Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích kiến trúc– Nghệ thuật cấp Quốc gia đối với công trình trụ sở Tòa án nhân dân tối cao

Sáng ngày 16/12/2019 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích kiến trúc– Nghệ thuật cấp Quốc gia tại trụ sở TANDTC số 48 Lý Thường Kiệt – Hoàn Kiếm- Hà Nội.

Công trình cần bảo tồn và phát huy

Tham dự buổi Lễ trao nhận Bằng xếp hạng Di tích có PGS Tiến sĩ Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; các vị Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang, Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Trí Tuệ, Dương Văn Thăng; các vị Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc TANDTC. Về phía Ban bộ ngành có ông Nguyễn Ngọc Thiện, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội…

Trụ sở TANDTC là một trong những công trình kiến trúc công cộng theo phong cách tân cổ điển đầu tiên ở Hà Nội, như toà nhà thuộc Bộ chỉ huy quân đội Pháp trong khu thành cổ do kiến trúc sư A.H. Vildieu thiết kế, được hoàn thành năm 1897 và hiện vẫn còn tồn tại trên phố Lý Nam Đế.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Phó Chánh án Lê Hồng Quang trao nhận Bằng xếp hạng di tích

Tuy nhiên, phải tới đầu thế kỷ 20, khi người Pháp tiến hành công cuộc xây dựng, mở mang Hà Nội nhằm biến nơi đây thành Trung tâm chính trị – kinh tế – văn hoá của toàn Liên bang Đông Dương, các công trình công cộng phong cách tân cổ điển mới được xây dựng rộng rãi. Một trong những công trình tiêu biểu là Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (Thời Pháp gọi là Palais des Justices).

Trụ sở này nằm giữa thủ đô Hà Nội, công trình luôn được đánh giá là tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật đẹp của Việt Nam, được bố cục quy hoạch theo quan niệm “Thành phố – Vườn” thịnh hành thời Pháp thuộc, có hình khối bề thế, uy nghi và mang đậm nét đặc thù là trụ sở của cơ quan tư pháp cao nhất của Việt Nam. Công trình thuộc danh mục 41 công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 xếp loại I, cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa (theo Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV).

Với phương cách bố cục hình khối kiến trúc theo phong cách tân cổ điển một cách chuẩn mực cùng các hình thức trang trí được cân nhắc kỹ lưỡng, Trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp Quốc gia, năm 2019 theo Quyết định số: 4441/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2019.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Lễ trao nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia bày tỏ: Đây là niềm vinh dự, là niềm vui, niềm vinh dự của cán bộ, công chức TANDTC nói riêng và hệ thống TAND nói chung. Điều này cũng khẳng định giá trị kiến trúc, nghệ thuật to lớn của công trình và là cơ sở quan trọng để TANDTC bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lâu dài của di tích; để tương xứng với tầm vóc của biểu tượng công lý Việt Nam.

Lịch sử và kiến trúc của trụ sở TANDTC

Tại buổi lễ, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang trình bày tóm tắt lịch sử từ khi bắt đầu xây dựng trụ sở TANDTC cho tới nay. Trụ sở TANDTC có thiết kế sơ bộ từ năm 1900, đến năm 1905 thì được duyệt kinh phí trên cơ sở thiết kế được chấp thuận. Năm 1906 công trình bắt đầu được xây dựng, đến năm 1911 thì hoàn thành đưa vào sử dụng. Lúc đó, công trình không có hàng rào bảo vệ, chỉ có cây xanh và tuyến đường đi bao quanh công trình.

Khuôn viên đặt trụ sở là khu đất vuông vắn có diện tích chiều 13.916m2, với chiều ngang là 113,6m và chiều dọc 122,5m. Mặt trước hướng Nam là đại lộ Lý Thường Kiệt (BoulevardCarreau cũ); phía sau hướng Bắc là đại lộ Hai Bà Trưng (Boulevard Rollandes cũ). Năm 1991, khu đất chỉ còn 9.987m2 do phần đất phía Bắc được cắt cho hai cơ quan là TAND thành phố Hà Nội và VKSND thành phố Hà Nội. Đến nay, phần đất này đã được thu hồi và trả lại quyền sử dụng cho TANDTC để xây trụ sở.

Biển Di tích quốc gia gắn tại Công trình trụ sở TANDTCT được khởi công xây dựng năm 1906

Trong quá trình sử dụng người Pháp có tiến hành tu bổ, cải tạo một số hạng mục, cụ thể: Năm 1928 cải tạo 1 phòng trên tầng áp mái thành phòng lưu trữ hồ sơ; Năm 1935 sửa chữa mái; Năm 1939 rải đá đường đi khuôn viên nhà; Năm 1942 xây dựng hàng rào bê tông quanh khuôn viên nhà; Năm 1943 cải tạo sử dụng tầng hầm làm hầm tránh máy bay Mỹ ném bom quân Nhật. Năm 1944 có đề cập tới vấn đề mở rộng Nhà làm việc nhưng không thấy tiến hành, chỉ có bản vẽ kèm theo.

Từ đường Lý Thường Kiệt đi thẳng vào cửa chính của Tòa nhà là sảnh lớn, có không gian thiết kế thông thoáng với những dãy hành lang dài làm tăng thêm tính trang nghiêm cho không gian phía trong công trình. Tầng 1 trước kia có 01 phòng xét xử nhỏ. Đến năm 2010, khi tiến hành cải tạo tầng 1, phòng này đã được sửa chữa và nâng cấp thành phòng khánh tiết.

Từ ngoài hè công trình dẫn lên tầng hai là hai hệ thang ngoài tiếp cận vào sảnh lớn tầng 2. Hai bên sảnh này là hai phòng xét xử, nhưng hiện tại phòng xét xử phía Đông đang sử dụng làm Hội trường, còn phòng xét xử phía Tây hiện đã cải tạo thành phòng xét xử Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Sảnh tầng hai là một không gian theo kiến trúc mái vòm với chiều cao 11m, trần được tô đắp các họa tiết trang trí rất đẹp. Phía trong sảnh tầng 1 dẫn lên tầng hai bằng một thang chính nằm giữa nhà xây bằng gạch, lan can là con tiện xi măng, được xây, trát và trang trí bằng các họa tiết tinh xảo.

Về vật liệu, Tòa nhà được xây dựng và hoàn thiện bằng các vật liệu thông thường: Móng xây đá hộc kết hợp tường gạch xây chịu lực; dầm sàn là thép hình kết hợp với xây gạch cuốn vòm, có chỗ là dầm thép hình kết hợp với lưới thép vuông đổ bê tông gạch vỡ dày hai lớp. Cửa sổ có hai lớp (kính và chớp gỗ). Kích thước cửa đi và cửa sổ rất cao. Mái được lợp bằng đá bóc, tạo dốc mái chân đê và phần mái bằng; các góc mái và điểm giao mái thường dùng chì tấm dày 1,5 ly. Lớp trát hoàn thiện trong và ngoài nhà là lớp vữa ba-ta mác thấp nhưng trát dày, thường từ 30mm đến 35mm.

Từ khi được xây dựng vào năm 1906 đến năm 1911 và đưa vào sử dụng cho đến nay, công trình đã trải qua hơn một thế kỷ và chứng kiến những thăng trầm của lịch sử. Do tác động của môi trường, của thời gian và con người nên đến nay công trình đã có những dấu hiệu xuống cấp, có nhiều vết nứt tại tường và trần các tầng, các lớp trát đã ngấm mốc và bong tróc nhiều. Do quét vôi nhiều lần nên mặt ngoài và trong nhà có nhiều mảng trang trí bị mất nét, xù xì.

Trước đây, người Pháp xây dựng tòa nhà này để làm công sở cho cơ quan xét xử. Và hơn 100 năm qua, công trình vẫn được sử dụng đúng theo công năng sử dụng khi xây dựng ban đầu. Tuy nhiên, nhiều khu vực không gian bao quanh trụ sở Tòa án đã bị sử dụng cho các mục đích khác. Một phần đất đã bị sử dụng làm đất thổ cư (1.525m2) với chiều cao xây dựng từ 1 đến 4 tầng. Điều này làm ảnh hưởng đến công năng hoạt động của trụ sở, đặc biệt làm mất đi tính trang nghiêm của cơ quan tư pháp trong con mắt của người dân. Do vậy, cần thiết phải tạo dựng lại khuôn viên vốn có của Tòa án; đồng thời phục hồi không gian cảnh quan và tôn tạo một số chức năng nhằm tương thích với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; Bộ luật Hình sự 2015 Bộ luật Dân sự 2015…

LAN DINH