MẠNG XÃ HỘI, BÁO CHÍ “TỰ Ý TUYÊN ÁN”
Truyền thông trong thời gian gần đây xôn xao và nóng lên hẳn, không chỉ liên quan đến các vụ đại án của các nguyên lãnh đạo mà còn liên quan đến các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Trong số đó có các vụ như “Vụ án chặt đầu người ở Bình Dương”, vụ án “Bà nội giết cháu tại Thanh Hóa” … các tựa đề nói trên đều được viết theo các báo điện tử lớn trong nước đăng tải. Và một điều đáng nói là các “nghi can” trong các vụ án này đều được quy chụp là hung thủ, là kẻ thực hiện hành vi phạm tội trong khi vụ án chỉ mới ở giai đoạn điều tra.
Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Hiến pháp Việt Nam đã quy định tại khoản 1 Điều 31 đã tuyên bố: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, trên cơ sở đó Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực ngày 01/01/2018 đã quy định nguyên tắc “Suy đoán vô tội” tại Điều 13 qua đó minh chứng rõ ràng hơn cho Điều 31 Hiến pháp:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”
Một hành vi được xem là phạm tội khi được các cơ quan có thẩm quyền chứng minh theo đúng trình tự thủ tục mà pháp luật quy định, bên cạnh đó chỉ khi mà không còn bất kỳ “nghi ngờ hợp lý” nào cho thấy hành vi ngoại phạm của bị can, bị cáo thì lúc đó Tòa án mới có quyền kết tội. Do vậy, mọi sự quy chụp về tội danh hay hành vi phạm tội đối với bất kỳ ai khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án đều xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm nói riêng và quyền con người nói chung.
Mạng xã hội, báo chí làm thay nhiệm vụ của Tòa án?
Rất nhiều vụ án gần đây khi Cơ quan cảnh sát điều tra tìm được “nghi can”, ngay lập tức cộng đồng mạng xã hội và các cơ quan báo đài đã quy chụp nghi can là người thực hiện hành vi phạm tội. Điển hình như vụ án “Bà nội giết cháu tại Thanh Hóa” được nêu trên, tiêu đề được lấy y nguyên từ một trang Báo điện tử lớn trong nước, rõ ràng đã kết luận người giết cháu bé đó là bà nội trong khi vụ án chỉ mới mở màng ở giai đoạn điều tra. Tra Google với từ khóa “bà nội giết cháu” thì có khoảng 3.030.000 kết quả trong 0,33 giây.
Vụ án thứ hai nổi cộm đó là vụ án ở Bình Dương ở trên, cũng theo một trang báo mạng chính thống khác đưa tin với nhan đề “Lý do vợ giết chồng, phân xác phi tang ở Bình Dương”, mặc nhiên gián tiếp kết tội người vợ đã giết người trong khi vụ án cũng đang ở giai đoạn điều tra. Sự lan truyền trên internet cũng rất mạnh.
Bộ luật tố tụng Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật nước ta không có khái niệm như thế nào là nghi can, nghi phạm; chỉ có các khái niệm: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (BLTTHS 2003) hoặc khái niệm người bị buộc tội (BLTTHS 2015). Không hề tồn tại khái niệm pháp lý là nghi can, nghi phạm; do vậy thứ nhất là các cơ quan, tổ chức đã và đang sử dụng thuật ngữ pháp lý không chính xác, thứ hai khi vụ án chưa được đưa ra xét xử một cách đúng luật và chưa có bản án tuyên có tội và có hiệu lực pháp luật thì bị can, bị cáo vẫn là người vô tội; việc đăng tải thông tin nói trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân liên quan.
Vẫn còn rất rất nhiều vụ án khác ở nước ta khi chưa có bản án có hiệu lực từ Tòa án thì đã có những “bản án” mà báo chí và cộng đồng mạng “tuyên”. Họ đều chỉ là đối tượng tình nghi có khả năng cao đã thực hiện hành vi phạm tội và tùy theo giai đoạn tiến trình vụ án để xác định tư cách tố tụng khác nhau, điều này cũng gắn liền với các quyền và nghĩa vụ của họ trong các vụ án đó. Nếu kết quả cuối cùng, đối tượng đó đúng là thủ phạm thì hậu quả không quá phức tạp. Ngược lại nếu oan sai thì người bị khởi tố, truy tố oan đó chịu hậu quả về mặt danh dự, nhân phẩm quá nghiêm trong bên cạnh những tổn thất khác.
Một khi quá trình điều tra, truy tố mà cơ quan tiến hành tố tụng xác định người đó không có hành vi phạm tội thì phải đình chỉ giải quyết vụ án hoặc tuyên họ vô tội, khi đó ngoại trừ những cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ bồi thường do oan sai theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì trách nhiệm của những thông tin đã quy chụp hành vi phạm tội của họ sẽ được xử lý như thế nào? Những thông tin như vậy đã được gỡ bỏ hay chưa? Vấn đề này có được công khai xin lỗi hay không? Hay lại là cơ hội cho các cơ quan báo chí tốn nhiều giấy mực để quy kết tội danh cho các cơ quan tiến hành tố tụng?
Cơ quan nào sẽ vào cuộc để xử lý vấn đề đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Về phía người bị “cho là có tội” khả năng yêu cầu những tổ chức đăng những thông tin này bồi thường về tổn thất tinh thần, đề nghị công khai xin lỗi có khả thi hay không?
Những vụ việc nêu trên chỉ điển hình cho vấn đề đăng tải thông tin thiếu chính xác, điều đáng bàn hơn nữa khi nguồn gốc các thông tin này lại đến từ các trang thông tin báo chí chính thống; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, các quyền và lợi ích của công dân. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ một cơ quan, tổ chức đăng tải thông tin nào bị xử lý về vấn đề này.
Vì vậy, các cơ quan cung cấp thông tin cho báo chí và các cơ quan báo chí phải tuân thủ chặt chẽ hơn nữa những quy định của pháp luật mới hạn chế được tình trạng báo chí, dư luận xã hội “phán quyết thay tòa” như hiện nay.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
1 Bình luận
E quyet
19:52 25/11.2024Trả lời