Lê Văn Th phạm tội “Cố ý gây thương tích”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Lê Văn Th phạm tội gì?” của tác giả NGUYỄN TUẤN TÚ đăng trên mục Trao đổi ý kiến ngày 17 /7 /2018, tôi có quan điểm trao đổi cho rằng Lê Văn Th phạm tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS 1999.

Tội Giết người được quy định tại khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 như sau: Người nào giết người … thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Còn tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS 1999: Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác … dẫn đến chết người … thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. Vậy trong trường hợp hành vi của một người dẫn đến hậu quả chết người thì để biết họ phạm tội giết người theo Điều 93 hay phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo khoản 3 Điều 104 thì ta căn cứ vào lỗi, mục đích và hành vi của tội phạm, cụ thể là:

 +Về lỗi của người thực hiện hành vi: Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra.

Trong trường hợp phạm tội giết người, người thực hiện hành vi có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người. Nghĩa là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc hậu quả đó xảy ra.

Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của người phạm tội. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.

+ Về mục đích của người phạm tội: Mục đích là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của người phạm tội, là  kết quả mà người phạm tội mong muốn có được khi thực hiện hành vi của mình.

Trong trường hợp người thực hiện hành vi có mục đích rõ ràng là tước đoạt tính mạng con người thì họ phạm tội giết người.

Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi không có mục đích tước đoạt tính mạng của người khác mà chỉ có mục đích làm người khác bị thương, bị tổn hại về sức khỏe.

Trở lại nội dung vụ án ta thấy: “Tại quán nhậu, Th nói với V “Ba bị ông Q đánh thương lắm, giờ vẫn còn đau. V hỏi Th địa chỉ nhà ông Q và đặc điểm nhận dạng ông Q. Nghe Th nói xong, V nói với P “Tý nữa nhậu xong tao với mày đi đánh ông Q”. Th nói với V: “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”. Sau đó, Th về trước”.

Ta thấy được Th đã nói rõ với V và P là “đánh dằn mặt thôi” “dằn mặt” ở đây có nghĩa là có sự giới hạn nhất định, nó mang ý nghĩa như là sự cảnh cáo.

Từ đó có thể khẳng định rằng: Lê Văn Th không có mục đích tước đoạt tính mạng của ông Q mà chỉ có mục đích muốn ông Q bị thương, bị tổn hại về sức khỏe để “dằn mặt” ông Q do trước đó đã đánh bố mình. Và Lê Văn Th vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra, hoàn toàn không mong muốn ông Q chết.

Trong vụ án này, việc Tòa án kết tội V và P phạm tội “Giết người” với tình tiết định khung là “Có tính chất côn đồ” là hoàn toàn hợp lý. Có thể V và P đều khai mục đích và lỗi của V và P cũng giống với Lê Văn Th (không có mục đích tước đoạt tính mạng của ông Q mà chỉ có mục đích làm ông Q bị thương, bị tổn hại về sức khỏe để “dằn mặt” ông Q và vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra, hoàn toàn không mong muốn ông Q chết). Nhưng Tòa án đã căn cứ vào hành vi khách quan của V và P để xác định cấu thành của tội Giết người. Với việc dùng hung khí nguy hiểm (mã tấu có lưỡi hình răng cưa), lại tấn công (hành vi chém) vào những vị trí xung yếu trên cơ thể ông Q (đầu, mặt, lưng) với mức độ nhanh, mạnh (chém liên tiếp vào đầu, lưng..) thì hành vi và V và P thực hiện đã cấu thành tội Giết người theo Điều 93 BLHS1999.

+ Về hành vi khách quan: Trong vụ án này Lê Văn Th không trực tiếp thực hiện hành vi tấn công ông Q, do vậy Th không phạm tội giết người mà Th đã xúi giục P và V gây thương tích đối với ông Q.

* Về mặt khách thể của tội Cố ý gây thương tích là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khỏe của con người.

*Về mặt chủ thể:  Chủ thể của tội phạm là người đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định.(trong vụ án này Tòa đã kết tội Th phạm tội cố ý gây thương tích nên có thể mặc nhiên coi yếu tố chủ thể của Th đã thỏa mãn về tội này).

Với những vấn đề đã phân tích trên đây có thể khẳng định quan điểm 2 cho rằng Th chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo  Điều 104 BLHS 1999 là hợp lý.

DƯƠNG VĂN HƯNG (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân chủng Hải quân)