Khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XV
Sáng 24/3 khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Trước giờ khai mạc các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các vị đại biểu Quốc hội đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự lễ viếng có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Vòng hoa của của Đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Sau lễ viếng, các đại biểu trở về Nhà Quốc hội họp phiên trù bị chuẩn bị cho Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV diễn ra lúc 9g sáng tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Về công tác xây dựng pháp luật: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 0,5 ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Về công tác giám sát và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước: Tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021; Xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; Xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026).
Kết thúc lễ viếng, các đại biểu trở về Nhà Quốc hội họp phiên trù bị chuẩn bị cho Lễ Khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV
Sau đó, Quốc hội dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Do sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhiều vị lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước đã không tái cử Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới với một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Cụ thể là có 25 chức danh sẽ được kiện toàn. Đó là chức danh Chủ tịch nước, đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu Chủ tịch nước. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thuộc danh sách ứng cử Quốc hội khóa XV ở khối Chủ tịch nước.
Hiện nhân sự đề cử vào chức danh Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố. Tuy nhiên, danh sách sơ bộ người các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ứng cử khối Chính phủ; còn Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ở khối Quốc hội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh không tái cử Trung ương khóa XIII. Trong khi đó, nhân sự giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa mới khối Chủ tịch nước có bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang.
Khối Chính phủ có 9 thành viên không tham gia Trung ương khóa mới. Đó là Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; các Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo; và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Đây dự kiến là các chức danh sẽ được kiện toàn.
Danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV khối Chính phủ xuất hiện nhiều gương mặt mới đại diện các Bộ ngành. Bộ Quốc phòng là Thượng tướng Phan Văn Giang - Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là Thứ trưởng Lê Minh Hoan; Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch là Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng; Bộ Nội vụ là Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà; Bộ Ngoại giao là Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Đại diện ngành Giáo dục Đào tạo có ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bộ Xây dựng hiện có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và Văn phòng Chính phủ có Phó chủ nhiệm Trần Văn Sơn là Ủy viên Trung ương khóa XIII.
Trong 4 thành viên Chính phủ là Ủy viên Bộ Chính trị, có hai Bộ trưởng là ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương, đã được phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương (ứng cử Quốc hội ở khối cơ quan Đảng); ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính, không tham gia ứng cử Quốc hội khóa XV ở khối Chính phủ. Còn trong các gương mặt mới được giới thiệu ứng cử khối Chính phủ có Phó ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.
Ở khối Quốc hội, 12 vị không tham gia Trung ương khóa XIII gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm các Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đối ngoại, Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng; và Trưởng ban Công tác đại biểu.
Nhân sự đảm nhiệm các chức danh trên dự kiến được kiện toàn tại kỳ họp lần này, trừ hai ứng viên thay Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, do nhân sự dự kiến giới thiệu giữ các chức danh này chưa phải là đại biểu Quốc hội.
Các gương mặt mới ứng cử khối Quốc hội có Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN Trần Thanh Mẫn; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường; Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh...
Một số Ủy ban có nhân sự cấp phó là Ủy viên Trung ương khóa XIII, như Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Phó ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Riêng Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh đã được giới thiệu ứng cử ở khối Kiểm toán Nhà nước.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận