Kháng cáo của bị hại trong vụ án “giết người” và “gây rối trật tự công cộng”
Kháng cáo là quyền quan trọng của người tham gia tố tụng, trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn đề cập đến quyền kháng cáo của người bị hại trong vụ án vừa có bị cáo bị xử về tội “Giết người” vừa có bị cáo bị xử về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Quyền kháng cáo được pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Bản án, Quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Do đó có thể nói kháng cáo là cơ sở pháp lý làm phát sinh thủ tục, thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm.
Khoản 1 Điều 62 BLTTHS năm 2015 đã quy định: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.
Quy định trên đã thay thế cụm từ “người bị hại” trong Điều 51 BLTTHS 2003 bằng “bị hại”. Như vậy, bị hại không chỉ là một cá nhân nào đó trực tiếp bị thiệt hại mà có thể là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do hành vi phạm tội đã thực hiện hoặc đe dọa gây ra. Đây là một trong những điểm mới trong BLTTHS 2015.
Quyền kháng cáo của bị hại được quy định tại điểm m khoản 2 Điều 62 BLTTHS năm 2015. Quy định này được giữ nguyên từ BLTTHS năm 2003: “Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án”.
Tại khoản 1 Điều 331 BLTTHDS năm 2015 quy định về quyền kháng cáo của những người tham gia tố tụng như sau: “Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm”.
Trong thực tế khi áp dụng vào những trường hợp cụ thể vẫn còn những vướng mắc, bất cập. Vụ án như sau:
Trong một đám cưới ở thị trấn Q huyện Đ xảy ra vụ việc hai nhóm khách dự đám cưới mâu thuẫn tranh cãi, đánh nhau. Sau đó nhóm M,N,K,V đã chuẩn bị công cụ nhằm rửa hận và chờ để đánh nhóm P,Đ, L tại ngã ba trung tâm thị trấn. Tại đây, khi nhóm P,Đ,L đi qua đã bị nhóm M,N, V, K xông vào đánh. K dùng mã tấu chém vào đầu, ngực L khiến L bị chấn thương não, tổn thương phổi, tổng tỷ lệ thương tích 70%. M,N đuổi đánh P và Đ, hai bên xông vào đánh nhau nhưng do có lực lượng chức năng can thiệp kịp thời nên không xảy ra thương tích.
K bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội “Giết người”; N, M, V bị kết án tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với K và xử V về tội “Cố ý gây thương tích” vì V cũng xông vào đánh L.
Việc kháng cáo này của người bị hại có hai quan điểm như sau:
Quan điểm 1: Người bị hại không có quyền kháng cáo đối với các bị cáo phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” vì tội “Gây rối trật tự công cộng” không có người bị hại nên nếu bị cáo không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị thì phần quyết định đối với với các bị cáo phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” đương nhiên có hiệu lực thi hành.
Quan điểm 2: Khác với chủ thể khác, các chủ thể tại khoản 1 Điều 331 BLTTHS năm 2015 được quy định chung chung là “Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm” điều này có thể hiểu bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, do đó người bị hại có thể kháng cáo cả phần tội danh của các bị cáo bị kết án tội “Gây rối trật tự công cộng” để yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử các bị cáo này về tội “Giết người” hoặc “Cố ý gây thương tích”.
Hiện tại chưa có hướng dẫn đối với quyền kháng cáo trong BLTTHS 2015. Trước đây, tại Nghị quyết số 05/2005 ngày 08/12/2005, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn về chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn của việc kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm, theo hướng bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Đây là những vướng mắc thường xảy ra trong thực tiễn xét xử các vụ án có cả các bị cáo bị kết án về tội “Giết người” có cả các bị cáo bị kết án về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Những vướng mắc, bất cập này còn liên quan đến thẩm quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đặc biệt là biện pháp tạm giam đối với các bị cáo, do đó cần được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn để thống nhất áp dụng.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Tú Anh
12:54 22/12.2024Trả lời