Hội nghị tập huấn hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Trong ba ngày, bắt đầu từ 22/10/2018, tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức Hội nghị tập huấn về quy trình, kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án. Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đến dự phiên khai mạc và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền; các Thẩm phán TANDTC và các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, đại diện một số đơn vị thuộc TANDTC; lãnh đạo TAND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An; Giám đốc, Phó Giám đốc, Hòa giải viên, Đối thoại viên các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và các Thẩm phán cần sát sao, trực tiếp xuống Trung tâm hòa giải để nắm bắt tình hình thực tế, đặc biệt là các vụ án khó. Nếu có khó khăn vướng mắc thì báo cáo kịp thời với Ban Chỉ đạo để tìm hướng giải quyết. Đồng thời, Chánh án cũng hi vọng kết quả thu được từ đợt tập huấn này sẽ là nền tảng cho các đơn vị triển khai thực hiện tốt quy trình kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu nại hành chính tại Tòa án.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền điều hành Hội nghị

 

Điều hành Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh: Hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án. Đồng thời, kết quả hoà giải, đối thoại góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Này 15/9/2018, Ban cán sự đảng TANDTC đã báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về Đề án nêu trên. Tại phiên họp, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã đồng ý với nội dung cơ bản của Đề án. Trên cơ sở thành công bước đầu của thí điểm tại Hải Phòng, giao cho TANDTC tiếp tục triển khai thí điểm tại Hải Phòng và mở rộng thí điểm tại một số tỉnh, thành phố bảo đảm tính đại diện vùng miền, nông thôn, đô thị. Thực hiện Kết luận nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao đã lựa chọn được 16 địa phương để mở rộng và kéo dài thí điểm là: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến là 6 tháng, tạo cơ sở cho việc báo cáo Quốc hội về dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án và có thể được kéo dài cho đến khi Quốc hội thông qua Luật này.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe và xem một số video phóng sự về công tác thí điểm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng. Từ kinh nghiệm thực tiễn của Hải Phòng đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm để các Tòa án khác triển khai sau. Đó là, việc chỉ đạo phải cụ thể, sâu sát, kịp thời, phân công cho hòa giải viên cụ thể, phù hợp với năng lực, kinh nghiệm của từng Hòa giải viên; Thẩm phán phải giúp Hòa giải viên về mặt pháp lý, hỗ trợ xây dựng phương án hòa giải. Bên cạnh đó cũng phân công các Thư ký hỗ trợ thêm. Đối với các tranh chấp đất đai, Hòa giải viên phải nghiên cứu kỹ đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo và đặc biệt là đến tận nơi có tranh chấp để xem xét tại chỗ, tìm hiểu nguyên nhân; tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương sở tại… Đặc biệt là thường xuyên tổ chức họp, rút kinh nghiệm với Hòa giải viên để tìm hướng xử lý.

Giải đáp các thắc mắc của nhiều đại biểu, tại Hội nghị, Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào cũng giải thích và đưa ra một số yêu cầu và kỹ năng cần thiết đối với Hòa giải viên. Theo đó, nhiệm vụ của người Hòa giải viên là hướng dẫn, giúp đỡ các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp, nói cách khác Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải thì vai trò như là “người thầy”; để làm được việc đó thì đòi hỏi người  Hòa giải viên phải là những người có kiến thức pháp luật nhất là pháp luật có liên quan đến những nội dung tranh chấp sẽ tiến hành hòa giải, có trình độ và khả năng giúp các bên giải quyết được các vấn đề tranh chấp.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn

cũng theo Thẩm phán Tống Anh Hào, ngoài trình độ hiểu biết, về pháp luật, Hoà giải viên cũng cần có kiến thức sâu rộng về xã hội, sự tinh tế, nhạy bén trong xử lý vấn đề thực tế trong cuộc sống, trên cơ sở đó sẽ giúp cho các bên tìm ra được những giải pháp tốt nhất để giải quyết các mâu thuẫn, những tranh chấp mà tự họ chưa làm được. Đồng thời, khi người Hòa giải viên có trình độ và năng lực tốt sẽ xây dựng được niềm tin và ấn tượng tốt đối với những người cần được hòa giải. Đó là cơ sở để giúp cho Hòa giải viên làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.      

Bên cạnh đó, Thẩm phán Tống Anh Hào cũng nhấn mạnh, sự thành công của hòa giải là làm cho các bên tranh chấp chuyển từ đối đầu sang đối tác, từ mâu thuẫn sang hài hòa, từ bất hợp tác sang thân thiện cho nên hòa giải là việc rất khó, có nhiều trường hợp cần phải có thời gian, hoặc phải có sự tác động thuyết phục nhiều lần. Vì vậy, để đạt được kết quả hòa giải cao thì Hòa giải viên cũng cần có một số kỹ năng cơ bản như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng trình bày giải thích, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng điều hành phiên hòa giải.

Dự kiến Hội nghị diễn ra trong thời gian 3 ngày, từ 22/10/2018 đến 24/10/2018. Trong khoảng thời gian này, các Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán Hoa Kỳ Gordon Low sẽ giới thiệu về các quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại, quy trình, kỹ năng hòa giải, đối thoại, đồng thời trao đổi, thảo luận về các tình huống thực tế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các Hòa giải viên, Đối thoại để áp dụng vào thực tiễn thí điểm, dự kiến bắt đầu từ ngày 01/11/2018.

 

 

HÙNG LAN