Hạn chế, bất cập từ thực tiễn áp dụng  Điều 273 BLTTHS năm 2015

Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của TAND và TAQS. Tuy nhiên qua thực tiễn áp dụng đã có những bất cập cần khắc phục.

1. Quy định của pháp luật

Trước đây, BLTTHS năm 2003 từ Điều 170 đến Điều 175 không có quy định về nội dung này. Tuy nhiên, quy định về việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của TAND và TAQS lại được điều chỉnh bởi Điều 5 Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (TTLT số 01).

Để giải quyết bất cập của BLTTHS năm 2003, Điều 273 BLTTHS năm 2015 quy định:Khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện: 1. Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; 2. Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án”.

Từ quy định tại Điều 273 BLTTHS năm 2015, tinh thần của TTLT số 01 thì chỉ được tách vụ án để điều tra, truy tố xét xử riêng, nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Khi xét thấy cần tách vụ án để xét xử riêng, thì Tòa án quân sự đã thụ lý vụ án trao đổi với Viện kiểm sát quân sự có nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại phiên tòa về việc đó. Nếu Viện kiểm sát quân sự thống nhất với ý kiến của Tòa án quân sự, thì Tòa án quân sự trả hồ sơ cho Viện kiểm sát quân sự để giải quyết theo thẩm quyền. Trong trường hợp Viện kiểm sát quân sự không thống nhất với ý kiến của Tòa án quân sự, thì Tòa án quân sự đã thụ lý vụ án phải xét xử toàn bộ vụ án.

2. Hạn chế, bất cập

Nghiên cứu quy định tại Điều 273 BLTTHS năm 2015 cũng như TTLT số 01, thì việc tách vụ án trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội để Tòa án quân sự và Tòa án nhân dân xét xử theo thẩm quyền chỉ phù hợp khi bị cáo phạm nhiều tội và các tội đó là khác nhau. Tuy nhiên, nếu bị cáo phạm các tội giống nhau thì quy định tại Điều 273 BLTTHS cũng như TTLT số 01 lại gặp hạn chế, bất cập nhất định.

Ví dụ 1: Khoảng 20 giờ ngày 15/6/2020, Nguyễn Văn Đ đi bộ trên đường N2, thị trấn M, huyện ĐQ, tỉnh ĐN thì phát hiện anh Nguyễn Văn P (là quân nhân của đơn vị quân đội V) đang sử dụng điện thoại di động hiệu Iphone. Đ chạy đến rồi giật chiếc điện thoại di động của anh P, sau đó tẩu thoát. Qua định giá thì chiếc điện thoại của anh P trị giá 27 triệu đồng.

Khoảng 22 giờ ngày 30/6/2020, Nguyễn Văn Đ điều khiển xe máy cũng trên đường N2, thị trấn M, huyện ĐQ, tỉnh ĐN thì phát hiện chị Hoàng Kiều L đang mang giỏ xách đi bộ trên đường, Đ chạy xe tới rồi giật chiếc giỏ xách của chị L, sau đó tẩu thoát, bên trong giỏ xách có số tiền 150 triệu đồng. Hành vi của Nguyễn Văn Đ bị TAQS khu vực, Quân khu H xét xử và kết án 4 năm tù về tội “Cướp giật tài sản” theo khoản 1 Điều 171 BLHS năm 2015 liên quan đến hành vi cướp giật tài sản của anh Nguyễn Văn P; bị TAND huyện ĐQ xét xử và kết án 08 năm tù về tội “Cướp giật tài sản” theo khoản 2 Điều 171 BLHS năm 2015 liên quan đến hành vi cướp giật tài sản của chị Hoàng Kiều L. Tổng hợp hình phạt, Nguyễn Văn Đ phải chấp hành chung cho hai bản án là 12 năm tù.

Ví dụ 2: Khoảng 22 giờ 05 phút ngày 24/12/2019, Trần Thanh L đột nhập vào Cửa hàng điện thoại di động Viettel thuộc thành phố BH, tỉnh ĐN lấy trộm card điện thoại di động và số tiền bán hàng, tổng giá trị tài sản chiếm đoạt 615,7 triệu đồng. Sau đó, Trần Thanh L tiếp tục đột nhập vào Cửa hàng điện thoại di động FPT bên cạnh và lấy toàn bộ số tiền bán đựng trong tủ trị giá 575 triệu đồng. Trần Thanh L bị TAQS Quân khu H xét xử và kết án 15 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 4 Điều 173 BLHS năm 2015 và bị TAND tỉnh ĐN xét xử và kết án 14 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 4 Điều 173 BLHS năm 2015. Tổng hợp hình phạt, Trần Thanh L phải chấp hành chung cho hai bản án là 29 năm tù.

Từ hai ví dụ trên thấy rằng, nếu thực hiện đúng quy định tại Điều 273 BLTTHS năm 2015 về việc TAQS xétxử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS; TAND xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND, thì trong ví dụ 1, Nguyễn Văn Đ phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 12 năm tù, cao hơn mức tối đa của khoản 2 Điều 171 BLHS năm 2015 (mức tối đa của khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 là 10 năm tù); còn trong ví dụ 2, thì Trần Thanh L phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 29 năm tù, cao hơn mức tối đa của khoản 4 Điều 173 BLHS năm 2015 (mức tối đa của khoản 4 Điều 173 BLHS năm 2015 là 20 năm tù).

Đặt giả thiết, nếu hành vi của Nguyễn Văn Đ và Trần Thanh L chỉ bị một Tòa án (Tòa án quân sự hay Tòa án nhân dân) xét xử toàn bộ các hành vi phạm tội của bị cáo, thì Trần Văn Đ sẽ bị xét xử theo khoản 2 Điều 171 BLHS năm 2015, với tình tiết tăng nặng TNHS là “Phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 và mức hình phạt cao nhất Đ phải chịu tối đa chỉ 10 năm tù; Trần Văn L sẽ bị xét xử theo khoản 4 Điều 173 BLHS năm 2015, với tình tiết tăng nặng TNHS là “Phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 và mức hình phạt cao nhất đối với L tối đa cũng chỉ là 20 năm tù.

Như vậy, quy định tại Điều 273 BLTTHS năm 2015 có hạn chế, bất cập, đó là khi tách vụ án để Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS; TAND xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND, nếu các tội phạm đó là giống nhau thì khi quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt trong một số trường hợp sẽ gây bất lợi cho bị cáo, điều này không phù hợp với nguyên tắc xử lý tại điểm b khoản 1 Điều 3 BLHS năm 2015, đó là “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật…” như hai ví dụ được nêu như trên.

3. Kiến nghị hoàn thiện

Để giải quyết hạn chế, bất cập như trên trong trường hợp quyết định và tổng hợp hình phạt khi người phạm tội phạm những tội danh giống nhau, trong đó có tội thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự, có tội thuộc thẩm quyền của TAND, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm hướng dẫn như sau:

Phương án 1: Chỉ được tách vụ án khi bị cáo phạm những tội khác nhau, trong đó có tội thuộc thẩm quyền của TAQS, có tội thuộc thẩm quyền của TAND. Trường hợp bị cáo phạm những tội giống nhau thì TAQS xét xử toàn bộ vụ án.

Phương án 2: Chỉ được tách vụ án khi bị cáo phạm những tội khác nhau, trong đó có tội thuộc thẩm quyền của TAQS, có tội thuộc thẩm quyền của TAND. Trường hợp bị cáo phạm những tội giống nhau, trong đó có tội thuộc thẩm quyền của TAQS, có tội thuộc thẩm quyền của TAND, thì khi quyết định và tổng hợp hình phạt sẽ không được cao hơn mức tối đa của khung hình phạt nặng nhất được áp dụng đối với bị cáo.

Ví dụ, Nguyễn Văn A trộm cắp tài sản của đơn vị quân đội trị giá 30 triệu đồng và trộm cắp tài sản của công dân trị giá 50 triệu đồng. Hành vi của A bị TAQS xét xử theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 và TAND xét xử theo khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015. Khi quyết định và tổng hợp hình phạt, mức hình phạt chung đối với A không được quá 07 năm tù (mức cao nhất của khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015).

Trên đây là hạn chế, bất cập của Điều 273 BLTTHS sự năm 2015, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc./.

 

NGUYỄN HỒNG PHONG, NGUYỄN MẠNH CƯỜNG (Tòa án quân sự Quân khu 7)