Một số hạn chế, bất cập trong quy định về điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài và giải pháp khắc phục
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định quan trọng như: Vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài; Thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài; Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự... Những sửa đổi, bổ sung nêu trên tương đối phù hợp với thực tiễn và cơ bản đáp ứng được các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong việc xác định vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử loại vụ án này và yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp. Bài viết sau đây, tác giả nêu một số bất cập và giải pháp khắc phục
1. Về vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài
Theo quy định của BLTTHS, vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài bao gồm những loại vụ án chủ yếu sau đây:
– Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài (điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS).
– Vụ án hình sự có bị cáo phạm tội ở nước ngoài nhưng Tòa án Việt Nam có thẩm quyền xét xử (khoản 2 Điều 269 BLTTHS).
– Vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển của Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc ngoài lãnh hải của Việt Nam (Điều 270 BLTTHS).
– Vụ án hình sự có người làm chứng ở nước ngoài (điểm c khoản 3 Điều 185 BLTTHS).
– Vụ án hình sự mà bị cáo đang ở nước ngoài (điểm b khoản 2 Điều 290 BLTTHS).
– Vụ án hình sự mà bị can, bị cáo là công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ (Điều 499 BLTTHS).
Từ những quy định trên của BLTTHS hiện hành, có thể nhận thấy “yếu tố nước ngoài” của vụ án hình sự chủ yếu được thể hiện thông qua: (i) Nơi cư trú ở của bị cáo, đương sự, người làm chứng là ở nước ngoài; (ii) Địa điểm nơi có tài sản liên quan đến hành vi phạm tội là ở nước ngoài; (iii) Địa điểm xảy ra hành vi phạm tội là ở nước ngoài hoặc trên tàu bay, tàu biển của Việt Nam đang hoạt động bên ngoài biên giới trên không, trên biển của Việt Nam; (iv) Quốc tịch của bị cáo.
Mặc dù vậy, cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn chi tiết về “yếu tố nước ngoài” của vụ án hình sự. Trong khi đó, việc hướng dẫn xác định “yếu tố nước ngoài” của vụ án hình sự có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phân định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, hạn chế việc chuyển đi chuyển lại vụ án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng một cách không cần thiết. Qua đó, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng trên thực tiễn, đặc biệt là đối với vụ án hình sự mà có bị cáo, người bị hại, đương sự “ở nước ngoài”. Bởi lẽ:
Thứ nhất, xét trên phương diện lý luận, hiện đang có một số quan điểm khác nhau về vấn đề này. Cụ thể, loại quan điểm thứ nhất cho rằng cụm từ “ở nước ngoài” dùng để chỉ nơi cư trú lâu dài, chủ yếu của bị cáo, người bị hại, đương sự trong vụ án hình sự trước khi có mặt tại Việt Nam. Điều này có nghĩa rằng có thể trước khi phạm tội, bị cáo đã có thời gian tạm trú ngắn hạn tại Việt Nam hoặc cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam (nhập cảnh Việt Nam trái phép; Hết hạn thị thực nhưng không được gia hạn thị thực do không đáp ứng được quy định của pháp luật…). Cách thức nêu trên cũng được áp dụng để xác định người bị hại, đương sự có thực sự “ở nước ngoài” hay không. Ngược lại, loại quan điểm thứ hai cho rằng bị can, bị cáo, người bị hại, đương sự “ở nước ngoài” là bị can, bị cáo, người bị hại, đương sự có quốc tịch nước ngoài hoặc có quốc tịch Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam trong quá trình Tòa án xét xử.
Thứ hai, đòi hỏi về việc cần phải có hướng dẫn thế nào là vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài còn xuất phát từ việc BLTTHS và Bộ luật hình sự hiện hành (BLHS) cùng quy định về một số loại vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài nhưng BLHS lại quy định phù hợp hơn hoặc rộng hơn so với BLTTHS.
Cụ thể, Điều 270 BLTTHS quy định về vụ án hình sự xảy ra“…trên tàu bay hoặc tàu biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc ngoài lãnh hải của Việt Nam…”. Tuy nhiên, với quy định “…tàu bay hoặc tàu biển của nước…Việt Nam” như trên, có thể gây ra sự nhầm lẫn rằng chỉ duy nhất tội phạm xảy ra trên tàu bay, tàu biển thuộc sở hữu của nhà nước Việt Nam, thì mới có thể bị nhà nước Việt Nam truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngược lại, khoản 1 Điều 5 BLHS hiện hành không sử dụng cụm từ “…tàu bay hoặc tàu biển của nước…Việt Nam…”, thay vào đó, Bộ luật này đã sử dụng cụm từ “…tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam…”. Như vậy, quy định này của BLHS phù hợp với quy định của pháp luật về đăng ký tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam. Theo đó, tàu bay, tàu biển thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức đều có thể được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam nếu đáp ứng được điều kiện mà pháp luật quy định.
Do đó, cần hiểu quy định Điều 270 BLTTHS theo tinh thần bất kỳ tội phạm nào xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển mang quốc tịch Việt Nam đang hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, không phụ thuộc vào việc tàu bay, tàu biển đó thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức hay của nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề nêu trên, BLTTHS còn bỏ sót không viện dẫn 4 loại vụ án hình sự đã được quy định tại BLHS:
– Vụ án hình sự mà “hậu quả của hành vi phạm tội” xảy ra trên tàu bay, tàu biển (khoản 1 Điều 5 BLHS;
– Vụ án hình sự mà hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 3 Điều 6 BLHS);
– Vụ án hình sự mà pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm (khoản 1 Điều 6 BLHS);
– Vụ án hình sự mà pháp nhân thương mại phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (khoản 2 Điều 6 BLHS).
Như vậy, qua sự phân tích nêu trên, có thể nhận thấy việc BLTTHS bỏ sót không viện dẫn các vụ án hình sự quy định tại Điều 5 và Điều 6 của BLHS sẽ gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi xác định thẩm quyền thụ lý, giải quyết những loại vụ án này trên thực tế.
2. Về thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài
2.1. Về thẩm quyền điều tra
Theo quy định tại điểm a và b khoản 5 Điều 163 BLTTHS thì thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra vụ án hình sự được xác định như sau:
– Cơ quan điều tra cấp huyện điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện;
– Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Đối với vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, căn cứ quy định nêu trên và Điều 268 (Thẩm quyền xét xử của Tòa án) BLTTHS, cơ quan điều tra cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài sau đây:
– Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
– Vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;
– Vụ án hình sự mà tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam.
Đối với cơ quan điều tra cấp huyện, theo chúng tôi, căn cứ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 163 BLTTHS và phạm vi vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp tỉnh nêu trên, thì cơ quan điều tra cấp huyện có thẩm quyền điều tra một số vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của cơ quan điều tra nói chung nên việc phân định thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp tỉnh và cấp huyện chưa được rõ ràng.
Theo chúng tôi, cơ quan điều tra cấp huyện có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài không thuộc phạm vi thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp tỉnh như đã nêu ở trên. Cụ thể, đó là vụ án hình sự mà tội phạm được thực hiện tại Việt Nam và có bị can hoặc có người bị hại, đương sự là cá nhân có quốc tịch nước ngoài và cư trú hợp pháp tại Việt Nam theo diện thường trú hoặc được cấp thẻ tạm trú theo quy định của pháp luật hoặc có đương sự là tổ chức nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam. Đây là loại vụ án mà cơ quan điều tra không phải yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp để tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ.
Vì vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra cấp huyện đang giải quyết mà phát sinh yêu cầu tương trợ tư pháp cho nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng do có đương sự, người bị hại trở về nước mà họ là công dân hoặc đến cư trú tại nước khác…hoặc để thu thập chứng cứ như xác minh lại quốc tịch hoặc lý lịch tư pháp…thì cơ quan điều tra cấp huyện phải đề nghị cơ quan điều tra cấp tỉnh lấy vụ án lên để giải quyết theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 163 BLTTHS.
Như vậy, từ những phân tích trên đây có thể nói rằng các quy định của BLTTHS về thẩm quyền của cơ quan điều tra đối với vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài chưa thực sự rõ ràng cụ thể. Do đó, vấn đề này cần phải được hướng dẫn mới thực hiện được thống nhất trong cả ba cơ quan tiến hành tố tụng: cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án.
2.2. Về thẩm quyền truy tố
Theo quy định tại khoản 1 Điều 239 BLTTHS, Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.
Như vậy, viện kiểm sát cấp huyện và viện kiểm sát cấp tỉnh có thẩm quyền truy tố vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài mà cơ quan điều tra cùng cấp đã điều tra. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy định của BLTTHS về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài còn có sự hạn chế, bất cập, cần phải có sự hướng dẫn áp dụng thống nhất, thì đương nhiên việc phân định thẩm quyền truy tố của viện kiểm sát đối với loại vụ án hình sự này cũng bị ảnh hưởng.
2.3. Về thẩm quyền xét xử
Thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài được quy định trực tiếp tại Điều 268, 269 và 270, 271 và khoản 3 Điều 499 BLTTHS. Trong đó, Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài sau đây:
– Vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài ( điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS);
– Vụ án hình sự quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 268 BLTTHS;
– Vụ án hình sự quy định tại khoản 2 Điều 269, 270, 271 BLTTHS.
Như vậy, có thể thấy rằng, về cơ bản BLTTHS đã quy định cụ thể thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh đối với vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy BLTTHS vẫn có những hạn chế, bất cập khi bỏ sót không quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh đối với các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài mà chính Bộ luật này quy định thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp tỉnh. Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 163 BLTTHS, thì cơ quan điều tra cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp huyện nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra. Tuy nhiên, các quy định tại Điều 268, 269 và 270, 271 của Bộ luật này không hề có quy định nào về thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh đối với vụ án hình sự nêu trên.
Bên cạnh đó, đối với Tòa án cấp huyện, căn cứ phạm vi vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh như đã nêu ở trên và căn cứ tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 268 BLTTHS, thì Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài có các đặc điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tội phạm được thực hiện tại Việt Nam;
Thứ hai, là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng” không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh;
Thứ ba, có bị cáo hoặc người bị hại, đương sự là cá nhân có quốc tịch nước ngoài và cư trú hợp pháp tại Việt Nam theo diện thường trú hoặc được cấp thẻ tạm trú theo quy định của pháp luật hoặc có đương sự là tổ chức nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam;
Thứ tư, khi điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án không phải lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp để tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ.
Với đặc điểm nêu trên, theo chúng tôi, nếu sau khi thụ lý vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài mà phát hiện thấy Tòa án phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng, thì Tòa án cấp huyện cần xác định đây là vụ án thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cấp tỉnh. Bởi lẽ, việc tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài chỉ phát sinh khi có đương sự, người bị hại ở nước ngoài – căn cứ xác định vụ án có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh. Mặt khác, theo quy định của Luật tương trợ tư pháp, Tòa án cấp huyện không có thẩm quyền ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Vì vậy, từ những yếu tố nêu trên, Tòa án cấp huyện cần trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cấp huyện đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát cấp tỉnh có thẩm quyền truy tố theo quy định tại Điều 274 của BLTTHS.
3. Về việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ và thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài
3.1. Về việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài
Hiện nay, việc ủy thác cho nước ngoài thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp, hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, nếu nước ngoài là nước thành viên của hiệp định nêu trên, thì quy trình ủy thác tư pháp cho nước đó như sau:
– Cơ quan tiến hành tố tụng lập hồ sơ và dịch ra tiếng nước ngoài; gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra hồ sơ; nếu đầy đủ và hợp lệ thì chuyển hồ sơ đó theo đường bưu chinh cho cơ quan trung ương có thẩm quyền của nước ngoài;
– Cơ quan trung ương có thẩm quyền của nước ngoài sẽ tự mình hoặc chuyển yêu cầu ủy thác của Việt Nam cho cơ quan trong nước thực hiện;
– Kết quả thực hiện được chuyển ngược lại cho cơ quan trung ương nước được ủy thác và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển lại cho cơ quan tiến hành tố tụng đã yêu cầu ủy thác.
Tuy nhiên, nếu nước được yêu cầu ủy thác là nước mà Việt Nam và nước đó không có quan hệ tương trợ tư pháp với nhau theo điều ước quốc tế, thì yêu cầu ủy thác của cơ quan tiến hành tố tụng cho nước đó phải thực hiện theo con đường ngoại giao theo quy trình phức tạp hơn như sau:
– Cơ quan tiến hành tố tụng lập hồ sơ và dịch ra tiếng nước ngoài; gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển hồ sơ đó cho Bộ Ngoại giao; Bộ Ngoại giao chuyển tiếp hồ sơ này cho cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước được yêu cầu ủy thác hoặc kiêm nhiệm;
– Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước được yêu cầu ủy thác hoặc kiêm nhiệm chuyển hồ sơ đó cho Bộ Ngoại giao của nước được yêu cầu ủy thác;
– Bộ Ngoại giao nước được ủy thác chuyển hồ sơ đó cho cơ quan có thẩm quyền trong nước thực hiện;
– Kết quả thực hiện sẽ được chuyển ngược lại như sau: Cơ quan thực hiện – Bộ Ngoại giao nước được yêu cầu ủy thác – Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam – Bộ Ngoại giao Việt Nam – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Cơ quan tiến hành tố tụng đã yêu cầu ủy thác tư pháp.
Hiện nay, công tác ủy thác tư pháp ra nước ngoài của cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam để điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài chưa phát sinh nhiều trên thực tế. Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy công tác này không phải là hoàn toàn thuận lợi, đạt kết quả như mong muốn. Qua rà soát, chúng tôi thấy rằng công tác này còn gặp những khó khăn, thách thức sau đây:
– Thời gian lập, hoàn thiện hồ sơ còn chiếm nhiều thời gian do hiện nay Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao để cùng thống nhất ban hành biểu mẫu lập hồ sơ ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Trên thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng phải liên hệ với Vụ 13 Viện kiểm sát nhân dân tối cao để được hướng dẫn lập hồ sơ. Cùng với đó, hồ sơ phải được dịch ra tiếng nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thứ tiếng chính thức của nước được ủy thác tống đạt, thu thập chứng cứ. Đây cũng là khó khăn lớn cho cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh khi nguồn lực nội bộ không đáp ứng được việc dịch hồ sơ ra những thứ tiếng không phổ biến. Từ những khó khăn nêu trên, việc lập hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ và đến thời điểm chuyển được hồ sơ ra nước ngoài hoặc cho Bộ Ngoại giao, thì thời gian này phải tính bằng tháng.
– Thời gian mà cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện và trả kết quả thực hiện cho Việt Nam là khá dài, không cố định, có thể lên tới 6 tháng, 8 tháng hoặc cả năm.
– Có thể phát sinh những trường hợp nước ngoài nhận hồ sơ nhưng không có thông tin trao đổi, phản hồi với Việt Nam về tình hình thực hiện yêu cầu ủy thác như thế nào. Đây có thể nói là những trường hợp không thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam nhưng không cho biết lý do.
3.2. Về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài
Qua rà soát, chúng tôi thấy rằng BLTTHS chỉ có quy định chung về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử cho tất cả các loại vụ án hình sự mà không phân biệt, quy định riêng cho vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là vụ án hình sự phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng cho người bị hại, đương sự hoặc thu thập chứng cứ (lấy lời khai của người bị hại, đương sự, người làm chứng, thu thập tài liệu, giấy tờ…).
Với quy định như vậy, xét về phương diện lý thuyết, BLTTHS có thể chỉ đáp ứng được cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện. Tuy nhiên, những quy định trên của Bộ luật này có thể là trở ngại lớn nhất, khó khắc phục nhất khi điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh phải ủy thác tư pháp cho nước ngoài thực hiện tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ (xác minh quốc tịch, lý lịch tư pháp của bị can, lấy lời khai của người bị hại, đương sự, người làm chứng ở nước ngoài…). Về bản chất, những hoạt động tống đạt, thu thập chứng cứ nêu trên là hoạt động tố tụng hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện. Tuy nhiên, trong vụ án hình sự mà người bị hại, đương sự, người làm chứng ở nước ngoài, chứng cứ cần có được để phục vụ điều tra, truy tố lại tồn tại ở nước ngoài, cơ quan tiến hành tố tụng không thể trực tiếp thực hiện các hoạt động tố tụng này. Bởi lẽ, theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia của luật pháp quốc tế, cơ quan tiến hành tố tụng của nước này không được phép tiến hành các hoạt động tố tụng trên lãnh thổ của nước khác, trừ khi được nước đó cho phép hoặc có thỏa thuận giữa hai nước. Do đó, trong trường hợp nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam phải ủy thác cho nước nơi người bị hại, đương sự, người làm chứng đang có mặt hoặc cư trú tống đạt văn bản tố tụng, lấy lời khai của họ hoặc ủy thác cho nước nơi chứng cứ đang được lưu giữ thực hiện thu thập chứng cứ đó và chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ là đặc thù riêng của hoạt động điều tra, truy tố và xét xử loại vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài nói chung, vụ án hình sự có người bị hại, đương sự, người làm chứng ở nước ngoài hoặc có tài sản liên quan đến vụ án ở nước ngoài nói riêng.
Mặc dù vậy, quy định của BLTTHS lại có sự hạn chế là chưa thể hiện được sự đặc thù nêu trên của loại vụ án này. Từ đó, BLTTHS không tính thời gian thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp về hình sự vào thời hạn điều tra, truy tố và xét xử theo thủ tục sơ thẩm và xét xử phúc thẩm vụ án hình sự phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Hạn chế này, một mặt, sẽ tạo sức ép rất lớn đến hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và Tòa án; mặt khác, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của người bị hại, đương sự ở nước ngoài khi loại vụ án này phát sinh trên thực tế.
3.3. Tác động của việc không tính thời gian ủy thác tư pháp ra nước ngoài vào thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài
Có thể nhận thấy việc không tính thời gian ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng cho người bị hại, đương sự ở nước ngoài, thu thập chứng cứ ở nước ngoài vào thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài sẽ dẫn tới nhiều hệ quả pháp lý không mong muốn và khó khắc phục trên thực tế. Sau đây là một số ví dụ cụ thể:
Ví dụ 1: Theo quy định tại khoản 3 Điều 277, khoản 1 Điều 286 và 287 BLTTHS, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày. Quyết định đưa vụ án ra xét xử được gửi cho đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa. Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, yêu cầu của Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa.
Nếu áp dụng các quy định nêu trên của BLTTHS cho vụ án hình sự có người bị hại ở nước ngoài và thời hạn mở phiên tòa được ấn định là 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, thì trong đa số trường hợp, người bị hại khó có thể nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử và có mặt tại phiên tòa đúng thời hạn ghi trong giấy triệu tập của Tòa án. Bởi lẽ, với quy trình ủy thác tư pháp ra nước ngoài mất rất nhiều thời gian, qua nhiều khâu trung gian, thì thời hạn 30 ngày là quá ngắn, không đủ cho Tòa án thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, giấy triệu tập đến phiên tòa cho người bị hại và nhận được kết quả thực hiện yêu cầu tống đạt đó.
– Ví dụ 2: Khoản 1 Điều 292 BLTTHS có quy định cho phép Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc tiếp tục xét xử khi người bị hại, đương sự ở nước ngoài vắng mặt. Mặc dù Bộ luật cho phép như vậy, nhưng theo chúng tôi trên thực tế khó xảy ra trường hợp Tòa án luôn luôn quyết định tiếp tục xét xử cho dù người bị hại, đương sự ở nước ngoài vắng mặt và Tòa án chưa nhận được kết quả ủy thác tư pháp xác nhận họ đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc nhận được thông báo không thực hiện được việc ủy thác tư pháp. Điều này có nghĩa rằng sẽ có những trường hợp Tòa án phải hoãn phiên tòa với lý do vắng mặt người bị hại, đương sự theo quy định tại khoản 1 Điều 292 BLTTHS. Tuy nhiên, mục đích hoãn phiên tòa nhằm bảo đảm cho việc tham gia phiên tòa của người bị hại, đương sự ở nước ngoài cũng lại không đạt được mục đích vì theo quy định quy định tại khoản 2 Điều 297 BLTTHS, thì thời hạn mở lại phiên tòa là 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Với thời gian 30 ngày nêu trên, rất khó để người bị hại, đương sự ở nước ngoài nhận được quyết định hoãn phiên tòa thông qua việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài của Tòa án và có mặt đúng hạn tại Việt Nam để tham gia phiên tòa.
Ví dụ 3: theo quy định khoản 3 và 4 Điều 346 BLTTHS, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm. Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho người bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.
Tuy nhiên, tương tự ở Tòa án cấp sơ thẩm, người kháng cáo ở nước ngoài rất ít có khả năng nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định này. Từ đó, dẫn đến hậu quả là họ mất cơ hội được tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
4. Về việc tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chưa nhận được kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài
Để giải quyết tình trạng thời hạn điều điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử đã hết mà chưa nhận được kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài, điểm c khoản 1 Điều 229, điểm c khoản 1 Điều 247 và điểm a khoản 1 Điều 281 BLTTHS cho phép cơ quan tiến hành tố tụng được quyền ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo với lý do thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử đã hết mà chưa nhận được kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Trong trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiếp tục yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp cho đến khi có kết quả.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng quy định BLTTHS về việc trong thời gian tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài cho đến khi có kết quả là một quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Bởi lẽ, thực tiễn cho thấy không phải tất cả các trường hợp ủy thác tư pháp ra nước ngoài đều được thực hiện và có kết quả. Trên thực tế, công tác thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài có thể sẽ gặp phải những trường hợp sau đây:
– Yêu cầu nước ngoài thu thập chứng cứ bị nước ngoài từ chối thực hiện hoặc được trả lời là không thể thu thập được chứng cứ theo yêu cầu;
– Yêu cầu nước ngoài tống đạt văn bản tố tụng bị nước ngoài từ chối thực hiện hoặc được trả lời là không thực hiện được với lý do người cần được tống đạt đã không còn cư trú tại địa chỉ tống đạt và chuyển đến địa chỉ mới nhưng không rõ địa chỉ mới hoặc họ tên, địa chỉ người này thiếu chi tiết để thực hiện.
– Yêu cầu nước ngoài tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ không được nước ngoài thông báo có chấp nhận hay từ chối thực hiện.
Như vậy, thực tế có thể phát sinh những trường hợp sau khi ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án trong một thời gian dài, có thể lên đến cả năm, nhiều năm nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ để phục hồi điều tra đối với bị can, phục hồi vụ án đối với bị can, bị cáo vì không nhận được kết quả thực hiện ủy thác tư pháp để làm lý do hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra.
Có thể nói rằng, BLTTHS đã không dự liệu cách thức giải quyết các trường hợp mà yêu cầu ủy thác cho nước ngoài bị từ chối thực hiện cũng như không thực hiện được hoặc không rõ có được thực hiện hay không như đã nêu ở trên. Mặt khác, trong những trường hợp này mà cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiếp tục ủy thác tư pháp cho nước ngoài, thì nước đó sẽ tiếp tục từ chối thực hiện nếu nội dung yêu cầu ủy thác tư pháp lần sau giống hoặc tương tự nội dung yêu cầu tư pháp lần trước.
Bên cạnh đó, BLTTHS cũng không có quy định nhằm xử lý tình trạng vụ án hình sự có khả năng bị tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vô thời hạn do không nhận được kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Nếu điều này xảy ra thì sẽ gây ra hậu quả pháp lý nguy nghiểm, đặc biệt là việc gia hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo liên quan trực tiếp đến yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
5. Về việc gia hạn tạm giam bị can khi tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chưa nhận được kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng khi tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại một trong các điều: 229, 247 hoặc 281 BLTTHS, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết cả vấn đề tạm giam bị can, bị cáo có liên quan trực tiếp đến yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài nếu bị can, bị cáo đó bị tạm giam.
Đối với trường hợp cơ quan điều tra cấp tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, cơ quan này phải căn cứ quy định tại Điều 173 BLTTHS để thực hiện việc gia hạn tạm giam đối với bị can.
Từ quy định nêu trên, vấn đề đặt ra là nếu số lần gia hạn tạm giam tối đa bị can theo quy định tại Điều 173 BLTTHS đã hết nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa nhận được kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài, thì cơ quan này xử lý vấn đề tạm giam bị can như thế nảo?
Có thể nói rằng, đây là trường hợp hết sức phức tạp cho cơ quan điều tra nếu phát sinh trên thực tế. Theo đó, rất khó khăn để cơ quan điều tra quyết định thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác (bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh) hay vẫn tiếp tục tạm giam bị can cho đến khi có kết quả thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Nói cách khác, trong trường hợp này, nếu tiếp tục tạm giam bị can, thì sẽ vi phạm quy định về tạm giam của BLTTHS và có thể dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý chưa lường trước được. Ngược lại, nếu thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác, thì cũng có thể gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử do bị can có thể bỏ trốn sau khi được tại ngoại.
Đối với trường hợp Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 247 hoặc điểm a khoản 1 Điểu 281 BLTTHS với lý do chưa nhận được kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài, Bộ luật này lại không quy định cách thức giải quyết vấn đề tạm giam bị can, bị cáo có liên quan trực tiếp đến yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài đó. Trong trường hợp này, việc tìm kiếm, lựa chọn giải pháp để Viện kiểm sát, Tòa án xử lý vấn đề gia hạn tạm giam cũng là một vấn đề phức tạp, không hề dễ dàng. Tương tự giai đoạn điều tra nêu trên, Viện kiểm sát, Tòa án cũng khó có căn cứ để thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác nếu bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát cũng không có căn cứ để tách vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 242 BLTTHS.
Như vậy, từ những phân tích, đánh giá trên đây, chúng tôi nhận thấy việc BLTTHS không có quy định riêng về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có ủy thác tư pháp ra nước ngoài để tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ đã làm phát sinh nhiều vấn đề, hậu quả pháp lý khác nhau, trong đó có những vấn đề hết sức quan trọng như việc gia hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo sau khi ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án với lý do chưa nhận được kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Đây là những vấn đề lớn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện để có giải pháp, chính sách khắc phục.
6. Một số kiến nghị về các giải pháp, chính sách khắc phục
Kết quả nghiên cứu cho thấy quy định của BLTTHS về điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài nói chung, vụ án hình sự có ủy thác tư pháp ra nước ngoài nói riêng bộc lộ những hạn chế, bất cập cơ bản sau đây:
– Quy định về vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài chưa có sự thống nhất với BLHS hiện hành. Theo đó, BLTTHS không quy định hoặc viện dẫn một số vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài đã được BLHS quy định như: vụ án hình sự mà tội phạm do pháp nhân thương mại Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam; vụ án hình sự mà hậu quả của hành vi tội phạm xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam đang hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; vụ án hình sự mà hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do đó, hệ quả là Bộ luật này không có quy định về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử những vụ án hình sự nêu trên.
– Quy định về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án cấp tỉnh, cấp huyện chưa thực sự rõ ràng, cần phải có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn mới áp dụng được trên thực tế.
– Bộ luật này không tính thời gian cơ quan tiến hành tố tụng ủy thác tư pháp ra nước ngoài vào thời hạn điều tra, truy tố, xét xử nên khó bảo đảm được chất lượng giải quyết vụ án cũng như việc tham gia tố tụng của người bị hại, đương sự ở nước ngoài.
– Bộ luật này không có các quy định về cách thức giải quyết vụ án trong trường hợp yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài của cơ quan tiến hành tố tụng bị nước ngoài từ chối thực hiện hoặc không thực hiện được hoặc không nhận được kết quả thực hiện.
– Bộ luật này không có quy định để giải quyết vấn đề gia hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo trong trường hợp Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chưa nhận được kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, chúng tôi cho rằng có những hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung BLTTHS mới khắc phục được; có những hạn chế, bất cập có thể giải quyết bằng việc ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất.
6.1. Những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung trong BLTTHS
Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã có chủ trương sửa đổi Luật tương trợ tư pháp theo hướng tách Luật này thành các dự án Luật khác nhau, bao gồm dự án Luật tương trợ tư pháp về hình sự. Theo chúng tôi được biết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật này trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để có thể sửa đổi, bổ sung một số điều BLTTHS khi xây dựng dự án Luật tương trợ tư pháp về hình sự theo hình thức “Một luật sửa nhiều luật”. Bởi lẽ, BLTTHS và Luật tương trợ tư pháp về hình sự có mối quan hệ gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau. Theo đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài mà phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài như: tống đạt văn bản tố tụng cho người bị hại, đương sự ở nước ngoài, thu thập chứng cứ (lấy lời khai của người bị hại, đương sự, người làm chứng; thu thập tài liệu, chứng cứ đang lưu giữ ở nước ngoài…), thì cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các quy định của pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện việc ủy thác đó. Nói cách khác, thực chất hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài trong vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài là hoạt động tố tụng hình sự. Do đó, Luật tương trợ tư pháp về hình sự là cơ sở pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hỗ trợ thực hiện hoạt động tố tụng hình sự. Vì vậy, nếu không tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định của BLTTHS về điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là vụ án có ủy thác tư pháp ra nước ngoài cùng với việc xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự, thì việc ban hành Luật tương trợ tư pháp về hình sự sẽ không đạt được mục tiêu, mục đích đề ra. Theo đó, một trong những mục tiêu, mục đích ban hành Luật tương trợ tư pháp về hình sự là để hỗ trợ tích cực, tối đa, có hiệu quả, chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Nếu những hạn chế, bất cập của BLTTHS về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài không được sửa đổi, bổ sung, thì dù Luật tương trợ tư pháp về hình sự có được chuẩn bị công phu, chất lượng đến đâu cũng khó có khả năng làm chuyển biến được cơ bản tình hình và kết quả công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nêu trên.
Trên tinh thần đó, chúng tôi đề xuất cần phải sửa đổi, bổ sung BLTTHS về các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, cần quy định riêng về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Theo đó, cần tính thời gian ủy thác tư pháp ra nước ngoài vào thời hạn điều tra, truy tố, xét xử loại vụ án nêu trên. Bởi lẽ, về bản chất hoạt động ủy thác cho nước ngoài tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ là hoạt động tố tụng mà đáng ra cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam phải thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự của Việt Nam, hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam. Quy định này phù hợp với nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền quốc gia của pháp luật quốc tế. Theo đó, nước này không được phép tiến hành các hoạt động tố tụng trên lãnh thổ nước khác nếu không có sự đồng ý của nước đó. Vì vậy, để hoạt động tố tụng vẫn được diễn ra bình thường, thì cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam phải ủy thác cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện các hoạt động tố tụng đó thông qua văn bản ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án hình sự quy định tại Điều 5 và 6 của BLHS nhưng chưa được quy định tại BLTTHS.
Thứ ba, cần bổ sung các quy định về cách thức giải quyết vụ án trong trường hợp yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài của cơ quan tiến hành tố tụng bị nước ngoài từ chối thực hiện hoặc không thực hiện được hoặc không nhận được kết quả thực hiện.
Thứ tư, cần bổ sung quy định giải quyết vấn đề gia hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo trong trường hợp cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chưa nhận được kết quả ủy thác tư pháp ra nước ngoài.
6.2. Ban hành văn bản hướng dẫn về điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài
Như đã nêu ở trên, chúng tôi cho rằng cần phải có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLTTHS về điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài đối với các vấn đề sau đây:
Một là, về cách hiểu “vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài”. Trong đó, cần làm rõ thế nào là “ở nước ngoài” trong quy định về vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS.
Về vấn đề này, theo chúng tôi, quy định “ở nước ngoài” tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS được hiểu là nước nơi cư trú lâu dài, chủ yếu của bị cáo, người bị hại, đương sự là cá nhân hoặc bị cáo, người bị hại, đương sự không có mặt tại Việt Nam trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Cụ thể là các trường hợp sau đây:
– Bị cáo, người bị hại, đương sự có mặt tại Việt Nam nhưng không thuộc diện thường trú hoặc được cấp thẻ tạm trú theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Bị cáo, người bị hại, đương sự là cá nhân có quốc tịch nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam (hết thời hạn tạm trú nhưng không xuất cảnh hoặc nhập cảnh Việt Nam trái phép), không phân biệt thời gian cư trú bất hợp pháp dài hay ngắn.
– Bị cáo đã xuất cảnh Việt Nam (hợp pháp hoặc trái phép) trước khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Trên tinh thần đó, theo chúng tôi bị can, bị cáo, đương sự, người bị hại không được coi là “ở nước ngoài” nếu họ đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam theo diện thường trú, có thẻ tạm trú theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với trường hợp nêu trên, hiện nay, theo quy định tại Điều 38 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019), người nước ngoài có thể cư trú tại Việt Nam với thẻ tạm trú tại Việt Nam có thời hạn khác nhau (2 năm, 3 năm, 10 năm) và khi thẻ hết hạn thì được xem xét cấp thẻ mới. Cùng với đó, theo quy định tại Điều 40 của Luật này, người nước ngoài còn có thể được cấp thẻ thường trú tại Việt Nam có giá trị trong 10 năm; hết thời hạn này, người nước ngoài được yêu cầu cấp đổi thẻ.
Như vậy, có thể thấy rằng trong trường hợp bị can, bị cáo là người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam theo một trong các diện thường trú, tạm trú như đã nêu ở trên, thì cần xác định đây là vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài do có người phạm tội là người nước ngoài; không phải là loại vụ án có bị can, bị cáo “ở nước ngoài” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 268 BLTTHS.
Hai là, về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án cấp tỉnh và cấp huyện.
Theo quy định của BLTTHS hiện hành, thì cơ quan điều tra cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài sau đây:
– Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
– Vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;
– Vụ án hình sự mà tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ của nước Việt Nam.
Từ quy định trên, theo chúng tôi, là cơ sở để hướng dẫn cơ quan điều tra cấp huyện có thẩm quyền điều tra đối với vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài có các đặc điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tội phạm được thực hiện tại Việt Nam;
Thứ hai, là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng” không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh;
Thứ ba, có bị cáo hoặc người bị hại, đương sự là cá nhân có quốc tịch nước ngoài và cư trú hợp pháp tại Việt Nam theo diện thường trú hoặc được cấp thẻ tạm trú theo quy định của pháp luật hoặc có đương sự là tổ chức nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam;
Thứ tư, khi điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án không phải lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp để tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ.
Trên đây là một số đánh giá, nhận định về một số hạn chế, bất cập của quy định tại BLTTHS về điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài và đề xuất giải pháp khắc phục./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận