Không cần xác định thời gian chấp hành án phạt tù chung thân trong bản án đối với bị cáo Nguyễn Văn A

Qua nghiên cứu bài viết “Tòa án có cần xác định thời điểm bắt đầu việc chấp hành hình phạt tù chung thân trong quyết định của bản không ?” của tác giả Hoàng Thùy Linh đăng ngày 19/09/2023, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất.

Điều 39 BLHS quy định “Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình…. Theo đó tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Điểm giống nhau giữa hình phạt tù chung thân và hình phạt tù có thời hạn được thể hiện ở chỗ người bị kết án đều bị tước quyền tự do, bị cách ly khỏi đời sống xã hội và phải chấp hành hình phạt trong trại giam nhằm giáo dục cải tạo và phòng ngừa họ phạm tội mới.

Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản giữa hai loại hình phạt này là ở chỗ hình phạt tù chung thân chỉ áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của hình phạt do BLHS năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình) và người bị kết án phải chấp hành hình phạt trong trại giam, phải cách ly khỏi xã hội trong một thời gian không xác định (không thời hạn). Mục đích hình phạt này nhằm bảo đảm thời gian cần thiết để giáo dục cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện1.

Mặt khác, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 50 BLHS). Bên cạnh đó, khoản 1,2 Điều 63 BLHS quy định “1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.

2. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.”

Chiểu theo các quy định trên và ví dụ của tác giả đưa ra thì Nguyễn Văn A đã thực hiện 4 lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác, tổng số tiền là 13.969.000.000 đồng. Quyết định của bản án: Xử phạt Nguyễn Văn A chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS. Do đó, hành vi của Nguyễn Văn A phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng cho nên việc Tòa án áp dụng hình phạt tù chung thân là có cở sở pháp lý. Đồng thời, đối với hình phạt tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn cho nên khi áp dụng không cần phải xác định thời hạn chấp hành hình phạt tù chung thân trong bản án. Nếu ấn định thời gian cụ thể sẽ không áp dụng hình phạt tù chung thân mà ngược lại sẽ áp dụng các hình phạt khác có tính chất, mức độ hình phạt nhẹ hơn tù chung thân chẳng hạn như hình phạt tù có thời hạn, việc quy định này đã thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo trong việc xử lý hình sự đối với người phạm tội của Nhà nước. Hạn chế áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình với người phạm tội giúp họ cải tạo, hoàn lương đối với các trường hợp cải tạo tốt, có nhiều tiến bộ và sẽ được giảm mức hình phạt đã tuyên theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 63 BLHS.

Tóm lại, việc xác định thời hạn áp dụng hình phạt tù chung thân trong bản án đối với Nguyễn Văn A là không cần thiết.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tác giả, kính mong các độc giả và đồng nghiệp đóng góp ý kiến.

*Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7 

1.TS. Nguyễn Đức Mai, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự (hiện hành) (sửa (đổi, bổ sung năm 2017), NXB chính trị Quốc gia sự thật tr.149.

 

TANDCC tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba, đeo kính hàng trên) tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Ngân Nga BTN

TRẦN VĂN MINH*