Giáo dục Đại học Việt Nam- trông chờ sự chuẩn hóa
18/8, tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra một chương trình hợp tác khoa học - công nghệ mang tính hội tụ, kết nối có quy mô lớn với sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia tiêu biểu cho tài năng, trí tuệ Việt Nam. Trước đó, Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu và có sự tương tác về chủ đề “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập Quốc tế” cũng đã diễn ra tại Hà Nội…
Thu hút, trọng dụng nhân tài
Ngày 18/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp mặt với 100 đại biểu người Việt Nam tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về dự Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Lần đầu tiên diễn ra một chương trình hợp tác khoa học – công nghệ mang tính hội tụ, kết nối có quy mô lớn với sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia tiêu biểu cho tài năng, trí tuệ Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nhà khoa học
Hiện đang có 4,5 triệu người Việt Nam sống, học tập, công tác và lao động ở nước ngoài. Nếu chúng ta có được sự sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia người Việt Nam trên toàn thế giới là một nguồn lực quý báu để thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng bắt kịp thế giới về công nghệ.
Tại cuộc gặp, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn sẵn sàng trở lại Việt Nam để hỗ trợ các Bộ, ngành thông qua các dự án cụ thể; cho rằng, với những tiềm năng sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển, nghiên cứu ứng dụng, tăng cường khai thác những bằng sáng chế trên thế giới tại Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cũng tại buổi gặp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Đảng, Nhà nước luôn đề cao chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới để tham gia, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và khoa học – công nghệ trở thành yếu tố then chốt, mang tính quyết định để các nước đang phát triển bắt kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến.
Giáo dục đại học, những trăn trở và mong muốn…
Trước đó, sáng 17/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ Hội thảo giáo dục 2018, với chủ đề “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập Quốc tế”
Hội thảo có sự tham gia của Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ…và sự tham gia của gần 200 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các vị đại biểu Quốc hội, đại diện Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, doanh nhân…
Hội thảo Giáo dục Đại học- Chuẩn hóa và hội nhập
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục đại học, đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho giáo dục đại học phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng. Nhờ đó mạng lưới các trường đại học phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, cấp bậc và ngành nghề đào tạo; quy mô đào tạo tăng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân; các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện. Giáo dục đại học đã cung cấp cho đất nước hàng triệu nhân lực có trình độ đại học, hàng vạn cán bộ có trình độc thạc sĩ, tiến sĩ. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, đây là lực lượng giữ vai trò nòng cốt của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Trước sự vận động, phát triển không ngừng và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa, những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức, giáo dục đại học Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước mà còn có sự hội nhập, cạnh tranh.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập đến các vấn đề như tự chủ trong chuyên môn, tự chủ trong tài chính và các nguyên nhân khiến việc tự chủ gặp khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh: Dù giáo dục phổ thông còn rất nhiều điều chúng ta không hài lòng, nhưng theo đánh giá quốc tế đã được xếp vào nhóm 50 nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới. Còn giáo dục đại học Việt Nam không có mặt trong top 50 nước hàng đầu. Theo một số đánh giá, giáo dục đại học Việt Nam đứng khoảng 80 trên thế giới. Giáo dục đại học Việt Nam hãy phấn đấu đuổi theo giáo dục phổ thông…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo
ông Phan Thanh Bình cho rằng, giáo dục đại học là một khâu then chốt quyết định đối với chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Với sứ mệnh là nơi sáng tạo ra tri thức mới, thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu xã hội, giáo dục đại học giữ vai trò là đòn bẩy quyết định cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, hướng đến sự phồn vinh và thịnh vượng của đất nước.
“Chuẩn hóa và hội nhập Quốc tế” được xem là nền tảng, những yêu cầu cơ bản đối với sự nghiệp phát triển giáo dục đại học nước nhà. Đây cũng là vấn đề lớn, có tính thời sự, thu hút sự chú ý của xã hội và được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm.
Du học và sự chảy máu chất xám ở nước ngoài liệu có được hạn chế
Đầu tư cho con đi du học hiện nay đang trở thành một xu thế mà nhiều bậc phụ huynh và học sinh hướng đến. Nhiều gia đình đã tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi năm để cho con đi du học. Theo một số thông tin, hiện có gần 150.000 học sinh du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000- 40.000 USD mỗi năm. Tổng cộng, người Việt mỗi năm đang chi trên 3 tỉ đồng để con tiếp cận được nền giáo dục quốc tế.
Việc cho con học ở nước ngòai có những mặt tích cực như con được tiếp xúc nền văn hóa mới, có những trải nghiệm mới, nền giáo dục tiên tiến… thì mặt hạn chế trở thành nỗi lo lắng của các phụ huynh cũng tương đối nhiều, đó là con sẽ phải sống một mình nơi đất khách, quê người, sống xa bố mẹ ở lứa tuổi đang trưởng thành và dù đã bỏ ra lượng chi phí “khủng” nhưng khi tốt nghiệp, đi làm với đồng lương công chức thì con số đó là một sự đầu tư thua lỗ nặng, sự chênh lệch lớn.
Mặc dù cho con đi học là tốn kém, là lo lắng, là rủi ro…nhưng sau khi cân nhắc, đa số các gia đình có điều kiện về kinh tế, thậm chí cả những gia đình kinh tế không dư giả vẫn muốn cho con mình đi du học và phần lớn du học sinh sau khi học đã tìm cách ở lại làm việc tại nước ngoài.
Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện giáo dục IRED cho rằng, một “cuộc tháo chạy” khỏi giáo dục đang diễn ra và số tiền sẽ cao hơn nếu nhiều gia đình có đủ điều kiện cho con em đi du học.
Do đó, con số hơn 4,5 triệu người đang sống, học tập, làm việc tại nước ngoài là con số thực sự không nên vui mừng….
Hy vọng rằng, cùng với sự cải cách giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng; Sự nghiêm minh trong xử lý những sai phạm vừa qua; Chính sách thu hút nhân tài của Nhà nước cộng với những biện pháp tối ưu, minh bạch trong công tác giáo dục, sẽ xốc lại, vực dậy một nền giáo dục có bề dày lịch sử, có truyền thống “tôn sư, trọng đạo” lâu đời. Sẽ có chính sách giáo dục hợp lý, có những kỳ thi nghiêm minh để chọn ra những nhân tài thực sự cho đất nước và hạn chế tình trạng chảy máu chất xám ra nước ngoài.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận