Kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ vi phạm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Thời gian quan, cơ quan bảo hiểm xã hội đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ vi phạm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó, đã có bốn vụ được khởi tố theo Điều 214 Bộ luật Hình sự năm 2015...  

Tính đến thời điểm 30-9 năm nay, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ, trong đó đã có bốn vụ được khởi tố theo Điều 214 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, ngoài bốn vụ việc đã có quyết định khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, hiện chưa có vụ việc nào bị khởi tố theo Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT) và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Trong thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành BHXH vẫn gặp một số khó khăn, đặc biệt là tình trạng trục lợi quỹ, trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn.

Để khắc phục tình trạng này, BHXH Việt Nam đã thực hiện rất nhiều giải pháp, bao gồm phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để xử lý kịp thời.

Theo Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam), sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, BHXH nhiều địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác thu, phát triển đối tượng và giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Từ tháng 9-2019, khi Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp; Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành, BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện, đặc biệt sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam về lập hồ sơ kiến nghị khởi tố.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Cơ quan Công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm do không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác; về dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”; về số tiền tính lãi thời gian chậm đóng có được tính làm căn cứ kiến nghị khởi tố hay không; đối với hành vi chậm đóng mà đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người, số tiền phải đóng nhưng không đóng (lý do phía đơn vị đưa ra là do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có thủ đoạn gian dối), cơ quan điều tra có ý kiến “đơn vị nợ do khó khăn, đề nghị khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật”.

Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh là tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp; tội gian lận BHYT; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ. Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.

Ngày 15-8-2019, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 BLHS về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp; Điều 215 BLHS về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 BLHS về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động.

Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP gồm 8 điều. Trong đó, giải thích một số thuật ngữ trong các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự như: lập hồ sơ giả; lập hồ sơ bệnh án khống; kê đơn thuốc khống; kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật chi phí giường bệnh; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT; thẻ BHYT được cấp khống; thẻ BHYT giả; thẻ đã bị thu hồi, bị sửa chữa; trốn đóng BHXH; gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…

 Nghị quyết cũng hướng dẫn một số tình tiết quy định khung hình phạt; truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể; xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 1-1-2018; xác định tư cách tố tụng của cơ quan BHXH…

Theo Nhân dân

XB