Hồi tỵ xưa nay

Hội nghị Trung ương 7 khóa XII lần đầu tiên đặt ra giải pháp về công tác cán bộ là từng bước thực hiện việc bố trí Bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Chủ trương này được cho là tiếp thu từ truyền thống nguyên tắc “hồi tỵ” của người xưa.

“Hồi tỵ” có nghĩa là né tránh, đổi đi chỗ khác trong bổ nhiệm, sử dụng quan lại thời phong kiến. Quốc triều hình luật ( Bộ luật Hồng Đức)  quy định: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.

Đến triều Nguyễn luật hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới, cụ thể, chặt chẽ hơn. Cụ thể như: Quan lại ở các bộ, trong Kinh và ở các tỉnh, huyện, hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác.  Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy. Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc. Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ. Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ. Khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế. Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi. Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng… trong địa hạt cai quản của mình.

Những quy định ấy nhằm ngăn ngừa tệ bè phái, lợi ích nhóm, ngăn ngừa từ xa những yếu tố tác động đến sự vô tư, nghiêm minh, nhằm tạo ra bộ máy quan lại trong sạch. Do đó, có thể nói hồi tỵ là một trong những tinh hoa của ông cha ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Những năm qua, pháp luật Việt Nam hiện đại cũng đã có nhiều quy định theo nguyên tắc hồi tỵ. Ví dụ trong hoạt động xét xử, theo Điều 52, Điều 53 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng khi Thẩm phán đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự; Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cùng trong một Hội đồng xét xử là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng.

Pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính… đều có quy định  tương tự. Trong Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ, chồng, cha, mẹ, con… của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Đến nay, lần đầu tiên Trung ương có chủ trương sắp xếp Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương, là một giải pháp mang tính đột phá, triệt tận gốc thói tệ bè phái, “cả họ làm quan”, “một người làm quan cả họ được nhờ” đã diễn ra ở khá nhiều địa phương trong cả nước, gây phản cảm, bức xúc cho người dân thời gian qua.

Tuy nhiên, dù thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương trên đây nhưng để có bộ máy trong sạch thì đương nhiên phải áp dụng đồng bộ với các biện pháp khác. Bởi lẽ quan hệ địa phương, gia tộc chỉ là một trong những yếu tố chi phối quan chức, xã hội hiện đại có nhiều mối liên hệ phức tạp hơn rất nhiều so với thời kỳ phong kiến xa xưa.

Một trong các biện pháp đó như Tổng Bí thư đã chỉ rõ là kiểm soát quyền lực. Kiểm soát quyền lực để ngăn chặn sự lộng quyền, lạm quyền. Bên cạnh đó là gắn liền quyền hạn với trách nhiệm; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ.

Có người nói, trong công tác phòng chống tham nhũng thì công khai và minh bạch là “giải pháp của mọi giải pháp”. Công khai, minh bạch về công tác cán bộ như chỉ tiêu, tiêu chuẩn, điều kiện; áp dụng thi tuyển chặt chẽ thì chắc chắn giảm tiêu cực, giảm chạy chức, chạy quyền. Công khai minh bạch còn là giải pháp trong quản lý tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nói cách khác, thiếu công khai minh bạch ấn chứa trong đó những vấn đề tiêu cực ở các mức độ khác nhau.

Trong quá trình đó có vai trò đặc biệt của nhân dân, Tổng Bí thư đã chỉ đạo phải thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ. Nếu có cơ chế để nhân dân giám sát quyền lực một cách thực chất, giám sát cán bộ từ thấp đến cao thì chắc chắn tham nhũng, tiêu cực sẽ được phát hiện và xử lý sớm, tránh được những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng như đã xảy ra.

NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT (CĐ DLHN)