Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn B có phạm tội tàng trữ trái phép súng săn không?” của tác giả Nguyễn Thị Thùy Giang đăng ngày 01/11/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.
Xét về dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”:
- Về chủ thể của tội tàng trữ vũ khí súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ có hai điều kiện:
Thứ nhất, chủ thể của tội tàng trữ súng săn được quy định là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, chủ thể của tội tàng trữ súng săn chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép, chiếm đoạt vũ khí hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội tàng trữ súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ người phạm tội với lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi tàng trữ của mình là trái quy định của pháp luật nhưng vẫn thực hiện.
- Khách thể: Hành vi phạm tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về vũ khí, công cụ hỗ trợ. Đối tượng tác động của tội phạm là các loại súng săn
- Mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội tàng trữ súng săn là hành vi người phạm tội thực hiện hành vi tàng trữ trái phép súng săn mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, hành vi tàng trữ này không nhằm mục đích trao đổi, mua bán, vận chuyển.
Trong vụ án này, B và X biết T sản xuất đạn chì, nên đã thỏa thuận đặt mua đạn chì của T để bán cho khách trên Facebook, khi có hàng gói lại và sử dụng các thông tin giả để gửi hàng cho khách qua Công ty TNHH G. Mẫu vật trong niêm phong thu giữ của B và T là đạn chì, thuộc đạn của súng săn. Khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, quy định: “Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này”. Có thể hiểu thành tố tạo nên súng săn là súng kíp, súng hơi và đạn. Vì vậy, không thể coi 01 viên đạn sử dụng cho súng kíp hoặc súng hơi là một “đơn vị súng săn được”.
Theo quy định Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 của Bộ luật Hình sự, điểm a khoản 7 Điều 4 Nghị quyết quy định: “vật phạm pháp có số lượng lớn” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 306 Bộ luật Hình sự: a) Từ 11 đến 100 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng; điểm a khoản 8 Điều 4 quy định: “vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 306 của Bộ luật Hình sự: a) Từ 101 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên.
Đối với vật phạm pháp là đạn sử dụng cho các loại súng săn thì vật phạm pháp với số lượng lớn là 11-100 viên, được tính tương đương với 11-100 khẩu súng săn. Điều này chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn về vật phạm pháp là vũ khí quân dụng với số lượng lớn quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự theo khoản 1, 2, 3 Điều 4 của Nghị quyết.
Hơn nữa, khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP quy định: “Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 304 của Bộ luật Hình sự: a) Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên: từ 03 đến 10 khẩu; b) Đạn bộ binh kích cỡ 11,43 ly trở xuống: từ 301 đến 1.000 viên… ”. Theo đó, 301 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống mới tương thích 03 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên. Do đó, không thể coi 01 viên đạn sử dụng cho súng kíp hoặc súng hơi là 01 đơn vị súng săn, vì như vậy sẽ coi 01 viên đạn sử dụng cho súng săn bằng 01 khẩu súng săn là bất hợp lý.
Như vậy, Nguyễn Văn B tàng trữ 54.676 viên đạn chì chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn” theo khoản 1 Điều 306 BLHS năm 2015.
TAND tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm vụ án mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tạo trái phép vũ khí quân dụng - Ảnh: Văn Vũ.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận