Một số điểm chưa hợp lý trong quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo hướng phù hợp hơn so với BLHS năm 1999. Song bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm tác giả cho rằng chưa phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về nguyên tắc nhân đạo, cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
1.Những quy định chưa phù hợp về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
a) Quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015
Khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật này”. Quy định của BLHS năm 2015 như vậy, nhưng trong thực tiễn sẽ xảy ra hai trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất, trong một vụ án hình sự, bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 54 BLHS 2015 và một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, với trường hợp này thì Hội đồng xét xử quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với bị cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 được không?
Theo quy định của pháp luật, mỗi tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 thì có giá trị giảm nhẹ khác nhau, có tình tiết có giá trị giảm nhẹ cao, có tình tiết có giá trị giảm nhẹ thấp, có tình tiết thì có giá trị giảm nhẹ cao trong trường hợp phạm tội này nhưng lại có giá trị giảm nhẹ thấp hơn trong trường hợp phạm tội kia. Do vậy, nhà làm luật quy định các tình tiết giảm nhẹ có giá trị khác nhau chung ở khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, quy định này nhằm tăng khả năng áp dụng và cũng thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội. Ngoài các tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 thì Tòa án còn được phép xác định tình tiết đầu thú hoặc các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ trong bản án quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015.
Các tình tiết tăng nặng cũng vậy, nhà làm luật cũng quy định chung tại khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 và không cho phép Tòa án xác định thêm tình tiết tăng nặng nhằm bảo đảm tính công bằng, nhân đạo trong xét xử, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết đối ngược nhau, ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của người phạm tội theo hướng đối nghịch nhau.
Vì vậy, khi áp dụng điều kiện về số lượng các tình tiết giảm nhẹ như là một điều kiện bắt buộc để quyết định hình phạt dưới mức tổi thiểu của chế tài thì Tòa án không chỉ chú ý đến số lượng các tình tiết giảm nhẹ luật định mà còn phải chú ý đến các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị cáo, nếu bị cáo chỉ có hai tình tiết giảm nhẹ mà lại có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì Tòa án phải xem xét giá trị giảm nhẹ của các tình tiết giảm nhẹ có ảnh hưởng như thế nào đến trách nhiệm hình sự của bị cáo, mức độ ảnh hưởng của tình tiết tăng nặng đến trách nhiệm hình sự trong vụ án cụ thể đó.
Trường hợp thứ hai, trong vụ án hình sự, bị cáo có một tình tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015. Với trường hợp này, câu hỏi đặt ra là bị cáo có được áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt không?.
Ta thấy rằng, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 tuy không phải là các tình tiết giảm nhẹ luật định và có giá trị giảm nhẹ không bằng nhưng trong trường hợp phạm tội cụ thể nó có ý nghĩa giảm nhẹ hình phạt ở mức độ cao, đặc biệt là trong vụ án có tính chất đồng phạm có nhiều bị cáo, tính chất và mức độ thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo rất khác nhau, thậm chí là cách biệt nhau, nhưng do là đồng phạm nên phải bị xét xử cùng một chế tài thì các tình tiết này cũng có giá trị giảm nhẹ cao.
Ngoài ra, quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 ở đây có nhiều tình tiết giảm nhẹ chỉ là điều kiện cần để được áp dụng khoản này còn việc có được áp dụng khoản này hay không, HĐXX phải đánh giá một cách toàn diện, khách quan với các yếu tố khác, như tính chất mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội; nhân thân người bị kết án, khả năng thi hành hình phạt… để quyết định loại hình phạt, khung hình phạt phù hợp. Như vậy, trong các trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ như trên mà Tòa án vẫn quyết định hình phạt trong phạm vi của chế tài là không hợp lý, thiếu công bằng và quá nghiêm khắc đối với bị cáo. Do vậy, Tòa án có thể “vượt rào” quyết định mức án dưới mức tối thiểu của chế tài dù biết rằng là vi phạm quy định của pháp luật hình sự, nhưng mức hình phạt đó phản ánh đúng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị cáo.
b) Quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015.
Khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”.
Đây là quy định mới thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật có ý nghĩa nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Tòa án đối với trường hợp lần đầu phạm tội, là người giúp sức, có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm, nhưng bị truy tố và xét xử ở khung hình phạt nặng cùng các đồng phạm khác. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 không quy định rõ trong trường hợp này có cần thỏa mãn điều kiện có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều luật này hay không.
Theo quan điểm của tác giả để đảm bảo tính công bằng, thống nhất khi quyết định hình phạt của Tòa án đối với người bị kết án thì người bị kết án phải đảm bảo nguyên tắc bắt buộc là có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và khi quyết định hình phạt thì Tòa án không nhất thiết phải áp dụng mức hình phạt ở khung hình phạt liền kề nhẹ hơn mà có thể áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn khác của điều luật được áp dụng.
c) Quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015.
Về yêu cầu “Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”.
Hiện nay cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp này, dẫn đến các Tòa án đã thực hiện yêu cầu này thiếu thống nhất, bản án tuyên thiếu tính thuyết phục và gây khó khăn cho công tác kiểm tra hoạt động áp dụng quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.
Theo quan điểm của tác giả, quy định “Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án” phải hiểu theo hai nghĩa gồm: căn cứ các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật để áp dụng và ngoài căn cứ những tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật ta có thể lấy lý do khác để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nhưng phải có tính căn cứ, thuyết phục và thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Do vậy, cơ quan chức năng cần phải có hướng dẫn cụ thể để các Tòa án áp dụng thống nhất.
2.Đề xuất hướng hoàn thiện
Để giải quyết những vấn đề đặt ra ở trên, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, ban hành pháp luật cần rà soát lại toàn bộ các quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, qua đó có những chỉnh sửa, bổ sung đối BLHS hiện hành; ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề liên quan theo hướng sau:
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015, trường hợp bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, nếu các tình tiết giảm nhẹ có giá trị lớn trong việc giảm nhẹ hình phạt và tình tiết tăng nặng không có ảnh hưởng lớn đến trách nhiệm hình sự thì Tòa án vẫn có thể áp dụng mức hình phạt dưới mức tối thiểu của chế tài, khi áp dụng quy tắc này thì Tòa án phải đặt các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng này trong mối quan hệ tổng thể với các tình tiết của vụ án để xem xét quyết định. Trong trường hợp bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 nhưng lại có nhiều tình tiết tăng nặng tại khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 thì Toà án không được quyết định hình phạt dưới mức tối thiểu của chế tài.
Trường hợp bị cáo có một tình tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015, cần sửa quy định điều kiện về số lượng tình tiết giảm nhẹ theo hướng: “Về điều kiện có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 thì vẫn giữ nhưng cần thêm các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 vào khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 nhằm tăng cường khả năng áp dụng quy định này trong thực tiễn xét xử. Việc quy định thêm các tình tiết giảm nhẹ ở khoản 2 vào khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 là phù hợp với thực tiễn xét xử nhằm đảm bảo cho việc thực hiện nguyên tắc công bằng, cá thể hóa trách nhiệm hình sự và nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự, đồng thời phù hợp với xu hướng nhân đạo của thế giới hiện nay”.
Thứ hai, tại khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015, để đảm bảo tính công bằng, thống nhất khi quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể, cần quy định điều kiện phải có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Thứ ba, Hội đồng Thẩm phán TANDTC và các cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn quy định tại khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015 về tình tiết “Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghĩ rõ trong bản án” theo hướng sau: “Trong phần nhận định của bản án cần ghi rõ các tình tiết giảm nhẹ được áp dụng là những tình tiết nào được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào đối với trách nhiệm hình sự của bị cáo. Nếu áp dụng mức hình phạt dưới mức tối thiểu của chế tài thì phải giải thích lý do vì sao bị cáo được áp dụng mức hình phạt đó, đối với vụ án có tính chất đồng phạm thì phải nêu rõ lý do bị cáo được quyết định hình phạt dưới mức tối thiểu của chế tài so với các bị cáo khác. Trong phần quyết định cần phải viện dẫn Điều 54 BLHS năm 2015 để làm căn cứ quyết định hình phạt dưới mức tối thiểu của chế tài, lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án như là một yêu cầu bắt buộc Tòa án phải tuân thủ khi áp dụng quy định về quyết định hình phạt nhẹ hơn”.
Tóm lại, việc chỉnh sửa, bổ sung đối với BLHS hiện hành và ban hành các văn bản hướng dẫn đối với quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng có vai trò hết sức quan trọng đối với thực tiễn xét xử là phương tiện để đạt đến sự công bằng xã hội và là biểu hiện của chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội.
Tòa án tỉnh Lai Châu xét xử hai bị cáo về tội mua bán người. Ảnh: Lan Phương / Báo ĐBP
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận