Hoàn thiện quy định về áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự
Áp dụng tập quán được xem là một giải pháp nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh, cũng là cơ sở để hoàn thiện pháp luật. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc áp dụng tập quán trong công tác xét xử hiện nay.
Tập quán là những thói quen về cách hành xử có nội dung rõ ràng, được hình thành, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài tại một cộng đồng dân cư, được các chủ thể thừa nhận là quy tắc xử sự chung và áp dụng để điều chỉnh các quyền, nghĩa vụ trong quan hệ của các bên tại địa phương đó. Áp dụng tập quán là việc cơ quan có thẩm quyền sử dụng và vận dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng, bên cạnh áp dụng tương tự pháp luật và áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.
1. Thực tiễn áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự
Trong thực tiễn xét xử, có những tập quán được áp dụng để giải quyết vụ việc dân sự đạt kết quả tích cực, được dư luận đánh giá cao. Ví dụ: Việc áp dụng tập quán hình thành từ quá trình lao động của một cộng đồng người cùng hoạt động trong một ngành nghề là thường xuyên xảy ra (như thói quen trong nghề đánh cá biển); có những bản án, quyết định mà định hướng xử lý phải dựa vào tập quán nghề tại địa phương như việc TAND tỉnh B ghi nhận tranh chấp giữa những ngư dân về quyền sở hữu cây chà. Theo đó, Tòa án dựa vào tập quán hành nghề trên biển để xác định: Người được quyền sở hữu cây chà thì các tàu khác không được đến neo đậu và khai thác chung tại cùng một cây chà, nếu không có sự đồng ý của chủ sở hữu cây chà đó. Do đó, hành vi của tàu cá ông C và ông T là trái với tập quán tại địa phương.
Thực tiễn xét xử cũng ghi nhận việc áp dụng tập quán địa phương (được hình thành theo thói quen sinh hoạt của một cộng đồng theo phạm vi địa giới, vùng miền) là căn cứ đưa ra phán quyết. Ví dụ: Bản án số 609/2018/DS-ST ngày 29/11/2018 của TAND quận T, thành phố H về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tòa án xác định: “Theo tập quán của các giao dịch là hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng “giấy viết tay” trên địa bàn thành phố H: Khi hai bên mua và bán thỏa thuận chấm dứt hợp đồng đặt cọc thì bên mua sẽ giao lại bản chính giấy nhận cọc cho bên bán, sau khi bên bán đã hoàn trả tiền cọc và phạt cọc nếu có thỏa thuận. Do đó, việc bị đơn đã trả lại 50 triệu đồng cho nguyên đơn và nhận lại bản gốc văn bản thỏa thuận đặt cọc là phù hợp với tập quán giao dịch hiện nay”.
Ngoài ra, tập quán về đạo đức, dân tộc cũng phát huy vai trò bổ trợ pháp luật trong thực tiễn xét xử (như trong các tranh chấp chia di sản thừa kế, kinh doanh, thương mại…). Đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình, hiện nay có không ít trường hợp hủy bỏ hôn ước mặc dù đã làm lễ ăn hỏi, từ đó phát sinh tranh chấp, nhà trai muốn đòi lại sính lễ khi bị hủy hôn. Khi đó, việc xét xử dựa vào tập quán được xem là phương pháp hợp lý. Ví dụ: Bản án số 33/2021/DS-PT ngày 24/3/2021 của TAND tỉnh A nhận định các khoản phí mà nhà trai đã bỏ ra theo tập quán địa phương được mọi người công nhận trong việc tổ chức lễ cưới, đính hôn là lẽ đương nhiên; các bên cùng thống nhất tiền mâm quả, tiền đồng, lễ vật đem qua nhà gái được dùng trong ngày tổ chức lễ đính hôn và chi phí chụp ảnh cưới, chi phí thuê xe đã tiến hành xong và đã xác định bà V, ông B không tiến đến hôn nhân được và việc hủy hôn của bà V không vi phạm điều cấm mà pháp luật quy định… nên yêu cầu của nguyên đơn là không phù hợp”. Như vậy, có thể thấy tập quán dựa trên tâm lý, văn hóa dân tộc, hoặc giá trị đạo đức truyền thống luôn là căn cứ quan trọng để áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự vẫn tồn tại những khó khăn, bất cập. Cụ thể là:
Thứ nhất, xu hướng áp dụng tập quán trong thực tiễn xét xử hiện nay ngày càng ít.
Thực tế cho thấy, có rất ít bản án chính thức áp dụng tập quán. Bởi lẽ, về mặt khách quan, ngày nay pháp luật đã hoàn thiện hơn, điều chỉnh sâu rộng các quan hệ trong xã hội và ý thức pháp luật của người dân cũng được nâng cao; về mặt chủ quan, một số Thẩm phán có tâm lý e ngại áp dụng tập quán khi giải quyết các vụ việc dân sự. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về áp dụng tập quán chỉ mang tính chất thừa nhận, chưa có cơ chế bảo đảm việc áp dụng, nguy cơ bị sửa/hủy bản án khi áp dụng tập quán tạo áp lực khiến “các Thẩm phán thấy rất khó khăn khi có yêu cầu liên quan đến tập quán phát sinh tại tòa”. Khoản 2 Điều 5 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán…”. Về kỹ thuật lập pháp, nếu áp dụng tập quán chỉ là một giải pháp “có thể” được áp dụng thì chưa thống nhất với tinh thần của khoản 1 Điều 45 BLTTDS năm 2015.
Thứ hai, việc áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự hiện nay còn chưa thống nhất.
Việc áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự chưa thống nhất thể hiện dưới hai khía cạnh: (i) Quy định “có thể áp dụng tập quán” có được hiểu đồng nghĩa với việc không có “sự bắt buộc” phải áp dụng tập quán không? Nói cách khác, khi có tranh chấp xảy ra, các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì Tòa án có bắt buộc áp dụng tập quán không?; (ii) Cùng một vấn đề, nhưng một số Tòa án lại có quan điểm khác nhau. Thậm chí, cùng một vụ việc nhưng nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm khác nhau, phải xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Ví dụ: Khi có tranh chấp về sính lễ, có Tòa án căn cứ vào tập quán để giải quyết các vụ kiện đòi lễ vật của nhà trai khi nhà trai hoặc nhà gái hủy việc kết hôn (Bản án số 33/2021/DS-PT ngày 24/3/2021 của TAND tỉnh A). Tuy nhiên, cũng có Tòa án coi việc nhà trai tặng sính lễ cho nhà gái là một dạng của hợp đồng tặng cho có điều kiện, do đó, nhà gái không thực hiện “hợp đồng” (kết hôn) thì nhà trai có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, quá trình triển khai áp dụng tập quán hay các loại nguồn khác trong xét xử tại các Tòa án còn hạn chế.
Mặc dù tập quán đã được thừa nhận là một trong những nguồn luật để áp dụng khi pháp luật chưa có quy định cụ thể điều chỉnh, nhưng việc triển khai thi hành khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015; khoản 2 Điều 14 BLDS năm 2015 về việc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” còn hạn chế. Bởi lẽ, pháp luật chỉ mới thừa nhận việc áp dụng tập quán trong xét xử vụ việc dân sự, còn việc vận dụng vào xét xử, quy định chủ thể có thẩm quyền giải thích tập quán còn chưa cụ thể. Trong trường hợp một bên đương sự viện dẫn tập quán nhưng bên kia không chấp nhận, hoặc tại nơi phát sinh vụ việc có những tập quán trái ngược nhau, thì việc xác định tập quán để áp dụng là việc không dễ dàng. Bên cạnh đó, nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng theo BLTTDS năm 2015 đang được hiểu là tập quán có thứ tự ưu tiên cao hơn so với các loại nguồn khác. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, có những bản án áp dụng các loại nguồn khác thay vì áp dụng tập quán.
Thứ tư, việc tập hợp, văn bản hóa tập quán, hoàn thiện các quy định về áp dụng tập quán còn chưa thống nhất.
Trong thực tiễn, có những tập quán bị cấm áp dụng hoặc “vận động xóa bỏ”. Ví dụ: Tảo hôn là hành vi vi phạm Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, là tập quán bị cấm, nhưng trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình thì chỉ là một tập quán cần vận động xóa bỏ.
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự
Một là, cần hoàn thiện pháp luật về áp dụng tập quán.
Hiện nay, quy định của pháp luật về việc áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự chỉ mới dừng lại ở sự thừa nhận. Tác giả cho rằng, dựa trên các quy tắc chung về áp dụng tập quán đã được quy định, cần xác định rõ nội dung về quy tắc áp dụng tập quán như: Cơ chế chứng minh tập quán; giải thích và xác định giá trị áp dụng của tập quán; chủ thể có thẩm quyền giải thích tập quán nhằm phát huy hiệu quả loại nguồn pháp luật này. Để hỗ trợ cho việc chứng minh tập quán, Tòa án có thể dựa vào ý kiến của chính quyền địa phương, cũng như cơ quan chuyên môn và giải pháp này là “chấp nhận được”.
Theo tác giả, cần bổ sung vào khoản 1 Điều 45 BLTTDS năm 2015 theo hướng: “Trường hợp các bên đương sự cùng viện dẫn tập quán khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền xem xét các tập quán phù hợp, có lợi cho đương sự để làm căn cứ áp dụng. Trong trường hợp đương sự gặp khó khăn trong việc chứng minh tập quán thì có thể yêu cầu TAND trên cơ sở thẩm quyền của mình thu thập chứng cứ”.
Hai là, về thứ tự ưu tiên áp dụng tập quán so với các loại nguồn khác.
Để đồng bộ hóa quá trình triển khai áp dụng tập quán và thứ tự vận dụng các loại nguồn khác trong giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có điều luật để áp dụng giữa pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại, cần nhất quán việc áp dụng tập quán trong giải quyết vụ việc dân sự là quy định mang tính pháp lý, nếu địa phương có tập quán được đánh giá là phù hợp thì phải áp dụng. Theo tác giả, cần sửa đổi khoản 2 Điều 5 BLDS năm 2015 như sau: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.
Ba là, đẩy mạnh và mở rộng việc tập hợp, văn bản hóa tập quán.
Hiện nay, để khắc phục khó khăn khi đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau, hoặc khi giải thích, áp dụng tập quán, cần xây dựng bộ quy chuẩn, danh mục tập quán có tính chất khuyến nghị cho các cơ quan nhà nước và các chủ thể liên quan. Các phong tục, tập quán này nên được công bố công khai như công bố bản án. Bên cạnh đó, cần giải thích đối với các thuật ngữ và tập quán tiêu biểu, nhằm hạn chế việc áp dụng tập quán không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đồng thời khẳng định giá trị pháp lý của tập quán pháp và trở thành những quy tắc xử sự chung được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Giải pháp này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, quá trình thực hiện không dễ dàng, nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc tháo gỡ những vấn đề xung đột tập quán còn tồn tại.
Như vậy, có thể thấy, áp dụng tập quán trong giải quyết các vụ việc dân sự là quy định góp phần hỗ trợ cho các cơ quan tiến hành tố tụng hoạt động hiệu quả hơn, cũng là sự bù đắp cho các “khoảng trống” còn tồn tại trong hệ thống quy phạm pháp luật thành văn, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Thực tế xét xử cũng chứng minh sự cần thiết và tính đúng đắn của việc thừa nhận vai trò bổ trợ của tập quán trong nguồn pháp luật. Trong thời gian tới, rất cần sự rà soát và công bố danh mục các tập quán được áp dụng trong lĩnh vực dân sự, ban hành quy chuẩn áp dụng tập quán trong quá trình xét xử, tránh sự bất đồng quan điểm, cũng như phát huy tối đa khả năng áp dụng tập quán trong thực tiễn.
Theo kiemsat.vn
TAND huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk xét xử vụ án Tranh chấp hợp đồng vay tài sản - Ảnh: Văn Bách
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Xác định mức tiền phạt vi phạm hành chính - Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định “đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận