Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Sáng 3/7, tại tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật, pháp lệnh vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó có Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi và Pháp lệnh liên quan đến hoạt động của ngành Tòa án.
Quang cảnh buổi họp báo
Giới thiệu các điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đồng chí Lê Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND gồm 03 điều: Điều 1: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND trong đó sửa đổi, bổ sung 18 điều, 02 mục, 01 tên mục; bổ sung mới 01 điều; bãi bỏ 01 mục, 03 điều, 02 khoản của Luật Tổ chức TAND. Điều 2: sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có liên quan: sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của 13 luật có liên quan. Điều 3: hiệu lực thi hành.
Đồng chí Lê Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao
Về tổ chức hệ thống Tòa án, Luật bổ sung các quy định về mô hình tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện. Tổ chức hệ thống Tòa án theo 3 cấp gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực.
Không tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về Phá sản, Sở hữu trí tuệ, Hành chính như một cấp Tòa án mà tổ chức thành các Tòa chuyên trách tại một số Tòa án nhân dân khu vực tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Thành lập Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
"Như vậy, tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao, 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh (trong đó có 11 Tòa án nhân dân cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp; 23 Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thành lập sau sắp xếp), 355 Tòa án nhân dân khu vực trên cơ sở cơ cấu lại 693 Tòa án nhân dân cấp huyện; Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế", đồng chí Lê Thế Phúc cho biết.
Bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án
Trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 03 cấp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án.
Theo đó, đối với Tòa án nhân dân tối cao, bổ sung nhiệm vụ phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; Bổ sung nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Giao Thẩm phán Tòa án nhân dân tại Tòa án nhân dân tối cao nhiệm vụ xét xử các vụ án, vụ việc, trả lời đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Về cơ cấu tổ chức, thành lập 03 Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (đặt tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh).
Tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ Tòa án nhân dân cấp cao chuyển về theo đúng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.
*Đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, luật bổ sung nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực; Thực hiện nhiệm vụ phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến (bên phải) tham dự họp báo
Đáng chú ý, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ sơ thẩm vụ án hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp khác.
Chuyển nhiệm vụ sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; vụ án hành chính; vụ việc dân sự và các vụ việc khác cho Tòa án nhân dân khu vực trừ vụ việc về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
Giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh thẩm quyền giải quyết đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
Về cơ cấu tổ chức, Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm: Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh; các Tòa chuyên trách (Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên); bộ máy giúp việc.
Đối với Tòa án nhân dân khu vực, luật quy định thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù. Xét xử theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ các vụ việc giải quyết đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Giao thẩm quyền giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc phá sản, sở hữu trí tuệ cho Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Về cơ cấu tổ chức, Tòa án nhân dân khu vực gồm: các Tòa chuyên trách (Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực); bộ máy giúp việc.
Đáng chú ý, luật bổ sung quy định thành lập Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế. Nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp; tiếng nói, chữ viết dùng trong tố tụng, việc áp dụng pháp luật tại Tòa án chuyên biệt; Thẩm phán giải quyết tranh chấp và các nội dung khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án chuyên biệt do Quốc hội quy định.
Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, luật bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại điểm b khoản 1 Điều 96 Luật hiện hành theo hướng: Bổ sung trường hợp người đang là Thẩm phán Tòa án nhân dân và có từ đủ 05 năm trở lên làm Vụ trưởng Vụ chuyên môn nghiệp vụ tại Tòa án nhân dân tối cao thì được xem xét bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận nhưng số lượng không quá 10% tổng số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 81/2025/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Pháp lệnh số 08/2025/UBTVQH15
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển; Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; Pháp lệnh Chi phí tố tụng, (gọi tắt là Pháp lệnh số 08) gồm 7 điều. Việc xây dựng dự án Pháp lệnh nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm quyền của Tòa án nhân dân và các cơ quan trong hoạt động tố tụng theo mô hình tổ chức mới, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Đồng chí Lê Thế Phúc giới thiệu một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh số 08
Trên cơ sở hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân có 03 cấp, không tổ chức Công an cấp huyện, chấm dứt hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Pháp lệnh có nội dung cơ bản như sau:
Chuyển thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay, tàu biển từ “Tòa án nhân dân cấp tỉnh” sang “Tòa án nhân dân khu vực” để bảo đảm tối đa việc phân cấp, phân quyền cho địa phương (cấp cơ sở) theo chủ trương, định hướng của Đảng.
Chuyển thẩm quyền đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính, biện pháp đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ “Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội”, “Công an cấp huyện” sang “Trưởng Công an cấp xã” để phù hợp với định hướng, sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo chủ trương của Đảng.
Chuyển thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, biện pháp đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ “Tòa án nhân dân cấp huyện” sang “Tòa án nhân dân khu vực”.
Bổ sung thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát để phù hợp với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bãi bỏ mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các chức danh là người có thẩm quyền thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Thủy sản và Kiểm ngư. Việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của các chức danh này được thực hiện theo quy định của Chính phủ để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Quy định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Bổ sung điều khoản chuyển tiếp để giải quyết việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện cho Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ.
Bài liên quan
-
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 16 Luật và Pháp lệnh mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua
-
Công bố lệnh của Chủ tịch nước về Hiến pháp, Pháp lệnh Dân số và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
-
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
-
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 luật được Quốc hội thông qua
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
-
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Sức mạnh của đoàn kết"
Bình luận