Làm gì sau sự cố Hà Giang?
Vụ án nâng điểm trong kì thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang đã được khởi tố, người trực tiếp thực hiện hành vi nâng điểm cho 114 thí sinh cũng đã bị bắt tạm giam để điều tra... Sự cố này còn để lại dư chấn lớn vì tính chất nghiêm trọng của nó, nhưng điều đáng quan tâm hơn là ngành Giáo dục – Đào tạo sẽ làm gì để sự gian dối không có chỗ hoành hành.
Theo kết quả mà Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Giang công bố, có 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng từ 1,0 đến 8,75 điểm. Trong đó, không ít thí sinh được nâng lên hơn 20 điểm, cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm. Người ta cho rằng ông Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang Vũ Trọng Lương chỉ mất 6 giây để biến một thí sinh học yếu vọt lên thành tốp đầu. Người được cộng thêm đến 29,95 điểm có thể trở thành thủ khoa của trường một Đại học lớn, điều đó xúc phạm tất cả những thí sinh và thầy cô giáo chân chính, nhạo báng tri thức trong xã hội chúng ta.
Việc nâng điểm gian dối này làm mất đi cơ hội chính đáng của những học sinh chăm chỉ và học tốt vì điểm tuyển sinh mỗi trường luôn lấy từ cao xuống thấp, đến khi đủ chỉ tiêu. Hậu quả tiếp theo là những sinh viên “6 giây” này cũng sẽ ra trường với tấm bằng Đại học, để rồi cướp đi cơ hội của những người tốt nghiệp đại học chân chính khác.
Có thể nói, hành vi nâng điểm ở Hà Giang là một hình thức tham nhũng tinh vi mà trắng trợn. Sự dối trá, bất công được dung dưỡng trong giáo dục đồng nghĩa với sự phá hoại đất nước, vì nó sản sinh ra những kỹ sư, bác sĩ, luật gia, thẩm phán, sĩ quan… giả, đội ngũ trí thức, nhân lực có bằng cấp cao nhưng chất lượng thấp. Do đó, sự dối trá này gây hậu quả trực tiếp và hậu quả rất lâu dài, không thể dung thứ.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo kịp thời, các cơ quan hữu quan đã khẩn trương vào cuộc và khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Vũ Trọng Lương để điều tra. Chắc chắn trong thời gian sắp tới, theo quy trình tố tụng, một số đối tượng khác ngoài Vũ Trọng Lương có liên quan có thể bị khởi tố, truy tố nghiêm khắc.
Một số địa phương khác như Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Kon Tum… cũng đang có những nghi vấn phải kiểm tra để làm rõ. Có chuyên gia đã nhận định, với cách thi trắc nghiệm và chấm như hiện nay thì việc thực hiện hành vi gian dối quá dễ dàng.
Vì vậy, vấn đề đặt ra sau sự cố Hà Giang không phải chỉ là việc phanh phui vụ gian dối, trừng trị những người có hành vi gian dối mà quan trọng hơn là ngành Giáo dục – Đào tạo phải tìm ra giải pháp khắc phục lỗ hổng thi cử, để học ra học, thi ra thi.
Bắt đầu từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Trong hai năm 2015-2016, thí sinh tập trung về một số cụm thi lớn, do các trường đại học chủ trì. Thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ do Sở Giáo dục địa phương chủ trì.
Từ năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia đổi mới theo hướng trừ Ngữ văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Sở Giáo dục tổ chức với sự tham gia của các trường đại học. Thí sinh thi ngay tại địa phương mình. Năm 2018, kỳ thi xảy ra sự cố gian lận quy mô lớn ở Hà Giang.
Sự cố này buộc người ta phải nghĩ rằng, trong mấy năm qua đã có những thí sinh đỗ đại học bằng sự gian dối và tương đương với số thí sinh đó có bấy nhiêu thí sinh đã trượt oan. Và dù mức độ khác nhau nhưng có lẽ sự gian dối không chỉ đơn lẻ ở một hai địa phương.
Do đó, phải xem lại ngay từ lý thuyết thi gộp “hai trong một” mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đề ra mấy năm nay. Thực tế đã cho thấy thi gộp giữa tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học là không khoa học, bất hợp lý.
Thi tốt nghiệp THPT chỉ là cuộc thi đánh giá thí sinh đã hoàn thành chương trình phổ thông, để tùy khả năng các em đi tiếp con đường học vấn hay đi học nghề hoặc rẽ hướng khác. Nên có ý kiến cho rằng, có thể xét học bạ rồi cấp bằng tốt nghiệp hay tổ chức kỳ thi thật nhẹ nhàng.
Trái lại, mục đích thi tuyển sinh vào đại học là tuyển chọn kiểu đấu loại trong thể thao, để mỗi trường chọn được sinh viên ưu tú nhất, do đó đề thi nâng cao, đòi hỏi kiến thức, kỹ năng của thí sinh khác hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Vì vậy, trở lại cách tổ chức tách hai kỳ thi, trả việc tuyển sinh cho các trường Đại học có lẽ là cách làm phù hợp, nhiều người nghĩ đến nhất trong bối cảnh hiện nay.
Nhìn lại những nhọc nhằn của ngành Giáo dục nước nhà những năm qua, người dân quá mệt mỏi về những thí điểm, cải cách, đổi mới liên miên… phản ánh sự mò mẫm về đường lối, phương pháp giáo dục, đào tạo. Trong khi đó nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã có bề dày đáng tự hào, từ thời kỳ Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu khó khăn vô cùng nhưng có nhiều thành tựu, đặt nền móng vững chắc cho ngành giáo dục – đào tạo nước nhà. Liệu ngày nay Bộ Giáo dục – Đào tạo có thể tiếp thu được gì từ tinh hoa mà các thế hệ tiền bối đã tạo dựng được không?
Việt Nam trong giai đoạn mới hiện nay đã mở rộng quan hệ quốc tế với hầu hết các quốc gia trên thế giới, liệu ta có thể tiếp thu gì từ những những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, hiện đại như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, Anh, Mỹ… hay không?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận