Kỷ niệm 63 năm ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2024) Công nghiệp khí khẳng định vị thế trong nền kinh tế

​​​​​​​Trong suốt hơn 30 năm qua, ngành công nghiệp khí Việt Nam tự hào song hành cùng những bước phát triển của đất nước; đã và đang tham gia tích cực vào bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia, cũng như phát triển nền kinh tế - xã hội nước nhà. Với vai trò quan trọng đó, công nghiệp khí tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là lĩnh vực nền tảng để phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn tới.

Tự hào ngành công nghiệp khí Việt Nam

Việt Nam bắt đầu khai thác khí từ năm 1981 tại mỏ khí Tiền Hải C - Thái Bình và khai thác dầu cùng với khí đồng hành từ năm 1986 tại mỏ Bạch Hổ ở thềm lục địa phía Nam. Trong đó, mỏ dầu Bạch Hổ được Liên doanh Vietsovpetro đưa vào khai thác từ ngày 26/06/1986. Cho đến năm 1995, khí đồng hành được tách ra khỏi dầu thô tại các giàn khai thác và phải đốt bỏ do chưa có điều kiện thu gom và vận chuyển vào bờ để sử dụng. Cùng với sự gia tăng sản lượng dầu khai thác, lượng khí đồng hành phải đốt bỏ ngày càng lớn, gây lãng phí tài nguyên và tăng ô nhiễm môi trường. Do đó việc triển khai thực hiện thu gom, vận chuyển khí đồng hành vào bờ và sử dụng cho nền kinh tế quốc dân đã trở thành vấn đề cấp bách được các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và đặt ra một nhiệm vụ mới cho ngành Dầu khí Việt Nam. Việc này không đơn giản chỉ giải quyết vấn đề đốt bỏ khí, ô nhiễm môi trường mà sâu xa hơn còn là nhận thức về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên khí thiên nhiên, góp phần đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hệ thống các công trình khí hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại

Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã từng bước xây dựng và lần lượt đưa các công trình khí vào hoạt động, phát triển ngành công nghiệp khí Viêt Nam có những bước tiến vượt bậc, lớn mạnh, đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế và an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.

Từ khi có dòng khí đầu tiên đưa về bờ vào tháng 4/1995 đến nay, ngành công nghiệp khí đã cung cấp trên 176 tỷ m3 khí khô, 27 triệu tấn LPG, 2,2 triệu tấn xăng nhẹ cho thị trường trong nước. Thực hiện sứ mệnh mang nguồn năng lượng thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế đất nước, ngành công nghiệp khí đang cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu ổn định để sản xuất gần 10% sản lượng điện toàn quốc, 70% nhu cầu phân đạm của cả nước, cung cấp các sản phẩm khí đa dạng gồm khí đường ống, LPG, CNG, LNG làm nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, khu công nghiệp trên toàn quốc.

PV GAS, đơn vị thành viên của Petrovietnam được giao nhiệm vụ chủ đạo xây dựng, phát triển và dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt Nam, trong gần 35 năm qua đã hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất ngành công nghiệp khí tương đối hoàn chỉnh gồm: 05 hệ thống khí (Cửu Long, Nam Côn Sơn 1, Nam Côn Sơn 2, PM3 – Cà Mau, Hàm Rồng – Thái Bình) với tổng chiều dài các đường ống khí trên 1.500 km dẫn từ ngoài khơi - thềm lục địa Việt Nam, tiếp bờ, đi qua nhiều địa phương (các tỉnh/thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Cà Mau, Thái Bình); 03 nhà máy xử lý khí (Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn và Nhà máy xử lý khí Cà Mau) với tổng công suất trên 10 tỷ m3/năm; 14 kho chứa LPG trên cả nước với tổng công suất gần 150 nghìn tấn; hệ thống phân phối khí/sản phẩm khí, các trạm chiết nạp rộng khắp trên toàn quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển đến nay, PV GAS đã mang lại doanh thu gần 1,2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 220 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 106 nghìn tỷ đồng và đang sở hữu tổng tài sản gần 100 nghìn tỷ đồng.

Ngành công nghiệp khí Việt Nam chuyển dịch mạnh mẽ trên hành trình năng lượng xanh

Có thể thấy, ngành công nghiệp khí Việt Nam đã không ngừng vươn lên để trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế; với hệ thống các công trình khí liên tục được mở rộng và hoàn chỉnh, quy mô ngày càng lớn, hiện đại; tạo dựng thị trường khí ngày càng lớn mạnh và ổn định; không chỉ đóng góp bằng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách cao hàng năm mà hơn thế nữa còn thúc đẩy hình thành và phát triển các ngành công nghiệp sử dụng sản phẩm khí làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế nhiều cơ sở hạ tầng cũ sử dụng than, dầu… giúp giảm thiểu ô nhiễm và cùng đóng góp cho nền kinh tế đất nước. PV GAS với vai trò chủ đạo, dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt nam đã làm nên những thành tựu đáng tự hào, xứng đáng được Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động.

Khẳng định vai trò nền tảng cho phát triển kinh tế

Trong giai đoạn mới hiện nay và tầm nhìn tương lai, trước những thay đổi có tính chất bước ngoặt của ngành năng lượng, đặt ra yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, phát triển nhanh, bền vững ngành dầu khí để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước; cùng với đó là tận dụng cơ hội, thích ứng với chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải, phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu… Để định hướng cho sự phát triển của ngành dầu khí trong giai đoạn tiếp theo, ngày 24/4/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận 76-KL/TWvề tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới. Trong đó, Kết luận 76 cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc với sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp khí, khi xác định công nghiệp khí là nền tảng phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước.

Kết luận số 76-KL/TW cũng đã chỉ ra các giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp khí trong giai đoạn mới như: Có kế hoạch nhập khẩu khí (trọng tâm là LNG) phù hợp, hiệu quả, chú trọng các hợp đồng dài hạn; thực hiện cơ chế chuyển ngang giá và sản lượng khí làm nhiên liệu đầu vào cho các dự án sản xuất điện; xây dựng các trung tâm năng lượng quốc gia tích hợp khí, LNG – điện, ... quy mô lớn; tăng cường chế biến sâu; nghiên cứu, đầu tư các dự án hóa dầu, bao gồm cả hóa dầu từ khí;...

Kết luận 76, cùng với những định hướng, chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, yêu cầu của chuyển dịch năng lượng là cơ sở quan trọng cho xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam. Trong đó, với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí đất nước, PV GAS đã và đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với những định hướng được lãnh đạo các cấp và Petrovietnam đề ra. Đồng thời, với xu hướng thị trường của nền kinh tế, PV GAS xác định việc phát triển ngành công nghiệp khí đồng nghĩa với việc phát triển ngành năng lượng theo hướng đa dạng hóa nguồn năng lượng, tiến tới ngành công nghiệp xanh, giảm phát thải, đảm bảo hơn nữa an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc PV GAS

Trên cơ sở đó, PV GAS hướng đến ưu tiên tận dụng nguồn khí trong nước phục vụ chế biến và gia tăng giá trị sản phẩm song song với việc phát triển ngành công nghiệp LNG để nắm bắt các cơ hội từ thị trường thế giới. PV GAS cũng bắt đầu triển khai nghiên cứu các phương hướng khả thi trong việc sản xuất và phối trộn các sản phẩm khí không phát thải như hydro xanh, ammonia xanh để sử dụng thử nghiệm trên hệ thống hạ tầng hiện hữu của PV GAS và Petrovietnam;…

Những định hướng phát triển đó đã và đang được PV GAS nỗ lực triển khai trên thực tế với quyết tâm, nỗ lực cao và bước đầu mở ra những con đường mới đầy hứa hẹn cho PV GAS cũng như ngành công nghiệp khí Việt Nam. Trong đó có việc đưa vào vận hành kho cảng LNG đầu tiên, ghi tên Việt Nam vào bản đồ kinh doanh LNG thế giới; vận chuyển thành công LNG bằng đường sắt từ Nam ra Bắc và phân phối LNG đến các khách hàng công nghiệp trên cả nước theo mô hình kinh doanh tích hợp đa dạng các sản phẩm khí; thúc đẩy phát triển thị trường khí; mở rộng đầu tư phát triển;… Những kết quả đạt được khẳng định năng lực, sự chuyển dịch mạnh mẽ, cũng như cam kết của PV GAS đối với hành trình năng lượng xanh, góp phần cung cấp năng lượng cho phát triển trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” với những kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ.

Từ sự quan tâm, định hướng hết sức đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp bộ ngành; sự định hướng, hỗ trợ mạnh mẽ từ Petrovietnam và những bước đi đầy nỗ lực, quyết tâm của PV GAS đang dần mở ra con đường phía trước cho ngành công nghiệp khí Việt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh, mở rộng và đa dạng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế đất nước.

Ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV GAS, với định hướng đầu tư vào các dự án kho LNG trung tâm và nghiên cứu sản xuất năng lượng sạch, PV GAS định vị mình là một doanh nghiệp tiên phong trong cuộc cách mạng năng lượng xanh của Việt Nam. PV GAS đang chuẩn bị cho tương lai, với mục tiêu không chỉ duy trì mà còn mở rộng vị thế của mình trên thị trường quốc tế, đồng thời góp phần đưa đất nước tiến gần hơn đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP26; khẳng định vai trò của ngành công nghiệp khí Việt Nam, góp phần viết tiếp những trang sử vẻ vang của đất nước.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT PV GAS, với việc xác định ngành công nghiệp khí mà hạt nhân là PV GAS đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển kinh tế của đất nước trong Kết luận 76-KL/TW, PV GAS nhận thức đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề; và sẽ quyết tâm triển khai thực hiện, đưa nghị quyết đi vào thực chất bằng những chương trình hành động cụ thể. Đồng thời, PV GAS sẽ tiếp tục phát huy lợi thế là đơn vị chủ lực của Petrovietnam, đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp khí hơn 30 năm qua, tiên phong trong lĩnh vực LNG để triển khai tích hợp chuỗi giá trị khí nội địa và nhập khẩu gắn với phát triển các sản phẩm năng lượng xanh mới.

 

 

PV