Không nộp tạm ứng chi phí phá sản, giải quyết thế nào?

Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không nộp tạm ứng chi phí phá sản thì Tòa án xử lý thế nào, đây là vấn đề còn có quan điểm khác nhau, cần nhận thức thống nhất.

Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đề ngày 12/12/2016 của  người yêu cầu là ông Lê Quốc – Giám đốc Công ty Cổ phần Q, người đại diện là ông Phạm Văn, yêu cầu Tòa án tuyên bố Công ty Cổ phần Q. phá sản.

Theo quy định của Luật Phá sản thì người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có nghĩa vụ phải nộp lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản (theo khoản 3 Điều 19 Luật Phá sản 2014, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản). Trong trường hợp này người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không thuộc trường hợp “Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật này mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật Phá sản 2014.

Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và các tài liệu kèm theo, Tòa án đã thông báo yêu cầu người yêu cầu tuyên bố phá sản là ông Lê Quốc nộp lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản theo quy định tại Điều 22, Điều 23 Luật Phá sản 2014. Ngày 21/12/2016, người yêu cầu mở thủ tục phá sản đã nộp cho Tòa án biên lai nộp lệ phí phá sản nhưng không có biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.

Tòa án đã thụ lý việc yêu cầu mở thủ tục phá sản. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, phát hiện ra việc thụ lý không đảm bảo đầy đủ điều kiện, do người yêu cầu không nộp chi phí phá sản, nên Tòa án đã yêu cầu người yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, để phục vụ cho việc mở thủ tục phá sản, chi phí cho Quản tài viên. Nhưng Tòa án yêu cầu nhiều lần mà Công ty Cổ phần Q  không thực hiện nghĩa vụ.

Vì vậy, Tòa án đã căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật Phá sản để quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Sau khi Tòa án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, người yêu cầu khiếu nại đến Tòa án cấp tỉnh.  Tòa án cấp tỉnh đã hủy Quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; yêu cầu nhận lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của đương sự.

Hiện nay có hai quan điểm khác nhau về quyết định của Tòa án cấp tỉnh.

Quan điểm thứ nhất: Do người nộp đơn không nộp tạm ứng chi phí phá sản theo quy định nên Tòa án đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản là đúng. Tòa án cấp trên hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là không đúng.

 Quan điểm thứ hai: Tòa án cấp tỉnh tỉnh hủy quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của TAND cấp sơ thẩm là đúng quy định của pháp luật về phá sản.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý bạn đọc gần xa.

 

TRẦN QUANG MINH ( TAND tp Hải Dương, tỉnh Hải Dương)