Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Bài viết tóm tắt kết quả công tác nổi bật của các Tòa án trong năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025 của các Tòa án với phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Năm 2024, Tòa án các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, nhất là các tội phạm ma túy, xâm phạm trật tự an toàn giao thông, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm mạng... Các Tòa án vừa phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, vừa phải tiếp tục thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và chuẩn bị các điều kiện để triển khai Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Ngay từ đầu năm 2024, Ban cán sự đảng đã ban hành Nghị quyết số 512-NQ/BCS ngày 12/12/2023, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã ban hành Chỉ thị số 01/2024/CT-CA ngày 02/01/2024 để lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 của các TAND; trong đó đã yêu cầu các Tòa án tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 17 giải pháp đột phá[1] nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án. Trên cơ sở đó, các Tòa án đã khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch công tác với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và tổ chức thực hiện khẩn trương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, quyết tâm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác trong các nghị quyết của Quốc hội và của TANDTC đề ra.
1. Kết quả công tác của các Tòa án nhân dân năm 2024
1.1. Kết quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc
Trong năm 2024[2], Tòa án các cấp đã thụ lý 653.082 vụ việc, đã giải quyết được 585.932 vụ việc (đạt tỷ lệ 89,72%; cao hơn năm trước 0,56%). So với năm 2023, số vụ việc đã thụ lý tăng 46.873 vụ việc (tăng 7,73%); đã giải quyết tăng 45.442 vụ việc (tăng 8,4%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,77%, thấp hơn năm trước 0,12% và đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%). Tình hình thụ lý, giải quyết từng loại vụ việc cụ thể như sau:
1.1.1. Về giải quyết, xét xử các vụ án hình sự
Tòa án các cấp thụ lý 103.364 vụ với 200.616 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 101.487 vụ với 194.237 bị cáo, đạt tỷ lệ 98,18% về số vụ và 96,82% về số bị cáo, cao hơn năm trước 0,18% về số vụ và 0,47% về số bị cáo, vượt 10,18% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 88%). So với năm 2023, thụ lý tăng 7.280 vụ với 17.899 bị cáo; giải quyết, xét xử tăng 7.326 vụ với 18.197 bị cáo. Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 86.506 vụ với 171.506 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 85.524 vụ với 167.422 bị cáo; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 16.663 vụ với 28.764 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 15.795 vụ với 26.519 bị cáo; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 195 vụ với 346 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 168 vụ với 296 bị cáo. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,56% (do nguyên nhân chủ quan 0,45%); bị sửa là 4,66% (do nguyên nhân chủ quan 0,31%), đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
Về thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, Tòa án các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 5.514 vụ với 12.948 bị cáo; đã xét xử 4.844 vụ với 10.376 bị cáo (so với năm 2023, thụ lý tăng 1.784 vụ với 4.278 bị cáo, xét xử tăng 1.647 vụ với 3.959 bị cáo); thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 1.276 vụ với 2.488 bị cáo; đã xét xử 873 vụ với 1.696 bị cáo; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 27 vụ với 50 bị cáo; đã xét xử 21 vụ với 39 bị cáo. Trong đó, các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 1.154 vụ với 3.201 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đã xét xử 917 vụ với 2.418 bị cáo (so với năm 2023, thụ lý tăng 407 vụ với 1.401 bị cáo; đã xét xử tăng 355 vụ với 1.211 bị cáo); thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 425 vụ với 846 bị cáo; đã xét xử 300 vụ với 586 bị cáo; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 04 vụ với 10 bị cáo; đã xét xử 03 vụ với 09 bị cáo.
Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 09 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 02 vụ án, đã xét xử 01 vụ án. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh, bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu; đã thụ lý 629 vụ án với 1.802 bị cáo; đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm 459 vụ án với 1.176 bị cáo; xét xử theo thủ tục phúc thẩm 103 vụ án với 238 bị cáo; quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 31 vụ án với 127 bị cáo. Các Tòa án đã phối hợp tốt với liên ngành tố tụng ở Trung ương chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo như: vụ án Việt Á, Tân Hoàng Minh, vụ án chuyến bay giải cứu, vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát... Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án với nhiều bị cáo gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc lớn trong xã hội[3] được đông đảo dư luận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá cao, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự cho thấy, số lượng các vụ án mà các Tòa án thụ lý tiếp tục tăng với tính chất, mức độ phức tạp, quy mô, thủ đoạn phạm tội tinh vi. Việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả. TAND các cấp đã tổ chức 16.663 phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự, qua đó giúp các Thẩm phán tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa.
1.1.2. Về giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động
Tòa án các cấp đã thụ lý 498.632 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 436.372 vụ việc; đạt tỷ lệ 87,51%, cao hơn năm trước 0,47% và vượt 9,51% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 78%). So với năm 2023, số thụ lý tăng 29.804 vụ; giải quyết, xét xử tăng 28.302 vụ. Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 474.639 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 413.778 vụ việc; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 23.214 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 21.861 vụ việc; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 779 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 733 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,6% (do nguyên nhân chủ quan 0,32%); bị sửa là 1,41% (do nguyên nhân chủ quan 0,38%), đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
Thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự cho thấy, các tranh chấp dân sự chủ yếu là tranh chấp liên quan đến đất đai, thừa kế tài sản, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng... Các Tòa án đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết tốt vụ việc. Các Tòa án đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án; đã hòa giải thành 142.128 vụ việc bằng 34,34% tổng số các vụ việc dân sự sơ thẩm đã giải quyết, góp phần củng cố đoàn kết trong nhân dân. TAND các cấp đã tổ chức 4.316 phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực dân sự, qua đó giúp các Thẩm phán tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa.
1.1.3. Về giải quyết, xét xử các vụ án hành chính
Các Tòa án thụ lý 13.009 vụ; đã giải quyết, xét xử được 10.006 vụ, đạt tỷ lệ 76,92%, cao hơn năm trước 1,85% và vượt 16,92% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 60%). So với năm 2023, thụ lý tăng 847 vụ; đã giải quyết, xét xử tăng 876 vụ. Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 9.796 vụ, đã giải quyết, xét xử 7.043 vụ; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 3.137 vụ, đã giải quyết, xét xử 2.893 vụ; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 76 vụ, đã giải quyết, xét xử 70 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 2,75% (do nguyên nhân chủ quan 1,6%); bị sửa là 3,27% (do nguyên nhân chủ quan 1,98%).
Trong quá trình giải quyết, các Tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa các bên; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật; phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp tổ chức 282 phiên tòa rút kinh nghiệm... Các Tòa án đã đối thoại thành 859 vụ việc, chiếm tỷ lệ 12,2% so với tổng số các vụ án hành chính sơ thẩm đã giải quyết. Với nhiều giải pháp quyết liệt đề ra, mặc dù các vụ án hành chính thụ lý tăng so với năm trước nhưng các Tòa án đã bảo đảm tiến độ, thời hạn giải quyết, tính đến ngày 30/9/2024, không có vụ án hành chính quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ giải quyết tiếp tục được nâng lên, tăng 1,85% so với năm trước.
1.1.4. Về thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
TANDTC đã chỉ đạo Tòa án các cấp tiếp tục làm tốt công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ; phát hành cuốn Sổ tay nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Tờ rơi tuyên truyền, phổ biến Luật; cuốn Chỉ dẫn Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án… TANDTC đã ban hành Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử, trong đó có giải đáp một số vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Các Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên là những người hiểu biết về pháp luật, có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực công tác, hiểu biết về phong tục tập quán và có uy tín trong cộng đồng dân cư… Trong năm 2024, các Tòa án đã nhận 304.106 đơn khởi kiện (299.190 đơn dân sự; 4.916 đơn hành chính) đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại theo quy định. Trong số 144.000 đơn đương sự đồng ý hòa giải, các Tòa án đã giải quyết 131.830 vụ việc, đạt tỷ lệ 91,55%.
1.2. Tích cực tham gia xây dựng thể chế, tăng cường xây dựng và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật
TANDTC đã hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với hồ sơ Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đã được Quốc hội thông qua ngày 30/11/2024 và hồ sơ Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng; xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Đặc biệt, đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Ngoài ra, TANDTC còn phối hợp bộ, ngành có liên quan xây dựng 14 dự án Luật[4].
Xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật là nhiệm vụ mà lãnh đạo TANDTC rất quan tâm. Hằng tháng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đều dành thời gian nhất định để tập trung cho việc xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; tăng cường tổ chức đối thoại trực tuyến với Thẩm phán TAND các cấp để kịp thời giải đáp những vướng mắc trong thực tiễn xét xử, góp phần nâng cao chất lượng công tác. Chánh án TANDTC đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC ngày 28/12/2023 hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, Chỉ thị số 04/2024/CT-CA ngày 31/7/2024 về triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 04 nghị quyết[5] hướng dẫn áp dụng pháp luật, hiện đang nghiên cứu, xây dựng 14 dự thảo nghị quyết và 01 thông tư của Chánh án TANDTC.
TANDTC đã ban hành Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử; Công văn số 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử; sơ kết thực tiễn 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự; tổng kết thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật Hình sự về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, tội phạm ma túy; rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; tổng kết chuyên sâu thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự… liên quan đến chủ thể là người chưa thành niên nhằm phục vụ việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính và Luật Phá sản năm 2014; tổng kết thực tiễn thi hành các quy định về pháp luật thừa kế, giải quyết tranh chấp về đặt cọc; công bố thêm 09 án lệ, nâng tổng số án lệ được thông qua lên 72 án lệ.
Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật được TANDTC ban hành đều bảo đảm chất lượng, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phù hợp với quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật và làm tốt công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật đã góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.
1.3. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ
TANDTC đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2024. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng giải quyết các loại vụ án, TANDTC thường xuyên tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc; hội thảo chuyên sâu về kỹ năng xét xử các loại vụ án[6]; tổ chức biên soạn, chỉnh lý hệ thống giáo trình, xây dựng các chuyên đề, bài giảng. Bên cạnh đó, tổ chức tốt các lớp đào tạo các chức danh tư pháp thuộc TAND; thường xuyên cử công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài.
TAND các cấp đã tổ chức được 21.261 phiên tòa rút kinh nghiệm[7], qua đó giúp các Thẩm phán đề cao tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị xét xử, nâng cao kinh nghiệm tổ chức phiên tòa.
1.4. Về công tác cán bộ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kỷ cương, kỷ luật công vụ
Tính đến ngày 30/9/2024, các TAND có 14.015 biên chế (gồm 6.399 Thẩm phán, 02 Thẩm tra viên cao cấp và tương đương, 482 Thẩm tra viên chính và tương đương, 6.835 Thẩm tra viên, Thư ký và tương đương, 88 viên chức và 209 chức danh khác). Chánh án TANDTC đã trình Chủ tịch nước phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán đối với 633 trường hợp; đề nghị chưa bổ nhiệm lại Thẩm phán để kiểm điểm xử lý trách nhiệm theo quy định đối với 11 trường hợp. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được quan tâm. Công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái được thực hiện theo đúng quy định. TANDTC đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức kỳ thi tuyển dụng công chức Thư ký viên TAND năm 2024; tổ chức thi Thẩm phán đối với 681 người đủ điều kiện dự thi; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức lên các ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương đối với 185 người. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt danh mục vị trí việc làm và nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với các chức vụ lãnh đạo quản lý và chức danh chuyên môn trong TAND…
Bên cạnh việc củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, các Toà án luôn chú trọng quan tâm công tác Hội thẩm nhân dân. TAND các cấp hiện có 16.783 Hội thẩm nhân dân. Đội ngũ Hội thẩm nhân dân về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử; việc phân công Hội thẩm tham gia phiên tòa bảo đảm thống nhất, khoa học.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức, người lao động có hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. TANDTC đã thành lập các Đoàn kiểm tra do các đồng chí Lãnh đạo, Thẩm phán TANDTC làm Trưởng đoàn để kiểm tra công tác chuyên môn năm 2023 của các TAND cấp cao và TAND 02 cấp tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đã tổ chức 217 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 360 đơn vị; trong đó TANDTC đã tiến hành 09 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ, qua đó chỉ ra những thiếu sót, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức, Thẩm phán. Ban cán sự đảng TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 29-KH/BCSĐ ngày 26/10/2023 thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, để tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 03/2023/CT-CA ngày 12/12/2023 về việc tăng cường thực hiện kỷ cương, kỷ luật công vụ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong các TAND. Lãnh đạo các Tòa án, đơn vị đã tăng cường quản lý cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức TAND; Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán và Quyết định số 120/QĐ-TANDTC về xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị và công tác này sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới.
1.5. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí và củng cố, hiện đại cơ sở vật chất
TANDTC đã ban hành các văn bản cụ thể hóa chế độ chính sách, tiêu chuẩn, định mức phù hợp với đặc thù, điều kiện và yêu cầu quản lý của TAND. Kịp thời xây dựng phương án phân bổ ngân sách năm 2024 cho các đơn vị dự toán trực thuộc bảo đảm đúng định mức, công khai, minh bạch và công bằng giữa các đơn vị. Việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của hệ thống TAND. TANDTC đã hoàn thành công tác rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2025 - 2027 gửi Bộ Tài chính; hoàn thành việc thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng trụ sở TANDTC tại số 262 Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
1.6. Về thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp
Việc triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp được các Tòa án quan tâm thực hiện nghiêm túc. Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC đang chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các đề án[8] nhằm thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng chế định tố tụng tư pháp; lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
1.7. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp và chuyển đổi số
Về cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tiếp tục tập trung vào việc thực hiện tốt mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân khi có công việc liên quan tới Tòa án. Thực hiện nghiêm Thông tư số 01/2022/TT-TANDTC ngày 15/12/2022 quy định việc phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án để bảo đảm việc phân công Thẩm phán giải quyết vụ án được khách quan, công bằng.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Tòa án, sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến và Trung tâm giám sát điều hành hoạt động TAND; tiếp tục ứng dụng có hiệu quả các phần mềm nội bộ dùng chung và các dịch vụ công[9]; huấn luyện và bổ sung tri thức cho Trợ lý ảo[10]. Xây dựng tính năng hỗ trợ Thẩm phán tự động mã hóa bản án để đăng tải lên Cổng thông tin điện tử. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp Bộ, ngành.
Công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; tính đến nay, đã công bố được gần 1,6 triệu bản án, quyết định với tổng số hơn 190 triệu lượt truy cập. Qua đó đề cao trách nhiệm của Thẩm phán, nâng cao chất lượng xét xử, tạo cơ chế giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Tòa án.
1.8. Về công tác thông tin, tuyên truyền
Công tác thông tin, tuyên truyền được tăng cường theo hướng nâng cao chất lượng thông tin, phục vụ tốt các hoạt động của TAND. Trong năm 2024, các cơ quan báo chí, truyền thông của TANDTC đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo công tác thông tin-tuyên truyền TAND, chủ động thông tin, tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân và xã hội, lan tỏa ngày một sâu rộng vị thế của Tòa án cũng như hình ảnh cán bộ Tòa án và người Thẩm phán, kết quả nổi bật là:
Tạp chí Tòa án nhân dân tiếp tục chủ động bám sát, tuyên truyền có hiệu quả các hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TANDTC và TAND các cấp trong cả nước; tuyên truyền đầy đủ, kịp thời việc triển khai thi hành các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp trên cả Tạp chí in và Tạp chí điện tử. Chủ động, kịp thời tuyên truyền về các hoạt động lớn, quan trọng của TANDTC, đặc biệt là các hoạt động về cải cách tư pháp, tổ chức bộ máy, xây dựng Tòa án điện tử, phiên tòa trực tuyến triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, phát triển án lệ; các dự thảo luật do TANDTC chủ trì xây dựng như Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tư pháp người chưa thành niên, dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng…
Báo Công lý có nhiều đổi mới về công tác thông tin, tuyên truyền. Các ấn phẩm báo in, báo điện tử, Truyền hình TAND tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thông tin kịp thời, toàn diện các kỳ họp Quốc hội; hoạt động của Chánh án, Hội đồng Thẩm phán TANDTC và các mặt công tác của hệ thống TAND.
Cổng Thông tin điện tử TANDTC kịp thời đăng tải các hoạt động của Chánh án, Hội đồng Thẩm phán TANDTC và các mặt công tác của hệ thống TAND, đóng vai trò là nguồn cung cấp thông tin chính thống của hệ thống TAND.
1.9. Các mặt công tác khác đạt kết quả quan trọng
Về hợp tác quốc tế, tổ chức tốt các đoàn đại biểu đi thăm, làm việc với đối tác nước ngoài, tham dự các hội nghị quốc tế tổ chức bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến nhằm tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Tham gia tích cực vào việc xây dựng thể chế và triển khai các hoạt động hợp tác của Hội đồng Chánh án ASEAN[11]. Đã tổ chức thành công Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới 03 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, đánh dấu sự nâng tầm hợp tác giữa hệ thống tư pháp ba nước.
Công tác thi đua - khen thưởng tiếp tục được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các TAND[12]. Công tác khen thưởng được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm khen đúng đối tượng, thành tích theo quy định. Công tác tuyên truyền, xây dựng điển hình tiên tiến được chú trọng; chủ động phát hiện, nêu gương và nhân rộng gương người tốt việc tốt, cá nhân điển hình tiên tiến, vinh danh Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu, Thẩm phán mẫu mực, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, góp phần động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, Thẩm phán TAND nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025
Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; cả nước phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025. Đồng thời phải, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhưng không làm ảnh hưởng, cản trở mà là để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế[13]. Đối với hệ thống TAND, các Tòa án tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và đặc biệt là triển khai Luật Tổ chức TAND năm 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, yêu cầu các nghị quyết của Quốc hội đề ra, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo TANDTC đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025 với phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, trong đó chú trọng các nhiệm vụ sau đây:
Một là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; phẩm chất đạo đức; ý thức tổ chức kỷ luật; tinh thần trách nhiệm; bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức. Quán triệt phương châm hành động “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả” đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tòa án.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong xét xử các vụ án, bảo đảm xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước. Chủ động làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết vụ án. Tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để góp phần giảm áp lực công việc của các Tòa án.
Hai là, coi trọng công tác tổ chức cán bộ. Tập trung nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2024. Theo dõi, hướng dẫn các TAND địa phương về công tác giới thiệu nhân sự lãnh đạo Tòa án tham gia cấp ủy cùng cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Thực hiện tốt công tác tổ chức thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán theo kế hoạch được phê duyệt để kịp thời bổ sung Thẩm phán cho Tòa án các cấp. Làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác gắn với tăng cường đào tạo, rèn luyện, thử thách và phòng chống tiêu cực, trì trệ; đồng thời đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho TAND các cấp.
Ba là, tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Hoàn thành các dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo bảo đảm tiến độ, chất lượng; tích cực tham gia xây dựng các dự án luật do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo. Rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các Tòa án để kịp thời ban hành các nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; tăng cường nghiên cứu, lựa chọn, phát triển án lệ.
Bốn là, đa dạng các hình thức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giải đáp vướng mắc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến toàn ngành để thống nhất nhận thức pháp luật; chú trọng đào tạo thông qua việc rút kinh nghiệm công tác xét xử, tự đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng công tác trong cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và các kiến thức kinh tế - xã hội. Bổ sung đội ngũ giảng viên cho Học viện Tòa án; xây dựng cơ sở học liệu phong phú, hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên và học viên.
Năm là, khẩn trương nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy thanh tra theo Luật Tổ chức TAND năm 2024 để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra. Bảo đảm kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với các vi phạm của công chức, viên chức và người lao động trong phạm vi quản lý. Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành theo quy định; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các Tòa án. Nghiên cứu xây dựng Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của TAND; xây dựng dự thảo Thông tư về việc xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong hệ thống TAND.
Sáu là, công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng và bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện các đề án, chương trình trọng điểm của TAND. Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở của các Tòa án, trang bị phòng xét xử trực tuyến đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Bảy là, chủ động mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ song phương với các nước, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực. Triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tranh thủ nguồn tài trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án. Tích cực tham gia vào các thiết chế tư pháp quốc tế; thực hiện tốt các điều ước quốc tế, các hoạt động tương trợ tư pháp.
Tám là, tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, bảo đảm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án; tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “hành chính tư pháp” để thực hiện cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau các phiên tòa.
Chín là, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của TAND, tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hệ thống TAND, các chủ trương lớn về cải cách tư pháp; thông tin, tuyên truyền về phát động, tổ chức phong trào thi đua, các hoạt động của các cụm thi đua và các TAND chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Cánh mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 80 năm Ngày truyền thống TAND…
Kết luận
Năm 2024, Tòa án các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC, hệ thống TAND đã đạt và vượt các chỉ tiêu công tác trong nghị quyết của Quốc hội và của TANDTC đề ra. Trong năm 2025, các Tòa án nỗ lực, quyết tâm “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả” để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp năm 2013.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
2. Nghị quyết số 512-NQ/BCS ngày 12/12/2023 của Ban cán sự đảng TANDTC về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2024 của Tòa án nhân dân.
3. Chỉ thị số 01/2024/CT-CA ngày 02/01/2024 của Chánh án TANDTC về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024.
4. Báo cáo số 83/BC-TA ngày 10/10/2024 của Chánh án TANDTC về công tác của các Tòa án tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
5. Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-ve-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2025-102241112184705562.htm, truy cập ngày 25/11/2024.
[1] (1) Triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; (2) tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; (3) đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; (4) nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; (5) công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân; (6) nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự; (7) tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; (8) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án; (9) tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử; (10) nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án; (11) tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; (12) đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án; (13) bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho các Tòa án; (14) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án; (15) làm tốt công tác thi đua, khen thưởng; (16) triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; (17) tăng cường kỷ cương, kỷ luật; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, người lao động Tòa án các cấp.
[2] Số liệu được thống kê từ ngày 01/10/2023 đến ngày 30/9/2024.
[3] Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2); vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan; vụ án Nguyễn Ngọc Hai và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Dự án khu thương mại, dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Golden Gate, 28E Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác nghiên cứu, sản xuất kit test Covid-19 với Công ty Việt Á); vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)…
[4] Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Chuyển giao người chấp hành án phạt tù; Luật Dẫn độ.
[5] (1) Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/5/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình; (2) Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐTP ngày 24/5/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự; (3) Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP ngày 10/6/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; (4) Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
[6] Tổ chức 08 hội nghị tập huấn nghiệp vụ trực tuyến trong toàn hệ thống TAND với các chuyên đề gắn với hoạt động của TAND, đặc biệt là 01 hội nghị về tổ chức xét xử trực tuyến tại TAND cấp cao tại Hà Nội, 01 hội nghị giải đáp chuyên môn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
[7] Gồm 16.663 phiên tòa hình sự, 4.598 phiên tòa dân sự và hành chính.
[8] Gồm: Đề án xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, lập pháp; Đề án nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp; Đề án cơ chế thu hồi tài sản không thông qua thủ tục kết tội bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; xây dựng cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án, vụ việc...
[9] Phần mềm nộp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và nhận các văn bản thông báo tố tụng; đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; nộp tạm ứng án phí trực tuyến; đăng ký cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án giúp người dân dễ dàng giải quyết công việc tại Tòa án.
[10] Hiện có hơn 16 nghìn tài khoản đăng ký sử dụng Trợ lý ảo; trong năm 2024 có hơn 6 triệu lượt hỏi đáp; 40.568 câu hỏi tình huống và trả lời gửi về ban biên tập để phục vụ huấn luyện Trợ lý ảo.
[11] Hội nghị hẹp Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ nhất được tổ chức tại Malaysia đã thống nhất các nội dung quan trọng về: xây dựng năng lực cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án; Cổng thông tin tư pháp ASEAN; hướng dẫn cách thức liên lạc, chia sẻ thông tin giữa các Tòa án ASEAN…
[12] Thông tư số 01/2024/TT-TANDTC ngày 11/4/2024 của Chánh án TANDTC quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân; Quyết định số 337/KH-TANDTC-TĐKT ngày 15/9/2023 ban hành kế hoạch tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023; Quyết định số 551/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 28/12/2023 ban hành Kế hoạch thực hiện công tác thi đua, khen thưởng năm 2024; Quyết định số 414/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 27/10/2023 về việc phân công đơn vị Trưởng cụm, Phó Trưởng cụm tại các Cụm thi đua Tòa án nhân dân năm 2024…
[13] Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-ve-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2025-102241112184705562.htm, truy cập ngày 25/11/2024.
Bài viết tổng hợp trên cơ sở Báo cáo số 83/BC-TA ngày 10/10/2024 của Chánh án TANDTC về công tác của các Tòa án tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và một số báo cáo khác của TANDTC.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận