Gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính – Một số vướng mắc và kiến nghị

Trên thực tế công tác cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng hình sự là một hành vi tố tụng căn bản, được thực hiện thường xuyên trong quá trình giải quyết bất kỳ vụ án hình sự nào. Hiện nay, phương thức “gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính” được rất nhiều cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng. Ngoài những mặt tích cực do dịch vụ bưu chính mang lại, việc gửi văn bản tố tụng hình sự thông qua phương thức này cũng có những mặt hạn chế nhất định.

1.Quy định của pháp luật về thủ tục gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính

Phương thức “gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính” là một trong bốn phương thức được quy định tại Điều 137 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 bao gồm: Cấp, giao, chuyển trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; niêm yết công khai; thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng.

Về thủ tục gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính, Điều 139 BLTTHS 2015 quy định như sau:

“Việc gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận văn bản tố tụng. Văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ xác nhận đã nhận được văn bản tố tụng”.

Theo quy định của Điều 142 BLTTHS 2015 thì trách nhiệm gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính thuộc về cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người được giao trách nhiệm. Nhìn chung, thủ tục gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính được quy định cơ bản, ngắn gọn.

2.Một số vướng mắc trong thực tiễn

Trong thực tiễn, việc áp dụng quy định về thủ tục gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính không trách khỏi những vướng mắc, tồn tại.

Thứ nhất, Điều 139 cũng như BLTTHS 2015 không quy định rõ trình tự, thủ tục tiến hành gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính nên thực tiễn các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện phương thức này. Điều 139 BLTTHS 2015 chỉ quy định “gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận” và có hồi báo tức là “văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Tuy nhiên, các văn bản thể hiện việc chuyển giao giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và tổ chức dịch vụ bưu chính, do tổ chức dịch vụ bưu chính lập sẵn áp dụng cho mọi đối tượng có yêu cầu dịch vụ bưu chính, không có phần nội dung để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ghi số hiệu, ngày tháng ban hành văn bản cũng như ghi thời gian triệu tập, mời người tham gia tố tụng và cũng không có mục nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính phải giao tận tay cho người nhận văn bản.

Thứ hai, công việc của tổ chức dịch vụ bưu chính trong việc nhận, vận chuyển và gửi văn bản tố tụng được thực hiện qua nhiều giai đoạn với nhiều nhân viên thực hiện nên nhân viên giao văn bản tố tụng hình sự tận tay cho người nhận không phải là nhân viên nhận văn bản từ cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ban đầu. Trong một số trường hợp, các văn bản tố tụng hình sự chỉ chuyển đến địa chỉ mà cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định trên bao thư còn việc người nhận có tên trên bao thư ký nhận hay không, không được nhân viên bưu điện quan tâm, thậm chí, có trường hợp không ghi họ tên người nhận mà chỉ có chữ ký. Trong một số trường hợp khác, người nhận nhờ khác nhận thay nhưng nhân viên bưu điện không ghi rõ người nhận là ai, quan hệ như thế nào với người nhận. Điều này dẫn đến hậu quả, trong quá trình giải quyết vụ án, khi đến thời gian người tham gia tố tụng được triệu tập nhưng người tham gia tố tụng không đến thì việc giải quyết vụ án phải hoãn lại và thủ tục  gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính chưa mang lại hiệu quả.

Ví dụ: A là người buôn bán phế liệu được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án trộm cắp tài sản bởi vì A tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có nhưng hề không biết tài sản đó do phạm tội mà có và được Tòa án B triệu tập đến phiên tòa phục vụ cho công tác xét xử. Tòa án B đã gửi văn bản thông báo triệu tập A đến phiên tòa phục vụ công tác xét xử qua dịch vụ bưu chính. Do không hiểu biết pháp luật và tâm lý lo sợ nên A đã nhờ người khác nhận văn bản tố tụng thay mình từ nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính. Khi đến thời hạn xét xử, Tòa án B mở phiên tòa xét xử thì A không đến, điều này dẫn đến hậu quả phiên tòa  bị hoãn, gây khó khăn cho Tòa án B trong quá trình giải quyết vụ án.

Thứ ba, việc gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính, trên thực tế đã xảy ra những trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gửi đúng ngày nhưng đến khi người tham gia tố tụng nhận được văn bản tố tụng thì đã quá thời điểm yêu cầu trong văn bản hoặc không đảm bảo đủ thời hạn do BLTTHS quy định, chứng tỏ việc văn bản được gửi đến có bảo đảm đúng thời điểm và người nhận có chấp hành đúng yêu cầu trong văn bản hay không còn phụ thuộc vào tiến độ làm việc của tổ chức dịch vụ bưu chính và nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính.

Thứ tư, về trách nhiệm gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính khoản 2 Điều 142 BLTTHS 2015 có quy định chế tài xử phạt như sau: “Người được giao trách nhiệm cấp, giao, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng nhưng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ theo quy định của Bộ luật này thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”. Như vậy, theo quy định này thì người được giao trách nhiệm văn bản tố tụng qua gửi dịch bưu chính nếu không thực hiện đúng quy định thì sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, khi xem xét lại Điều 139 BLTTHS 2015, lại không có quy định “người được giao trách nhiệm gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính” bao gồm những ai. Theo quan điểm của tác giả, Điều 139 BLTTHS cần bổ sung thêm quy định “người được giao nhiệm vụ gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính” và làm rõ những người đó bao gồm những ai. Ngoài ra, cần quy định thêm nhân viên của tổ chức dịch vụ bưu chính sẽ là người thực hiện việc gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính đến tay người nhận, để từ đó nếu có vi phạm xảy ra thì chế tài xử lý trách nhiệm tại khoản 2 Điều 142 sẽ thuyết phục, chặt chẽ hơn.

3.Kiến nghị hoàn thiện

Từ những vướng mắc đã nêu trên, để bảo đảm mang lại hiệu quả của phương thức gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị sau.

Thứ nhất, để quy định về thủ tục gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính chặt chẽ hơn, Điều 139 BLTTHS 2015 cần bổ sung và làm rõ quy định về người được giao trách nhiệm gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính bao gồm tổ chức dịch vụ bưu chính, nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính; bổ sung thêm quy định nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính là người thực hiện việc gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính đến tay người nhận. Qua đó, sau khi bổ sung, Điều 139 quy định như sau:

“Việc gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận văn bản tố tụng. Văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Người được giao trách nhiệm gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính bao gồm tổ chức dịch vụ bưu chính và nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính. Người thực gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính là nhân viên của tổ chức dịch vụ bưu chính.

Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày người nhận xác nhận đã nhận được văn bản tố tụng”.

Thứ hai, cần ban hành văn bản liên tịch giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC hướng dẫn thi hành quy định gửi văn bản tố tụng hình sự nói riêng cũng như văn bản tố tụng nói chung thông qua dịch vụ bưu chính để nâng cao trách nhiệm của tổ chức dịch vụ bưu chính, nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính trong công tác gửi văn bản tố tụng hình sự đến người nhận. Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể về thủ tục gửi văn bản tố tụng hình sự qua dịch vụ bưu chính, bảo đảm tính nhất quán của các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng phương thức gửi văn bản tố tụng này bằng cách đưa ra một mẫu biểu dành riêng cho hoạt động tố tụng thông qua dịch vụ bưu chính bao gồm: Phần nội dung thể hiện việc chuyển giao văn bản tố tụng giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và tổ chức dịch vụ bưu chính; phần nội dung để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ghi số hiệu, ngày tháng ban hành văn bản cũng như ghi thời gian triệu tập người tham gia tố tụng; mục nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính phải giao tận tay cho người nhận văn bản tố tụng…

 

Chuyển phát nhanh trên đường phố TP Hồ Chí Minh – Ảnh: Hà Giang/ báo Tổ Quốc

 

LÊ XUÂN QUANG (Tòa án quân sự khu vực, Quân khu 1)