Hòa giải viên trong tòa không nên gồm luật sư hay chuyên gia ngành luật nói chung
Nếu hòa giải tại tòa có phạm vi thu hẹp hơn so với các hoạt động hòa giải ngoài tòa, thì hòa giải viên trong tòa cũng nên có đối tượng được bổ nhiệm hẹp tương ứng, ví dụ không nên gồm luật sư hay chuyên gia ngành luật nói chung. Các cá nhân này, nếu muốn hành nghề hòa giải, nên thành lập các văn phòng riêng và hoạt động ngoài hệ thống tòa án. Đây là quan điểm của PGS,TS. Phạm Duy Nghĩa - Đại học Fulbright Việt Nam, Trọng tài viên Trọng tài Quốc tế Việt Nam, trình bày tại Hội thảo.
Để cung cấp thêm thông tin, PGS,TS. Phạm Duy Nghĩa đã giới thiệu một số quan sát sơ lược từ quy định & thực tiễn hòa giải tại Tòa án của CHLB Đức. CHLB Đức là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, có kim ngạch XNK thuộc loại cao nhất thế giới (thậm chí năm 2018 vượt cả Trung Quốc, chủ yếu là thặng dư), có một nền tư pháp truyền thống đáng tự hào, song đang buộc phải thay đổi để du nhập các hình thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ADR), trong đó có hòa giải trong và ngoài tòa án.
I. Hòa giải tại Tòa án của CHLB Đức
1.Cũng giống như ở các nước khác, hòa giải tại Đức có thể được tiến hành ngoài tòa án, hoặc tại tòa án. Để phân biệt, về khái niệm, hòa giải viên ngoài tòa được gọi là Mediator (vay từ tiếng Anh), hòa giải viên tại tòa án thì được gọi là Güterichter (nếu dịch ra tiếng Anh là conciliation judge, tức là thẩm phán thương lượng, hòa giải, chữ này mới xuất hiện từ 2004, bắt đầu ở bang Bayern). Hòa giải ngoài tòa có truyền thống lâu dài, do hiệp hội (ví dụ bảo hiểm, hàng hải, các phòng công thương), các trọng tài viên, luật sư.. tiến hành. Hòa giải ngoài tòa đương nhiên cần trả phí, tuy không có bảng giá chung, song phí được ước tính từ 80-250 EUR một giờ làm việc của hòa giải viên. Ngược lại, hòa giải tại tòa thì không tốn phí phát sinh, ngoài án phí đã nộp cho tòa án. Có hai hình thức hòa giải tại tòa. Một là hòa giải trong tố tụng được tiến hành bởi thẩm phán xử lý vụ việc, nếu hòa giải thành thì tòa sẽ ra quyết định hòa giải thành. Hai là hòa giải bởi một thẩm phán hòa giải trước quá trình tố tụng, hình thức này đã được thử nghiệm ở tòa án một số tiểu bang từ năm 2006. Đến năm 2012, một đạo Luật Hòa giải ngắn gọn (viết tắt Mediationsgesetz) được ban hành, sau đó người ta sửa 12 bộ luật & luật liên quan, bao gồm các bộ luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng an sinh xã hội, luật sáng chế, luật thương hiệu, luật án phí… tương ứng để thực hiện đạo luật này trong phạm vi toàn quốc từ năm 2013[1]. Như vậy, người Đức thử nghiệm các mô hình hòa giải tại tòa án bởi thẩm phán hòa giải khoảng 6 năm rồi mới tiến hành ban hành Luật[2].
Về phạm vi hòa giải tại tòa án, được áp dụng cho tất cả vụ án dân sự, hành chính, lao động và an sinh xã hội (nghĩa là chỉ loại trừ án hình sự). Có vẻ như hòa giải tại tòa bước đầu trở nên phổ biến trong các tranh chấp dân sự thuần túy (hôn nhân, gia đình, tài sản, thừa kế…), việc triển khai hòa giải trong án hành chính dường như chậm chạp và khó khăn hơn nhiều. Để phân biệt với hòa giải ngoài tòa, hòa giải tại tòa chỉ tiến hành khi tòa đã thụ lý một vụ án dân sự, hành chính hoặc an sinh xã hội (tức là đã có đơn khởi kiện & tòa đã thụ lý trong phạm vi thẩm quyền của mình).
Thủ tục hòa giải được tiến hành ở tòa sơ cấp (Amtgericht) và tòa trung cấp (Landgericht), tại các phiên sơ thẩm và phúc thẩm, và tại tòa cấp cao (Oberlandesregricht). Sau khi thụ lý, lãnh đạo tòa án có quyền gợi ý các bên tiến hành hòa giải bởi một thẩm phán tại tòa, họ chuyển vụ việc đã thụ lý cho một thẩm phán hòa giải. Tuy nhiên, chỉ khi các bên chấp thuận hòa giải, việc hòa giải mới được tiến hành, khi đó thủ tục tố tụng tại tòa tạm dừng.
Nếu chấp nhận hòa giải, các bên không phải nộp thêm chi phí nào cho Tòa án, ngoài án phí theo quy định chung khi khởi kiện. Như vậy, để khuyến khích hòa giải, Nhà nước Đức phải dự kiến ngân sách bố sung cho việc đầu tư cho các thẩm phán hòa giải, đào tạo bổ sung kỹ năng hòa giải, cung cấp trang thiết bị cho các phòng hòa giải tại tòa (khác với thiết kế của các phòng xử án).
Thẩm phán hòa giải phải là người sẽ không tham gia xét xử vụ án sau này, trung lập, có kiến thức phù hợp (luật pháp và tâm lý), ví dụ thẩm phán hòa giải trong án hành chính phải tham gia tập huấn khoảng 60 giờ, tức là 3 đợt seminar nghiệp vụ, mỗi đợt 3 ngày. Khi hòa giải, người này phải trung lập, chỉ tạo điều kiện cho các bên phát biểu ý kiến, giải thích các lựa chọn của mình, và thỏa thuận về phương án hòa giải, mà không đưa ra quan điểm, nhận xét pháp lý của riêng mình về vụ kiện. Thủ đô Berlin chẳng hạn, với dân số khoảng 3,7 triệu người, các tòa án tại tiểu bang này đã tập huấn và có một đội ngũ 50 thẩm phán hòa giải, hàng năm tham gia hòa giải khoảng 700 vụ việc, trong đó phần lớn khoảng 550 vụ tại tòa trung cấp (Landesgericht)[3].
Về thủ tục phân công công việc cho các thẩm phán hòa giải, các tòa án có quyền ban hành quy tắc nội bộ phân công vụ việc cho từng thẩm phán hòa giải. Sau khi nhận được phân công này của tòa, thẩm phán hòa giải có quyền xem hồ sơ vụ án, có quyền mời các bên tham gia các phiên họp để hòa giải[4]. Nếu một bên không tham gia thì phải dừng hoặc chấm dứt thủ tục hòa giải. Nếu hòa giải thành, các bên có thể đề nghị tòa án thông qua một Quyết định công nhận hòa giải thành.
Luật Đức quy định tại khoản 5 Điều 278 BLTTDS (ZPO) của họ một cách nguyên tắc rằng: Thẩm phán hòa giải được vận dụng các phương pháp giải quyết tranh chấp, bao gồm trung gian hòa giải. Khái quát, trong các khóa tập huấn cho người làm nghề hòa giải viên, (Luật Đức và Áo quy định hòa giải viên mỗi năm phải tham dự tối thiểu 10 giờ tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ), người ta thường khái quát kinh nghiệm thành công cho các hòa giải viên như sau:
- Bước 1: Phải có cơ sở vật chất phù hợp, phòng hòa giải cần được thiết kế khác với phòng xử án, các bên ngồi cùng một bàn, tốt nhất là bàn tròn, xung quanh có bảng để minh họa, màu sắc & bài trí căn phòng thân thiện, gần gũi.
- Bước 2: Hòa giải viên giới thiệu các bên tham gia và luật sư của họ, luật sư tham gia với vai trò tư vấn nhiều hơn tranh tụng.
- Bước 3: Hòa giải viên giới thiệu, gợi ý, ghi nhận sự thống nhất về quy tắc hòa giải, ví dụ tính bảo mật, tính riêng tư không công khai, không sử dụng tài liệu, nhận định của các bên làm bằng chứng cho các bước tố tụng nếu có sau này.
- Bước 4: Hòa giải viên khuyến khích các bên lắng nghe và thấu hiểu lý do các bên đưa ra các yêu cầu và lập luận của họ. Ghi nhận các điểm đồng thuận, các điểm cần tranh luận về sự kiện và cách hiểu.
- Bước 5: Hòa giải viên khuyến khích các bên đề xuất các lựa chọn, giải pháp, tiến độ thực hiện.
Nếu khái quát kinh nghiệm (thành công cũng như chưa thật thành công) của tòa án Đức về hòa giải tại tòa án, có thể đưa ra một số nhận xét sau đây:
- Thứ nhất, các tòa án ở Đức đang trong giai đoạn thay đổi hệ giá trị của họ (Paradigmenwechsel), tòa không chỉ xét xử, tòa án còn có chức năng khuyến khích các hình thức giải quyết tranh chấp phi truyền thống khác, vừa giảm phí tổn xã hội, vừa giảm sức ép công việc cho tòa. Họ thử nghiệm trong một thời gian dài trong 6 năm rồi mới ban hành luật. Nhà nước đứng ra gánh chịu các phi phí hòa giải, họ không thu phí của các bên tranh chấp cho công đoạn hòa giải này, ngoại trừ án phí cho vụ kiện theo quy định chung. Như vậy, với người dân & doanh nghiệp không phát sinh chi phí gì thêm. Chỉ thêm việc cho thẩm phán và chi phí cho nhà nước.
- Thứ hai, đạo Luật về hòa giải (2012) và các điều luật sửa đổi về hòa giải tại tòa khá ngắn gọn, mang tính nguyên tắc, được quy định một cách phổ quát: hòa giải phải tuân theo ý chí lựa chọn của các bên, chỉ tiến hành nếu các bên đồng ý, thủ tục hòa giải có thể do các bên tự định đoạt, thường là mang tính tiêng tư, bí mật; hòa giải viên phải là người có uy tín, trung lập, có kỹ năng thúc đẩy các bên thương lượng. Số lượng các thẩm phán hòa giải tại tòa khá hạn chế, họ tìm cách phân biệt cách xưng danh với hòa giải viên ngoài tòa (thẩm phán thương lượng & hòa giải viên). Họ chú trọng bồi dưỡng, đào tạo, cập nhật kiến thức cho hòa giải viên. Các tòa án ở Đức đều nỗ lực sử dụng các phương tiện truyền thông để giới thiệu với người dân về lợi ích của hòa giải tại tòa.
- Thứ ba, có vẻ như khó khăn xuất hiện trong các khâu tổ chức, ví dụ lựa chọn, bổ nhiệm thẩm phán hòa giải, cách thức phân bổ công việc cho từng hòa giải viên tại tòa, cung cấp hồ sơ, bảo quản hồ sơ vụ kiện, điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động hòa giải tại tòa, cũng như họ chưa thật sự thành công trong hòa giải tranh chấp hành chính.
- Thứ tư, căn cứ vào số liệu hòa giải tại tòa do Cục thống kê liên bang công bố cho các năm 2014-2017, người Đức chưa thật thành công với hòa giải tại tòa. Số lượng các vụ hòa giải án dân sự tại tòa dao động vào khoảng 25.000 vụ/năm, tính ra chưa tới 1% số án dân sự mà hệ thống tòa án nước này thụ lý hàng năm, xu hướng không ổn định, ví dụ năm 2017 giảm so với năm trước đó[5]. Tuy nhiên tỷ lệ hòa giải thành khá cao, chiếm khoảng 50% số việc hòa giải. Cũng không ít các ý kiến phê phán, rằng nhà nước Đức lại chi thêm tiền từ ngân sách cho tòa án thực hiện dịch vụ hòa giải, trong khi việc này nên trao cho xã hội, các trọng tài viên và người hành nghề hòa giải có thể tiến hành các dịch vụ này một cách chuyên nghiệp và thu phí từ các bên tranh chấp.
II.Thảo luận về 6 điểm gợi ý
Vào 6 điểm cần được xem xét kỹ hơn của Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, PGS,TS. Phạm Duy Nghĩa đã đóng góp từng nội dung một cách cụ thể.
Phạm vi áp dụng: Đồng ý với lựa chọn của Ban soạn thảo, chỉ hòa giải tại tòa việc dân sự, hành chính thuộc thẩm quyền của tòa, đã được thụ lý, sẽ được Tòa án chuyển sang cho Trung tâm hòa giải (Điều 24), nếu lãnh đạo tòa án xét thấy việc này có thể nên ưu tiên hòa giải. Tuy nhiên, tiêu chí cụ thể như thế nào cần được làm rõ. Thực tế ở Đức cho thấy chỉ có khoảng 1% án dân sự đã thụ lý được chuyển cho thẩm phán hòa giải, ngoài ra còn có sự khác nhau đáng kể trong lãnh đạo các tòa địa phương. Có thể dự báo việc hôn nhân, gia đình, thừa kế, tranh chấp dân sự đơn giản sẽ có tỷ lệ hòa giải thành công cao, ngược lại hòa giải tranh chấp hành chính có thể sẽ khó khăn hơn. Cũng có thể lưu ý án kinh doanh thương mại cần được hòa giải chuyên nghiệp, bảo mật hơn so với án dân sự, nếu đương sự yêu cầu.
Phí hòa giải: Theo dự thảo, nếu hòa giải thành, đương sự muốn công nhận kết quả hòa giải thì phải đóng phí bằng 50% án phí (Điều 8). Ngoài ra, đương sự không phải đóng phí cho hoạt động hòa giải, ngoài phần án phí đã đóng khi khởi kiện. Quy định này là phù hợp, về cơ bản chi phí cho hoạt động hòa giải tại tòa án do Ngân sách nhà nước cấp (Điều 6), có thể so sánh được với kinh nghiệm của Đức như trình bày ở trên.
Trung tâm hòa giải: Ngoài tòa, đã và sẽ có nhiều trung tâm hòa giải tự quản của các tổ chức trọng tài, luật sư, tổ chức bảo hiểm, xây dựng và các hiệp hội nghề nghiệp khác. Các trung tâm này có khách hàng riêng và tiếp tục hoạt động trong khuôn khổ luật riêng. Thiết kế Trung tâm hòa giải thuộc tòa của Ban soạn thảo là phù hợp, thực ra là một hình thức tổ chức công việc của tòa, không lập ra một tổ chức tự quản mới bên cạnh tòa án.
Tuy nhiên, các hoạt động hòa giải tại tòa, ít nhiều cần tới kinh phí, đầu tư trang thiết bị, và thù lao cho hòa giải viên. Thực tế, cũng như ở Đức, sẽ xuất hiện câu hỏi liệu có nên đầu tư ngân sách cho hoạt động bổ sung này của các tòa án hay không, hay mạnh dạn xã hội hóa, tức là khuyến khích hòa giải như là dịch vụ bổ trợ tư pháp, do các tổ chức cá nhân hành nghề tiến hành trên cơ sở độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Đây là một lựa chọn chính sách chiến lược, cần thảo luận thêm.
Giám đốc: Tùy theo thiết kế Trung tâm độc lập tự quản, hay là một phần của Tòa án, việc quy định về chức danh Giám đốc cũng khác nhau. Nếu theo phương án Trung tâm hòa giải thuộc tòa án, thì Giám đốc phải có chuyên môn để phân công và theo dõi các công việc được giao cho các hòa giải viên, vì thế nên do chánh án hoặc một phó chánh án phụ trách.
Hòa giải viên: Luật của Cộng hòa Áo quy định hòa giải viên phải từ 28 tuổi trở nên, có chuyên môn, phải đăng ký với tòa kèm theo một bộ hồ sơ chi tiết, và phải nộp lệ phí, thời hạn đăng ký là 5 năm[6]. Theo Luật Đức, Güterichter phải là thẩm phán đã được bồi dưỡng nghiệp vụ ít nhất là 60 giờ (3 đợt seminar, mỗi đợt 3 ngày) chuyên về thương lượng, trung gian hòa giải[7]. Tuy nhiên, nội dung đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên ở Đức vẫn còn là chủ đề mới, chưa rõ ràng & thống nhất giữa các tiểu bang.
Ban soạn thảo quy định về hòa giải viên tại Dự thảo luật hiện nay khá linh hoạt, rộng rãi hơn so với luật Đức, bao gồm thẩm phán, cán bộ tư pháp đã về hưu, dưới 70 tuổi, và những cá nhân khác có chuyên môn & uy tín xã hội phù hợp. Lưu ý, nếu hòa giải tại tòa có phạm vi thu hẹp hơn so với các hoạt động hòa giải ngoài tòa, thì hòa giải viên trong tòa cũng nên có đối tượng được bổ nhiệm hẹp tương ứng, ví dụ không nên gồm luật sư hay chuyên gia ngành luật nói chung. Các cá nhân này, nếu muốn hành nghề hòa giải, nên thành lập các văn phòng riêng và hoạt động ngoài hệ thống tòa án./.
[1] Ví dụ các điều 278, 278 a ZPO (Luật tố tụng dân sự Đức).
[2] Martin Ahrens: Mediationsgesetz und Güterichter – Neue gesetzliche Regelungen der gerichtlichen und außergerichtlichen Mediation. In: Neue Juristische Wochenschrift (NJW), 2012, Seite 2465–2474.
[3] Neues Deutschland, 18/07/2018
[4] § 278 ZPO Gütliche Streitbeilegung, Güteverhandlung, Vergleich
(1) Das Gericht soll in jeder Lage des Verfahrens auf eine gütliche Beilegung des Rechtsstreits oder einzelner Streitpunkte bedacht sein.
(2) Der mündlichen Verhandlung geht zum Zwecke der gütlichen Beilegung des Rechtsstreits eine Güteverhandlung voraus, es sei denn, es hat bereits ein Einigungsversuch vor einer außergerichtlichen Gütestelle stattgefunden oder die Güteverhandlung erscheint erkennbar aussichtslos. Das Gericht hat in der Güteverhandlung den Sach- und Streitstand mit den Parteien unter freier Würdigung aller Umstände zu erörtern und, soweit erforderlich, Fragen zu stellen. Die erschienenen Parteien sollen hierzu persönlich gehört werden.
(3) Für die Güteverhandlung sowie für weitere Güteversuche soll das persönliche Erscheinen der Parteien angeordnet werden. § 141 Abs. 1 Satz 2, Abs. 2 und 3 gilt entsprechend.
(4) Erscheinen beide Parteien in der Güteverhandlung nicht, ist das Ruhen des Verfahrens anzuordnen.
(5) Das Gericht kann die Parteien für die Güteverhandlung sowie für weitere Güteversuche vor einen hierfür bestimmten und nicht entscheidungsbefugten Richter (Güterichter) verweisen. Der Güterichter kann alle Methoden der Konfliktbeilegung einschließlich der Mediation einsetzen.
(6) Ein gerichtlicher Vergleich kann auch dadurch geschlossen werden, dass die Parteien dem Gericht einen schriftlichen Vergleichsvorschlag unterbreiten oder einen schriftlichen Vergleichsvorschlag des Gerichts durch Schriftsatz gegenüber dem Gericht annehmen. Das Gericht stellt das Zustandekommen und den Inhalt eines nach Satz 1 geschlossenen Vergleichs durch Beschluss fest. § 164 gilt entsprechend.
[5] Xem số liệu chi tiết tại: https://www.mediatorenausbildung.org/justizstatistik-gueterichterstatistik-2017/
[6] Bundesgesetz über Mediation in Zivilrechtssachen (Zivilrechts-Mediations-Gesetz – ZivMediatG), BGBl. I Nr. 29/2003; Verordnung des Bundesministers für Justiz über die Ausbildung zum eingetragenen Mediator
(Zivilrechts-Mediations-Ausbildungsverordnung – ZivMediat-AV), BGBl. II Nr. 47/2004.
[7] Chi tiết về chương trình bồi dưỡng hòa giải cho thẩm phán có thể xem ở đây: https://www.gueterichter-forum.de/gueterichter-konzept/praktische-umsetzung/bayern-empfehlungen-der-ag/
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận