Hoàn thiện pháp luật xử lý hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính
Các quy định của pháp luật về hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính hiện vẫn còn tồn tại hạn chế, bất cập gây khó khăn cho công tác xử lý. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích một số bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính và đề xuất giải pháp hoàn thiện.
1. Khái quát về hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn tham gia Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990. Theo Công ước này thì “trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”1.
Pháp luật Việt Nam cũng có định nghĩa về trẻ em tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, người từ dưới 16 tuổi được xác định là trẻ em. Điều này hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia là thành viên.
Hiện nay, chưa có một văn bản luật quy định cụ thể và thống nhất về “thu lợi bất chính” là gì và “hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính” là như thế nào. Tuy nhiên, ở mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành những văn bản giải thích khác nhau về cụm từ “thu lợi bất chính” và những quy định về xử lý các hành vi mang tính chất lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính. Cụ thể như sau:
Tại Điều 8 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đo lường có quy định: “Thu lợi bất chính là số tiền thu được do vi phạm pháp luật về đo lường…”.
Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có quy định: ““Thu lợi bất chính” là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay”.
Như vậy, hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính là việc các đối tượng vi phạm đã lợi dụng, sử dụng trẻ em để thực hiện những hành vi trái quy định pháp luật nhằm thu lại một lợi ích nhất định cho mình, mà lợi ích đó thường liên quan đến tài sản là chủ yếu.
Một số hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính hiện nay như:
Một là, “chăn dắt”, ép buộc trẻ em đi ăn xin, cho trẻ sử dụng các chất kích thích, uống thuốc ngủ để ngủ mê cả ngày và ẵm trên tay ra các góc đường đông người qua lại để ăn xin, đánh vào lòng thương người, thương trẻ của người đi đường. Thậm chí, các đối tượng “chăn dắt” còn thực hiện hành vi ngày càng tinh vi, xây dựng một đường dây điều hành quy mô lớn ở phía sau.
Hai là, nhiều đối tượng còn đào tạo, dụ dỗ trẻ em đi ăn cắp, thậm chí có những đối tượng là cha mẹ mà lại hướng dẫn con nhỏ của mình phối hợp đi trộm cắp tài sản của người khác.
Ba là, nhiều đối tượng còn “đánh” vào nhận thức chưa đầy đủ của trẻ em bằng việc tuyển dụng công việc nhẹ, lương cao và chỉ làm vào thời gian rảnh rỗi. Sau khi những đứa trẻ này đồng ý vào làm việc, thì bị hành hạ, đánh đập, bắt ép khiêu dâm, đi bán dâm chứ không giống như công việc ban đầu được hứa hẹn, thỏa thuận.
2. Một số bất cập của pháp luật
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, chỉ quy định 02 hành vi được xem là tội phạm liên quan đến lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính là chưa đầy đủ, chưa bao quát và chưa đủ sức răn đe với các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, biến hóa khôn lường như hiện nay.
Một là, hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm quy định tại Điều 147 BLHS năm 2015 là tội danh có chế tài phạt tù đến 12 năm tùy tính chất và mức độ của hành vi phạm tội.
Hai là, hành vi dụ dỗ, ép buộc, chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp quy định tại Điều 325 BLHS năm 2015 là hành vi phạm tội có mức hình phạt tù có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm, đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, nếu các đối tượng lợi dụng trẻ em để đi ăn xin trục lợi có hành vi “chăn dắt”, ép buộc, đối xử tàn ác, bắt trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, đánh đập, gây thương tích,… với trẻ em mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các đối tượng này mới bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); tội hành hạ người khác (Điều 140); tội làm nhục người khác (Điều 155) hoặc tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi (Điều 196),... theo quy định của BLHS năm 20152.
Thứ hai, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính, nếu không xử lý hình sự được, thì chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chưa tương xứng với hành vi vi phạm của các đối tượng. Một số đối tượng còn chấp nhận nộp phạt, rồi tiếp tục các hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính, hay các đối tượng này còn thay đổi người vi phạm nếu bị phát hiện hoặc đã bị xử phạt hành chính trước đó.
Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định như sau:
Một là, Điều 24 quy định hành vi vi phạm quy định về cấm sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi trái pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng cùng với việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Hai là, Điều 32 quy định hành vi vi phạm quy định về cấm lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng cùng việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Nguyên nhân cốt lõi mà các đối tượng này tiếp tục thực hiện các hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính là vì số lợi bất chính mà các đối tượng này thu được nhiều hơn số tiền nộp phạt trên thực tế.
Tóm lại, khung pháp lý còn trống cùng với những quy định trên cho thấy các biện pháp chế tài hình sự và hành chính của Nhà nước đối với những hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính còn chưa đủ sức răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm, dẫn đến các hành vi này cứ lặp đi lặp lại, kéo dài, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, pháp luật cần quy định cụ thể, bao quát về hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính. Đặc biệt phải lưu ý sự thống nhất và dẫn chiếu đối với các quy định pháp luật tại các văn bản quy phạm pháp luật khác như BLHS năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số nghị định, thông tư có liên quan.
Thứ hai, cần nghiên cứu bổ sung các chế tài hình sự đối với các hành vi “chăn dắt”, dụ dỗ, lôi kéo trẻ em thực hiện những hành vi trái pháp luật để thu lợi bất chính theo hướng hình sự hóa các hành vi cụ thể như hiện nay. Trẻ em luôn luôn là đối tượng được quan tâm và ưu tiên bảo vệ nhất trong xã hội, không thể để trẻ bị tổn thương ở độ tuổi này vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cả về tâm sinh lý và cuộc sống sau này của trẻ. Việc hình sự hóa các hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của trẻ em ở Việt Nam sẽ cho thấy Việt Nam là một quốc gia rất coi trọng và tôn trọng quyền trẻ em. Từ đó sẽ xây dựng được môi trường bảo vệ trẻ em hiệu quả nhất, đó là môi trường đặt trong sự bảo vệ của pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia3.
Thứ ba, cần tăng các mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi lợi dụng trẻ em để thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định số lợi thu bất chính mà các đối tượng vi phạm thu được rất khó chính xác vì hành vi này diễn ra trong một khoảng thời gian dài và liên tục. Vì vậy, tác giả đề xuất ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính, sau khi kiểm tra, xác định được khoản thu lợi bất chính thì các đối tượng thì không chỉ nộp lại đúng khoản thu lợi bất chính này mà Nhà nước phải đưa ra một công thức cấp số nhân đối với khoản lợi đó và yêu cầu các đối tượng này nộp đúng theo quy định.
Thứ tư, cần cân nhắc đưa vào quy định pháp luật về việc tước quyền nuôi con vĩnh viễn đối với trường hợp cha, mẹ lợi dụng con của mình để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm thu lợi bất chính đối với một số trường hợp cụ thể để trẻ có môi trường sống và phát triển tốt hơn.
Hiện nay, theo Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tước quyền nuôi con của cha, mẹ trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Điều này chưa phù hợp với tình hình thực tế, những trường hợp cho con của mình sử dụng các chất kích thích, uống thuốc để ngủ liên tục hòng lừa gạt lòng tin của người dân, đánh đập, thậm chí dùng chích điện để ép con đi ăn xin đủ số tiền mới được ăn uống, được ngủ,... [U3] Ngoài xử lý hình sự, vậy thì có nên áp dụng biện pháp tước quyền nuôi con vĩnh viễn? Theo tác giả, việc tước quyền nuôi con vĩnh viễn trong những trường hợp này là hoàn toàn hợp lý, đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay tại Việt Nam, cũng như học tập kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về bảo vệ trẻ em.
Thứ năm, các cơ quan nhà nước cần phải tăng cường công tác giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường và xã hội về quyền trẻ em. Đặc biệt, cần có biện pháp tuyên truyền hiệu quả hơn để mọi người dân đều phải biết đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 - Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (do Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý) để mỗi người dân sẽ trở thành “chiến sĩ” trong công cuộc bảo vệ quyền trẻ em.
1 Điều 1 Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em ngày 20/02/1990.
2 Trường Hoàng, Lợi dụng trẻ em để đi ăn xin có bị phạt tù?, https://phunu.nld.com.vn/phap-luat/loi-dung-tre-em-de-di-an-xin-co-bi-phat-tu-20200911221942925.htm, truy cập ngày 16/11/2022.
3 Vũ Thị Phượng, Bảo vệ trẻ em bằng pháp luật và sự chung tay của nhiều chủ thể, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208102, truy cập ngày 16/11/2022.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận