Lắng đọng tính nhân văn của yêu và thương chốn pháp đình
Tòa án và pháp luật, ở đó có phải là nơi tình yêu thương cần được nuôi dưỡng và hiển lộ hay không? Chắc chắn là có, lịch sử và thực tế đã chứng minh điều đó…
Mùa xuân năm Bính Thìn cách đây tròn 4 giáp, năm 1976, năm mới đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ Văn Cao cho ra đời một ca khúc bất hủ mang tên “Mùa xuân đầu tiên”.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về…
Lắng nghe tuyệt phẩm này, ba câu điệp khúc, mỗi câu chỉ khác nhau một từ in vào tâm hồn chúng ta: “Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người”... Sau tất cả những hào hùng, thành bại của cuộc chiến tranh, Văn Cao chan chứa hy vọng “từ đây” chúng ta “biết thương, biết yêu” lấy nhau.
Đồng cảm với niềm hy vọng khắc khoải về hai tiếng “thương yêu” ấy của Văn Cao, tôi chợt nghĩ đến Tòa án, đến pháp luật, ở đó có phải là nơi tình yêu thương cần được nuôi dưỡng và hiển lộ hay không? Chắc chắn là có, lịch sử và thực tế đã chứng minh.
Truyền thống nhân đạo
Vua Lý Thánh Tông (1023-1072), vị Hoàng đế thứ ba của triều Lý được các sử gia đánh giá là người nhân đức. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi, năm Ất Mùi, 1055, tháng 10 đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.
Vua Lý Thánh Tông còn chủ trương giảm các hình phạt, sai đốt các công cụ tra tấn; cho phép nộp tiền chuộc tội theo các thứ bậc khác nhau…
Năm Giáp Thìn, 1064, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, ta rất thương xót. Từ nay về sau không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”.
Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) là một bộ luật điển hình, hoàn thiện nhất trong lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam. Bộ luật chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn sâu sắc.
Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Hà Nội trong ngày Tết - Ảnh: Bảo Trung
Điều 16 chương Danh lệ quy định: Những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và những kẻ phế tật phạm tội lưu trở xuống được chuộc bằng tiền; 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống cùng những kẻ ác tật phạm tội phản nghịch, giết người, đáng phải tội chết thì cũng phải tâu để vua xét định. Những người này phạm tội trộm, đánh người bị thương thì cũng cho chuộc tội; 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống, dù phạm tử tội cũng không áp dụng hình phạt.
Điều 17 còn lưu ý đến thời điểm phạm tội sao cho có lợi cho tội nhân khi áp dụng luật, theo đó “khi phạm tội chưa già, tàn tật, đến khi già cả, tàn tật mới phát giác tội thì xử tội theo luật già cả, tàn tật… Khi còn bé nhỏ mà phạm tội, khi lớn mới phát giác tội thì xử tội theo luật khi còn nhỏ”.
Điều 8 chương Đoán ngục, quy định: “Những người đáng được nghị xét giảm tội như 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống, người bị phế tật thì không được tra khảo họ, chỉ cần căn cứ lời khai của nhân chứng mà định tội… Luật có ghi điều được phép ẩn giấu cho nhau như người 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống và người bệnh nặng đều không được gọi ra làm chứng”.
Luật cũng quy định nghiêm cấm việc xử oan sai, nhũng nhiễu, đối xử bạo ngược với tù nhân. Điều 50 quy định: “Ngục giám vô cớ hành hạ tù nhân đến bị thương thì xử theo luật đánh người bị thương. Nếu xén bớt áo quần, cơm, đồ ăn của tù nhân thì căn cứ vào việc bớt xén đó kết tội ăn trộm; hoặc bởi đánh đập, bớt cơm mà tù nhân chết thì bị xử đồ hay lưu. Ngục quan và giám ngục quan biết sự việc không tố giác thì cũng bị tội trên, nhưng được giảm một bậc”…
Tình thương, lòng nhân ái là phẩm chất cần được nuôi dưỡng đối với mọi người, nhưng người có chức vụ quyền hạn càng cao thì có lẽ yêu cầu về phẩm chất đó càng lớn, bởi những phán quyết có tình thương yêu, nhân ái của họ sẽ mang lại công lý, công bằng, sự an ủi, khích lệ và hỗ trợ lớn lao đối với người dân; ngược lại, những phán quyết hà khắc, khô cạn tình người thì hậu quả thật đáng sợ.
Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh rằng, các triều đại của hôn quân bạo chúa, pháp luật hà khắc, thuế nặng sưu cao… không thể vững bền. Bởi lòng dân chính là lòng trời vậy!
Nhân ái, nhân đạo như kim chỉ nam
Vì thế, dù mức độ khác nhau qua các thời kỳ, nhưng tính nhân đạo luôn được ẩn chứa trong các quy định của pháp luật, ngay cả trong Bộ luật Hình sự, bộ luật quy định về tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội.
Trong các nguyên tắc của Bộ luật Hình sự, nguyên tắc nhân đạo được đánh giá như kim chỉ nam cho việc xây dựng các chế định. Đó là khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra; người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục; đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện…
Ở Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng… nhưng khoản 2 và khoản 3 Điều 40 quy định: “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Ngoài ra, để góp phần bảo vệ quyền con người và thực hiện cam kết trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã loại bỏ hình phạt tử hình ở nhiều tội danh và dường như xu hướng tiếp tục triệt giảm hình phạt đặc biệt này là một tất yếu.
Hàng năm, dịp chuẩn bị đón Tết nguyên đán và mùa xuân mới, Nhà nước đều thực hiện chính sách tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân cải tạo tốt để họ được trở về với gia đình, ăn cái Tết đoàn tụ sau những năm tháng phải xa cách, tạo cơ hội cho họ có thêm động lực hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội. Chính sách đó có giá trị nhân văn sâu sắc.
“Lương tâm không cho phép”
Không chỉ trong các đạo luật, tình thương, tinh thần nhân đạo còn phải được thể hiện đầy đủ tại các phiên tòa, mà mỗi Thẩm phán phải thấm nhuần, để đưa ra những phán quyết không chỉ đúng pháp luật, “đạt lý” mà còn phải “thấu tình”. Mọi nghi ngờ về lỗi của bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục do luật định và khi chưa có sự thống nhất trong việc giải thích, áp dụng các quy phạm pháp luật đều phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ.
Trong cuốn sách “Đi tìm công lý”[1] có rất nhiều câu chuyện thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật cùng với tình thương, lòng nhân ái của Thẩm phán được biểu hiện sinh động, cụ thể.
Năm 1976, năm ra đời ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, Thẩm phán Phùng Lê Trân đã vượt qua rất nhiều áp lực đến nghẹt thở để tuyên bị cáo Tạ Đình Đề không phạm tội, trong niềm vui vỡ òa của hàng ngàn người theo dõi phiên tòa. “Ông Đề không có tội, tôi không thể vẽ tội cho ông ấy… Không phạm tội thì phải được tuyên là không phạm tội” – bà nói giản dị như thế, nhưng chứa đựng trong đó cả khí tiết của người trọng lẽ công bằng, thượng tôn pháp luật, trách nhiệm của người Thẩm phán và lòng nhân ái bao la.
Chợ hoa Bình Đông, Tp HCM
Thẩm phán Trần Văn Độ xét xử nhiều vụ án bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tử hình hay bị truy tố về tội danh có hình phạt tử hình, nhưng qua xét xử, ông đều tìm thấy lý do để không tước đi mạng sống của họ. Ông tâm niệm rằng, tử hình một người sẽ kéo theo gia đình, cha mẹ, vợ con, thậm chí cả dòng họ sống trong mặc cảm, không lúc nào dám ngẩng cao đầu. Chưa kể có những đứa con có thể vì cha mẹ bị tử hình mà bỏ học, có khi đi bụi đời, trở nên hư hỏng, có thể sa chân thành tội phạm mà chưa mấy ai nghĩ đến hệ lụy đó. Ông xác định một nguyên tắc khi xét xử là bản án cần nghiêm minh, không nên nghiêm khắc.
Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ, người đã tuyên rất nhiều bản án minh oan cho bị cáo, trong đó có những bị cáo đã bị cấp sơ thẩm tuyên phạt tử hình. Đơn cử vụ án ông Nguyễn Hữu Đạo ở Thanh Hóa. Bản án sơ thẩm kết tội ông Đạo giết người hàng xóm bằng thuốc trừ sâu, nhưng đọc đơn kháng cáo và nghiên cứu kỹ hồ sơ, Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ thấy không đủ căn cứ buộc tội bị cáo phạm tội giết người, nhận định trong bản án sơ thẩm còn có chỗ mâu thuẫn với hồ sơ. Được sự đồng tình của hai Thẩm phán trong hội đồng xét xử, ông đã tuyên bị cáo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Lúc đó ông Đạo, một giáo viên về hưu, đã bị tạm giam hơn 4 năm.
Thẩm phán không trả hồ sơ để điều tra, xét xử sơ thẩm lại vì “lương tâm không cho phép”- Thẩm phán Nguyễn Trọng Tỵ chia sẻ. Ông cho hay, bị cáo khi ra tòa đã rất yếu, sức khỏe suy kiệt, phải có người dìu. Nếu tuyên trả hồ sơ, đồng nghĩa với bị cáo tiếp tục bị giam giữ, có thể bị cáo không qua khỏi.
Thẩm phán phải đưa ra bản án bảo đảm công bằng, công lý, đồng thời bảo vệ có hiệu quả các lợi ích khác nhau, tôn trọng nhân phẩm và danh dự của cá nhân; trong các vụ án hình sự thì phải xem xét hết những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo… Mới đây, trong phiên tòa xét xử đại án Việt Á ngày 12/1/2024, Tòa án nhân dân Tp Hà Nội đã tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Thành Danh - cựu Giám đốc CDC Bình Dương. Trước đó, ông Danh đã bị tạm giam hơn 10 tháng.
Quyết định của Hội đồng xét xử được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Hành vi của ông Danh đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử ông Danh đã thành khẩn khai báo và quan trọng nhất là ông Danh không vụ lợi, dám nghĩ dám làm trong lúc dịch bệnh COVID -19 gay gắt, nên được Thẩm phán áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt.
Chính sách này thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật rất cần được Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên… thấm nhuần và quán triệt trong quá trình tố tụng.
Có người nói rằng: "Có hai sức mạnh mang đến sự yên ổn, đó là pháp luật và đạo đức". Thẩm phán xét xử không chỉ bằng lý trí mà bằng cả lương tâm và trái tim nhân hậu của mình thì bản án sẽ thấu tình đạt lý, sẽ củng cố niềm tin của nhân dân vào Tòa án, vào pháp luật, mang lại bình yên cho cuộc sống bộn bề...
[1] Nguyễn Phan Khiêm, Đi tìm công lý, tái bản, NXB Văn học, Hà Nội 2023
Quất trang trí Tết tại tòa soạn Tạp chí TAND - Ảnh: Thái Vũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận