Lễ tưởng niệm Anh hùng dân tộc Ngô Quyền

Ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn, 2024, chính quyền địa phương và con cháu họ Ngô Việt Nam long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 1080 năm ngày băng hà, 1085 năm lên ngôi của Anh hùng dân tộc Ngô Quyền, tại thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội.

Ngày này hàng năm, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đường Lâm, Hội đồng và con cháu họ Ngô Việt Nam, cùng du khách thập phương tổ chức trang trọng lễ tưởng niệm để ghi nhớ công ơn vị Anh hùng dân tộc đã có công với dân, với nước, ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Anh hùng dân tộc Ngô Quyền sinh năm 898 trong một dòng họ hào trưởng, đời đời là quý tộc, cha là Ngô Mân từng giữ chức châu mục Đường Lâm. Từ thủa nhỏ, Ngô Quyền đã có “dáng vẻ khôi ngô, mắt sáng như chớp, có trí dũng và sức khỏe phi thường”- Đại Việt sử ký toàn thư.

Lớn lên khi đất nước vừa giành được quyền tự chủ bắt đầu từ dòng họ Khúc ở Hồng Châu, tiếp nối truyền thống cha ông, Ngô Quyền đã bộc lộ tài năng kiệt xuất của mình, trở thành một hào trưởng, cùng với họ Khúc xây dựng chính quyền non trẻ. Không lâu sau đó, đất nước lại rơi vào tay quân Nam Hán. Năm sau đó, 931 vị tướng họ Khúc là Dương Đình Nghệ mang quân từ Ái Châu ra đánh đuổi quân xâm lược, giành lại quyền tự chủ.

Do có những đóng góp lớn lao, Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ tin cậy cho làm Nha tướng và gả con gái cho. Sau đó, Kiều Công Tiễn làm phản, giết Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đứng lên chủ trương diệt trừ nội phản và củng cố chính quyền. Kiều Công Tiễn bèn cầu cứu Nam Hán.

Trước hiểm họa bị Nam Hán xâm lược, Ngô Quyền đã diệt trừ Kiều Công Tiễn và chuẩn bị chống giặc.

Vào tiết Đông chí năm Mậu Tuất (938), Lưu Cung cho con trai là Vạn Vương Hoằng Tháo mang quân xâm lược Giao Châu và chính Lưu Cung cũng mang quân  đóng ở Hải Môn trấn làm hậu thuẫn cho con.

Rước kiệu trong đại lễ - Ảnh: Trần Dũng

Trước tình cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” Ngô Quyền cùng em vợ là Dương Tam Kha và các tướng lĩnh đem 5 vạn quân chiêu mộ thêm binh lực đóng quân ở vùng Hải Phòng, sẵn sàng đợi giặc. Ông chọn vùng hạ lưu cửa biển Bạch Đằng làm trận địa quyết chiến chiến lược.  Ông đã bố trí một trận địa cọc nhọn bịt sắt và cắm xuống lòng sông. Đúng như dự đoán đội quân của Hoằng Tháo tiến vào sông Bạch Đằng. Quân giặc tiến vào cửa sông, quân ta nhử giặc vượt qua trận cọc khi thủy triều lên. Khi đoàn thuyền Nam Hán đã lọt vào bãi cọc, thủy triều rút, cọc nhọn nhô lên, quân ta tiến ra đánh, ai nấy đều hăng hái liều chết chống giặc. Thuyền giặc mắc phải cọc bị lật úp, bị chọc thủng rồi va vào nhau khiến quân binh rối loạn, chết đuối quá nửa, chính Hoằng Tháo cũng bị giết tại trận.

Cuộc chiến cam go, quyết liệt của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của nhà quân sự kiệt xuất Ngô Quyền đã giành đại thắng chỉ trong một ngày với con nước sông Bạch Đằng lịch sử. Trận đánh đã khiến đội quân của Lưu Cung chưa kịp gây thanh thế đã sợ mất vía và tan vỡ nhanh chóng.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 gắn liền với tên tuổi Anh hùng dân tộc Ngô Quyền là một võ công hiển hách, một dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Từ đây đất nước ta có nền độc lập trọn vẹn, chấm dứt quãng thời gian đằng đẵng ngàn năm Bắc thuộc đau thương.

Ba trăm năm sau, nhà sử học Lê Văn Hưu nhận định xác đáng: "Tiền Ngô vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám trở lại nữa. Có thể nói là một lần nổi dậy mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, chưa đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được".

 

Đông đảo nhân dân về dự lễ - Ảnh: Trần Dũng

Ngô Quyền lên ngôi Vương, đóng đô ở Cổ Loa, thực hiện công cuộc xây dựng đất nước, xóa bỏ thiết chế chính trị cũ, thiết lập triều đình do quốc vương đứng đầu, với bộ máy đầy đủ quan chức văn võ, ban hành các quy định về lễ nghi, phẩm phục. Đất nước từng bước đổi thay, biên cương yên ổn, đời sống nhân dân ấm no hơn xưa.

Năm 944, sau 6 năm trị vì đất nước Ngô Quyền băng hà, Dương Tam Kha kế vị. Sau những năm tháng bất ổn, năm 1010 Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều đại nhà Lý thật sự độc lập, với nền hòa bình bền vững... từ những nền móng mà Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn gây dựng.

**

Ngoài những hoạt động thường niên, năm nay UBND huyện Đông Anh đã đề nghị UBND Tp Hà Nội đẩy nhanh thủ tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch mặt bằng tổng thể di tích, tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc công trình Đền thờ Vua Ngô Quyền tại Cổ Loa.

Trước đó, tại Hội thảo Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước (2020) tại Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học đề xuất sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.

Giữa tháng 5/2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đề nghị UBND Tp Hà Nội có văn bản báo cáo Bộ VH-TT&DL và Thủ tướng đề xuất, kiến nghị đưa hạng mục đền thờ vua Ngô Quyền vào Quy hoạch chi tiết Khu di tích Cổ Loa.

 

HÀ CHI