Không đủ cơ sở để xác định chủ sở hữu xe ô tô 15A-52xxx
- Qua nghiên cứu bài viết “Ai là chủ sở hữu của xe ô tô biển kiểm soát 15A-52xxx ?” của tác giả Thanh Thịnh, tôi cho rằng nếu căn cứ theo dữ liệu mà tình huống đưa ra thì không đủ cơ sở để xác định ai là chủ sở hữu của xe ô tô biển kiểm soát 15A-52xxx.
Tôi cho rằng không đủ cơ sở để xác định ai là chủ sở hữu của xe ô tô biển kiểm soát 15A-52xxx vì những lý do như sau:
Thứ nhất, chưa tiến hành tra cứu để xác minh, làm rõ nguồn gốc của xe ô tô biển kiểm soát 15A-52xxx như thông tin chủ sở hữu phương tiện (có đúng là xe của K không hay K cũng mua lại từ người khác), số khung, số máy của xe, xe có bị chiếm đoạt hay không, có đang là tài sản thế chấp, bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ hay không…
Thứ hai, bà S khai rằng xe ô tô nêu trên là do bà S vay tiền ngân hàng để mua và đưa cho H sử dụng làm phương tiện kiếm sống nhưng chưa tiến hành lấy lời khai của H và những người làm chứng để làm rõ: Có phải tiền mua xe là của bà S hay không, thỏa thuận giữa bà S và H như thế nào về việc mua xe (bà S có nhờ H mua xe giúp hay không, có biết H mua xe từ ai hay không, nguồn gốc của xe như thế nào, có cho H xe ô tô trên không hay chỉ cho mượn để làm phương tiện kiếm sống)…
Thứ ba, H khai rằng xe ô tô nêu trên là do mình mua từ K bằng giấy tay (không tiến hành công chứng, chứng thực theo quy định), không tiến hành làm thủ tục sang tên, đổi chủ và không còn giữ giấy tờ gì chứng minh việc mua bán xe nhưng chưa tiến hành lấy lời khai của K và những người làm chứng để làm rõ: Có hay không việc mua bán xe giữa H và K, nguồn gốc xe ở đâu mà K có, thỏa thuận mua bán xe giữa H và K như thế nào…
Do dữ liệu tình huống đưa ra còn thiếu, không đủ căn cứ để xác định ai là chủ sở hữu của xe ô tô biển kiểm soát 15A-52xxx nên không thể xử lý xe ô tô này ngay được mà cần phải tiếp tục xác minh, làm rõ những vấn đề nêu trên để xử lý sau.
Trong trường hợp đã làm việc với các bên liên quan và có đủ cơ sở để xác định bà S nhờ H mua xe giúp mình từ K và K là người đứng tên chủ sở hữu phương tiện, chưa làm thủ tục sang tên, đổi chủ thì nhận thấy: Mặc dù theo đúng quy định của pháp luật, việc mua bán xe phải được lập hợp đồng có công chứng, chứng thực nhưng việc mua bán xe giữa H và K là hoàn toàn tự nguyện, ngay thẳng, hợp pháp, các bên không có tranh chấp và đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình (giao tiền và nhận xe). Bản thân H thừa nhận bà S là người đã nhờ mình mua xe giúp, nếu không có bà S đưa tiền thì H cũng không có khả năng mua xe, đồng thời H cũng chỉ được bà S cho mượn xe để làm phương tiện kiếm sống hằng ngày. Như vậy, giữa bà S và H đã phát sinh hợp đồng ủy quyền mua bán xe (hình thức bằng lời nói) và hợp đồng này có hiệu lực pháp luật, còn giữa H và K đã phát sinh hợp đồng mua bán xe (viết giấy tay) nhưng hợp đồng này vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức (không công chứng, chứng thực) và cũng không thu được tờ giấy tay này. Do đó, không đủ cơ sở để H và K có quyền yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng mua bán xe theo quy định tại khoản 2 Điều 129 BLDS năm 2015 nên hợp đồng mua bán xe giữa H và K là vô hiệu, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận (khoản 2 Điều 131 BLDS năm 2015).
Điều này có nghĩa, xe ô tô biển kiểm soát 15A-52xxx là tài sản thuộc quyền sở hữu của K, Tòa án sẽ tuyên trả lại xe này cho K và K phải hoàn trả lại tiền mua xe cho H để H trả lại cho bà S do H không thực hiện được việc ủy quyền.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi với tác giả. Mong nhận được sự đóng góp của bạn đọc.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận