Hội thảo về Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Ngày 5/8, TANDTC tổ chức Hội thảo về Đề án tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng, nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội thảo.

1.Khắc phục những hạn chế, bất cập

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cải cách tư pháp, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Tòa án nhân dân các cấp đã từng bước được kiện toàn về tổ chức bộ máy và ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động; đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất đã có bước cải thiện nhất định tạo điều kiện để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác Tòa án.

Tuy nhiên, “tổ chức bộ máy của TAND vẫn còn bộc lộ một số hạn chế; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số đơn vị chưa rõ ràng, còn chồng chéo, trùng lắp… ; công tác kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đạt kết quả thấp; cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức giữa TAND các cấp và trong từng đơn vị, Tòa án chưa hợp lý; năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không đồng đều, tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; năng lực quản lý, điều hành và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số đơn vị, Tòa án còn hạn chế; công tác hành chính tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách tiền lương còn bất cập”… Chánh án lưu ý.

Quang cảnh Hội thảo – Ảnh: Hùng Lan

 

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về “Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chánh án đề nghị các đại biểu thảo luận, góp ý xung quanh các vấn đề cơ bản như: Đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của TAND; Các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND; Những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài (liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức TAND năm 2014).

2.Nội dung cơ bản của dự thảo Đề án

Sau khi đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của TAND cả về ưu điểm và nhược điểm, nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc, Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND trước mắt và lâu dài.

2.1.Về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy

2.1.1. Tòa án nhân dân tối cao

Sau khi sắp xếp lại, tổ chức bộ máy của TANDTC có 13 đơn vị cấp vụ. Giảm 01 đơn vị cấp vụ (Vụ Công tác phía Nam); giảm 16/45 đơn vị cấp phòng, cụ thể:

-Vụ Giám đốc kiểm tra về hình sự (Vụ I): Cơ bản thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay. Đồng thời, điều chỉnh chuyển nhiệm vụ giúp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về lĩnh vực hành chính sang Vụ III. Sửa đổi tên gọi từ “Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự, hành chính” thành “Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự”. Không tổ chức cấp phòng trong Vụ.

-Vụ Giám đốc kiểm tra về dân sự, kinh doanh-thương mại (Vụ II): Giữ nguyên cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn và tên gọi như hiện nay.

-Vụ Giám đốc, kiểm tra về hành chính, lao động, gia đình và người chưa thành niên (Vụ III): Cơ bản thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay. Đồng thời, điều chỉnh tiếp nhận nhiệm vụ giúp Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC về lĩnh vực hành chính từ Vụ I chuyển sang. Sửa đổi tên gọi từ “Vụ Giám đốc, kiểm tra về lao động, gia đình và người chưa thành niên” thành “Vụ Giám đốc, kiểm tra về hành chính, lao động, gia đình và người chưa thành niên”. Không tổ chức cấp phòng trong Vụ.

-Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học: Cơ bản thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay. Đồng thời, điều chỉnh một số nhiệm vụ: Tiếp nhận nhiệm vụ giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong lĩnh vực nghiên cứu về pháp luật quốc tế và tư pháp quốc tế từ Vụ Hợp tác quốc tế chuyển sang; chuyển nhiệm vụ quản lý Trang thông tin về án lệ sang Vụ Tổng hợp.

Theo đó, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học có nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu, giúp Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC: Xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được cơ quan có thẩm quyền giao cho Chánh án TANDTC; công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết thực tiễn xét xử và phát triển án lệ; quản lý công tác nghiên cứu khoa học trong TAND. Tổ chức bộ máy (Giảm 01 phòng chức năng so với hiện nay), gồm: Phòng Nghiên cứu pháp luật; Phòng Tổng kết thực tiễn xét xử và phát triển án lệ; Phòng Quản lý khoa học.

-Văn phòng: Cơ bản thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay. Đồng thời, điều chỉnh một số nhiệm vụ: Tiếp nhận nhiệm vụ Lưu trữ hồ sơ, xây dựng các báo cáo chuyên đề với cơ quan có thẩm quyền từ Vụ Tổng hợp; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Vụ Công tác phía Nam chuyển sang; chuyển nhiệm vụ thông tin, truyền thông và Quản lý Cổng thông tin điện tử sang Vụ Tổng hợp.

Tổ chức bộ máy (Giữ nguyên 07 phòng chức năng) gồm: Phòng Tham mưu tổng hợp; Phòng Hành chính tư pháp – Thư ký (gồm các Thư ký của Phó Chánh án và Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao); Phòng Văn thư – Lưu trữ; Phòng Tài vụ; Phòng Quản trị; Phòng Quản lý phương tiện; Văn phòng II (tại Tp Hồ Chí Minh).

-Cục Kế hoạch – Tài chính: Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay. Tổ chức bộ máy (Giảm 01 phòng chức năng so với hiện nay) gồm: Phòng Quản lý ngân sách hành chính, sự nghiệp; Phòng Quản lý xây dựng cơ bản và Công sản.

-Vụ Thanh tra: Xuất phát từ vị trí, vai trò, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND; cơ cấu tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TANDTC; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án TANDTC, Vụ Thanh tra (hoặc Thanh tra Tòa án nhân dân) sẽ có một số nhiệm vụ, quyền hạn chung của các cơ quan Thanh tra nhà nước (thuộc Chính phủ) và có các nhiệm vụ, quyền hạn theo đặc thù tổ chức và hoạt động của TAND. Theo đó, Vụ Thanh tra là đơn vị thuộc bộ máy giúp việc của TANDTC, có nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu, giúp Chánh án TANDTC về nghiệp vụ công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong các Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật; nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ trong TAND… Tổ chức bộ máy (Giảm 01 phòng chức năng so với hiện nay) gồm: Phòng Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Phòng Thanh tra công vụ; Phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng.

-Vụ Tổ chức – Cán bộ: Cơ bản thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay: Tham mưu, giúp Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC trong công tác tổ chức, cán bộ của TAND; quản lý Tòa án về tổ chức; quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch, phát triển nhân lực; thực hiện chính sách cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ; công tác Văn phòng Ban cán sự đảng; giúp việc Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán…. (Qua thực tế nghiên cứu tổ chức của các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương cho thấy Vụ Tổ chức – Cán bộ, chỉ thực hiện chức năng tổ chức, cán bộ của cơ quan, bộ, ngành đó mà không chi phối, quản lý đến các địa phương). Tổ chức bộ máy (Giảm 01 phòng chức năng so với hiện nay) gồm: Phòng Tổng hợp (gồm cả nhiệm vụ giúp việc Văn phòng Ban cán sự đảng TANDTC); Phòng Quản lý cán bộ Trung ương (Tòa án nhân dân tối cao và các TANDCC); Phòng Quản lý cán bộ Tòa án địa phương; Phòng Quản lý đào tạo, bồi dưỡng (gồm cả nhiệm vụ giúp việc về công tác Bảo vệ chính trị nội bộ).

-Vụ Hợp tác quốc tế: Tham mưu, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động hợp tác quốc tế, hoạt động đối ngoại, phối hợp với đơn vị liên quan của Tòa án nhân dân tối cao trong công tác lễ tân, khánh tiết đối ngoại của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định… Không tổ chức cấp phòng trong Vụ.

-Vụ Thi đua – Khen thưởng: Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay. Không tổ chức cấp phòng trong Vụ.

-Vụ Công nghệ thông tin: Đổi tên “Vụ Tổng hợp” thành “Vụ Công nghệ thông tin”.Cơ bản thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay. Vụ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn: Tham mưu, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu, bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin của TAND; thực hiện ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của TAND; thống nhất quản lý công tác thông tin, truyền thông, Cổng thông tin điện tử, các trang thông tin của TANDTC theo quy định của pháp luật… Không tổ chức cấp phòng trọng Vụ.

-Tạp chí Tòa án nhân dân và Báo Công lý: Đây là các đơn vị sự nghiệp thuộc TANDTC. Trước mắt, giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ như hiện nay. Đồng thời, cần giao Thủ trưởng các đơn vị này phối hợp với các đơn vị chức năng của TANDTC nghiên cứu, xây dựng Đề án về tổ chức và hoạt động của về đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng; chuyển sang khối các đơn vị sự nghiệp (không nằm trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao).

-Học viện Tòa án (là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc TANDTC) do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Học viện Tòa án trong giai đoạn mới, cần giao Giám đốc Học viện phối hợp với các đơn vị chức năng của Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng Đề án về cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế cán bộ, viên chức theo quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

Đại biểu thảo luận sôi nổi – Ảnh : Hùng Lan

 

2.1.2.Tòa án nhân dân cấp cao

Về số lượng TANDCC: Giữ nguyên 03 Tòa tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.Cơ cấu tổ chức, bộ máy của TANDCC bao gồm: Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc.

Trong đó, bộ máy giúp việc được sửa đổi, bổ sung như sau: + Văn phòng: Là đơn vị cấp vụ loại II; thực hiện nhiệm vụ giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao về công tác cán bộ, công tác hành chính tư pháp và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao. + Bộ phận giúp việc cho Ủy ban Thẩm phán TANDCC trong công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật: Thành lập Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm (trên cơ sở gộp 3 Phòng Giám đốc, kiểm tra hiện nay) để giúp việc cho Ủy ban Thẩm phán trong công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các loại vụ, việc thuộc thẩm quyền của TANDCC (không tổ chức cấp phòng trong Vụ).

2.1.3.Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh được giữ như hiện nay (gồm: Ủy ban Thẩm phán; các Tòa chuyên trách và Bộ máy giúp việc).

Trong đó, Ủy ban Thẩm phán: Giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ như hiện nay.

Các Tòa chuyên trách: Tối thiểu mỗi TAND cấp tỉnh có 04 Tòa chuyên trách (gồm: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa gia đình và người chưa thành niên). Căn cứ vào thực tế công tác xét xử và đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của từng Tòa án cấp tỉnh để tổ chức 05 đến 06 Tòa chuyên trách.

Bộ máy giúp việc giữ nguyên số lượng đơn vị (các phòng chức năng) trong bộ máy giúp việc, nhưng có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, cụ thể: Văn phòng, Phòng Tổ chức – Cán bộ và Phòng Thanh tra, kiểm tra.

2.1.4.Tòa án nhân dân cấp huyện

Căn cứ quy định của Luật tổ chức TAND năm 2014, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của UBTVQH, cần nghiên cứu sắp xếp lại các Tòa án nhân dân cấp huyện, cụ thể:

Về tiêu chí sáp nhập: Căn cứ vào Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 653; đồng thời, căn cứ thực tế tổ chức của TAND cấp huyện, đề nghị sáp nhập đối với Tòa án cấp huyện có dưới 10 biên chế, số lượng án dưới 200 vụ, việc/năm và có địa bàn kế tiếp nhau, giao thông thuận lợi…

Theo thống kê (do Vụ Tổng hợp cung cấp) hiện có 165 Tòa án cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố có số lượng án trung bình 3 năm (2016, 2017 và 2018) từ 200 vụ, việc/năm trở xuống. Trước mắt, xin chủ trương thí điểm thực hiện sáp nhập đối với 31 Tòa án cấp huyện thuộc 14 tỉnh, thành phố được nêu trong Đề án.

Các nhiệm vụ cần thực hiện về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy: Trình UBTVQH xem xét: Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 956 về tổ chức bộ máy giúp việc của TANDTC; bổ sung Thẩm phán trung cấp cho các TAND cấp tỉnh để bảo đảm thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên. Thực hiện nghiêm chỉ tiêu tinh giản biên chế, bảo đảm đến năm 2021, giảm 10% biên chế so với năm 2015.

Về thí điểm thực hiện chủ trương sáp nhập một số Tòa án nhân dân cấp huyện: Trước mắt, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương thực hiện thí điểm sáp nhập 31 Tòa án nhân dân cấp huyện của 14 tỉnh, thành phố theo Đề án, cùng phương án tổ chức và hoạt động. Biên chế, số lượng Thẩm phán của Tòa án cấp huyện mới được xác định trên cơ sở số lượng các loại vụ, việc phải giải quyết của các huyện cộng lại; số lượng Thẩm phán được tính theo định mức: huyện miền núi 5 vụ/tháng/Thẩm phán; thành phố thuộc tỉnh, quận 7 vụ/tháng/Thẩm phán; các huyện đồng bằng còn lại 6 vụ/tháng/Thẩm phán. Về cơ bản, Tòa án mới sẽ tiếp nhận số Hội thẩm của các Tòa án được nhập vào.

2.2. Những nhiệm vụ, giải pháp lâu dài

Về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các Tòa án nhân dân: Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 Luật tổ chức TAND năm 2014 quy định “Cơ cấu tổ chức của TANDTC gồm: Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Bộ máy giúp việc; Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và các đơn vị sự nghiệp công lập khác.”

Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 37, Điều 39 Luật Tổ chức TAND năm 2014 theo hướng: Giao cho Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định về một số loại vụ việc của TAND cấp huyện có hiệu lực pháp luật.

Về đội ngũ cán bộ: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 66 Luật Tổ chức TAND năm 2014 theo hướng tại TANDTC có Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp; tại TANDCC có Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp.

Đề nghị sửa đổi điểm a các khoản 1, 2, 4 Điều 68, điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức TAND năm 2014 theo hướng rút ngắn thời gian giữ ngạch Thẩm phán cũ còn 03 năm (thay vì 05 năm như hiện nay) nhằm tạo nguồn cán bộ trẻ cho các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 68 Luật Tổ chức TAND năm 2014 theo hướng: Trong trường hợp đặc biệt, người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo TANDCC, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp (trước mắt không cần có chức chỉ đào tạo nghiệp vụ xét xử và sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để được đào tạo nghiệp vụ xét xử sớm nhất…).

Đề nghị UBTVQH xem xét: Quy định về cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC từ nguồn nhân sự bên ngoài TAND (quy định tại khoản 2 Điều 69) theo hướng không quá 02 người từ các đối tượng là Kiểm sát viên, Luật sư; quy định cơ chế bảo đảm an toàn cho Thẩm phán và cán bộ Tòa án trong quá trình thực thi công vụ.

Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động Tòa án như: Đề nghị Nhà nước có chính sách ưu tiên về trụ sở, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Tòa án; cải cách chế độ tiền lương và chính sách ưu đãi cho cán bộ Tòa án.

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Giai đoạn từ nay đến hết quý I năm 2020
Báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến, trên cơ sở đó hoàn thiện Đề án; trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua Đề án (trong Quý I/2020).
2. Giai đoạn từ quý II/2020 đến hết năm 2020
Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ (không liên quan đến việc phải sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014) được đề ra trong Đề án.
3. Giai đoạn từ năm 2021 trở đi
Trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Sau khi Luật tổ chức Tòa án nhân dân được sửa đổi, bổ sung tập trung làm tốt một số công việc được đề ra trong Đề án.

VŨ HÙNG