Hội thảo cấp quốc gia về cải cách tư pháp trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền

Ngày 17/1/2022 tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo, chủ trì Hội thảo.

Cùng chủ trì với Chủ tịch nước còn có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng ba Ủy viên Bộ Chính trị là Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Đây là hội thảo cấp quốc gia thứ hai trong kế hoạch các hội thảo mà Ban Chỉ đạo đề án sẽ tổ chức để tập hợp các ý kiến, quan điểm, đóng góp về lý luận khoa học cũng như thực tiễn cho việc hình thành và hoàn thiện đề án Nhà nước pháp quyền. Riêng với chủ đề cải cách tư pháp, đây là lần đầu tiên tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với quy mô lớn như vậy.

Vấn đề cải cách tư pháp đã được Trung ương Đảng đặt ra như một nhiệm vụ cấp thiết từ khóa IX, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08/2002 về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thòi gian tới”. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành hai Nghị quyết số 48/NQ-TW và số 49/NQ-TW có tính đồng bộ, dài hơi, tầm nhìn xa hơn, thể hiện qua tiêu đề văn bản: Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020; Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Tổng kết kết quả triển khai hai Chiến lược này, Bộ Chính trị khóa XII đã có những đánh giá mà qua đó cho thấy, trong khi Nghị quyết số 48/NQ-TW được triển khai tương đối tốt, thì ở nhiệm vụ cải cách tư pháp, nhiều yêu cầu mà Nghị quyết số 49/NQ-TW đặt ra đã chưa thực hiện được.

Hầu hết các nhiệm vụ cải cách tư pháp chưa thực hiện được liên quan đến vấn đề tổ chức, bộ máy, phân quyền: Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, trong đó Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực là một giải pháp; giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý trực tiếp công tác thi hành án, bao gồm cả án phạt tù; chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức lại các cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối; nghiên cứu chuyển VKSND thành Viện công tố…

Các đại biểu tham dự Hội thảo - Ảnh: TTXVN

Ở thời điểm này, khi Đại hội XIII của Đảng yêu cầu ban hành một nghị quyết lần đầu tiên ở cấp BCH Trung ương về Nhà nước pháp quyền, bối cảnh thực tiễn phát triển đất nước đã khác rất nhiều so với thời điểm 17 năm trước của Nghị quyết số 49/NQ-TW. Những kết quả cải cách tư pháp đã đạt được trong thời gian qua, dù chưa nhiều, nhưng đã thể hiện tính tích cực, hiệu quả, cần được tiếp tục củng cố.

Cần tiếp tục thúc đẩy, nâng cao nhận thức thống nhất, khẳng định vị trí của Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp. Ở đó, nguyên tắc tư pháp độc lập và chỉ tuân theo pháp luật cần tiếp tục được nhận thức, khẳng định như một vấn đề nguyên tắc đã được Hiến định…

Tiếp tục thúc đẩy và nâng cao nhận thức thống nhất về bảo vệ quyền con người trong hoạt động tố tụng, tư pháp. Quyền con người phải được tôn trọng và bảo vệ không chỉ trong tạm giữ, tạm giam, bắt, khởi tố, truy tố, xét xử mà còn cả trong thi hành án. Thi hành án hình sự không chỉ là một sự trừng phạt của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với người phạm tội, mà trên hết phải mang lại sự cảm hóa, giáo dục, đưa người lầm lỗi trở lại với cuộc sống bình thường…

Vì vậy, điều kỳ vọng ở hội thảo cấp quốc gia về cải cách tư pháp vì một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tương lai, trước hết phải là những thảo luận, trao đổi về những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Dự định Nghị quyết về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà BCH Trung ương dự kiến thảo luận, thông qua ở Hội nghị lần thứ 6, tháng 10 năm nay sẽ  đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, mang lại kỳ vọng lớn về vị trí xứng đáng hơn của tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam./.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo, chủ trì Hội thảo - Ảnh: TTXVN

Tin: HÀ CẦM PHONG