L phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Sau khi đọc bài viết “Phạm Hoàng L phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Mạnh Cường, tôi cho rằng Phạm Hoàng L phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Muốn xác định L phạm tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS) hay tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS), ta phải căn cứ vào cấu thành tội phạm của ba tội này và xác định hành vi của L thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cơ bản của loại tội phạm nào trong ba tội trên. Trước tiên ta cần phân biệt rõ dấu hiệu pháp lý của ba loại tội phạm này.
1. Phân biệt dấu hiệu pháp lý của tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Cả ba loại tội phạm này đều có khách thể, chủ thể và mặt chủ quan giống nhau. Trong cả ba tội, người phạm tội đều xâm hại đến quan hệ sở hữu là khách thể được luật hình sự bảo vệ, chủ thể đều là chủ thể thường, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định, hình thức lỗi đều là lỗi có ý trực tiếp, mục đích phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Như vậy nếu chỉ đưa vào ba yếu tố chủ thể, khách thể, và mặt chủ quan thì ta không thể phân biệt được ba tội này.
Sự khác biệt của ba tội phạm này thể hiện rõ nhất thông qua mặt khách quan của từng tội phạm, mà cụ thể là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm của từng tội phạm này.
Tội trộm cắp tài sản có hành vi khách quan là hành vi “lén lút” chiếm đoạt tài sản của người khác. Lén lút là hành vi giấu diếm, vụng trộm, không để lộ ra. Như vậy, ta có thể hiểu, hành vi chiếm đoạt được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức có khả năng không cho phép chủ tải sản (người quản lý tài sản) biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra, người phạm tội khi thực hiện hành vi có ý thức che giấu hành vi của minh và việc che giấu này chỉ đòi hỏi đối với chủ tài sản (người quản lý tải sản). Người phạm tội có thể chỉ che giấu tinh chất phi pháp của hành vi, hoặc có thể che giấu toàn bộ hành vi phạm tội.
Hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi: hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vì gian dối. Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật (qua lời nói, qua việc xuất trình những giấy tờ sai sự thật hoặc qua những việc làm cụ thể). Hành vi chiếm đoạt của tội lừa đảo có hai hình thức thể hiện: nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thi hình thức thể hiện của hành vi chiếm đoạt là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối, nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng nhẽ phải giao cho người bị lừa dối.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có hành vi khách quan là hành vi chiếm đoạt toàn bộ hay một phần tài sản đã được giao trên cơ sở hợp đồng đã được ký kết giữa chủ tài sản và người có hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt trong tội này phải là những tài sản đã được giao ngay thẳng cho người phạm tội trên cơ sở hợp đồng. Hành vi chiếm đoạt ở đây là những hành vi không là những thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết, có thể là hành vi không trả lại tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc bằng thủ đoạn gian dối, hoặc hành vi không trả lại tài sản do không có khả năng vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp
Xét tình huống tác giả đưa ra, ta có thể khẳng định về cả khách thể, chủ thể, và mặt chủ quan của tội phạm L thực hiện đều thỏa mãn dấu hiệu của tội trộm cắp, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Về khách thể, khi thực hiện hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp chiếc điện thoại Iphone 12 Promax, L đã xâm phạm đến quyền sở hữu – khách thể trực tiếp của ba loại tội phạm trên. Đối tượng tác động là chiếc điện thoại Iphone 12 promax có giá 28,9 triệu đồng. Về chủ thể, L có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định (L là nhân viên công ty T nên chắn chắc phải trên 18 tuổi và có đầy đủ khả năng thực hiện công việc của minh). Về mặt chủ quan, L thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp (L biết rõ hành vi của mình xâm phạm quyền sở hữu và mong muốn mình sẽ chiếm đoạt được tài sản đó).
Như vậy, để xác định quan điểm nào đúng trong ba quan điểm trên, cần đối chiếu đối tượng tác động và hành vi khách quan mà L đã thực hiện với từng quan điểm.
2. Đối chiếu đối tượng tác động và hành vi khách quan mà L đã thực hiện với từng quan điểm
2.1. L phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
L được công ty T tín nhiệm giao cho L vận chuyển hàng cho công ty mình, và cơ sở của việc giao tài sản này là một hợp đồng lao động. Nhiệm vụ của L là giao chiếc điện thoại đến địa chỉ N, người nhận là anh Nguyễn Văn C, nếu địa chỉ không có người nhận thì trả về cho Cửa hàng M. L được giao gói hàng là chiếc điện thoại một cách ngay thẳng trên cơ sở hợp đồng lao động. L đã dùng thủ đoạn gian dối là tráo chiếc điện thoại cũ của mình, chiếm đoạt chiếc điện thoại mới và nói dối là địa chỉ không có người nhận rồi trả gói hàng về cho Cửa hàng M. Hành vi của L được xác định là không trả lại tài sản được giao trên cơ sở hợp đồng bằng thủ đoạn gian dối như đã phân tích ở trên.
Vì thế quan điểm cho rằng L phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là có căn cứ và chính xác.
2.2. L phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Hành vi của L là nhận chiếc điện thoại iphone 12 promax giao cho khách nhưng khi nhận được điện thoại từ Cửa hàng M thì L không giao cho khách mà chiếm đoạt chiếc điện thoại, sau đó nói rằng không có người nhận lại trả chiếc điện thoại cũ của mình về Cửa hàng. Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hành vi lừa dối là thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt nhưng trong tình huống L chiếm đoạt chiếc điện thoại rồi mới dùng thủ đoạn gian dối để không trả lại tài sản được giao.
Vì vậy, ta có thể kết luận, tội danh của L không phải là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2.3. L phạm tội trộm cắp tài sản
Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp là tài sản đang có người quản lý. Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản ở tội trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý. Hành vi lấy tài sản của mình hoặc đang do mình quản lý đều không phải là hành vi của tội trộm cắp tài sản.
Xét trong tình huống, L được Cửa hàng M giao cho chiếc điện thoại Iphone 12 Promax giao cho khách, trong quá trình nhận được chiếc điện thoại từ cửa hàng cho đến lúc có người nhận hàng thì chiếc điện thoại do L quản lý (nhiệm vụ của L dựa trên hợp đồng lao động). Vì thế, L chiếm đoạt chiếc điện thoại do mình quản lý không phải là hành vi của tội trộm cắp tài sản được.
Nên L không phạm tội trộm cắp tài sản.
Với cách lập luận khác nhưng các tác giả Mai Thị Thanh Trúc (Thẩm phán Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 9), Nguyễn Thị Hạnh (Thẩm tra viên TAND tỉnh Hà Nam), Lại Sơn Tùng (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân), Đoàn Phước Hòa (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7), Nguyễn Việt Cường (Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên), Nguyễn Thanh Huyền (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7).... có cùng quan điểm cho rằng Phạm Hoàng L phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
TAND TP Đà Nẵng xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Trang Trần
Bài liên quan
-
Mức xử phạt hành vi sử dụng môi trường Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
-
Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng và tội buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Hành vi của Tr, Đ, H phạm tội Trộm cắp tài sản
-
Các đối tượng chỉ phạm tội Trộm cắp tài sản
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận