Kiến trúc Hà Nội thời bao cấp: Một di sản bị quên lãng
Là một trong số không nhiều các thành phố trên thế giới còn giữ được nhiều kiến trúc thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN), Hà Nội có thể gìn giữ di sản này trong chiến lược xây dựng thương hiệu đô thị hay không?
Di sản kiến trúc – một phần của thương hiệu đô thị
Trong thế giới toàn cầu hóa mạnh mẽ ngày nay, khái niệm xây dựng thương hiệu gắn với tinh thần nơi chốn đã nổi lên như một công cụ quan trọng để các thành phố, khu vực và quốc gia thu hút khách du lịch, doanh nghiệp và đầu tư. Xây dựng thương hiệu nơi chốn liên quan đến chiến lược định hình và quảng bá về một nơi chốn, làm nổi bật các thuộc tính văn hóa độc đáo của nơi chốn đó. Nó thúc đẩy mối liên kết cảm xúc với một nơi chốn, cuối cùng ảnh hưởng đến nhận thức và quyết định của mọi người.
Di sản kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực xây dựng thương hiệu đô thị. Kiến trúc bản địa phản ánh các đặc điểm văn hóa và môi trường của cộng đồng địa phương, có thể được tận dụng để thúc đẩy bản sắc và thương hiệu độc đáo của một thành phố. Các tòa nhà và khu vực mang tính biểu tượng và lịch sử có thể đóng vai trò là biểu tượng mạnh mẽ cho bản sắc của một thành phố và giúp thu hút đầu tư và du lịch.
Xây dựng thương hiệu thành phố nhằm mục đích tạo ra hình ảnh và bản sắc riêng biệt cho một đô thị thường bao gồm việc làm nổi bật các tài sản kiến trúc. Bằng cách giới thiệu di sản kiến trúc của thành phố, cả hiện đại và truyền thống, thương hiệu thành phố có thể nâng cao sức hấp dẫn của thành phố, định vị thành phố là điểm đến du lịch hấp dẫn và xây dựng danh tiếng thuận lợi.
Các công trình kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh quá khứ, văn hóa và bản sắc của thành phố, cung cấp cái nhìn sâu sắc về quá trình tiến hóa và phát triển của thành phố theo thời gian. Tác động của di sản kiến trúc đối với thương hiệu thành phố được thể hiện ở nhiều khía cạnh:
Bản sắc văn hóa: Di sản kiến trúc phản ánh lịch sử, văn hóa và truyền thống độc đáo của thành phố. Di sản kiến trúc có thể góp phần vào khả năng phục hồi và phúc lợi lâu dài của cộng đồng, đảm bảo rằng bản sắc văn hóa vẫn là nguồn cảm hứng và niềm tự hào cho các thế hệ tương lai. Các công trình kiến trúc và không gian đô thị đóng góp quan trọng vào việc tạo ra bản sắc địa điểm và thúc đẩy mối liên hệ tình cảm giữa cư dân và du khách.
Nhà máy thuốc lá Thăng Long, nằm ở khu “Cao Xà Lá”, biểu tượng của sản xuất công nghiệp một thời.
Kinh tế du lịch: Di sản kiến trúc được bảo tồn tốt sẽ thu hút khách du lịch, tạo ra doanh thu cho các doanh nghiệp địa phương và kích thích tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khách du lịch thường bị thu hút bởi các điểm đến có các đặc điểm kiến trúc đặc biệt, di tích lịch sử và điểm tham quan văn hóa. Bên cạnh đó, du lịch có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản và kinh tế có thể tạo ra nguồn tài trợ cho các dự án bảo tồn và chứng minh lợi ích của các dự án như vậy.
Phát triển bền vững: Tái sử dụng thích ứng các tòa nhà lịch sử thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách bảo tồn tài nguyên, giảm chất thải và bảo tồn năng lượng hiện có. Việc cải tạo các tòa nhà cũ để sử dụng hiện đại giúp giảm sự phát triển đô thị tự phát và giảm thiểu tác động môi trường của việc xây dựng mới. Hơn nữa, việc bảo tồn di sản kiến trúc góp phần vào tính bền vững xã hội bằng cách duy trì sự gắn kết cộng đồng và bảo tồn ký ức tập thể.
Lợi thế cạnh tranh: Di sản kiến trúc đóng vai trò là điểm nhấn độc đáo cho thương hiệu thành phố, giúp phân biệt thành phố này với các điểm đến khác và thu hút đầu tư và nhân tài. Các thành phố có di sản kiến trúc phong phú có thể tận dụng các tài sản lịch sử và văn hóa của mình để tạo ra những câu chuyện hấp dẫn cho đối tượng mục tiêu.
Di sản kiến trúc có khả năng gợi lên bản sắc văn hóa, thu hút du lịch, thúc đẩy tính bền vững, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các thành phố và qua đó xây dựng thương hiệu đô thị. Bằng cách sử dụng di sản kiến trúc, một thành phố có thể tạo ra bản sắc riêng biệt, củng cố lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy phát triển bền vững vì lợi ích của cư dân, du khách và các thế hệ tương lai. Các di sản kiến trúc thời kỳ xây dựng XHCN trước đây đã trở thành một phần quan trọng góp phần xây dựng thương hiệu cho các thành phố.
Bảo tồn di sản kiến trúc XHCN trên thế giới
Mặc dù hiện nay vẫn còn có những bất đồng về di sản văn hóa thời kỳ xã hội chủ nghĩa ở các nước Trung và Đông Âu, nhưng không thể phủ nhận những giá trị về nghệ thuật, văn hóa, lối sống, mong mỏi của con người … Nên năm 2020, ISC20C (Ủy ban Khoa học Quốc tế ICOMOS về Di sản thế kỷ XX) đã giới thiệu chương trình “Di sản bất hòa”, được phát triển từ hoạt động nghiên cứu và hoạt động của nhóm “Di sản xã hội chủ nghĩa”. ISC20C kêu gọi các sáng kiến mới, tập trung vào việc xác định và củng cố các giá trị của “di sản bất hòa” bằng cách tích hợp nó vào các khái niệm về phát triển đô thị bền vững và du lịch, kết nối với các khu vực di sản khác nhau và mở ra các phương pháp tiếp cận và lựa chọn phù hợp để bảo tồn chúng.
Sự phổ biến của “du lịch đỏ” hoặc “du lịch XHCN”, nơi du khách có thể nhìn thấy và tìm hiểu về kiến trúc XHCN, điêu khắc tượng đài và tranh cổ động, không ngừng phát triển ở Trung và Đông Âu. Hầu hết di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu đều nằm ở những địa điểm đẹp trong cấu trúc không gian đô thị. Điều này khiến các nguồn tài nguyên du lịch di sản XHCN trở thành một sự bổ sung tuyệt vời cho các hành trình du lịch và là một công cụ để xây dựng thương hiệu đô thị.
Chẳng hạn, di sản kiến trúc XHCN của Budapest là một phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu của thành phố. Thành phố đã nhận ra giá trị của việc bảo tồn các công trình này như một phần bản sắc dân tộc và đã nỗ lực bảo tồn chúng cho các thế hệ tương lai. Một ví dụ tiêu biểu là cụm năm tòa nhà lớn ở Újpest, hoàn thành vào năm 1958 để trang trí cho một khu nhà ở mới trong khu vực. Một số người cảm thấy đây là một cách thú vị để bảo tồn tinh thần của những bức tranh tường “lơ lửng trên không”. Những bức tranh tường này có thể là cách duy nhất để các thế hệ tương lai có thể trải nghiệm và hiểu về nghệ thuật đường phố của Hungary vào giữa thế kỷ 20. Cung Nhân dân (Cung điện Quốc hội) ở Bucharest, Rumania do Nicolae Ceaușescu xây dựng vào năm 1984, thu hút nhiều khách du lịch hơn cả cư dân địa phương và công trình kiến trúc đồ sộ này là một trong những điểm tham quan phổ biến nhất.
Ở nước Nga, nơi từng là thành trì của XHCN, kể từ những năm 2000, với nhiều lần tái đầu tư di sản thời Liên Xô, chính quyền Moskva chú ý đến di sản kiến trúc Stalin và Chủ nghĩa Kiến tạo (Constructivism). Nhu cầu tạo ra một hình ảnh nước Nga thống nhất (từ khóa trong chính sách của Putin), một lịch sử tuyến tính, đã trở nên cần thiết để đảm bảo sự ổn định của đất nước. Do đó, “chứng mất trí nhớ” thời Liên Xô – xu hướng cố lãng quên những di sản thời XHCN – nay đã được thay thế bằng việc khôi phục lại ký ức, nhấn mạnh các biểu tượng Liên Xô mạnh mẽ và tích cực trong kiến trúc công cộng.
Còn Hà Nội, một trong những thành phố ít ỏi trên thế giới có nhiều mô hình tập thể kiểu mẫu thời XHCN, nhà máy công nghiệp thời kỳ đầu, thể hiện cho khát vọng, mơ ước, đời sống của xã hội trong cả một thời kỳ, đang giới thiệu kiến trúc nào cho thế giới?
Kiến trúc thời XHCN ở đâu trong chiến lược xây dựng thương hiệu đô thị của Hà Nội?
Di sản kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc và thương hiệu của Hà Nội. Thành phố tự hào có lịch sử phong phú kéo dài hơn một thiên niên kỷ, thể hiện rõ qua các phong cách kiến trúc đa dạng. Qua các sách hướng dẫn du lịch của thành phố, chúng ta có thể hình dung, di sản kiến trúc của Hà Nội được quảng bá thường bao gồm các nhóm:
Cung Văn hóa lao động
Kiến trúc truyền thống: Hà Nội là nơi có nhiều đền chùa. Mỗi ngôi chùa đều có phong cách kiến trúc đặc biệt và ý nghĩa tôn giáo riêng. Những địa điểm linh thiêng này, chẳng hạn như Văn Miếu và Chùa Một Cột, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa và tâm linh của Hà Nội.
Kiến trúc thuộc địa Pháp: Thời kỳ thuộc địa Pháp để lại dấu ấn sâu sắc trong kiến trúc Hà Nội, với những đại lộ rộng rợp bóng cây, cầu Long Biên, biệt thự thời Pháp thuộc và các tòa nhà chính phủ lớn như Nhà hát Lớn Hà Nội, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Nhà thờ Lớn Hà Nội. Các công trình kiến trúc thời kỳ thuộc địa Pháp tại Hà Nội như lời nhắc nhở về lịch sử phức tạp của thành phố, cảnh quan đa dạng của Việt Nam và tác động lâu dài của chủ nghĩa thực dân đối với di sản văn hóa và kiến trúc của Hà Nội.
Phố cổ: Phố cổ, với những con phố hẹp, những ngôi nhà ống truyền thống và những khu chợ nhộn nhịp, mang đến cái nhìn về trung tâm thương mại cổ kính của Hà Nội. Kiến trúc ở đây phản ánh phong cách bản địa của thành phố và thể hiện cuộc sống đường phố sôi động cùng di sản văn hóa phong phú.
Nhìn vào đó, ta có thể thấy Hà Nội muốn “kể chuyện” lịch sử ngàn năm của mình thông qua kiến trúc, trong đó có lớp lịch sử, kiến trúc, văn hóa từ các triều đại phong kiến cho đến lịch sử, kiến trúc thời kỳ thuộc Pháp. Nhưng trong dòng thời gian lịch sử tuyến tính, các chiến lược quảng bá Hà Nội dường như đang khuyết đi nhóm di sản kiến trúc thời kỳ xây dựng XHCN.
Dường như nhóm di sản kiến trúc từ giai đoạn 1954-1986 tại Hà Nội chưa xuất hiện nhiều trong chiến lược xây dựng thương hiệu của thành phố. Giai đoạn 1954-1986, còn gọi là “Thời kỳ bao cấp”, có điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khá đặc biệt: đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình kế hoạch kinh tế (miền Bắc 1954-1975, toàn quốc 1975-1986). Chỉ điểm qua chúng ta có thể thấy dày đặc mạng lưới các di sản kiến trúc thời kỳ xây dựng XHCN, có rất nhiều thành tựu kiến trúc tiêu biểu của giai đoạn này bao gồm:
Công trình công cộng: Trong giai đoạn 1954-1986, tại Hà Nội đã xuất hiện các công trình công cộng như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa, Đại học Thủy lợi, Sân vận động Hàng Đẫy, Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội, Nhà xuất bản Sự thật, Bưu điện Hà Nội, Cung văn hóa hữu nghị, vv. Các công trình công cộng đó được tạo ra theo chiến lược xây dựng đất nước XHCN, và đến lượt mình, chúng đã đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng đất nước về văn hóa, giáo dục, truyền thông và xuất bản.
Khu tập thể: Các khu dân cư như Kim Liên, Trung Tự, Nghĩa Tân, Thành Công… cũng được xây dựng trong giai đoạn này. Không gian sống nhấn mạnh đến quan hệ cộng đồng, đi kèm với các tiện ích như trường học, chợ, công viên, giải trí… phản ánh các giá trị xã hội mới. Có thể nói, sự xuất hiện của các khu nhà ở XHCN trong giai đoạn 1954-1986, ngày nay thường được gọi là khu tập thể, đã làm thay đổi sâu sắc lối sống của một bộ phận người dân Hà Nội, từ không gian riêng tư của mỗi gia đình đến không gian tập thể của chung cư, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội trong thời đại mới.
Các nhà máy: Giai đoạn này cũng chứng kiến sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các công trình công nghiệp xung quanh Hà Nội. Phía Tây Nam của thành phố là Khu công nghiệp Thượng Đình với Nhà máy chế tạo dụng cụ số 1 và các Nhà máy sản xuất bóng đèn, phích nước, cao su, xà phòng, thuốc lá (còn gọi là khu Cao Xà Lá). Phía Nam là các nhà máy gạch ngói, dệt may, bánh kẹo, đường. Phía Tây có Khu công nghiệp Chèm sản xuất vật liệu xây dựng. Phía Đông Bắc bên kia sông Hồng là các nhà máy sản xuất gỗ, diêm. Tất cả các dự án công nghiệp này đã tạo nên hình ảnh một Hà Nội mới, biến nơi đây từ thành phố tiêu dùng thành thành phố sản xuất.
Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng các công trình kiến trúc giai đoạn 1954-1986 phản ánh một thời đại mới của đất nước, với những nguyên tắc định hình hiện đại, tiến bộ, có giá trị lịch sử, khoa học, xã hội và kinh tế.
Trong khi di sản kiến trúc thời phong kiến và thời Pháp thuộc hiện diện trong chiến lược xây dựng thương hiệu của Hà Nội thì kiến trúc giai đoạn 1954-1986 chưa được khai thác. Tiềm năng của các công trình kiến trúc thời kỳ Bao cấp đối với xây dựng thương hiệu thành phố Hà Nội là vấn đề cần được nghiên cứu.
Tiềm năng của di sản kiến trúc thời kỳ xây dựng XHCN của Hà Nội
Bản sắc văn hóa: Kiến trúc giai đoạn 1954-1986 rất chú trọng đến việc thích ứng với khí hậu nóng ẩm của miền Bắc, vì thời đó chưa có điều hòa. Dưới góc nhìn văn hóa sinh thái, kiến trúc giai đoạn này thể hiện rõ bản sắc kiến trúc Việt Nam, cũng như cách kiến trúc truyền thống thích ứng với khí hậu địa phương.
Khu nhà ở Kim Liên, một khu tập thể biểu tượng của quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và nó cũng được coi là đặc trưng cho lối sống thời Bao cấp tại Hà Nội.
Kinh tế du lịch: Khai thác các công trình kiến trúc xã hội chủ nghĩa để phục vụ du lịch hiện đang là xu hướng du lịch ở các nước Đông Âu. Kiến trúc giai đoạn 1954-1986 là đặc sản của Hà Nội, có thể khai thác để phát triển kinh tế. Thành công của chuỗi thương hiệu cà phê “Cộng” gần đây đã chứng minh tiềm năng của di sản thời Bao cấp.
Phát triển bền vững: Trong thời gian gần đây, các dự án công nghiệp giai đoạn 1954-1986 được chuyển đổi thành các khu đô thị như nhà máy cơ khí chuyển thành khu Royal City, nhà máy dệt thành Times City. Mặc dù việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành chung cư cao tầng giúp phát triển kinh tế bất động sản nhưng lại gây quá tải giao thông và cơ sở hạ tầng. Bây giờ, chúng ta phải xem xét khả năng biến các nhà máy còn lại thành không gian sáng tạo để phát triển bền vững hơn.
Lợi thế cạnh tranh: Do đặc điểm lịch sử, Hà Nội là một trong số ít thành phố ở Đông Nam Á có di sản kiến trúc xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là lợi thế cạnh tranh của Hà Nội trên bình diện quốc tế.
Năm 1999, Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” và năm 2019, Hà Nội trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO với tư cách là Thành phố sáng tạo về thiết kế. Sự công nhận này nhấn mạnh tầm quan trọng của bản sắc văn hóa và di sản kiến trúc của Hà Nội trong việc xây dựng thương hiệu và định vị toàn cầu. Di sản kiến trúc thời kỳ Bao cấp rất phù hợp với thương hiệu “Thành phố vì hòa bình” vì nó đại diện cho giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, vượt qua thảm họa bom B52, Hà Nội đã xây dựng những công trình hướng tới tương lai hòa bình. Chúng cũng có khả năng kết nối với các dự án thúc đẩy các thành phố sáng tạo, đặc biệt là các tòa nhà công nghiệp có thể chuyển đổi thành không gian sáng tạo.
Tuy nhiên điều đáng tiếc là đến hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu chiến lược bảo tồn và quảng bá di sản thời kỳ xây dựng XHCN ở Hà Nội. Hệ quả của điều đó là đối với ngay cả những người đang sinh sống ở Hà Nội, di sản thời kỳ XHCN vẫn còn ở “điểm mờ”. Gần đây, nhóm chúng tôi đã tiến hành khảo sát 200 người trong độ tuổi 20-30, hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy người dân cho rằng bản sắc Hà Nội nằm ở sự tổng hợp của các giai đoạn kiến trúc khác nhau trong một dòng chảy thời gian liên tục; mỗi phong cách kiến trúc phản ánh một lịch sử của Hà Nội. Tuy nhiên, qua khảo sát cũng cho thấy phần lớn người dân Hà Nội không có cảm nhận gì nhiều về kiến trúc thời kỳ XHCN, dù chúng ta đang sống trong dày đặc các di sản thời kỳ này. 56% người trả lời cho biết giai đoạn kiến trúc có tác động mạnh nhất đến bản sắc và thương hiệu của Hà Nội thuộc về kiến trúc truyền thống, 18% chọn kiến trúc Pháp, 17% chọn kiến trúc đương đại (1986-nay) và chỉ có 9% chọn kiến trúc thời kỳ Bao cấp.
Với câu hỏi “Bạn yêu thích kiến trúc Pháp thuộc địa hay kiến trúc Hà Nội giai đoạn 1954-1986 hơn?”, 87% người trả lời chọn kiến trúc Pháp, chỉ có 13% chọn kiến trúc giai đoạn 1954-1986.
Chúng tôi đã phỏng vấn một số chuyên gia để tìm hiểu tại sao lại có hiện tượng một số người đánh giá thấp tính thẩm mỹ cũng như khả năng tác động đến bản sắc và thương hiệu của kiến trúc Hà Nội thời kỳ Bao cấp. Nguyên nhân của hiện tượng đó bao gồm:
Kiến trúc giai đoạn 1954-1986 được xây dựng trong giai đoạn đất nước khó khăn, nên quy mô, sự phong phú về hình khối, cũng như chất lượng vật liệu không bằng các giai đoạn khác.
Ký ức xã hội giai đoạn 1954-1986 khá phức tạp. Trong khi vẫn nhớ về giai đoạn đó vì tự hào chiến thắng Mỹ, nhưng lại muốn quên đi những khó khăn về kinh tế và đói nghèo do không được tự do kinh doanh và sản xuất.
Kiến trúc giai đoạn 1954-1986 ít được quảng bá đến công chúng. Khảo sát các sách lịch sử kiến trúc trong 10 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy sự thống trị của các cuốn sách về kiến trúc thuộc địa Pháp và sự vắng bóng của kiến trúc giai đoạn 1954-1986. Như vậy, phân tích dữ liệu về khả năng kiến trúc xây dựng thương hiệu đô thị Hà Nội giai đoạn 1954-1986 cho thấy chúng có tiềm năng lớn và là tài sản quý chưa được khai thác của Hà Nội. Di sản kiến trúc thời kỳ xây dựng XHCN là một phần bản sắc văn hóa của Hà Nội, thể hiện lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch bền vững của thành phố. Tuy nhiên, xã hội chưa đánh giá cao giá trị của di sản kiến trúc giai đoạn 1954-1986 tại Hà Nội. Từ kết quả này, cần tiếp tục nghiên cứu về ký ức xã hội hiện tại của thời kỳ xây dựng XHCN. Ngoài ra, việc trình bày các giá trị và tiềm năng của di sản kiến trúc giai đoạn 1954-1986 tại Hà Nội cần được đẩy mạnh hơn nữa để quảng bá di sản, đưa di sản này trở thành một phần trong chiến lược thu hút, phát triển kinh tế cho thành phố.
Theo Tiasang.com.vn
Cung thiếu nhi Hà Nội
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận