Thực tiễn áp dụng các quy định của BLTTDS năm 2015 về thủ tục giải quyết sơ thẩm việc dân sự

Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) về thủ tục giải quyết việc dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm và đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định này.

1. Quy định của BLTTDS

Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động [1].

TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện đều có thẩm quyền sơ thẩm các vụ việc [2]. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của TAND được cụ thể hóa trong các quy định tại Chương III của BLTTDS bao gồm: Thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thẩm quyền theo loại việc: Việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND bao gồm các yêu cầu công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý phát sinh từ 04 loại lĩnh vực: dân sự (Điều 27), hôn nhân và gia đình (Điều 29), kinh doanh, thương mại (Điều 31) và lao động (Điều 33).

Thẩm quyền theo cấp: TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của BLTTDS. TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các yêu cầu về dân sự theo quy định tại các điểm b, c khoản 1 và khoản 2 Điều 37 của BLTTDS.

Thẩm quyền theo lãnh thổ: Tại khoản 2 Điều 39 của BLTTDS liệt kê thẩm quyền của Tòa án trong 23 loại việc dân sự. Tại khoản 2 Điều 40 của BLTTDS quy định về quyền được lựa chọn Tòa án để giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình trong một số trường hợp cụ thể.

2. Thực tiễn áp dụng 

Thủ tục giải quyết sơ thẩm việc dân sự của Tòa án phát sinh từ khi người yêu cầu nộp đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự cho đến khi Tòa án ban hành quyết định đình chỉ hoặc quyết định giải quyết việc dân sự. Căn cứ pháp lý để Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng trong giải quyết việc dân sự được quy định từ Điều 362 đến Điều 370 và từ Chương XXIV đến Chương XXXIV của BLTTDS. Qua tổng hợp, đánh giá thực tiễn giải quyết sơ thẩm việc dân sự tại Tòa án và đối chiếu với các quy định của BLTTDS, tác giả nhận thấy quá trình giải quyết việc dân sự ở Tòa án cấp sơ thẩm còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như sau:

2.1. Về quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu do người yêu cầu giao nộp thiếu tài liệu, chứng cứ

Tại khoản 3 Điều 362 của BLTTDS quy định: “Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Việc kiểm tra, hướng dẫn người yêu cầu giao nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ là tiền đề quan trọng giúp việc xử lý đơn yêu cầu và thụ lý việc dân sự được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí. Thực tế nhiều trường hợp Tòa án phải ban hành thông báo sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu để thông báo cho người yêu cầu giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ từ đó có căn cứ xử lý đơn yêu cầu đúng pháp luật. Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 363 của BLTTDS chỉ quy định trường hợp Thẩm phán có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn nếu đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 362 của BLTTDS, mà chưa quy định về trường hợp Thẩm phán có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn do người yêu cầu giao nộp thiếu tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

2.2. Về quyền, nghĩa vụ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan khi nhận được thông báo và thời hạn để trình bày ý kiến trong việc dân sự

Tại điểm e khoản 1 Điều 365 của BLTTDS quy định Thông báo thụ lý việc dân sự phải có một trong các nội dung là: “Thời hạn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Tòa án đối với yêu cầu của người yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có)”. Tại mẫu Thông báo thụ lý việc dân sự (Mẫu số 09-VDS ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) có nội dung: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Thông báo này, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án nhân dânvăn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu của người yêu cầu và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có)”. Như vậy, theo biểu mẫu này thì thời hạn để người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự phải nộp văn bản ghi ý kiến của mình cho Tòa án là 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý việc dân sự.

Điều 199 của BLTTDS quy định quyền, nghĩa vụ của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án, trong đó có quy định về thời hạn này là 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Đây là căn cứ pháp lý để TAND xây dựng mẫu Thông báo về việc thụ lý vụ án (Mẫu số 30-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC). Tuy nhiên, đối với việc dân sự thì hiện BLTTDS không có điều luật nào quy định về thời hạn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp văn bản ghi ý kiến của mình cho Tòa án như vụ án dân sự.

2.3. Về kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự

BLTTDS hiện nay đang quy định rất hạn chế về các trường hợp Tòa án được kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự. Tại điểm b khoản 2 Điều 366 của BLTTDS quy định: “... Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 01 tháng”. Như vậy, theo quy định này thì Thẩm phán chỉ có quyền kéo dài thời hạn xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự trong trường hợp Tòa án trưng cầu giám định, định giá tài sản nhưng chưa có kết quả và thời hạn xét đơn yêu cầu được kéo dài tối đa 01 tháng. Mặc dù việc dân sự có đặc điểm là không tranh chấp, các bên hay có tâm lý cho rằng tính chất yêu cầu đơn giản, nhưng thực tế nhiều vụ việc dân sự có số lượng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng đông, cư trú ở nhiều nơi dẫn đến việc Tòa án mất nhiều thời gian, công sức để triệu tập, ghi nhận ý kiến của những người này; hoặc phải ủy thác cho Tòa án khác tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ; hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ. Các thủ tục tố tụng này làm cho thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu kéo dài và không phải lúc nào cũng được hoàn tất trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu. Tuy nhiên, để Thẩm phán, Hội đồng giải quyết việc dân sự kéo dài thời hạn xét đơn yêu cầu thì lại chưa có căn cứ pháp lý do BLTTDS không quy định.

2.4. Về tạm đình chỉ và đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hoặc giải quyết việc dân sự

* Về tạm đình chỉ

Mặc dù Điều 361 của BLTTDS quy định: “Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của Bộ luật này. Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự”. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy BLTTDS chưa dự liệu và chưa quy định các trường hợp Tòa án có quyền tạm đình chỉ giải quyết việc dân sự hoặc tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự. Khi hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự thì Tòa án phải ban hành một trong hai quyết định là quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu (trường hợp người yêu cầu rút đơn yêu cầu) hoặc quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự (trường hợp đủ điều kiện mở phiên họp) [3]. Như vậy, nếu đương sự không rút đơn và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ cũng chưa đầy đủ thì Tòa án không thể đình chỉ việc xét đơn cũng không thể ban hành quyết định mở phiên họp. Vấn đề đặt ra là trường hợp này Tòa án sẽ xử lý như thế nào về mặt tố tụng khi thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu đã hết.

* Về đình chỉ

Theo quy định của BLTTDS thì trong quá trình chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự, Tòa án có quyền đình chỉ trong 02 trường hợp là: (1) đình chỉ việc xét đơn yêu cầu khi người yêu cầu rút đơn yêu cầu [4] và (2) đình chỉ giải quyết việc dân sự nếu người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt [5]. Ngoài ra, việc đình chỉ xét đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết việc dân sự cũng được quy định trong nhiều điều luật từ Chương XXIV đến Chương XXXIV của BLTTDS đối với từng loại việc dân sự riêng. Thực tiễn cho thấy, không phải việc dân sự nào cũng có nội dung yêu cầu đơn giản và người yêu cầu đã giao nộp tài liệu, chứng cứ đầy đủ để Tòa án có thể mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Đối với những việc dân sự mà Tòa án phải trưng cầu giám định, định giá tài sản hoặc phải thực hiện ủy thác mà đương sự thuộc trường hợp phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định, định giá tài sản, chi phí tố tụng khác nhưng không có khả năng nộp hoặc cố tình không nộp tiền mặc dù đã được Tòa án thông báo hợp lệ thì Tòa án không có nguồn chi phí để thực hiện các thủ tục tố tụng này và cũng không có căn cứ pháp lý để đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết việc dân sự.

2.5. Về thủ tục hoãn phiên họp giải quyết việc dân sự

BLTTDS quy định nhiều trường hợp Tòa án hoãn phiên họp giải quyết việc dân sự. Khoản 2 Điều 376 quy định: “Người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ”; khoản 3 Điều 376 quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp... nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp”; khoản 3 Điều 368 quy định: “Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên thì Thẩm phán, Hội đồng giải quyết việc dân sự ra quyết định hoãn phiên họp và thông báo cho Viện kiểm sát”. Tuy nhiên lại chưa có điều luật nào quy định về thời hạn hoãn phiên họp cũng như nội dung của quyết định hoãn phiên họp.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 368 của BLTTDS quy định về trường hợp Thẩm phán, Thư ký phiên họp hoặc các thành viên của Hội đồng giải quyết việc dân sự bị thay đổi tại phiên họp nhưng không quy định rõ là trong trường hợp này thì Tòa án phải hoãn phiên họp hay vẫn được phép tiến hành phiên họp dẫn đến cách xử lý của mỗi địa phương khác nhau, không thống nhất.

2.6. Về thủ tục hòa giải trong quá trình giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn

Thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được quy định riêng tại Chương XXVIII của BLTTDS. Ngoài các quy định này thì việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn còn được thực hiện theo các quy định khác tại Phần thứ Sáu của BLTTDS về thủ tục giải quyết việc dân sự nói chung. Theo quy định tại Điều 397 của BLTTDS thì Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ; trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của BLTTDS. Vấn đề đặt ra là việc hòa giải này được tiến hành bằng một phiên hòa giải riêng hay được tiến hành tại phiên họp giải quyết việc dân sự.

Thực tiễn giải quyết loại việc này, có nơi Thẩm phán sẽ mở phiên hòa giải riêng, lập biên bản hòa giải để làm căn cứ ban hành quyết định đình chỉ hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của BLTTDS; cũng có nơi Thẩm phán không mở phiên hòa giải riêng mà ban hành quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, việc hòa giải đoàn tụ sẽ được Thẩm phán tiến hành tại phiên họp để làm căn cứ ban hành quyết định.

3. Đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của BLTTDS về thủ tục giải quyết sơ thẩm việc dân sự, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung nhằm hoàn thiện các quy định của BLTTDS như sau:

3.1. Bổ sung trường hợp Tòa án được quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự

Thêm cụm từ “hoặc người yêu cầu giao nộp thiếu tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp theo quy định tại khoản 3 Điều 362” vào nội dung quy định của khoản 2 Điều 363 của BLTTDS.

Khoản 2 Điều 363 của BLTTDS sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 362 [hoặc người yêu cầu giao nộp thiếu tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp theo quy định tại khoản 3 Điều 362] của Bộ luật này thì Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 193 của Bộ luật này”.

3.2. Bổ sung điều luật quy định về quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi nhận được thông báo thụ lý việc dân sự

Điều luật này có thể thiết kế đi liền ngay sau điều luật quy định về “Thụ lý việc dân sự” (Điều 365) với nội dung thiết kế tương tự Điều 199 của BLTTDS, trong đó quy định thời hạn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có văn bản trình bày ý kiến khi nhận được thông báo thụ lý việc dân sự là 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo.

3.3. Bổ sung điều luật quy định về thủ tục hoãn phiên họp và quy định rõ trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Thư ký tại phiên họp giải quyết việc dân sự thì Tòa án hoãn phiên họp

Tác giả đề xuất xây dựng điều luật quy định về thủ tục hoãn phiên họp giải quyết việc dân sự có kết cấu, nội dung tương tự Điều 233 của BLTTDS quy định về hoãn phiên tòa. Theo đó, ấn định thời hạn hoãn phiên họp không quá 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên họp. Thẩm quyền hoãn phiên họp tùy theo từng trường hợp hoãn thuộc về Thẩm phán, Chánh án hoặc Phó Chánh án (nếu hoãn phiên họp do thay đổi Thẩm phán), Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp (nếu hoãn phiên họp do thay đổi Thẩm phán giữ chức vụ Chánh án) và Hội đồng giải quyết việc dân sự.

Đối với quy định tại khoản 2 Điều 368 của BLTTDS, tác giả đề xuất bổ sung thêm một điểm để quy định về việc Tòa án hoãn phiên họp trong trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Thư ký tại phiên họp giải quyết việc dân sự.

Khoản 2 Điều 368 của BLTTDS sẽ được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 368. Quyết định việc thay đổi người tiến hành tố tụng khi giải quyết việc dân sự

... 2. Tại phiên họp giải quyết việc dân sự, việc thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp được thực hiện như sau:

... [c) Những người có thẩm quyền được quy định tại điểm a và b Điều này ra quyết định hoãn phiên họp và thông báo cho Viện kiểm sát, những người tham gia tố tụng.”].

3.4. Bổ sung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 366 của BLTTDS về các trường hợp Tòa án kéo dài thời hạn xét đơn yêu cầu

Tác giả đề xuất bổ sung các trường hợp Tòa án được kéo dài thời hạn xét đơn yêu cầu theo hướng quy định ngoài trường hợp cần đợi kết quả giám định, định giá tài sản thì Tòa án cũng có quyền kéo dài thời hạn xét đơn yêu cầu trong các trường hợp khác gồm: phải đợi kết quả cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ.

Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 366 của BLTTDS như sau:

“b) Trường hợp đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết thì Thẩm phán ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản; [thực hiện ủy thác tư pháp hoặc ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ]. Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa có kết quả giám định, định giá tài sản; [cung cấp tài liệu, chứng cứ; thực hiện ủy thác tư pháp hoặc ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ] thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 01 tháng.”.

3.5. Bổ sung quy định về thẩm quyền tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự và bổ sung trường hợp Tòa án có quyền đình chỉ việc xét đơn yêu cầu do người yêu cầu không nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng vào điểm c khoản 2 Điều 366 của BLTTDS

Việc bổ sung điều luật quy định về thẩm quyền tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự của Tòa án và các trường hợp cụ thể làm căn cứ ban hành quyết định tạm định chỉ tương ứng với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 366 của BLTTDS là cần thiết trong bối cảnh các quan hệ pháp luật diễn biến ngày càng đa dạng, phức tạp. Tác giả đề xuất bổ sung theo hướng Tòa án có quyền tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự trong các trường hợp cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án hoặc đợi kết quả giám định, định giá tài sản mà thời hạn chuẩn bị chuẩn bị xét đơn yêu cầu đã hết.

Đồng thời, quy định bổ sung trường hợp Tòa án có quyền đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự trong trường hợp người yêu cầu không nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng mà không có lý do chính đáng vào nội dung điểm c khoản 2 Điều 366 của BLTTDS. Tác giả đề xuất thêm cụm từ “hoặc không nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng mà không có lý do chính đáng” vào nội dung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366 của BLTTDS.

Cụ thể sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 366 của BLTTDS như sau: “c) Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu [hoặc không nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng mà không có lý do chính đáng];”.

3.6. Hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất liên quan đến thủ tục hòa giải trong giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và ban hành thêm các biểu mẫu tố tụng để áp dụng trong quá trình giải quyết việc dân sự

Tác giả đề xuất Hội đồng Thẩm phán TANDTC đưa nội dung giải đáp về việc khi giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì Tòa án mở phiên họp hòa giải đoàn tụ riêng hay thực hiện việc hòa giải tại phiên họp giải quyết việc dân sự? Theo quan điểm của tác giả, việc dân sự có đặc điểm là không có tranh chấp nên Tòa án không phải tiến hành thủ tục hòa giải riêng mà việc hòa giải đoàn tụ được thực hiện tại phiên họp giải quyết việc dân sự, ý kiến của người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, diễn biến của việc hòa giải cũng như các diễn biến khác của phiên họp... được Thư ký ghi vào biên bản phiên họp, làm căn cứ để Thẩm phán ban hành quyết định đình chỉ hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của BLTTDS.

Mặc khác, qua thực tiễn tham gia giải quyết việc dân sự, tác giả nhận thấy còn nhiều thủ tục tố tụng của Tòa án được quy định trong BLTTDS chưa có biểu mẫu để áp dụng chung, dẫn đến tình trạng mỗi địa phương ban hành một văn bản với hình thức và nội dung khác nhau, phụ thuộc nhiều vào ý chỉ chủ quan của người soạn thảo. Do đó, để tạo sự thống nhất, đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết việc dân sự của Tòa án, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC rà soát, nghiên cứu xây dựng và ban hành thêm các biểu mẫu tố tụng còn thiếu để các Tòa án địa phương áp dụng trong quá trình thụ lý, giải quyết việc dân sự. Một số văn bản tố tụng còn chưa có biểu mẫu để áp dụng chung có thể chỉ ra như: Quyết định phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn yêu cầu; Thông báo về việc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự; Thông báo về việc chấp nhận (không chấp nhận) yêu cầu miễn, giảm tiền tạm ứng lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự; Quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự; Thông báo xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự...

*Thư ký TAND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai

[1] Điều 361 của BLTTDS năm 2015.

[2] Điều 37 và Điều 44 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

[3] Khoản 1 Điều 366 của BLTTDS năm 2015.

[4] Điểm c khoản 1 Điều 366 của BLTTDS năm 2015.

[5] Khoản 2 Điều 367 của BLTTDS năm 2015.

Hoạt động hòa giải tại TAND Tp Tuyên Quang - Ảnh: Báo TQ

ĐINH THÀNH LONG*