Hội thảo về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Ngày 25/11, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp cùng JICA - cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, tổ chức hội thảo về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến tới dự và chỉ đao Hội thảo.
Dự Hội thảo có ông Nagahashi Masanori, Thẩm phán, chuyên gia dài hạn thuộc dự án JICA, cùng các chuyên gia, Thẩm phán, công chức các Tòa án phía Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự của Việt Nam, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đây là bước phát triển quan trọng trong chính sách hình sự của Nhà nước, đánh dấu nhiều điểm tiến bộ, là bước phát triển mang tính đột phá trong tư duy lập pháp hình sự của Việt Nam. Việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật hình sự năm 2015 xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách trong thực tiễn xét xử. Điều này thể hiện quan điểm hoàn toàn đổi mới của các nhà lập pháp Việt Nam về chủ thể của tội phạm và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc tập trung xử lý những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường, tài trợ khủng bố và rửa tiền, đồng thời tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của pháp nhân.
Phó chánh án Nguyễn Văn Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Pháp nhân thương mại tuy là chủ thể của tội phạm, nhưng không phải là chủ thể của tất cả các tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự một số tội phạm có liên quan trực tiếp đến hoạt động của pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại chỉ bị xử lý hình sự đối với 33 tội theo quy định tại Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015. Trong số 33 tội danh, có những tội liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân thương mại như tội trốn thuế; tội buôn lậu; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... nhưng cũng có tội ít liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của pháp nhân thương mại như tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật hình sự năm 2015 được ban hành, cho đến nay vẫn chưa có pháp nhân thương mại nào bị đưa ra xét xử tại Tòa án. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại trên thực tế còn gặp phải một số vướng mắc cần được hoàn thiện.
TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cho biết các nghiên cứu về tội phạm học của thế giới gần đây đã cho thấy, sự phát triên của các loại tội phạm nguy hiểm ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, điều rất đáng chú ý là nó được hoạt động dưới các hình thức của các Công ty hợp pháp, có trụ sở và tài sản riêng và tính chất cấu kết hoạt động dưới hình thức các tổ chức tội phạm có mạng lưới và phương thức hoạt động hết sức chặt chẽ trên toàn thế giới.
Trên thực tế, những vấn đề đặt ra từ việc thực hiện chế định trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội vẫn còn một số vấn đề như:
Một là, về vi phạm áp dụng của chế định trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội là không phù hợp với nội dung của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia
Thực tiễn cũng đã chứng minh các tổ chức tội phạm khi thực hiện phạm tội không nhất thiết phải thực hiện dưới vỏ bọc là pháp nhân thương mại. Về vấn đề này cần phải hiểu pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm theo quy định của BLHS là bất cứ loại hình doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nào như công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh. miễn là họ có tư cách pháp nhân, trong đó có cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Hai là,về hình phạt, cần rà soát, tiến hành hướng dẫn các biện pháp tư pháp được áp dụng đối với pháp nhận thương mại theo quy định tại Điều 82 của BLHS 2015
Theo đó, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn về việc áp dụng một số biện pháp tư pháp được áp dụng đối với pháp nhận thương mại phạm tội theo quy định tại Điều 82 của BLHS 2015 như: (i) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu?; (ii) Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra?; (iii)Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường?. Các biện pháp này chưa được quy định trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Ba là, cần xác định rõ tư cách tham gia tố tụng của người đại diện cho pháp nhân thương mại phạm tội khi tham gia tố tụng
Tại khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định nguyên tắc xác định mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của cá nhân và trách nhiệm của pháp nhân, Tuy nhiên pháp nhân không phải thể nhân, mà là tổ chức nên khi tham gia tố tụng thì phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định tại Điều 434 Bộ luật TTHS 2015.
Vậy trong trường hợp người đại diện cho pháp nhân tham gia vào các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thì chúng ta gọi họ là gì? Không thể gọi họ là bị can hay bị cáo được vì họ không phải là người phạm tội. Vấn đề này cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể.
Bốn là, về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Pháp nhân thương mại không phải là thể nhân, nên tự thân pháp nhân thương mại không thể phạm tội được mà là do một nhóm người nắm quyền lãnh đạo của pháp nhân thương mại đó phạm tội chứ không phải tất cả các cổ đông hay người lao động của pháp nhân thương mại đó phạm tội, vậy khi áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại có tính đến quyền lợi của các cổ đông hay những người lao động thuộc pháp nhân thương mại đó hay không?
Do đó cần bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người lao động, người thứ ba tham gia giao dịch với pháp nhân thương mại, khi pháp nhân thương mại phải chịu các hình phạt trên và các Cơ quan tố tụng Trung ương cần sớm có những văn bản cụ thể về các quy định này để áp dụng thống nhất trong việc điều tra, truy tố, xét xử trong toàn quốc.
Phát biểu tham luận của Chuyên gia Nhật Bản tại Hội thảo, ông Nagahashi Masanori cho biết trước tiên cần xác định pháp nhân đó có năng lực phạm tội hay không? Liên quan đến vấn đề này tại Nhật Bản có 2 quan điểm, đó là thuyết phủ định và thuyết đồng tình. Trên thực tế, BLHS của Nhật Bản không có quy định nào về xử phạt hình sự pháp nhân thương mại phạm tội, tuy nhiên trong các luật chuyên ngành lại có các quy định về việc xử phạt và chỉ có thể xử phạt nếu có quy định. Tức là nếu tội đó không được quy định trong các luật con thì tội phạm đó sẽ không bị xử phạt.
Chuyên gia Nhật Bản Nagahashi Masanori trao đổi các vấn đề tại Hội thảo
Về căn cứ xử phạt pháp nhân, luật pháp Nhật Bản quy định hành vi của người đại diện pháp nhân chính là hành vi của pháp nhân. Trường hợp nhân viên của pháp nhân có hành vi vi phạm, nếu hành vi phạm tội của một người được chứng minh, có thể giả định rằng đã có lỗi trong việc bổ nhiệm, giám sát và ngăn chặn vi phạm khác của pháp nhân. Do đó, trừ khi có thể chứng minh rằng pháp nhân đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn chặn vi phạm thì pháp nhân cũng sẽ bị xử phạt theo quy định song phạt (xử phạt cả người có hành vi phạm tội và pháp nhân).
Trường hợp một pháp nhân quản lý một pháp nhân khác mà pháp nhân khác phạm tội thì pháp nhân quản lý sẽ không bị truy cứu, trừ trường hợp pháp nhân quản lý xúi giục, giúp đỡ..
Thực tế các vụ án hình sự pháp nhân thương mại phạm tội tại Nhật Bản được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn điều tra và truy tố; giai đoạn xét xử; hình phạt.
Về giai đoạn điều tra về truy tố: về cơ bản không có sự khác biệt về mặt thủ tục so với trường hợp của thể nhân; Người thực hiện hành vi phạm tội thực tế (nhân viên, người đại diện..) và pháp nhân bị khởi tố với tư cách là những nghi phạm riêng biệt; nếu bản thân người đại diện không phải là nghi phạm, người đại diện không thể bị giam giữ; Không nhất thiết phải truy tố cả người thực hiện hành vi lẫn pháp nhân, có thể chỉ truy tố một bên; Trong trường hợp truy tố cả hai, việc truy tố thường được yêu cầu bởi 1 bản cáo trạng.
Về giai đoạn xét xử: Người đại diện của pháp nhân có mặt, đại diện tham gia tố tụng; Ngoài người đại diện, có thể yêu cầu người thay mặt đại diện tham dự; Người đại diện hiện tại phải có mặt; Khi pháp nhân không còn tồn tại, việc truy tố phải được hủy bỏ bằng một quyết định (việc xét xử kết thúc).
Về nội dung hình phạt: Hình phạt chính là hình phạt về tài sản như phạt tiền (về nguyên tắc có giới hạn tối đa); Tịch thu, trưng thu với tư cách là hình phạt bổ sung (dựa trên mệnh lệnh bảo toàn tịch thu); Ra lệnh xử lý hành chính mà không phải hình phạt.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã đặt ra các câu hỏi cùng thảo luận.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Tiến - Phó chánh tòa hình sự, TAND thành phố Hà Nội cho biết Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bị can, bị cáo là pháp nhân thực hiện các quyền thông qua người đại diện theo pháp luật; hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại thông qua hành vi của các cá nhân.
Đồng thời trong tham luận cũng đặt ra một số câu hỏi thảo luận như: Tại phiên tòa nếu người đại diện theo pháp luật của bị cáo là pháp nhân tham gia phiên tòa (họ không phải là bị cáo) thì họ có phải đứng cùng các bị cáo khác trong vụ án không? Thể thức tiến hành xét hỏi, tranh luận như thế nào? Cách xưng hô có gọi họ là bị cáo?
Trong vụ án pháp nhân thương mại bị truy tố đồng thời người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng bị truy tố thì cơ quan tiến hành tố tụng có phải tiến hành riêng thủ tục đối với pháp nhân hay không?
Về hình phạt áp dụng đối với Pháp nhân thương mại và hệ quả của áp dụng hình phạt; thi hành hình phạt đối với các giao dịch dân sự, thương mại của pháp nhân: Điều 33 Bộ luật hình sự quy định hình phạt của pháp nhân thương mại bao gồm hình phạt chính (Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.) và hình phạt bổ sung (Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính.).
Trong các loại hình phạt đó thì các hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn là những loại hình phạt có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của pháp nhân thương mại. Trong quá trình hoạt động của mình một pháp nhân thương mại tham gia, ký kết nhiều hợp đồng thương mại nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận và trong đó có những hợp đồng đã kết thúc, có hợp đồng đang thực hiện và có cả những hợp đồng đang có tranh chấp; tài sản đang trong tiến trình Tòa án giải quyết phá sản.
Khi pháp nhân bị áp dụng hình phạt: Đình chỉ hoạt động có thời hạn đồng nghĩa với việc các giao dịch thương mại của pháp nhân đó bị tạm đình chỉ. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của pháp nhân tham gia ký kết hợp đồng và những thiệt hại có thể có sẽ được xem xét góc độ lỗi thì xác định lỗi có thuộc về pháp nhân bị xét xử hay đo là tình huống bất khả kháng?
Khi pháp nhân bị xử phạt đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động thì ai sẽ là người đại diện trong các vụ kiện dân sự? thủ tục chỉ định người đại diện được thực hiện theo thủ tục nào?
Những vẫn đề này là thực tế có thể xảy ra trong quá trình xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cần được hướng dẫn đày đủ để các cơ quan tố tụng có căn cứ áp dụng.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận