Hoàn thiện quy định Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 lần đầu tiên đã hình sự hóa hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép tại Điều 348 góp phần hạn chế những vấn đề thiếu sót trong việc ngăn chặn tội phạm xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn bộc lộ những điểm bất cập, hạn chế đòi hỏi cần phải tiếp tục hoàn thiện.
1.Quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành
1.1. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại [1]. Theo đó, đối với Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép thì khách thể trực tiếp bị xâm hại là trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là hoạt động chấp hành, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, của các cơ quan Nhà nước khác và các tổ chức được Nhà nước ủy quyền quản lý trên cơ sở của luật định và để thi hành pháp luật nhằm thực hiện chức năng tổ chức, quản lý, điều hành trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của nước ta. Bên cạnh đó, tội phạm này còn xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam. Như vậy, có thể thấy tội phạm này được quy định nhằm mục đích đấu tranh phòng chống các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
1.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm được hiểu là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan [2]. Hành vi khách quan của tội phạm này được biểu hiện dưới 6 dạng hành vi:
Thứ nhất, hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Theo khoản 1 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 thì xuất cảnh có thể hiểu là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Xuất cảnh trái phép là việc một cá nhân nào đó rời khỏi lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu của Việt Nam mà không có các loại giấy tờ hợp pháp và trái với quy định của pháp luật. Như vậy, hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép là hành vi của một cá nhân vì mục đích vụ lợi mà đứng ra làm người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, rủ rê, lôi kéo người khác xuất cảnh trái phép qua các cửa khẩu của Việt Nam; trực tiếp hoặc gián tiếp đưa dẫn, chuyên chở, chuẩn bị những giấy tờ liên quan đến xuất cảnh, tiền bạc, phương tiện di chuyển (ô tô, xe máy, xe khách...) để hỗ trợ cho việc đưa người khác rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Theo khoản 4 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định “Nhập cảnh là việc người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam” [3] và khoản 2 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định “Nhập cảnh là việc công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam” [4]. Qua đó, có thể hiểu nhập cảnh trái phép là việc người Việt Nam hoặc người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu mà không có những giấy tờ hợp pháp và trái với quy định pháp luật. Như vậy, Hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép là hành vi của người phạm tội vì mục đích vụ lợi mà đứng ra tổ chức, cầm đầu, hỗ trợ, rủ rê, lôi kéo, tạo những điều kiện cần thiết cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái quy định của pháp luật như chuẩn bị lên kế hoạch, lôi kéo, chuẩn bị giấy tờ, chuẩn bị phương tiện di chuyển, chuẩn bị chỗ ở...
Thứ ba, hành vi tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Ở lại Việt Nam trái phép có thể hiểu là những người (người nước ngoài, người không quốc tịch thường trú ở nước ngoài) đã thực hiện việc nhập cảnh vào Việt Nam một cách hợp pháp để làm việc, du lịch, chữa bệnh... nhưng sau khi hết thời hạn theo quy định thì không rời khỏi Việt Nam mà vẫn muốn ở lại Việt Nam trái phép. Hành vi tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép là hà hành vi người phạm tội vì mục đích vụ lợi mà đứng ra tổ chức, cầm đầu, hỗ trợ, lên kế hoạch để qua mặt sự kiểm tra của những cơ quan chức năng, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho người khác ở lại Việt Nam trái phép như giấy tờ, nơi ở, phương tiện di chuyển, tiền bạc...
Thứ tư, hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép. Môi giới có thể hiểu là việc một cá nhân hoặc một tổ chức làm trung gian cho hai hoặc nhiều bên kết nối với nhau, gặp nhau để thực hiện một mục đích nào đó. Như vậy, hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép là việc người phạm tội vì mục đích vụ lợi, đứng ra làm trung gian, có vai trò kết nối, dẫn dắt, tạo điều kiện cho những người có ý định “xuất cảnh trái phép” với những người có hành vi “tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” gặp được nhau để thỏa thuận về địa điểm, giá cả, cách thức hoạt động. Hành vi này thể hiện qua những hành động trực tiếp như giới thiệu hỗ trợ, mời chào, chỉ dẫn người khác (người Việt Nam, Người nước ngoài, người không quốc tịch) để họ có thể được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu trái pháp luật.
Thứ năm, hành vi môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép. Hành vi này có thể hiểu là việc người phạm tội vì mục đích vụ lợi mà đứng ra làm trung gian, tạo điều kiện, dụ dỗ, móc nối những người có ý định nhập cảnh vào Việt Nam nhưng không đáp ứng được những quy định của pháp luật với những người có hành vi “tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” gặp nhau để thỏa thuận về giá cả, cách thức hoạt động cũng như trao đổi, lên kế hoạch để họ có thể được đưa vào lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu trái quy định pháp luật. Hành vi này có thể thực hiện trực tiếp bằng những hành động giới thiệu hỗ trợ, chỉ dẫn người khác để họ có thể được đưa vào Việt Nam trái phép qua các cửa khẩu.
Thứ sáu, hành vi môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Ở lại Việt Nam trái phép có thể hiểu là những người (người nước ngoài, người không quốc tịch thường trú ở nước ngoài) đã thực hiện việc nhập cảnh vào Việt Nam một cách hợp pháp nhưng sau khi hết thời hạn theo quy định lại không rời khỏi Việt Nam mà vẫn muốn ở lại trái phép. Hành vi môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép có thể hiểu là người phạm tội vì mục đích vụ lợi mà đứng ra làm trung gian, thực hiện việc kết nối, tạo điều kiện, lôi kéo, gợi ý, chỉ dẫn những người nước ngoài đã nhập cảnh hợp pháp và đã hết thời hạn thời gian cho phép nhưng có ý định ở lại Việt Nam trái phép với những người có hành vi “tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” gặp nhau để thỏa thuận, lên kế hoạch cũng như chuẩn bị những điều kiện cần thiết. Hành vi này có tính chất tạo điều kiện như giới thiệu hỗ trợ, chỉ dẫn người khác tiếp tục ở lại Việt Nam khi đã hết thời hạn nhờ hành vi tổ chức ở lại Việt Nam trái phép; thực hiện trực tiếp bằng những hành động cử chỉ, lời nói hoặc có thể thông qua những phương tiện điện tử như tin nhắn điện thoại, mạng xã hội...
1.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm theo quy định của PLHS Việt Nam là con người cụ thể, có năng lực TNHS bao gồm năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội; đạt độ tuổi chịu trách nhiệm theo luật định khi thực hiện hành vi phạm tội [5]. Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội đối với Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép được quy định tại khoản 1 Điều 348 BLHS 2015: “Người nào”. Ở đây điều luật không quy định cụ thể độ tuổi của chủ thể phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội này là bất kì người nào có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực TNHS và không phụ thuộc vào giới tính là nam hay nữ, nghĩa là khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội người đó có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và có khả năng điều khiển được hành vi ấy. Theo quy định của BLHS về tuổi chịu TNHS, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm nên trong trường hợp này “người nào” được hiểu là người đủ 16 tuổi trở lên.
Nếu như mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm thì mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của người phạm tội [6]. Mặt chủ quan thể hiện lỗi, động cơ, mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội. Dấu hiệu lỗi có thể hiểu là những biểu hiện về thái độ của chủ thể đối với hành vi phạm tội và hậu quả sẽ xảy ra nếu thực hiện hành vi ấy. Đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép thì lỗi ở đây được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được việc thực hiện hành vi đó là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả nhưng vẫn mong muốn thực hiện các hành vi như tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép, tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định động cơ phạm tội là vì vụ lợi. Có thể hiểu người phạm tội muốn có được những lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho bản thân, cho người khác, cho nhóm người khác thông qua việc thực hiện những hành vi phạm tội như tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép, tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Nếu người phạm tội thực hiện những hành vi trên mà không vì động cơ vụ lợi thì sẽ không cấu thành tội phạm này. Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép mà vì mục đích chống chính quyền nhân dân thì tùy từng trường hợp cụ thể sẽ bị truy cứu TNHS về Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi dục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 120).
Tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định 4 khoản về hình phạt: trong đó có 3 khoản quy định về hình phạt chính và 1 khoản quy định về hình phạt bổ sung. Theo đó, khoản 1 quy định người phạm tội có thể bị áp dụng mức hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; khoản 2 quy định người phạm tội có thể bị áp dụng mức hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; khoản 3 quy định người phạm tội có thể bị áp dụng mức hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Việc quy định các khung hình phạt tại khoản 1,2,3 Điều 348 BLHS 2015 đã cho thấy sự nghiêm khắc được thể hiện trong các khung hình phạt này. Qua đó phản ánh rõ chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc lên án và xử lý nghiêm khắc đối với Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Đây là cơ sở để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc phòng ngừa, trấn áp kịp thời đối với loại tội phạm này và góp phần bảo vệ trật tự quản lý hành chính. Đồng thời là hình thức giáo dục đối với nhân dân, để mọi người tuân thủ theo pháp luật.
Bên cạnh việc quy định hình phạt chính tại khoản 1, 2, 3 thì điều luật còn quy định thêm hình phạt bổ sung đối với người phạm tội tại khoản 4 như sau: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Như vậy, trong một số trường hợp nhất định thì người phạm tội có thể bị tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi xét thấy hành vi phạm tội gây thiệt hại về mặt vật chất, tính mạng… Hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
2. Bất cập, hạn chế
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn quy định của BLHS năm 2015 về Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, nhóm nghiên cứu nhận thấy quy định này còn có những bất cập, hạn chế sau:
Thứ nhất, quy định về chủ thể của tội phạm
Tại khoản 1 của điều luật này, chủ thể được quy định là cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực TNHS. Tuy nhiên, điều luật lại chưa quy định chủ thể của tội phạm này là pháp nhân thương mại, bởi tội phạm đã thực hiện hành vi tổ chức, môi giới (đưa dẫn, chuyên chở, giới thiệu, hỗ trợ, chuẩn bị phương tiện, tiền bạc, giấy tờ trái phép) để cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú vào Việt Nam. Đồng thời, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội này phần lớn đều có mục đích vụ lợi, tức là mong muốn thu lợi bất bất chính, thu được những lợi ích vật chất hoặc phi vật chất trái phép; đồng thời, pháp nhân thương mại cũng được thành lập ra nhằm mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận sẽ được chia cho các thành viên. Tại tiểu mục 2.4, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra thực tiễn tội phạm đã sử dụng danh nghĩa công ty để tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép. Như vậy, pháp nhân thương mại có thể là chủ thể thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Do vậy, việc bổ sung thêm chủ thể là pháp nhân thương mại thực sự cần thiết, tránh trường hợp lách luật và bỏ sót tội phạm.
Thứ hai, quy định về tình tiết định khung tăng nặng
Tại điểm b khoản 3 của điều luật quy định tình tiết định khung tăng nặng “làm chết người”. Có thể hiểu là trong khi người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép vì một lý do nào đó mà làm chết người thì sẽ thị áp dụng tình tiết định khung này. Trong trường hợp, nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội mà người phạm tội vì một lý do khách quan hay chủ quan mà gây thương tích nhưng chưa đến mức làm chết người thì sẽ không bị áp dụng tình tiết tăng nặng. Vì vậy, cần phải có một quy định cụ thể về trường hợp người phạm tội khi thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép vì một lý do nào đó mà gây ra thương tích nhưng không dẫn đến làm chết người như quy định tại điểm b khoản 3 điều này.
Thứ tư, quy định về hình phạt chính
Điều luật này quy định mức hình phạt thấp nhất là 01 năm tù và hình phạt cao nhất là 15 năm tù thì nhóm nghiên cứu nhận thấy mức hình phạt còn chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Khoản 2 điều này quy định khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù, tuy nhiên tại điểm e có quy định tình tiết định khung tăng nặng là “tái phạm nguy hiểm”. Tại khoản 2 Điều 53 quy định những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: “a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý” [7]. Do vậy đối với trường hợp tái phạm nguy hiểm thì hành vi phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn nên cần phải có một chế tài hình sự nghiêm khắc hơn để trừng trị tội phạm.
Thứ năm, quy định về hình phạt bổ sung
Theo điều luật, trong một số trường hợp thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và sau khi chấp hành xong hình phạt chính có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm. Tuy nhiên, thông qua nghiên cứu, tìm hiểu điều luật và tham khảo kinh nghiệp lập pháp của một số quốc gia trên thế giới về tội phạm này thấy hình phạt tiền theo quy định tại Điều 348 BLHS Việt Nam còn tương đối thấp, chưa đủ tính răn đe.
3. Giải pháp hoàn thiện
3.1. Bổ sung quy định về chủ thể
Theo quy định tại Điều 348 BLHS năm 2015, chủ thể tội phạm của tội này là cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đẩy năng lực TNHS mà chưa có quy định về chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là pháp nhân. Nhóm nghiên cứu nhận thấy cần phải bổ sung chủ thể của tội phạm này là pháp nhân. Tại Điều 76 BLHS năm 2015 quy định pháp nhân thương mại phải chịu TNHS trong 33 tội nhưng chưa quy định tội phạm này. Do vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất bổ sung Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép vào Điều 76 về phạm vi chịu TNHS của pháp nhân thương mại như sau: “Pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300, 324 và 348 của Bộ luật này”.
3.2. Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2, khoản 3
Thứ nhất, Điều 348 BLHS Việt Nam 2015 quy định tình tiết định khung tăng nặng “làm chết người” tại điểm c khoản 3. Như vậy, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội nếu người phạm tội vì vô ý mà làm chết người thì sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng này. Tuy nhiên, nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội mà chưa đến mức làm chết người mà chỉ dừng lại ở mức độ gây thương tích thì người phạm tội không bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng vì điều luật chưa quy định. Nhóm nghiên cứu xin đề xuất bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “gây thương tích từ 31% trở lên” vào khoản 2 của điều luật này. Như vậy sẽ giúp cho việc định tội và khung hình phạt của cơ quan chức năng dễ dàng hơn.
Thứ hai, tại điểm e khoản 2 Điều 348 BLHS năm 2015 quy định tình tiết định khung tăng nặng “tái phạm nguy hiểm”. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy chưa thực sự hợp lý vì quy định tại khoản 2 Điều 348 quy định khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù. Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS Việt Nam 2015, tái phạm nguy hiểm có thể hiểu là người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Đồng thời, tại Điều 9 BLHS năm 2015 cũng có quy định tội phạm rất nghiêm trọng có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt từ 15 năm đến 20 năm tù hoặc chung thân, tử hình.
Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 348 lại quy định đối với tái phạm nguy hiểm mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù. Việc quy định như trên cho thấy sự bất hợp lý trong quy định của Bộ luật này. Vì vậy, nhóm nghiên cứu xin đề xuất sửa đổi quy định tại điểm e khoản 2 từ “Tái phạm nguy hiểm” thành “Tái phạm” và bổ sung tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” vào khoản 3 của điều này.
3.3. Sửa đổi và bổ sung hình phạt
Thứ nhất, đối với hình phạt chính tại khoản 3 của điều luật này và hình phạt tiền bổ sung, nhóm nghiên cứu nhận thấy còn chưa đủ tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Vì vậy, cần tăng nặng hình phạt “từ 07 năm đến 15 năm tù” lên “từ 10 năm đến 20 năm tù”. Đối với hình phạt tiền bổ sung, nhóm nghiên cứu xin đề xuất tăng hình phạt tiền bổ sung “từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng” lên “từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”. Như vậy, sẽ đảm bảo được tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật Việt Nam và góp phần phòng ngừa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.
Thứ hai, đối với hình phạt bổ sung, ngoài hình phạt tiền và cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn thì nhóm nghiên cứu xin đề xuất bổ sung thêm hình phạt “trục xuất” hoặc “cấm nhập cảnh vĩnh viễn” đối với người phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có quốc tịch nước ngoài. Bởi trên thực tế chủ thê thực hiện hành vi phạm tội này không chỉ dừng lại là những người có quốc tịch Việt Nam mà còn có thể là những người nước ngoài.
Ví dụ, trong trường hợp một người Trung Quốc đã nhập cảnh trước đó vào Việt Nam, thông qua mạng xã hội người này có biết một số người Trung Quốc khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, tuy nhiên lại thực hiện hành vi tổ chức cho một số người Trung Quốc này ở lại Việt Nam trái phép mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam. Như vậy trong trường hợp này ngoài việc người phạm tội phải chấp hành hình phạt chính thì cần xem xét áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất hoặc cấm vĩnh viễn người đó nhập cảnh vào Việt Nam.
Thứ ba, bổ sung hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại. Theo quy định tại Điều 33 BLHS Việt Nam 2015, pháp nhân sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền làm hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung. Do đó, cần có mức hình phạt phù hợp với pháp nhân thương mại phạm tội này. Cụ thể: “5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng”.
Thứ tư, bổ sung thêm hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại như sau: “Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động từ 01 năm đến 05 năm”.
TAND TP. Đà Nẵng xét xử vụ án tổ chức cho người nhập cảnh Việt Nam trái phép - Ảnh: Đoàn Nguyên
[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình luật Hình sự Việt Nam (phần chung), NXB Công an Nhân Dân.
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình luật Hình sự Việt Nam (phần chung), NXB Công an Nhân Dân.
[3] Quốc hội (2014), Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
[4] Quốc hội (2019), Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
[5] Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình luật Hình sự Việt Nam (phần chung), NXB Công an Nhân Dân.
[6] Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình luật Hình sự Việt Nam (phần chung), NXB Công an Nhân Dân.
[7] Quốc hội (2017), Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), NXB Công an Nhân Dân.
Bài liên quan
-
Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tích cực phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu và xuất nhập cảnh trái phép
-
Vướng mắc về việc ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh với người bị kết án
-
Quảng Ngãi: Lãnh đạo 3 doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì liên quan đến tiền thuế
-
Đề xuất cảnh vệ cho Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Ngày Xuân, Cột cờ Lũng Cú cảnh đẹp mê hoặc lòng người
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Xuân mới, cơ hội mới, khí thế mới!
Bình luận