Li hôn có yếu tố nước ngoài ở nước ta hiện nay
Li hôn có yếu tố nước ngoài là việc li hôn giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa các bên là người nước ngoài nhưng sinh sống tại Việt Nam; giữa người Việt Nam với nhau nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, cùng với việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đi đôi với sự phát triển các quan hệ hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội…giữa nước ta với các nước khác trên thế giới ngày càng mở rộng, phát triển thì cũng kéo theo nó là vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài nói chung cũng như li hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng ngày một gia tăng. Mục tiêu của hôn nhân là cuộc sống gia đình hạnh phúc, hoà thuận. Tuy nhiên, không phải lúc nào cuộc sống hôn nhân cũng đạt được mong muốn của đôi bên nam nữ; xuất phát từ lý do này hay lý do khác mà cuộc hôn nhân đã đi đến tan vỡ, dẫn đến việc họ phải lựa chọn giải pháp li hôn. Do vậy, li hôn là một hiện tượng xã hội, bất kỳ ở xã hội nào, dù muốn hay không, vấn đề ly hôn cũng không thể loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Mục đích của việc kết hôn là để xây dựng gia đình trên cơ sở sự tự nguyện của vợ chồng, nhưng khi cuộc sống hôn nhân đó không thể tồn tại trên thực tế thì vấn đề li hôn là điều cần thiêt, nó giúp cho chủ thể của quan hệ hôn nhân thoát khỏi sự ràng buộc về mặt pháp lý; bởi li hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng trên cơ sở pháp luật bằng bản án hoặc quyết định của toà án.
Theo pháp luật Việt Nam, Toà án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyêt việc li hôn. Tuy nhiên, đối với trường hợp giải quyêt li hôn có yếu tố nươc ngoài thì pháp luật điều chỉnh quan hệ này không chỉ đơn thuần là các văn bản pháp luật trong nươc mà bên cạnh đó nó còn được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật quốc tế có liên quan như: Điều ước quốc tế, Hiệp định tương trợ tư pháp, Tập quán quốc tế…
Ở nước ta, trước năm 1959 do vấn đề giao lưu quốc tế chưa phát triển, chúng ta chưa xác định được tầm quan trọng của quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài nên các quy định của pháp luật về vấn đề này chưa được luật điều chỉnh. Khi xã hội ngày càng phát triển, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng thì đòi hỏi pháp luật điều chỉnh quan hệ này ngày càng cấp thiết. Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài nên lần đầu tiên Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 đã có những quy định điều chỉnh quan hệ này; đây là sự điều chỉnh kịp thời của pháp luật nước ta trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhằm bắt kịp với xu thế chung của thế giới. Cùng với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 thì các văn bản pháp luật tiếp theo lần lượt ra đời và điều chỉnh quan hệ này; đó là kết quả cao của quá trình pháp điển hoá những quy định của pháp luật về giải quyết li hôn có yếu tố nước ngoài của Việt Nam.
Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ đời sống kinh tế, xã hội của đât nước, quan hệ hợp tác giao lưu quốc tế cũng ngày một phát triển hơn, tính chất các vụ án li hôn có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp hơn thì pháp luật điều chỉnh các quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài hiện hành vẫn chưa dự liệu hết những trường hợp, tình huống xảy ra trên thực tế. Khi áp dụng vào thực tế công tác xét xử còn nhiều quan điểm trái ngược nhau nên đã xảy ra tình trạng không nhất quán trong cách hiểu cũng như cách giải quyết.
1. Khái niệm
Theo từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, li hôn là chấm dứt quan hệ vợ chồng do toà án nhân dân công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng (1); Tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, li hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án (2); Trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin về tự do hôn nhân, trong đó có tự do kết hôn và tự do li hôn, pháp luật của nước ta bảo đảm cho vợ chồng quyền tự do li hôn. Li hôn là mặt trái của quan hệ hôn nhân, đồng thời là mặt không thể thiếu khi quan hệ hôn nhân thực chất tan vỡ. Khi quan hệ vợ chồng mâu thuẫn đến mức vợ chồng không thể tiếp tục sống chung thì họ có quyền yêu cầu li hôn. Quyền li hôn chỉ thuộc về vợ, chồng (tức là thuộc về cá nhân đó). Quan điểm của nhà nước ta là cho phép vợ chồng được tự do li hôn, nhưng quyền tự do đó được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà nước và tuân theo các quy định của pháp luật, nhằm tránh hiện tượng vợ chồng lạm dụng gây hậu quả xấu cho gia đình và xã hội, đồng thời cũng tránh việc giải quyết ly hôn tuỳ tiện. Toà án chấp nhận yêu cầu li hôn của vợ, chồng hoặc công nhận thuận tình li hôn của cả hai vợ chồng phải dựa vào thực chất quan hệ vợ chồng và phải phù hợp với các căn cứ li hôn mà pháp luật quy định. Khi vợ, chồng li hôn, các quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng về nhân thân và tài sản, quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng đối với con cái sẽ được giải quyết theo pháp luật. Kể từ ngày bản án cho li hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình li hôn của toà án có hiệu lực pháp luật thì quan hệ hôn nhân chấm dứt trước pháp luật. Li hôn là giải pháp cho những cặp vợ chồng mà cuộc sống chung của họ đã mất hết ý nghĩa và họ không thể cùng sống chung để xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, bền vững (3); Điều 27, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: li hôn có yếu tố nước ngoài là việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này (i); trong trường hợp hai bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu li hôn thì việc li hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyêt theo pháp luật Việt Nam (ii); việc giải quyết tài sản là bât động sản ở nước ngoài khi li hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó (iii).
Theo quan điểm của tác giả, li hôn có yếu tố nước ngoài là việc li hôn giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa các bên là người nước ngoài nhưng sinh sống tại Việt Nam; giữa người Việt Nam với nhau nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
2. Thực trạng li hôn có yếu tố nước ngoài ở nước ta hiện nay
Thứ nhất, khi tiến hành giải quyết vụ việc li hôn có yếu tố nước ngoài tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xuất hiện rất nhiều khó khăn trong thực tiễn, đặc biệt là trong hoạt động ủy thác tư pháp trong một số công việc như ghi lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định. Để giải quyết vụ việc li hôn có yếu tố nước ngoài (đương sự ở nước ngoài) thì hoạt động uỷ thác tư pháp ra nước ngoài là vấn đề có tính chất quyết định trong việc đưa vụ án ra xét xử, tuy nhiên, hiện nay viêc uỷ thác tư pháp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ví dụ, chị H sinh năm 1990 ở xã A, huyện B, tỉnh C và chồng là anh G kết hôn với nhau, hai vợ chồng có với nhau một con chung là cháu K. Năm 2013, anh G đi lao động tự do ở nước ngoài (Cộng hoà liên bang Đức). Sau một thời gian, chị H thấy chồng mình là anh G có một số biểu hiện khác thường, không thường xuyên gọi điện liên lạc, cũng không quan tâm đến vợ con đang sống ở Việt Nam, trong khi ở nhà thì giữa chị H và mẹ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn, mẹ chồng chị H thường xuyên chửi bới con dâu vô cớ và còn cố tình chia rẽ tình cảm của vợ chồng chị. Từ tháng 1/2014 đến nay, chị H không còn liên lạc được với chồng, con trai cũng bị gia đình chồng chia cắt, không cho gặp. Đỉnh điểm, trên facebook cá nhân, chồng chị còn khoe ảnh hạnh phúc bên vợ mới và con ở nước ngoài. Cực chẳng đã, chị H đành viết đơn xin li hôn. Thế nhưng, việc li hôn của chị không mấy thuận lợi vì thời gian đầu theo thư gửi về chồng chị ghi địa chỉ là thành phố Berlin, nhưng hiện nay bản thân chị cũng không biết chồng mình đang sinh sống cụ thể ở nơi nào tại Đức.
Hoặc trương hợp chị A ở xã Y Th, huyện Y M, tỉnh N, kết hôn với chồng là anh B ở TP H vào năm 2005, hai vợ chồng có với nhau một con chung là cháu C, năm 2008, anh B đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc (theo diện xuất khẩu chui), thời gian đầu thì vợ chồng chị còn thỉnh thoảng liên lạc với nhau, chị có biết được nơi ở (địa chỉ) của chồng bên Hàn Quốc. Từ năm 2010 đến thời điểm hiện tại thì chồng chị là anh B không liên lạc với vợ, cũng từ thời điểm đó thì chị và gia đình chồng thường xảy ra mâu thuẫn, chị mang con ra Hà Nội sinh sống và làm việc, đầu năm 2018, chị làm thủ tục li hôn gửi toà án tỉnh H, phía toà H hướng dẫn chị lựa chọn toà án nơi bị đơn cư trú để giải quyết cho thuận lợi theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bị đơn đỡ vất vả cho việc đi lại, nhưng Toà tỉnh N không thụ lý giải quyết trường hợp của chị vì không có văn bản thoả thuận giữa hai vợ chồng về việc lựa chọn toà án để giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chị cũng không cung cấp được thông tin về địa chị cụ thể của người chồng của mình bên Hàn Quốc, nên việc li hôn của chị với chồng bị tắc không giải quyết được, chị A không thể li hôn được với anh B để có thể đi xây dựng hạnh phúc mới với người đàn ông khác bởi vì về mặt pháp lý thì chị và anh B vẫn là vợ chồng hợp pháp.
Ở đây có những bất cập đó là: Một là, về xác định thẩm quyền của Tòa án. Theo quy định của Luật Quốc tịch thì “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài”. Tuy nhiên, thời gian để xác định “lâu dài” không được quy định cụ thể trong một văn bản nào. Trường hợp người Việt Nam đi công tác, học tập hoặc du lịch nhưng khi hết thời hạn họ ở lại nước sở tại thì có được xem là người Việt Nam định cư nước ngoài hay không? Vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Hai là, về nơi cư trú của một bên đương sự ở nước ngoài. Không ít trường hợp công dân Việt Nam, thậm chí kể cả các pháp nhân Việt Nam không chịu tìm hiểu kỹ điều kiện, địa chỉ cụ thể của người nước ngoài; của pháp nhân nước ngoài; không yêu cầu người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài cung cấp địa chỉ tại nơi mà họ đang sinh sống, trụ sở pháp nhân đang hoạt động… dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích bị xâm. Khi khởi kiện đến tòa án thì không xác định được địa chỉ hoặc không có địa chỉ người nước ngoài, khiến tòa án rất khó khăn trong xác định địa chỉ. Nhiều trường hợp, bị đơn trong vụ án là người đang ở nước ngoài khi biết mình bị khởi kiện tại tòa án luôn tìm cách né tránh, thay đổi địa chỉ nên tòa án không thể triệu tập họ tham gia tố tụng và không có chế tài xử lý.
Thứ hai, khó khăn trong thực hiện ủy thác tư pháp. Khi tiến hành giải quyết vụ việc li hôn có yếu tố nước ngoài tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam đã xảy ra rất nhiều khó khăn trong thực tiễn, đặc biệt là hoạt động ủy thác tư pháp đối với một số công việc cụ thể như ghi lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định…Việc ủy thác tư pháp để ghi lời khai của những cá nhân đang ở những nước mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp thì hầu như không có kết quả. Những việc mà Tòa án Việt Nam ủy thác tư pháp cho Tòa án nước ngoài thì kết quả trả lời thường rất chậm, thậm chí nhiều trường hợp không nhận được sự trả lời. Chính vì vậy, việc lấy lời khai, tống đạt các văn bản của Tòa án hoặc xác định tài sản ở nước ngoài là không thực hiện được làm cho vụ án bị kéo dài, vi phạm thời hạn xét xử, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Nhiều vụ không thể thụ lý giải quyết do công dân Việt Nam xin li hôn chỉ cung cấp cho Tòa án bản đăng ký kết hôn có địa chỉ của bên kia, ngoài ra thì không có một thông tin nào khác của bị đơn. Điều này dẫn đến thực tế nhiều cuộc hôn nhân chỉ mang tính hình thức và vẫn bị kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của nguyên đơn. Bên cạnh đó, thủ tục hợp thức hóa lãnh sự đối với các việc mà Tòa án Việt Nam yêu cầu thì nhiều Tòa án nước ngoài chưa đáp ứng kịp thời, do vậy cũng đã gây khó khăn cho việc xét xử.
Thứ ba, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Trường hợp không có điều ước quốc tế, áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam trên thực tế gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ việc tòa án Việt Nam xác định thuộc thẩm quyền và đưa ra phán quyết, nhưng do các quốc gia khác cũng cho rằng thẩm quyền giải quyết cũng thuộc thẩm quyền của nước họ, điều này dẫn đến xung đột pháp luật giữa Việt Nam và các nước đó. Tác giả xin nêu ra một trường hợp đã được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết và vụ án này đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, đó là vụ ly hôn giữa Lý Hương và Chồng là Tony Lam. Năm 2001, Lý Hương theo Tony Lam về Mỹ. Cả hai tổ chức lễ cưới và đăng ký kết hôn ngày 6/2 tại quận Clack, bang Neveda. Sau một thời gian sinh sống với nhau, hai người sảy ra mâu thuẫn. Lý Hương đưa con về nước và đệ đơn ly hôn lên Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xử cho nữ diễn viên này được ly hôn chồng và giao quyền nuôi con cho người mẹ. Cùng thời gian Tony Lam đâm đơn tố Lý Hương mang con về nước mà không có sự đồng ý của người cha, tòa án new York phán quyết, quyền nuôi con chung của cả hai được giao hoàn toàn cho Tony Lam.
Đối với trường hợp trên thì có hai hệ thống pháp luật điều chỉnh đó là Pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ. Ở đây, có khó khăn trong việc áp dụng pháp luật đó là giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lại chưa ký kết (tức là không có hiệp định tương trợ tư pháp) về giải quyết vấn đề này, đó là nguyên nhân dẫn đến sự xung đột pháp luật giữa hai quốc gia. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì trường hợp này thuộc thẩm quyền riêng biệt chỉ Tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền giải quyết. Do đó tòa án Việt Nam không chấp nhận và cho thi hành đối với bất kỳ phán quyết của cơ quan tài phán của các nước khác.
Thứ tư, trình độ Thẩm phán cũng còn nhiều bất cập. Kiến thức chuyên môn của của một số Thẩm phán về Tư pháp quốc tế chưa được sâu, bên cạnh đó thì trình độ ngoại ngữ của đội ngũ Thẩm phán còn rất hạn chế, từ đó gây khó khăn trong việc tiếp cận với pháp luật nước ngoài cũng như khi tiến hành tố tụng trong những vụ án có công dân nước ngoài hoặc pháp nhân nước ngoài.
3. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên
Thứ nhất, trong cuộc sống hiện nay thì thế hệ trẻ chưa có được những nhận thức đầy đủ và đúng đắn về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc hôn nhân, dẫn đến vợ chồng đối xử với nhau tùy tiện, không coi trọng tình cảm, nhân phẩm, uy tín, danh dự của nhau. Bên cạnh đó, việc ly hôn cũng có thể là do thiếu trách nhiệm của vợ hay chồng, hoặc do sự xuống cấp về đạo đức, bạo hành gia đình, tư tưởng sống thoáng, hợp thì ở với nhau, không hợp thì chia tay nên dẫn đến tình trạng “li hôn xanh” ở lớp trẻ đang ở con số báo động.
Thứ hai, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ án li hôn có yếu tố nước ngoài trong thời gian gần đây ở nước ta tăng cao đó là: mục đích hôn nhân không thành có thể là do đến với nhau vì tiền, vì tâm lý sính ngoại. Do mỗi quốc gia có những phong tục tập quán, nền văn hóa, ngôn ngữ khác nhau nên quan niệm sống và quan niệm về hôn nhân không giống nhau cũng dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong những gia đình Việt lấy người nước ngoài, thì việc di cư của con người là một trong những nguyên nhân chính làm cho số lượng các quan hệ li hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng ngày càng tăng nhanh. Việc li hôn có yếu tố nước ngoài này là một vấn đề đặt ra đối với Chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới, đòi hỏi chỉ có thể thực hiện bằng pháp luật. Vấn đề ở đây là cần phải hoàn thiện pháp luật, trong đó có pháp luật điều chỉnh quan hệ li hôn có yếu tố nước ngoài là một điều rất cần thiết. Rất nhiều vụ án trở nên phức tạp do sự bất cẩn của chính nguyên đơn khi họ không tìm hiểu kỹ đối tác của mình (về nhân thân, địa chỉ…). Điều này đã gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật (Tòa án) khó có thể giải quyết các vụ việc liên quan đến hôn nhân và phải giải quyết theo thủ tục li hôn theo quy định. Ngoài ra, việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp. Điều ước quốc tế đa phương hay song phương của nước ta cũng đã được chú trọng nhưng vẫn còn ở mức hạn chế.
Thứ ba, một nguyên nhân cực kỳ quan trọng mà tác giả nhận thấy rằng đó là sự quản lý công dân của một số cơ quan chức năng có thẩm quyền còn quá lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng xuất khẩu lao động chui thông qua con đường du lịch; làm các thủ tục để du lịch ở nước ngoài sau đó chốn ở lại không trở về Việt Nam, dẫn đến không xác định được địa chỉ nơi cư trú cũng như nơi làm việc ở nước ngoài, nguyên đơn ở Việt Nam muốn li hôn cũng không được vì không cung cấp được nơi cư trú và xin xác nhận được của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nơi mà bị đơn đang cư trú nên phía Tòa án Việt Nam không thụ lý để giải quyết.
Từ những khó khăn, bất cập trong việc giải quyết vụ án li hôn có yếu tố nước ngoài trên của Tòa án các tỉnh trong suốt những năm qua, ngày 26/11/2018, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành công văn số 253/TANDTC-PC hướng dẫn giải quyết vụ án li hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ: Vụ án li hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài là trường hợp đặc thù; quyền li hôn là một trong những quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Do vậy, trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin li hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử, Tòa án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật. Đây là điều kiện mở, tạo điều kiện cho Tòa án cũng như đương sự là nguyên đơn trong việc giải quyết vụ án li hôn có yếu tố nước ngoài mà trước đây đã gây những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết án, dẫn đến lượng án tồn đọng quá nhiều mà chưa giải quyết được.
Theo kiemsat.vn
Tài liệu tham khảo
1. Xem, Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp.
2. Xem, Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Xem, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
4. Xem, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
5. Xem, Công văn số 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết vụ án li hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận