Không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà A
Sau khi nghiên cứu bài viết “Giấy mua bán nhà đất năm 1982 có hợp pháp hay không?” của tác giả Chu Thanh Tùng đăng ngày 16/5/2024, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất trong bài viết và xin phân tích làm rõ thêm một số vấn đề.
Thứ nhất, năm 1982 nguyên đơn có viết giấy tay mua, bán nhà đất do đó thời điểm này được xem là thời điểm phát sinh giao dịch về quyền sử dụng đất. Đối với việc giải quyết tranh chấp đất đai sẽ thuộc phạm vi và đối tượng áp dụng của Luật Đất đai năm 1987 trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai năm 1987, việc xác lập các hợp đồng về quyền sử dụng đất là không được phép, việc mua bán đất là một trong các hành vi bị cấm. Vì đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước giao đất cho người dân, nhưng người dân không được mua bán, không được xem đất đai là tài sản của mình, không được để lại thừa kế. Đồng thời, tại tiểu mục 2.2 mục 2 phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP có quy định việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập từ ngày 01/7/1980 đến trước ngày 15/10/1993. Theo đó, việc giải quyết tranh chấp đất đai mua bán trước năm 1993 được quy định như sau:
"Pháp luật thời kỳ này nghiêm cấm việc mua, bán phát canh thu tô chuyển nhượng đất đai dưới mọi hình thức; do đó, khi có tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Tòa án giải quyết như sau: a. Về nguyên tắc chung hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai được xác lập trong thời điểm từ ngày 01/7/1980 đến trước ngày 15/10/1993 là hợp đồng trái pháp luật; do đó, nếu có tranh chấp mà hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa được thực hiện thì Tòa án hủy hợp đồng vì hợp đồng bị vô hiệu…”
Như vậy, việc thỏa thuận mua bán nhà, đất giữa nguyên đơn và ông H là trái với quy định của pháp luật cho nên đối với giao dịch này không được pháp luật công nhận.
Thứ hai, nguồn gốc đất do phía bị đơn nhận chuyển nhượng từ ông C vào năm 1985 và trong thời gian từ năm 1985 đến năm 1987 bị đơn đã sử dụng đất ổn định và lâu dài đối với thửa đất số 172 từ năm 1985 đến nay và được cấp GCNQSDĐ. Mặt khác, từ năm 1987 bà A biết việc gia đình ông D sử dụng đất và biết việc ông D mua đất từ ông C nhưng không có ý kiến gì hay khiếu nại đối với việc chuyển nhượng giữa ông D và ông C cũng như việc quản lý, sử dụng trên phần đất. Trong đó ông D có ở và cất nhà, trồng cây lâu năm trong một thời gian dài. Do đó, quá trình sử dụng đất về phía bị đơn là ổn định và lâu dài cũng như không bị tranh chấp hay khiếu kiện trong thời gian sử dụng đất và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa phía bị đơn và ông C là hoàn toàn tự nguyện, không có sự lừa dối không vi phạm điều cấm của luật. Đến năm 1998 gia đình bà A mới phát sinh tranh chấp với ông D.
Tuy nhiên, trong quá trình xảy ra tranh chấp bà A không cung cấp được các chứng cứ, chứng minh đối với thửa đất đang tranh chấp là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Mặt khác, tại lời trình bày của bà E thì năm 1993 gia đình bà được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 2.630m² thuộc thửa đất số 73. Sau đó, ông D khai hoang thêm hơn 05 sào nữa và đến năm 2002 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 7.192m² thuộc thửa đất số 172. Bên cạnh đó, bà E có cung cấp tài liệu chứng minh đối với nguồn gốc thửa đất thể hiện tại Đơn đăng ký quyền sử dụng đất năm 2002 thể hiện ông D kê khai nguồn gốc đất do khai hoang mà có. Do đó, có đủ cơ sở để xác định thửa đất đang tranh chấp là thuộc quyền sử dụng của ông B và bà E cho nên việc bà A khởi kiện buộc bà E trả lại diện tích đất 5.000m2 theo Giấy mua bán nhà năm 1982 là không có cơ sở chấp nhận.
Trên đây là quan điểm trao đổi về nội dung bài viết, kính mong các độc giả đóng góp ý kiến!
TAND TX.Phú Mỹ, BRVT xét xử vụ tranh chấp lao động - Ảnh: Trúc Giang
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận