Luật Phòng thủ dân sự, cần quy định rõ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền

Chiều 09/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại 2 phiên họp là phiên họp thứ 14 và phiên họp thứ 15. Thông báo kết luận về nội dung này, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc phối hợp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thể chế đầy đủ nội dung Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo đó, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định những nguyên tắc, những vấn đề chung nhất, những nội dung đặc thù và những nội dung còn thiếu trong hệ thống pháp luật có liên quan đến phòng thủ dân sự.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh về dự án Luật. Quốc hội cũng đã dành thời gian để thảo luận ở tổ với 107 ý kiến phát biểu. Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì soạn thảo theo phân công của Chính phủ đã có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ.

Luật hóa các quy định hiện hành đã được áp dụng ổn định

Cho ý kiến là chính sách Nhà nước trong phòng thủ dân sự, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng dự thảo Luật còn quy định quá chung chung. Do đó, đề nghị cần quy định cụ thể từng chính sách cụ thể trong từng lĩnh vực để dễ thực hiện.

Về cấp độ phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng dự thảo quy định gồm 4 cấp và tương ứng mỗi cấp quy định trách nhiệm của chính quyền là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị mỗi cấp độ phải thực hiện nhiệm vụ cần quy định cụ thể để tránh bỏ sót; đồng thời cần rõ hơn trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền.

Về thẩm quyền ban bố bãi bỏ các phòng thủ dân sự, dự thảo quy định giao ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh ban bố bãi bỏ tình trạng khẩn cấp 1 - 2 trên địa bàn quản lý, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc rà soát với các luật có liên quan để áp dụng tránh chồng chéo. Thực tế các luật chuyên ngành đã quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực và từng cấp độ khác nhau.

Về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần có chế tài trong trường hợp không chấp hành hoặc có những thực hiện nửa vời. Đại biểu cũng chỉ rõ quy định về huy động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp còn chồng chéo với Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp. Do đó đề nghị dẫn chiếu, rà soát để tránh chồng chéo nhau. Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho ý kiến về quy định về cơ quan chỉ huy, chỉ đạo phòng thủ dân sự thống nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự từ Trung ương đến tỉnh để thống nhất chỉ đạo tập trung, gọn đầu mối, phân công, phân cấp rõ ràng.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) bày tỏ ủng hộ quan điểm cần luật hóa các quy định hiện hành đã được áp dụng ổn định để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giảm thiểu số lượng văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, trong quy định về xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự, xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hệ thống quan trắc, làm cơ sở cho các dự báo tình huống phức tạp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự khi Luật được chính thức ban hành.

Đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) góp ý vào khoản 5 Điều 9 của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định về hành vi làm hư hỏng, phá hủy trộm cắp trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị thay cụm từ “trộm cắp” bằng từ “chiếm đoạt” để bảo đảm tính bao quát và đầy đủ hơn. Bởi ngoài hành vi trộm cắp còn có thể có các hành vi khác chiếm đoạt trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự. Ngoài ra, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đó là hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự.

Xác định cấp độ phòng thủ dân sự

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng, khoản 2, khoản 3, Điều 2 dự thảo luật quy định: Sự cố là tình huống nguy hiểm nghiêm trọng do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra; hoặc do hậu quả chiến tranh có nguy cơ dẫn tới thảm họa. Còn thảm họa biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng; hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. Theo quy định này, sự cố, tình huống nguy hiểm nghiêm trọng có nguy cơ thảm họa. Còn thảm họa là đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. Như vậy, sự cố thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả là khác nhau. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo luật chỉ quy định chung các biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố thảm họa như Điều 18 dự thảo luật quy định chung các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố.

 

Đại biểu Nguyễn Danh Tú

Theo đại biểu, do tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố khác nhau nên bên cạnh để quy định các biện pháp chung thì cũng cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố. Về cấp độ phòng thủ dân sự tại Điều 21 dự thảo luật quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính cần được cân nhắc kỹ.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, tính chất, mức độ thiệt hại, tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự với các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng với từng cấp độ phong tục dân sự.

Đề nghị hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro ở những nơi xảy ra sự cố thảm họa, thiên tai

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đề nghị bổ sung các hành vi nghiêm cấm trong dự án Luật, hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro ở những nơi xảy ra sự cố thảm họa, thiên tai

Về nội dung các hành vi nghiêm cấm được quy định tại Điểm 9 dự án Luật xuất phát từ thực tiễn trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong phòng thủ dân sự có ý nghĩa quan trọng. Nếu như thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ cứu sâu sát, không kịp thời, không huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng có thái độ thờ ơ, vô cảm trước sự nguy hiểm. Các sự cố thiên tai sẽ dẫn tới nguy cơ hậu quả nghiêm trọng trong việc cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả. Vì vậy, đại biểu Tráng A Dương đề nghị bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm là thiếu tinh thần trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự.

 

Đại biểu Tráng A Dương

Khoản 3, Điều 47 quy định kinh phí hỗ trợ bảo hiểm được đảm bảo từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và quỹ phòng thủ dân sự chưa cụ thể, không khả thi với nguồn quỹ với nguồn quỹ có hạn, trong khi đây là phí bảo hiểm nên sẽ cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, cần phải quy định quy định một cách cụ thể trong trường hợp nào thì được hỗ trợ bảo hiểm do thảm họa sự cố.

Theo đại biểu Tráng A Dương, nếu chỉ quy định phí bảo hiểm chung chung cho tất cả các đối tượng như dự án Luật thì không đủ nguồn lực để thực hiện và đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nên quy định hỗ trợ bảo hiểm cho các đối tượng khu vực thường xuyên xảy ra thảm họa, sự cố từ cấp 3 trở lên. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính kinh phí hỗ trợ, đảm bảo chính sách an sinh xã hội theo quy định liên quan đến nguồn kinh phí hỗ trợ đảm bảo cho các đối tượng.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị khi Quỹ phòng thủ dân sự hình thành trên cơ sở đều tiết từ các quỹ cần phải xác định rõ, cụ thể chi hỗ trợ theo đúng nội dung chi của từng quỹ, không thể chi hỗ trợ từ quỹ phòng, chống thiên tai cho các thảm họa, sự cố ngoài thiên tai.

Về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự tại Điều 37, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, việc hợp nhất các Ban chỉ đạo, chỉ huy ở các cấp là phù hợp, vì hiện nay trong lĩnh vực phòng thủ dân sự việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố còn tồn tại, nhiều tổ chức chỉ đạo, chỉ huy như Ban chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự, Ban Chỉ đạo đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các tổ chức chỉ đạo trên có nhiều nội dung trùng lắp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và thành viên.

Vì vậy, đại biểu nhận thấy, ở cấp quốc gia, việc hợp nhất các tổ chức phối hợp liên ngành cấp bộ, ngành, địa phương hợp nhất thành cơ quan chỉ huy phòng, chống phòng thủ dân sự ở cấp bộ, ngành Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là phù hợp.

 

Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu ý kiến - Ảnh: Qh.vn

THÁI VŨ