Hội thảo khoa học nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam
Sáng 16/11, tại Ninh Bình, TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam để đánh giá thành tựu, tôn vinh những cống hiến của các bậc tiền nhân trong suốt chiều dài lịch sử đất nước.
Tôn vinh những cống hiến của các bậc tiền nhân
Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình; GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng một số nhà khoa học lịch sử đến từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học…
Về phía TANDTC có PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC, Trưởng ban Chỉ đạo; các Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang, Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Văn Du; lãnh đạo TAND tỉnh Ninh Bình và đại diện một số đơn vị chức năng thuộc TANDTC.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC cho biết: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có những thời kỳ, những triều đại nhờ nỗ lực cải cách quản trị quốc gia mà đất nước đã đạt được những thành tựu phát triển rực rỡ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong số những thành tựu đặc sắc mà các triều đại để lại cho hậu thế phải kể đến thành tựu trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, cho đến tận ngày nay, xã hội Việt Nam đương đại vẫn còn lưu lại dấu ấn đậm nét về những thành tựu, cống hiến của các bậc tiền nhân trong hoạt động xét xử và tư pháp. Nhiều thành tựu, bài học vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm tiếp tục ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại lịch sử phát triển của nền tư pháp nước nhà; đánh giá những thành tựu, tôn vinh những cống hiến của các bậc tiền nhân đối với hoạt động xét xử trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở để TANDTC và các cơ quan, tổ chức hữu quan quyết định lựa chọn và xây dựng cho hệ thống TAND nhân vật lịch sử thực sự tiêu biểu, đại diện cho hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam; từ đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong hệ thống TAND và nhân dân cả nước.
Sau khi lựa chọn được nhân vật, TANDTC sẽ tiến hành xây dựng hình tượng, biểu tượng thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực để phát hành Kỷ yếu về cuộc đời, sự nghiệp và công trạng của nhân vật; xây dựng các tập phim lịch sử về nhân vật; tiến hành đúc tượng để tôn vinh và trưng bày tại trụ sở của TANDTC và các TAND trong cả nước…
Tiếp thu ý kiến, tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm tính lịch sử
Theo đề xuất của TANDTC, một nhóm chuyên gia của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển và Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội phối hợp với chuyên gia của TANDTC triển khai việc xác lập tiêu chí, đề cử 15 nhân vật tiêu biểu tính từ thời kỳ nhà Đinh cho đến thời kỳ nhà Nguyễn gồm các nhân vật: Lưu Cơ, Phạm Cự Lượng, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Tô Hiến Thành, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Thánh Tông, Dương Trực Nguyên, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Công Miễn, Minh Mệnh.
Báo cáo dẫn đề về các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, dưới thời quân chủ, vua là Thiên tử có uy quyền tuyệt đối đồng thời cũng là quan tòa cao nhất. Các bộ sử của vương triều thường ghi lại khá đầy đủ và cụ thể tất cả mọi hoạt động của nhà vua. Vì vậy vẫn còn những cơ sở quan trọng nhất để nghiên cứu đánh giá tài năng, đức độ, đóng góp và cả những sai lầm, có khi là tội lỗi của các vị vua đó trong hoạt động công lý và xử án.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh đó, các vị quan án chắc chắn có nhiều kinh nghiệm xét xử thường được dân gian đề cao và truyền tụng từ đời này sang đời khác. Xét về mặt hình thức dễ được người đời sau đánh giá là những quan án mẫu mực cho mọi thời đại. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, tư liệu dân gian càng cụ thể, chi tiết bao nhiêu thì càng xa lạ với lịch sử bấy nhiêu. Do đó, người nghiên cứu không thể lấy các tư liệu lịch sử xác thực để kiểm chứng nguồn tư liệu dân gian.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, trong quá trình nghiên cứu cần phải bám sát hoàn cảnh lịch sử và những yêu cầu cụ thể của đất nước lúc bấy giờ để tìm ra những mặt lợi thế và bất lợi thế của mỗi nhân vật được tuyển chọn nhằm đánh giá một cách khách quan, chuẩn xác và có sức thuyết phục cao.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực lịch sử đã đã trình bày báo cáo khoa học rất công phu đối với các nhân vật lịch sử. Nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến tâm huyết, tranh luận sôi nổi để làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, những cống hiến, thành tựu nổi bật của các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử thời kỳ quân chủ.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC, Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, trong số 15 nhân vật được đề cử đều là những nhật vật tiêu biểu có đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước. Tuy nhiên, qua phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra tại Hội thảo vẫn còn những vấn đề chưa rõ cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm tính lịch sử, pháp lý trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam
Để lựa chọn nhân vật xứng đáng nhất, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Văn phòng TANDTC tiếp tục phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để sớm hoàn thiện bộ hồ sơ về nhân vật được lựa chọn, trình xin ý kiến Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đồng thời gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời gian sớm nhất.
Theo congly.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận