Hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Để xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp là một trong những vấn đề trọng yếu, trong đó có hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự. Thực tiễn vận hành hệ thống pháp luật tố tụng dân sự ở nước ta những năm qua cho thấy còn những hạn chế, bất cập nhất định cần được phân tích, làm rõ; trên cơ sở đó tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
1. Về hệ thống pháp luật tố tụng dân sự trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
Nhà nước pháp quyền Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Nhà nước pháp quyền, pháp luật đóng vai trò tối thượng. Nhà nước với người dân đều bình đẳng trước pháp luật và bảo vệ quyền con người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Nhà nước pháp quyền. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Như vậy, có thể thấy để xây dựng Nhà nước pháp quyền thì bảo vệ quyền con người thông qua hệ thống cơ quan tư pháp đóng vai trò quan trọng. Để phát huy được vai trò của hệ thống tư pháp trong bảo vệ quyền con người thì việc hoàn thiện các quy định pháp luật về tố tụng nói chung, tố tụng dân sự nói riêng đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền là vấn đề đặc biệt quan trọng. Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam đặt ra các yêu cầu trong việc hoàn thiện pháp luật về tố tụng dân sự, cụ thể: (1) Phải góp phần bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan. Bởi Nhà nước pháp quyền là nhà nước bảo vệ quyền con người bằng pháp luật; (2) Phải bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ giữa luật thủ tục với luật nội dung, giữa luật chung với luật chuyên ngành, giữa các luật thủ tục với nhau; (3) Phải bảo đảm sự công bằng trong xét xử, cải cách tạo ra khả năng để các bên cung cấp chứng cứ và phát triển ý kiến với Tòa án; Tòa án phải thực sự “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” và công bằng trước các thủ tục; (4) Phải bảo đảm sự độc lập giữa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân; giữa Thẩm phán với Chánh án, Phó Chánh án; giữa cơ quan tư pháp với cơ quan lập pháp, hành pháp; giữa Thẩm phán với người lãnh đạo tổ chức Đảng; (5) Phải đảm bảo yêu cầu dân chủ, giảm tiện và hiệu quả. Tăng cường ưu tiên tự dàn xếp, hòa giải, thủ tục rút gọn, không để ách tắc án; (6) Phải hướng tới đề cao vai trò của Luật sư.
Thực tiễn thực hiện pháp luật tố tụng dân sự ở Việt Nam những năm qua cho thấy bên cạnh những điểm tiến bộ thì vẫn còn không ít bất cập, hạn chế. Cụ thể:
Một là, hệ thống pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam chưa đảm bảo được yêu cầu về tính thống nhất, đồng bộ. Vấn đề này thể hiện ở chỗ các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật hòa giải tại cơ sở năm 2013; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020; Luật Trọng tài thương mại năm 2010; các nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao; Luật Đất đai năm 2013… Việc quy định thủ tục tố tụng dân sự trong nhiều văn bản pháp luật dẫn đến sự chồng chéo trong áp dụng giải quyết các vụ việc dân sự. Ví dụ như thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai được quy định trong Luật Hòa giải tại cơ sở, Luật Đất đai, Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, Bộ luật Tố tụng dân sự… Quy định về hòa giải góp phần đề cao dân chủ trong giải quyết tranh chấp, nhưng thực tiễn cho thấy các hình thức hòa giải này còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, hệ thống pháp luật tố tụng dân sự hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo tính dân chủ, tính giản tiện, tính hiệu quả trong giải quyết các vụ án dân sự. Thực tiễn cho thấy, mặc dù có các vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn, nhưng lại có vụ án dân sự bị kéo dài, vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn xét xử mà pháp luật quy định. Bên cạnh đó, quy định về hòa giải tranh chấp dân sự trước và trong tố tụng vẫn còn nhiều bất cập. Quy định trong Luật hòa giải tại cơ sở năm 2013 còn mang tính hình thức, hòa giải tại thôn, làng, bản ấp, phum, sóc, tổ dân phố bộc lộ bất cập như: Thiếu Hòa giải viên có kỹ năng, kinh nghiệm và am hiểu pháp luật; thiếu cơ sở vật chất nơi tổ chức hòa giải, thù lao trả cho các Hòa giải viên chưa tương xứng; thiếu phương thức hòa giải thực sự hiệu quả; giá trị pháp lý của kết quả hòa giải tại cơ sở không có tính bắt buộc với các bên tranh chấp. Đối với một số loại tranh chấp, trong đó có tranh chấp về việc ai là chủ sử dụng đất được quy định trong Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì pháp luật hiện hành quy định khá rõ về đơn đề nghị hòa giải, trình tự, thủ tục, thời hạn hòa giải, thẩm quyền hòa giải, nhưng lại chưa có quy định cụ thể về quy trình, phương thức hòa giải nên không ít các địa phương coi hòa giải chỉ mang tính thủ tục. Về hòa giải tại Tòa án theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 vẫn còn chồng chéo so với thủ tục hòa giải trong tố tụng tại Tòa án được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Hiện nay, không ít Tòa án vẫn chưa xây dựng được đội ngũ Hòa giải viên chuyên trách tại tòa để hòa giải các tranh chấp này; việc xác lập giá trị pháp lý của phương thức hòa giải này vẫn chưa cụ thể…
Ba là, thực tiễn thực hiện các quy định liên quan đến tiếp nhận, thụ lý đơn khởi kiện, sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, thời hạn chuẩn bị xét xử… cho thấy mặc dù pháp luật đã quy định khá cụ thể, nhưng không ít vụ việc Tòa án thực hiện chưa đúng như: Không trả lời người khởi kiện khi đã nhận được đơn gửi qua đường bưu điện; yêu cầu người khởi kiện chỉnh sửa đơn còn tùy tiện, bằng lời nói, không rõ ràng, không đúng quy định; không thông báo chỉnh sửa đơn khởi kiện bằng văn bản,… dẫn tới kéo dài thời gian khởi kiện, thụ lý vụ án, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thực hiện khởi kiện.
Việc thực hiện các quy định tại giai đoạn chuẩn bị xét xử cũng còn bất cập. Giai đoạn chuẩn bị xét xử được tính từ thời điểm Tòa án ban hành thông báo thụ lý đến khi Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định là 04 tháng, nhưng nếu vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng tối đa không quá 02 tháng. Trong giai đoạn này, bị đơn đưa ra các quan điểm của mình về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đưa ra yêu cầu phản tố (nếu có); các bên tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ, giao nộp cho Tòa án; Tòa án thực hiện các thủ tục liên quan đến thẩm định tại chỗ, định giá tài sản theo đề nghị của một trong các bên hoặc trường hợp thấy cần thiết; mở phiên họp công khai tài liệu, chứng cứ và hòa giải; Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của các bên,… Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các hoạt động này đều có bất cập, như: Thời hạn chuẩn bị xét xử bị quá hạn dẫn tới vụ án bị kéo dài; không ít vụ việc được tiến hành thẩm định tại chỗ, định giá tài sản còn mang tính hình thức, thậm chí là không thực hiện khi các bên có yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.
Bốn là, vai trò của Hội thẩm nhân dân trong đánh giá chứng cứ vẫn chưa được quy định cụ thể và còn mờ nhạt trên thực tiễn ở cấp sơ thẩm. Ở cấp phúc thẩm việc đánh giá chủ yếu phụ thuộc vào Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án. Điều này có thể dẫn tới kết quả giải quyết vụ án không đảm bảo tính khách quan, toàn diện, chính xác.
Năm là, chưa phát huy tối đa vai trò của Kiểm sát viên khi kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án trong tố tụng dân sự nhằm đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, toàn diện, chính xác, đúng pháp luật. Theo quy định của pháp luật, Kiểm sát viên có nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết vụ án của Tòa án, nhưng tham gia từ giai đoạn nào thì chưa có quy định rõ ràng. Do vậy, không ít vụ việc khi Tòa án thực hiện xong các công việc của giai đoạn chuẩn bị xét xử thì mới chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát.
Sáu là, mô hình tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành là mô hình xét hỏi kết hợp tranh tụng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử tại Tòa án cho thấy mô hình này chưa phát huy được tối đa vai trò của Luật sư trong tham gia làm sáng tỏ nội dung vụ án, chủ yếu được giải quyết thông qua việc xét hỏi.
2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng dân sự đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Các quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Hòa giải tại cơ sở năm 2013, Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án năm 2020, thủ tục hòa giải trong Luật Đất đai năm 2013, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, các nghị quyết của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Luật sư,… phải có sự thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, bổ sung quy định mục tiêu của hệ thống pháp luật tố tụng dân sự nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền. Theo đó, mục tiêu của hệ thống pháp luật tố tụng dân sự áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng dân sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, cần hoàn thiện các quy định về hòa giải trước tố tụng và trong tố tụng dân sự theo hướng đề cao dân chủ trong giải quyết vụ án; thúc đẩy giải quyết các vụ án đơn giản theo thủ tục rút gọn. Theo đó, quy định về hòa giải tại cơ sở theo Luật hòa giải tại cơ sở năm 2013 cần cụ thể, rõ ràng hơn. Đồng thời, tăng cường đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, trong đó có các phương thức hòa giải cho đội ngũ tham gia hòa giải tại cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất cho tổ chức hòa giải tại cơ sở; có cơ chế công nhận giá trị pháp lý của kết quả hòa giải thành; thúc đẩy cơ chế hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp cơ sở liên quan đến các vụ án tranh chấp về nguồn gốc sử dụng đất; rà soát đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định trong Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án năm 2020 với hòa giải trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đặc biệt, các Tòa án cần hoàn thiện Trung tâm hòa giải đối thoại tại Tòa án, xây dựng đội ngũ Hòa giải viên chuyên trách tại Tòa án để hòa giải các tranh chấp này; quy định rõ ràng về giá trị pháp lý của kết quả hòa giải nhằm đáp ứng yêu cầu dân chủ, giảm tiện và hiệu quả trong giải quyết vụ việc dân sự.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng dân sự bảo đảm các quyền nội dung và quyền thủ tục của tổ chức, cá nhân, cơ quan tham gia vào quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Đặc biệt, cần quy định cụ thể rõ ràng về quyền khởi kiện và thụ lý vụ án trong tố tụng dân sự; cơ chế giám sát việc tiếp nhận đơn, yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, thụ lý đơn khởi kiện; việc trả lời người khởi kiện khi đã nhận được đơn gửi qua đường bưu điện bằng văn bản; yêu cầu chỉnh sửa đơn phải bằng văn bản theo đúng quy định pháp luật; thực hiện đúng thời hạn khởi kiện, thụ lý vụ án nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thực hiện khởi kiện. Thu hẹp các trường hợp được tạm đình chỉ giải quyết vụ án, tránh việc lợi dụng quy định này để kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử.
Thứ năm, hoàn thiện các quy định đảm bảo tính độc lập giữa Thẩm phán với Chánh án, Phó Chánh án; giữa Thẩm phán với Hội thẩm; giữa Thẩm phán với người đứng đầu cấp ủy. Theo đó:
(1) Để đảm bảo sự độc lập giữa Chánh án, Phó Chánh án với Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án dân sự thì pháp luật cần phải sửa theo hướng bỏ quy định về phân công Thẩm phán giải quyết bằng quyết định hành chính trực tiếp của người đứng đầu Tòa án mà nên chuyển sang cơ chế lựa chọn Thẩm phán theo hướng ngẫu nhiên. Hơn nữa, cần phân biệt rõ các quy định mang tính hành chính tư pháp (như nhận đơn, thông báo chỉnh sửa, bổ sung đơn, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản…) với các quy định mang tính tư pháp xét xử (như quy định về thương lượng, hòa giải, đưa vụ án ra xét xử). Những công việc mang tính hành chính tư pháp thì không nhất thiết phải có sự tham gia của Thẩm phán. Bên cạnh đó, cần sửa quy định về lựa chọn, công khai Thẩm phán giải quyết vụ án ở thời điểm muộn hơn hiện nay, ví dụ thời điểm hòa giải hoặc thời điểm quyết định đưa vụ án ra xét xử...
(2) Tăng cường sự độc lập giữa Chánh án, Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án với người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu Ủy ban nhân cấp huyện, cấp tỉnh nơi có Tòa án. Hệ thống tổ chức Tòa án Việt Nam được sắp xếp theo các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và Chánh án Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện nằm trong Ban chấp hành Đảng bộ huyện, tỉnh. Do vậy, cần đẩy nhanh hơn việc hoàn thiện mô hình Tòa án theo khu vực là một giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng quy định bổ nhiệm Thẩm phán suốt đời hoặc bổ nhiệm Thẩm phán theo nhiệm kỳ dài hơn quy định hiện nay.
(3) Cần có cơ chế tạo ra độc lập giữa Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án với Hội thẩm nhân dân. Cần quy định về quyền tiếp cận hồ sơ vụ án của Hội thẩm nhân dân như Thẩm phán để nâng cao hiểu biết pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ xét xử của Hội thẩm nhân dân. Bên cạnh đó, để nâng cao vai trò của Hội thẩm nhân dân trong tố tụng dân sự, pháp luật cũng cần quy định sự tham gia của Hội thẩm nhân dân trong giải quyết vụ án dân sự vào giai đoạn sớm hơn, được cung cấp bộ hồ sơ đầy đủ riêng để nghiên cứu, được tham gia hỏi nhiều và thực chất hơn…
Thứ sáu, phát huy vai trò của Kiểm sát viên trong kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án trong tố tụng dân sự. Pháp luật cần quy định cụ thể Kiểm sát viên phải kiểm sát hoạt động xét xử từ khi có đơn khởi kiện để đảm bảo giám sát việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật ngay từ đầu. Quá trình này cũng cần đảm bảo tính độc lập của Kiểm sát viên với Hội đồng xét xử và các chủ thể có liên quan khác.
Thứ bảy, pháp luật tố tụng dân sự cần phát huy được vai trò của Luật sư. Nghiên cứu xây dựng mô hình tranh tụng trong tố tụng dân sự gắn với vai trò của Luật sư theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 cần xác định đúng, trúng bản chất hoạt động nghề của Luật sư. Hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng tổ chức hành nghề luật sư không chỉ là tổ chức “bổ trợ tư pháp” và Luật sư tham gia tố tụng dân sự không chỉ có quyền gần như đương sự hiện nay mà cần sửa đổi quy định hướng tới thừa nhận Luật sư như một chức danh tư pháp3, có các quyền và trách nhiệm như một người tiến hành tố tụng, có thể được giao quyền tiến hành và tham gia tiến hành một số hoạt động tố tụng, như: Quyền quyết định trưng cầu giám định và sử dụng kết quả giám định do Luật sư trưng cầu để làm căn cứ giải quyết vụ án; quyền làm việc và lập biên bản làm việc với các bên đương sự, người làm chứng theo trình tự tố tụng cụ thể...
Theo kiemsat.vn
TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Nguyễn Thanh Lâm
Bài liên quan
-
Thực tiễn áp dụng các quy định của BLTTDS năm 2015 về thủ tục giải quyết sơ thẩm việc dân sự
-
Quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản tại Điều 104 BLTTDS năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện
-
Không cần sửa đổi Điều 262 BLTTDS năm 2015 về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm
-
Vướng mắc về tiếp tục phiên tòa tạm ngừng theo quy định tại khoản 2 Điều 259 của BLTTDS năm 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
Bình luận