Khi nào Tòa án phải tính công sức trong vụ án dân sự?
Thực tế giải quyết các vụ án dân sự về đòi di sản thừa kế, đòi nhà cho ở nhờ, đòi đất… hầu hết đều nảy sinh vấn đề phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn cho đương sự. Tuy nhiên, trường hợp nào được tính công sức, trường hợp nào không được tính, đang còn có nhận thức khác nhau.
Trong thực tiễn, khi giải quyết các vụ án dân sự thì yêu cầu về tính công sức của một trong các bên đương sự là yêu cầu thường được đặt ra. Có thể thấy, công sức bao gồm nhiều loại như: 1) Công sức tạo lập tài sản, phát triển tài sản; 2) Công sức giữ gìn tài sản; 3) Công sức bảo quản tài sản; 4) Công sức tôn tạo tài sản; 5) Công sức làm tăng giá trị của tài sản; 6) Công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản…
Muốn tính công sức thì trước hết phải xem xét có công sức hay không. Đặc biệt cần phải phân biệt giữa công sức và các chi phí. Chi phí là khoản tiền đã bỏ ra (để nuôi dưỡng người để lại di sản như: Tiền thức ăn, tiền thuốc uống, tiền thuê người giúp việc…; để sửa lại nhà như: Trát lại tường, lăn lại sơn, lát sân nhà…). Các khoản tiền đã chi phí đều tính được và ai có yêu cầu thì phải có nghĩa vụ chứng minh (có thể bằng hóa đơn mua hàng, xác nhận của người bán hàng, người vận chuyển, người làm công…). Còn công sức là sức lực, là thời gian… mà con người bỏ ra để ra nuôi dưỡng người để lại di sản, để giữ gìn, bảo quản, duy trì tài sản nên tài sản không bị hư hỏng, mất mát hoặc để làm tăng giá trị tài sản bằng việc tôn tạo, tu bổ tài sản. Công sức không thể xác định được thông qua các hóa đơn…
Thực tế cho thấy có thể phân loại thành ba dạng công sức trong các vụ án dân sự: Công sức trong các vụ án hôn nhân và gia đình; Công sức trong các vụ án thừa kế; Công sức trong các vụ án khác (đòi tài sản, đòi nhà đất cho thuê, đòi lại nhà đất cho ở nhờ…)[1].
Tuy nhiên, hiện nay khi giải quyết các vụ án dân sự có yêu cầu đòi nhà cho ở nhờ, đòi nhà đất cho thuê, đòi tài sản… vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về việc Tòa án có bắt buộc phải tính công sức trong mọi trường hợp hay không? Nếu có thì trong mọi trường hợp Tòa án đều phải tính công sức trong các vụ án này hay chỉ tính khi đương sự có yêu cầu?
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự ( BLTTDS 2015) thì: “1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.” Như vậy, Tòa án chỉ giải quyết những vấn đề được nêu trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tức là nội dung nào không được nêu, không được thể hiện trong đơn yêu cầu, đơn khởi kiện của đương sự thì Tòa án sẽ không xem xét giải quyết. Do đó, đối với vụ án dân sự mà đương sự khởi kiện yêu cầu trả nhà, đòi đất cho ở nhờ,… nếu trong đơn khởi kiện đương sự không nêu yêu cầu đòi tính công sức thì Tòa án không phải xem xét, giải quyết đối với yêu cầu này khi yêu cầu chính là yêu cầu đòi nhà, đất… không được chấp nhận. Bởi nếu làm như vậy là Tòa án đã làm vượt quá phạm vi yêu cầu khới kiện của đương sự, không phù hợp với các nguyên tắc của BLTTDS 2015. Quan điểm này cũng nhận định rằng, trong trường hợp này nếu sau này đương sự có yêu cầu thì Tòa án hướng dẫn đương sự khởi kiện bằng một vụ án khác đối với yêu cầu đòi công sức.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Ngày 06/4 /2016, Chánh án TANDTC ban hành Quyết định số 220/QĐ-CA về việc công bố án lệ, trong đó có Án lệ số 02/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 06/4/2016. [2] Trong phần nội dung án lệ có nhận định: “Tuy bà Thảnh là người bỏ 21,99 chỉ vàng để chuyển nhượng đất (tương đương khoảng 27.047.700 đồng). Nhưng giấy tờ chuyển nhượng đứng tên ông Tám và sau khi nhận chuyển nhượng ông Tám quản lý đất, sau đó chuyển nhượng cho người khác. Như vậy, lẽ ra phải xác định ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất nên phải xác định số tiền trên (sau khi trừ tiền gốc tương đương 21,99 chỉ vàng của bà Thảnh) là lợi nhuận chung của bà Thảnh và ông Tám. Đồng thời xác định công sức của ông Tám để chia cho ông Tám một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự (Trường hợp không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức ngang nhau để chia).”
Như vậy, với nội dung của Án lệ số 02/2016/AL thì phải hiểu rằng, trong các vụ án về đòi nhà cho ở nhờ, đòi đất… khi đương sự có yêu cầu đòi nhà, đất… thì phải xác định đây là yêu cầu lớn hơn, là yêu cầu bao trùm lên yêu cầu đòi tính công sức. Do đó, khi giải quyết vụ án dân sự đòi nhà cho ở nhờ, đòi đất…, mà yêu cầu chính là yêu cầu đòi nhà, đòi đất… đó không được chấp nhận thì dù đương sự không yêu cầu đòi tính công sức trong đơn khởi kiện thì Tòa án vẫn phải giải quyết cả việc tính công sức một cách hợp lý cho người có công trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo, làm tăng giá trị tài sản… Có như vậy mới đảm bảo việc giải quyết vụ án một cách toàn diện, đầy đủ, tránh việc lại phải giải quyết bằng một vụ án khác làm mất thời gian, công sức, tiền của của các bên cũng như của cơ quan tiến hành tố tụng.
Nghiên cứu quy định của pháp luật và các quan điểm nói trên, tác giả có quan điểm như sau:
Việc ra đời của Án lệ số 02/2016/AL là vô cùng cần thiết, đáp ứng được nhu cầu thực tế khi giải quyết các vụ án dân sự, khắc phục được những hạn chế, bất cập của luật. Điều 8 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về Quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ có quy định nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử như sau:
“1. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án.
Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ.
Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để xem xét hủy bỏ theo hướng dẫn tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 9 Nghị quyết này.”
Do vậy, khi giải quyết các vụ án dân sự về đòi di sản thừa kế, đòi nhà cho ở nhờ, đòi đất… thì các Tòa án phải xác định yêu cầu đòi nhà, đất, di sản thừa kế… là yêu cầu bao trùm, yêu cầu lớn nếu yêu cầu này không được chấp nhận thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn… cho đương sự theo tinh thần Án lệ số 02/2016/AL thì mới giải quyết triệt để nội dung vụ án, tránh kéo dài bằng việc giải quyết bằng 1 vụ án khác. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào khi đương sự có yêu cầu khởi kiện đòi nhà, đất… thì Tòa án đương nhiên phải tính công sức nếu yêu cầu chính đó không được chấp nhận. Tác giả cho rằng, trong các vụ án này, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải hỏi đương sự nếu trong trường hợp yêu cầu đòi nhà, đất của họ không được chấp nhận thì họ có yêu cầu được nhận phần công sức hợp lý thực tế đã bỏ ra không? Nếu họ có yêu cầu thì Tòa án phải giải quyết yêu cầu này của họ, còn nếu họ không yêu cầu thì Tòa án không phải giải quyết. Việc thể hiện quan điểm của họ đối với nội dung này phải được ghi vào biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án. Đồng thời, tác giả cũng cho rằng, đối với nội dung này, nếu khi được hỏi mà họ trả lời là họ không yêu cầu mà chỉ đòi nhà, đất nhưng sau này họ có yêu cầu thì yêu cầu này vẫn phải được giải quyết bằng một vụ án khác. Với cách giải quyết này sẽ đảm bảo áp dụng thống nhất cả BLTTDS 2015 và Án lệ số 02/2016/AL, đảm bảo bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của các đương sự cũng như tránh việc các bản án bị kháng nghị, dẫn đến việc giải quyết vụ án kéo dài, gây tốn kém thời gian, tiền bạc cho các bên, đồng thời cũng giải quyết triệt để các nội dung khác theo yêu cầu của BLTTDS như vấn đề về chi phí tố tụng…
[1] http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/nghiep-vu/can-thong-nhat-quan-diem-xac-dinh-cong-suc-trong-vu-an-dan-su-80328.html.
[2] https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/an-le/13194/an-le-so-02-2016-al-ve-vu-an-tranh-chap-doi-lai-tai-san
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận