho đến nay không thừa nhận nghĩa vụ đã cam kết thì không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp[4]. Thực tế, có thể xảy ra trường hợp, khi xác định vụ án có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng nên Tòa án quyết định áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án đó[5], tuy nhiên, thực tế giải quyết vụ án phát sinh các vướng mắc do không thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015, khiến vụ án không thể tiếp tục giải quyết được theo thủ tục rút gọn mà phải chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Theo quy định tại khoản 4 Điều 317 BLTTDS năm 2015 thì, trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Như vậy, sẽ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, mục đích, ý nghĩa của thủ tục rút gọn trong trường hợp này không đạt được. Do vậy, nếu chỉ quy định điều kiện duy nhất là xác định giá trị giao dịch dưới 100 triệu là điều kiện được áp dụng thủ tục rút gọn là chưa đầy đủ, dẫn đến quy định về xét xử theo thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mang tính hình thức vì khó triển khai trong thực tế.

Thứ hai, so sánh về giá trị của giao dịch thì theo quy định của khoản 2 Điều 70 Luật BVQLNTD năm 2023 ấn định giá trị giao dịch là dưới 100 triệu đồng, vậy, nếu giá trị của giao dịch là 101 triệu đồng thì cũng không tự động được áp dụng theo thủ tục rút gọn mà trường hợp này theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Luật BVQLNTD năm 2023 thì vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng này phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 mới được giải quyết theo thủ tục rút gọn. So sánh trường hợp này, nếu chỉ căn cứ về giá trị giao dịch thì rõ ràng là có sự chênh lệch không đáng kể, nhưng chế định áp dụng thủ tục rút gọn lại có sự quy định khác biệt quá rõ về điều kiện. Điều này là chưa thật sự phù hợp và chưa mang tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.

2.2. Điều kiện sự thừa nhận nghĩa vụ của đương sự

Khoản 3 Điều 70 Luật BVQLNTD năm 2023 quy định: “Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

Theo quy định tại Điều luật này thì đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có có giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng thì bắt buộc phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 mới được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.

Nghiên cứu, so sánh các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 để áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thấy vẫn còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc, gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng. Cụ thể:

Tại điểm a khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 quy định một trong các điều kiện để Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn là “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ”.

Khoản 1, 2 Điều 68 BLTTDS năm 2015 quy định:

“1. Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

2. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn…..”.

Như vậy, đương sự trong vụ án dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Điểm a khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 quy định điều kiện đương sự thừa nhận nghĩa vụ, tuy nhiên, đây là điều kiện áp dụng chung cho các vụ án dân sự khi xem xét điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn. Quy định này được hiểu là để được xét xử theo thủ tục rút gọn thì các đương sự trong vụ án dân sư phải thừa nhận nghĩa vụ. Tuy nhiên, điều kiện này khi áp dụng đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại không phù hợp. Theo đó, điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 91 BLTTDS năm 2015 quy định về nghĩa vụ chứng minh như sau:

“a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

…..

3. ….. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”

Như vậy, theo quy định của Điều luât thì nguyên đơn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi mà nghĩa vụ này thuộc về phía bị đơn. Có thể thấy, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có tính đặc thù về chủ thể, về quan hệ tranh chấp, về nghĩa vụ chứng minh của các chủ thể trong vụ án này cũng đặc thù theo quy định của luật. Do đó, việc áp dụng điều kiện “đương sự thừa nhận nghĩa vụ” theo cách hiểu thông thường mà không có hướng dẫn cụ thể đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chưa phù hợp, gây vướng mắc cho Tòa án trong áp dụng pháp luật, từ đó cản trở việc áp dụng thủ tục rút gọn vào thực tiễn xét xử các vụ án dân sự về về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Có thể thấy, việc tăng cường áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một đòi hỏi tất yếu khách quan của xã hội hiện nay. Để quy định của pháp luật thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện. Với những phân tích nêu trên, tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể như sau:

Một là, khi sửa đổi, bổ sung Luật BVQLNTD năm 2023, nhà làm luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định tại Điều 70 theo hướng nên quy định điều kiện về giá trị giao dịch dưới 100 triệu nhưng đồng thời thỏa mãn các điều kiện khác quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 để bảo đảm tính khả thi trong áp dụng.

Hai là, do vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có đặc thù khác với những vụ án dân sự thông thường, do đó, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án này cũng sẽ mang những đặc thù tương ứng, cụ thể là đặc thù về chủ thể khởi kiện, về nghĩa vụ chứng minh. Do đó, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng thủ tục rút gọn khi xét xử vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung hướng dẫn cần ghi nhận không yêu cầu điều kiện “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ” đối với vụ án này.

Ba là, thực tiễn cho thấy, quy định về thủ tục rút gọn trong xét xử vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ghi nhận từ khá sớm trong pháp luật nước ta và pháp luật một số nước trên thế giới. Điều này là phù hợp với nhu cầu thực tiễn, thể hiện sự tiến bộ của nền lập pháp mỗi quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn số vụ án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn là không nhiều. Điều này xuất phát từ hạn chế, vướng mắc của các quy định của luật nhưng đồng thời cũng xuất phát từ yếu tố chủ quan của người áp dụng pháp luật, mà cụ thể là các Thẩm phán. Do vậy, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao cần tăng cường công tác tập huấn kỹ năng áp dụng pháp luật trong xét xử vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn, lựa chọn một số vụ án đã xét xử trên thực tế để làm điển hình nhân rộng việc áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết đối với loại vụ án này.

         Trong thời gian gần đây, các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại Điều 10 Luật BVQLNTD diễn ra ngày càng nhiều, số lượng vụ việc bị phát hiện ngày càng lớn gây hoang mang trong dư luận. Việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những yêu cầu tất yếu, mang tính hiệu quả lâu dài, là công cụ pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

 

[1] Khoản 1 Điều 316 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Điều 65 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[3] https://tapchitoaan.vn/neu-quy-dinh-100-trieu-dong-tro-len-khong-duoc-giai-quyet-theo-thu-tuc-rut-gon-thi-khong-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung8627.html?

[4] https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv-quy-dinh-ro-thu-tuc-rut-gon-giai-quyet-vu-an-dan-su-ve-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung/18751.html

[5] Xem thêm điểm đ khoản 2 Điều 196 BLTTDS năm 2015.

PHẠM HOÀI NGÂN (TANDTC)

Ảnh: nguồn Internet

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

2. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010;

3. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2015;