Hoàn thiện chế định kiểm soát xung đột lợi ích công trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi
Mức độ đầy đủ, toàn diện và thống nhất của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát xung đột lợi ích sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả kiểm soát xung đột nói riêng, đấu tranh với tham nhũng nói chung của pháp luật lĩnh vực này. Tuy vậy, nội dung của chế định kiểm soát xung đột lợi ích trong Dự thảo của Luật này chưa đầy đủ, rõ ràng và cụ thể biểu hiện của xung đột lợi ích cho nên cần được sửa đổi bổ sung.
1.Kiểm soát xung đột lợi lích cần được chế định đầy đủ, cụ thể và rõ ràng
Luật Phòng, chống tham nhũng là một trong những công cụ pháp lý đóng vai trò then chốt trong việc đấu tranh với tham nhũng. Để Luật này đấu tranh với tham nhũng hiệu quả thì phạm vi điều chỉnh của Luật phải bao trùm được các yếu tố xã hội, văn hóa tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh hành vi tham nhũng, quy định đầy đủ các cơ chế pháp lý để loại trừ nguy cơ tham nhũng, bảo đảm tính liêm chính của quyền lực nhà nước và xử lý nghiêm minh, kịp thời và công bằng người hành vi tham nhũng cũng như việc khắc phục những thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra. Bên cạnh việc trừng phạt nghiêm minh người thực hiện hành vi tham nhũng để răn đe những người khác trong xã hội, việc phòng, chống tham nhũng cần đặc biệt coi trọng các yếu tố đe dọa đến liêm chính của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước. Những yếu tố de dọa đến liêm chính của quyền lực nhà nước không chỉ tạo ra sự nghi ngờ của xã hội về tính vô tư, khách quan của hoạt động công vụ mà còn tạo ra môi trường thuận lợi nảy sinh hành vi tham nhũng. Xung đột lợi ích là một trong những yếu tố xã hội có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tính liêm chính của quyền lực nhà nước và tiềm ẩn môi trường thuận lợi của hành vi tham nhũng cho nên Luật Phòng, chống tham nhũng cần xây dựng đầy đủ, rõ ràng và cụ thể các phương diện của đối tượng này để kiểm soát nó hiệu quả.
Những tác động tiêu cực của xung đột lợi ích công đến sự tồn tại và phát triển của Nhà nước đã được nhận thức từ xa xưa trong lịch sử. Thời kỳ phong kiến các Vua (chúa) đã nhận thức được nguy cơ các quan hệ xung đột lợi ích đe dọa đến công minh, chính trực của quan lại nên đã đặt ra những quy định kiểm soát các tình huống xung đột lợi ích của quan lại. Ở Việt Nam, việc kiểm soát xung đột lợi ích của quan lại được thực hiện bằng chính sách hồi tỵ được ban bố lần đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đối tượng áp dụng của chính sách hồi tỵ dưới thời Lê Thánh Tông là các vị quan đứng đầu bộ máy chính quyền dân sự và quân sự địa phương. Quan trọng nhất là cấp cơ sở- Quan xã, những người dễ dàng bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ gia đình, gia tộc, khó giữ được sự công tâm, khách quan trong công việc. Đến triều đại nhà Nguyễn thì chính sách này càng được củng cố và mở rộng[1]. Trong thời đại ngày nay, việc kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công nói riêng, xung đột lợi ích trong xã hội nói chung được đặc biệt đề cao. Đa số các nước cũng như các tổ chức, doanh nghiệp đều đặt ra các quy định để kiểm soát xung đột lợi ích của cán bộ, công chức, chính khách và nhân viên của tổ chức trong quá trình thực hiện các thẩm quyền được giao chính thức và xây dựng các cơ chế pháp lý để thực thi hiệu quả hoạt động này. Pháp luật quản lý, kiểm soát xung đột lợi ích trở thành lĩnh vực pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật quốc gia. Quy phạm kiểm soát xung đột lợi ích không chỉ là những quy phạm pháp luật thông thường mà còn được ghi nhận trong Hiến pháp, đồng thời, là những chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu mà công chức, chính khách và cơ quan phải tuân thủ trong quá trình hoạt động công vụ; các quy định kiểm soát xung đột lợi ích trở thành bộ phận pháp luật quan trọng của pháp luật phòng, chống tham nhũng nói riêng, pháp luật bảo vệ tính liêm chính, vô tư và khách quan của quyền lực nhà nước nói chung. Các tổ chức quốc tế cũng khuyến cáo các quốc gia mong muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì trước hết phải xây dựng đầy đủ và thực hiện hiệu quả kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công[2].
2.Những hạn chế của chế định kiểm soát xung đột lợi ích và yêu cầu hoàn thiện
Theo Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi[3] thì nội dung của Chế định kiểm soát xung đột lợi ích gồm khái niệm xung đột lợi ích “Xung đột lợi ích được hiểu là tình huống mà trong đó người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó có thể mang lại lợi ích cho cá nhân họ, cho người thân thích của họ.”[4] (Điều 28); trách nhiệm thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích (Điều 29); trách nhiệm xử lý thông tin, báo cáo (Điều 30); xử lý vi phạm (Điều 31) và việc kiểm soát xung đột lợi ích trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Điều 32).
Việc Dự thảo chỉ đưa ra quy định trách nhiệm thông tin, báo cáo, trách nhiệm xử lý thông tin báo cáo, xử lý mà chưa quy định các nội dung để nhận diện tình huống xung đột lợi ích trong thực tiễn, nghĩa vụ của cán bộ, công chức và cơ quan đối với tình huống xung đột lợi ích cụ thể thì chắc chắn gặp khó khăn trong việc thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích. Mục đích cao nhất của kiểm soát xung đột lợi ích là loại trừ tình huống xung đột lợi ích khi quyết định, hướng dẫn cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước thoát ra khỏi tình huống xung đột lợi ích tiềm tàng có thể dự đoán được. Để đạt được mục đích này trước hết pháp luật phải quy định rõ các tình huống xung đột lợi ích một cách cụ thể, rõ ràng để cán bộ, công chức, cơ quan và người dân nhận biết được trong thực tiễn; phải thực hiện những nghĩa vụ gì đối với từng tình huống đó; và phải chịu trách nhiệm gì đối với việc không thực hiện, thức hiện không đầy đủ các nghĩa vụ đã được luật định đối với từng tình huống. Để bảo đảm được các yêu cầu trên, Dự thảo cần bổ sung, sửa đổi các nội dung, gồm:
Thứ nhất, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần bổ sung khái niệm kiểm soát xung đột lợi ích. Việc quy định xung đột lợi ích, kiểm soát xung đột lợi ích nhằm bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức thống nhất những biểu hiện trong thực tiễn của quan hệ hàm chứa xung đột lợi ích, để từ đó, tự loại mình ra khỏi quyết định có quan hệ xung đột lợi ích, cũng như có cách thức hành xử phù hợp để dư luận xã hội, người dân tin tưởng người đó vẫn liêm chính, vô tư, khách quan trong việc ra quyết định (mặc dù có quan hệ xung đột lợi ích hiện hữu). Ngoài ra, việc xác định nội hàm của kiểm soát xung đột lợi ích sẽ cung cấp cơ sở để xác định những nội dung cần quy định và giới hạn của pháp luật kiểm soát xung đột lợi ích.
Thứ hai, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi cần quy định rõ các hình thức xung đột lợi ích theo hình thức liệt kê trên cơ sở phân loại xung đột lợi ích theo mức độ tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng thu nhận lợi ích riêng tư, nguy cơ nảy sinh hành vi tham nhũng của tình huống đó. Những hình thức xung đột lợi ích có mức độ tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao thì kiểm soát bằng quy định cấm cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước thực hiện; Đối với hình thức xung đột lợi ích có mức độ tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng thấp hơn thì quy định hạn chế làm, nếu làm thì phải có trách nhiệm, công khai, giải trình với nhân dân, báo chí và cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm không lợi dụng xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện; Đối với tình huống xung đột lợi ích mà không thể loại trừ hoặc nguy cơ lợi dụng mơ hồ, mang tính suy đoán thì phải hướng dẫn cách thức thực hiện để loại trừ xung đột lợi ích cho người ra quyết định.
Thứ ba, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi phải quy định rõ trình tự, thủ tục để giám sát cán bộ, công chức, cơ quan thực thi nhiệm vụ kiểm soát xung đột lợi ích, thẩm quyền của cơ quan giám sát hoạt động này;
Thứ tư, Luật Phòng, chống tham nhũng phải bổ sung quy định các loại trách nhiệm phải gánh chịu khi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ kiểm soát xung đột lợi ích; Đồng thời, bổ sung cơ quan chuyên trách theo dõi, đôn đốc và giám sát việc truy cứu trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ kiểm soát xung đột lợi ích.
Ngoài việc bổ sung các quy định đó, Dự thảo cần sửa đổi nội dung của các quy định sau, gồm: Điều 28 cần sửa đổi thành “Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó người được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ, nếu thực hiện hoặc không thực hiện công vụ, nhiệm vụ đó có thể mang lại lợi ích cho cá nhân họ, cho người thân thích của họ và/hoặc người có ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình ra quyết định”; Điều 29 cần sửa đổi thành “Trách nhiệm thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích, kiểm soát xung đột lợi ích” và nội dung của Điều này là: “1. Người được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ đó nếu biết hoặc buộc phải biết có xung đột lợi ích thì có nghĩa vụ kiểm soát xung đột lợi ích; có trách nhiệm báo cáo với người lãnh đạo, quản lý trực tiếp để xem xét, xử lý và giám sát. 2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích thì có nghĩa vụ kiểm soát xung đột lợi ích; thông tin, báo cáo cho người có thẩm quyền để xem xét, xử lý và giám sát.”; Điều 31 cần bổ sung trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm từ chức đối với người vi phạm nghĩa vụ kiểm soát xung đột lợi ích.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Sĩ Liên (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội;
Hoàng Văn Luân, Quản trị xung đột lợi ích – các lý thuyết và vấn đề đặt ra ở Việt Nam hiện nay, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/1008-quan-tri-xung-dot-loi-ich-cac-ly-thuyet-va-van-de-dat-ra-o-viet-nam-hien-nay.html , cập nhật, ngày 15/7/2015;
Ngân hàng thế giới (2012), Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức, viên chức, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội;
Ngân hàng thế giới và Thanh tra Chính phủ (2016), Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công: Quy định và thực tiễn ở Việt Nam, Nxb. Hồng Đức;
5.http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1241&TabIndex=2&TaiLieuID=2347, cập nhật ngày 15/7/2017.
[1] Ngô Sĩ Liên (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học xã hội;
[2] Ngân hàng thế giới (2012), Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức, viên chức, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội; [3] http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1241&TabIndex=2&TaiLieuID=2347, cập nhật ngày 15/3/2017;
[4] ttp://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1241&TabIndex=2&TaiLieuID=2347
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận