Hiệu lực của giao dịch định đoạt tài sản chung sau khi vợ hoặc chồng đã chết
Trong thời gian vừa qua, khi giải quyết các vụ án có liên quan đến giao dịch dân sự do một trong hai vợ chồng định đoạt tài sản chung sau khi một trong hai vợ hoặc chồng đã chết, các Tòa án còn chưa thống nhất về việc xác định hiệu lực của các giao dịch dân sự này.
Có Tòa án xác định giao dịch dân sự vô hiệu toàn bộ, có Tòa án xác định giao dịch dân sự vô hiệu một phần, có Tòa án xác định giao dịch dân sự có hiệu lực.
1.Một vụ án cụ thể
1.1. Nội dung
Cụ Nay Văn K và cụ Huỳnh Thị V có 07 người con chung. Hai cụ tạo lập được thửa đất đo thực tế là 890m2 thuộc thửa số 19, tờ bản đồ số 10, thị trấn N, huyện C, tỉnh G; cụ K đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp tạm thời ngày 23/10/1987 đối với diện tích đất 300m2. Cụ V chết năm 1992, không để lại di chúc. Năm 2013, cụ K làm đơn báo mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời để làm thủ tục cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 22/10/2013, Ủy ban nhân dân huyện C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên cụ K diện tích đất 890m2, gồm 300m2 đất thổ cư và 590m2 đất trồng cây lâu năm.
Ngày 01/11/2013 cụ K lập hợp đồng tặng cho vợ chồng anh C, chị L (là cháu nội của cụ K) 180,4m2 đất. Ngày 03/12/2013, anh C, chị L được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 20/7/2016, anh C, chị L đã thế chấp quyền sử dụng đất nêu trên tại Ngân hàng C vay số tiền 1.200.000.000 đồng.
Ngày 24/02/2014, cụ K lập hợp đồng tặng cho vợ chồng bà S, ông V (bà S là con gái cụ K) diện tích 233,5m2 đất. Ngày 31/3/2014, bà S và ông V được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 30/8/2016 bà S, ông V thế chấp quyền sử dụng đất nêu trên tại Ngân hàng A vay số tiền 3.050.000.000 đồng.
Ngày 28/9/2017, cụ K lập hợp đồng tặng cho riêng bà S diện tích 476m2 đất. Ngày 02/11/2017, bà S được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 12/12/2017, bà S thế chấp quyền sử dụng đất tại Ngân hàng T vay số tiền 1.800.000.000 đồng.
Nguyên đơn là ông Nay Văn Tr khởi kiện cho rằng: Đất là tài sản chung của cụ K, cụ V (cha mẹ của ông) tạo lập, cụ K tặng cho vượt quá phần tài sản của cụ K là không đúng, xâm phạm đến quyền thừa kế của các đồng thừa kế khác. Ông Tr đề nghị Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cụ K, hủy các hợp đồng tặng cho QSD đất cụ K đã lập và trả lại nguyên trạng tài sản hai cụ tạo lập cho các đồng thừa kế.
Bị đơn là cụ Nay Văn K đã chết ngày 05/11/2018; người kế thừa quyền, nghĩa vụ của cụ K là bà S trình bày: Các Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ K với bà là đúng quy định của pháp luật, bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
1.2.Quá trình giải quyết vụ án
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2019/DS-ST ngày 26/8/2019, Tòa án nhân dân tỉnh G quyết định (tóm tắt):
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Tr.
- Tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ K với ông V, bà S ngày 24/02/2014 vô hiệu.
- Tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ K với bà S ngày 28/9/2017 vô hiệu.
- Tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 01/11/2013 giữa cụ K với anh C, chị L vô hiệu một phần đối với phần đất ngang 0,1m, dài 44m.
- Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Ủy ban nhân dân huyện C, tỉnh G cấp ngày 22/10/2013 cho người sử dụng đất là cụ K.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tr về việc yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cấp ngày 02/11/2017 cho bà S.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tr về việc yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do UBND huyện C cấp ngày 03/12/2013 cho anh C, chị L.
4. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tr về việc yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do UBND huyện C cấp ngày 31/3/2014 cho ông V, bà S.
Ngày 30/8/2019, ông Tr có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 14/2020/DS-PT ngày 24/02/2020, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 27/8/2020 ông Tr có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên vì cho rằng: Vợ chồng ông V, bà S và anh C, chị L đã thế chấp các thửa đất để vay tiền Ngân hàng, Toà án không huỷ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho anh C, chị L, ông V, bà S là không đúng, ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của gia đình ông.
Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 63/2021/KN-DS ngày 30/9/2021, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2019/DS-ST ngày 26/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh G; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh G giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 66/DS-GĐT ngày 07/12/2021, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định: Hủy Bản án dân sự phúc thẩm và Bản án dân sự sơ thẩm; Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh G giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.
Nhận định của Quyết định giám đốc thẩm đối với những sai sót của Bản án sơ thẩm, phúc thẩm (tóm tắt):
Diện tích đất 890m2 là tài sản chung của vợ chồng cụ V và cụ K. Cụ V chết năm 1992. Di sản thừa kế của cụ V được xác định là ½ diện tích đất (445m2), còn lại ½ diện tích đất (445m2) là tài sản của cụ K (trong đó có 150m2 là đất thổ cư và 295m2 là đất trồng cây lâu năm). Di sản thừa kế của cụ V chưa chia nên là tài sản chung theo phần của các đồng thừa kế của cụ V (gồm cụ K và 07 người con). Việc cụ K đứng tên kê khai và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất 890m2 nhưng chưa có ý kiến của những người thừa kế khác của cụ V là không đúng.
Trong trường hợp này tài sản của cụ K là diện tích đất 445m2 và 01 kỷ phần thừa kế tài sản của cụ V là 55,6m2, tổng cộng bằng 500,6m2.
Vì vậy, ngày 01/11/2013 cụ K lập Hợp đồng tặng cho anh C, chị L diện tích đất 180,4m2 và ngày 24/02/2014 lập Hợp đồng tặng cho bà S, ông V diện tích đất 233,5m2 là nằm trong khối tài sản của cụ K có quyền định đoạt. Do đó, các hợp đồng tặng cho này có hiệu lực pháp luật. Do các Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ K với anh C, chị L và giữa cụ K với bà S, ông V có hiệu lực pháp luật, nên các Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất giữa anh C, chị L với Ngân hàng C ngày 20/7/2016 và Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất giữa bà S và ông V với Ngân hàng A ngày 30/8/2016 là đúng quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày 24/02/2014 giữa cụ K với bà S, ông V đối với 233,5m2 đất và một phần hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ K với anh C, chị L vô hiệu là không đúng.
Đối với Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng 476,1m2 đất giữa cụ K với bà S ngày 28/9/2017, là vượt quá phần tài sản của cụ K có quyền định đoạt, ảnh hưởng đến quyền hưởng thừa kế của các đồng thừa kế khác nên vô hiệu. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định hợp đồng này vô hiệu là có căn cứ. Mặt khác, diện tích đất cụ K tặng cho bà S nêu trên, ngày 12/12/2017 bà S thế chấp tại Ngân hàng T để vay tiền, nhưng thực tế, ông Tr là người đang quản lý, sử dụng đất và trên đất có các tài sản của ông Tr. Do đó, khi giải quyết lại vụ án cần làm rõ quá trình lập hồ sơ tín dụng thì Ngân hàng T có thẩm định tài sản thế chấp không. Cần làm rõ các tài sản trên đất là của ông Tr hay của bà S. Trong khi chưa làm rõ các nội dung nêu trên, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã xác định giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất giữa bà S với Ngân hàng T ngày 12/12/2017 ngay tình là chưa đủ căn cứ.
2.Các vấn đề pháp lý đặt ra
2.1. Chế độ tài sản chung của vợ chồng khi một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết
Khoản 1, khoản 2 Điều 213 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. 2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.”
Tại khoản 1, khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản. 2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế”.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật dân sự thì sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia; khi cả hai vợ, chồng còn sống thì vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Do đó, trường hợp chỉ có một người vợ hoặc chồng thực hiện giao dịch dân sự định đoạt tài sản chung của vợ chồng mà không có ý kiến đồng ý của người kia thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Tuy nhiên, khi một bên vợ hoặc chồng chết trước không để lại di chúc, chúng ta có thể áp dụng Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình để xác định lúc này tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng được chuyển thành sở hữu chung theo phần của người vợ hoặc người chồng còn sống và những người thừa kế của người vợ hoặc chồng đã chết. Khi một bên vợ hoặc chồng chết, mặc dù chưa có ai yêu cầu chia thừa kế di sản nhưng khi người còn sống thực hiện các giao dịch tặng cho, chuyển nhượng, thế chấp tài sản …. thì thời điểm này xác định là họ có nhu cầu chia tài sản để thực hiện quyền định đoạt của mình. Khi có tranh chấp đề nghị hủy hoặc công nhận các giao dịch dân sự do người vợ hoặc chồng còn sống thực hiện mà không có sự đồng ý của những người sở hữu chung khác, thì trường hợp này Tòa án phải tiến hành xác định phần tài sản của từng người trong khối tài sản chung để xác định quyền định đoạt tài sản của họ làm căn cứ xác định hiệu lực của giao dịch. Theo đó cần xác định phần tài sản của người vợ hoặc chồng còn sống là ½ khối tài sản chung và kỷ phần thừa kế họ được hưởng từ người vợ hoặc chồng đã chết theo quy định của pháp luật thừa kế.
Chính vì vậy mà Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã nhận định cho rằng tài sản của cụ K được xác định bằng 500,6m2 (gồm 445m2 đất là ½ khối tài sản chung và 55,6m2 đất là kỷ phần thừa kế cụ K được hưởng từ cụ V) và cụ K có quyền định đoạt phần tài sản của mình. Từ đó, Quyết định giám đốc thẩm nhận định cần công nhận các Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nằm trong khối tài sản của cụ K có quyền định đoạt là phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi của các đương sự.
2.2. Xác định hiệu lực của giao dịch dân sự do một trong hai vợ chồng định đoạt tài sản chung sau khi một bên vợ hoặc chồng đã chết
Trường hợp 1: Nếu người vợ hoặc chồng thực hiện giao dịch dân sự định đoạt một phần tài sản chung mà chưa vượt quá phần tài sản mình thì Tòa án cần xem xét nếu các giao dịch này đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 thì Tòa án không xác định các giao dịch này là vô hiệu.
Trường hợp 2: Trong trường hợp người vợ hoặc người chồng còn sống xác lập giao dịch dân sự vượt quá phần tài sản của mình thì Tòa án cần xem xét xác định giao dịch dân sự vô hiệu một phần đối với phần định đoạt vượt quá hay vô hiệu toàn bộ. Cần lưu ý quy định tại Điều 130 Bộ luật dân sự 2015 (Điều 135 Bộ luật dân sự 2005) quy định: “Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”. Như vậy, Tòa án chỉ tuyên giao dịch dân sự vô hiệu một phần khi phần còn lại không bị ảnh hưởng. Cụ thể trong trường hợp tài sản không thể phân chia trong thực tế, nếu chia sẽ làm ảnh hưởng đến tính năng sử dụng hoặc làm mất giá trị của tài sản (ví dụ thoả thuận bán chiếc xe ô tô), thì Tòa án cần tuyên Hợp đồng vô hiệu toàn bộ; trong trường hợp tài sản có thể chia tách được mà không ảnh hưởng đến tính năng, giá trị tài sản thì Tòa án tuyên vô hiệu một phần hợp đồng đối với phần định đoạt vượt quá phần tài sản của người vợ hoặc người chồng còn sống.
2.3. Về giải quyết hậu quả của Hợp đồng vô hiệu
Tòa án cần làm rõ việc các đương sự có yêu cầu giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự hay không để giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015: “1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. 2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. 3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó. 4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường….”. Ngoài ra, cần chú ý về quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi xử lý giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 133 Bộ luật dân sự 2015.
Trong vụ án này, khi thế chấp quyền sử dụng đất thì bà S đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 163/CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ thì: “Bên nhận bảo đảm ngay tình là bên nhận bảo đảm trong trường hợp không biết và không thể biết về việc bên bảo đảm không có quyền dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Tuy nhiên, trên thực tế ông Tr là người quản lý, sử dụng thửa đất mà bà S đã thế chấp cho Ngân hàng. Đây là tình tiết Ngân hàng có thể biết nếu thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định tài sản thế chấp theo quy định về thủ tục cho vay của Ngân hàng. Do đó, Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã nhận định khi giải quyết lại vụ án cần làm rõ các tài sản trên đất là của ông Tr hay của bà S; khi lập hồ sơ tín dụng, Ngân hàng T có thẩm định tài sản thế chấp hay không, từ đó mới có căn cứ xác định Ngân hàng có là người thứ ba ngay tình hay không, làm căn cứ giải quyết vụ án.
Bài liên quan
-
Một số vấn đề về thu thập, cung cấp chứng cứ của đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và đề xuất, kiến nghị
-
Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 - Một số tồn tại, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
-
Những Luật và chính sách mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025
-
Một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận