
Một số hạn chế, vướng mắc trong áp dụng Luật Thương mại năm 2005 và kiến nghị hoàn thiện
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phát triển một cách nhanh chóng, cùng với sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, các hợp đồng dân sự nói chung, hợp đồng thương mại nói riêng ngày càng được thiết lập nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu hợp tác kinh doanh của các chủ thể trong xã hội. Điều này đòi hỏi, cần có hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp, tiến bộ để điều tiết các quan hệ hợp đồng phát sinh trong thực tế. Trong đó, việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Thương mại năm 2005 là vấn đề tất yếu, khách quan trong giai đoạn hiện nay.
Luật Thương mại năm 2005 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2006, thay thế cho Luật Thương mại năm 1997[1]. Đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng, cơ bản để các chủ thể căn cứ nhằm xác lập, thực hiện các hợp đồng thương mại. Để triển khai thi hành Luật Thương mại năm 2005, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để hướng dẫn thực hiện, như: Nghị định 128/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 81/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại; Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;
Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa; Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử;...[2].
Luật Thương mại năm 2005 đến nay đã có 19 năm đi vào cuộc sống, bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tiễn hiện nay cho thấy, một số quy định của Luật Thương mại năm 2005 dần bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, bất cập đòi hỏi cần sớm được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện. Bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu, phân tích chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.
1. Cơ sở và yêu cầu đối với việc bổ sung, hoàn thiện Luật Thương mại năm 2005
Ngày 16 tháng 12 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2114/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW và Đề án Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương “nghiên cứu, rà soát Luật Thương mại”, trình Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2022, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31 tháng 12 năm 2022. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã có Báo cáo tổng kết Luật Thương mại tại Tờ trình số 5855/TTr-BCT ngày 29 tháng 9 năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7181/VPCP-PL ngày 26 tháng 10 năm 2022 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, cụ thể như sau:
“1. Giao Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật được nêu tại Tờ trình số 5855/TTr-BCT theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển.
2. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện báo cáo của Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát pháp luật, trong đó có nội dung nghiên cứu, rà soát Luật Thương mại gửi cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ”.
Ngày 20/12/2022, Bộ Công thương đã có Văn bản số 8224/BCT-PC gửi Bộ Tư pháp về việc nghiên cứu, rà soát Luật Thương mại.
Như vậy, việc nghiên cứu, tổng kết, bổ sung hoàn thiện Luật Thương mại năm 2005 là nhiệm vụ chính trị quan trọng và hiện nay việc rà soát, đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Thương mại năm 2005 đang được triển khai thực hiện. Để ban hành Luật Thương mại sửa đổi, đòi hỏi cần được nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, thận trọng, công phu, tỷ mỷ với sự tham gia của nhiều chủ thể có liên quan.
2. Một số tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
2.1. Về khái niệm hợp đồng thương mại
Việc thỏa thuận, xác lập hợp đồng thương mại chủ yếu căn cứ vào quy định tại Luật Thương mại năm 2005, trường hợp trong Luật Thương mại năm 2005, luật khác liên quan không có quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành (hiện nay là Bộ luật Dân sự năm 2015)[3]. Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định của Luật Thương mại năm 2005 thì chưa có quy định về khái niệm về hợp đồng thương mại. Do đó, khi áp dụng vào thực tiễn cần viện dẫn đến quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều luật này quy định về khái niệm hợp đồng như sau:
“Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”.
Tuy nhiên, đây là khái niệm hợp đồng dân sự nói chung, áp dụng cho những hợp đồng dân sự thông thường như hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng trao đổi tài sản,... còn khi áp dụng đối với hợp đồng thương mại thì chưa đáp ứng được yêu cầu về tính chính xác, đầy đủ. Bởi lẽ, đối với hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác[4]; đồng thời, chủ thể của hợp đồng thương mại đòi hỏi phải có ít nhất một bên là thương nhân theo quy định tại Điều 6 Luật Thương mại năm 2005..., đây là những điểm đặc trưng của hợp đồng thương mại mà không thể sử dụng khái niệm hợp đồng nói chung quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 để áp dụng được. Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005, nhà làm luật cần nghiên cứu, bổ sung điều luật quy định về khái niệm cụ thể về hợp đồng thương mại. Việc quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng thương mại sẽ góp phần giúp các chủ thể trong quan hệ hợp đồng, cũng như cơ quan nhà nước phân biệt hợp đồng thương mại với các loại hợp đồng khác một cách rõ ràng và chính xác, từ đó, dễ dàng hơn trong việc áp dụng pháp luật để xác định hợp đồng thương mại có hiệu lực, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ hợp đồng, cũng như giúp cho việc xét xử của các Tòa án được công bằng và hiệu quả hơn.
2.2. Về nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại
Tại Điều 10 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại.”
Quy định này là chưa phù hợp, bởi các căn cứ sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 2 Luật Thương mại năm 2005 về đối tượng áp dụng thì chủ thể tham gia xác lập, ký kết, thực hiện các hợp đồng thương mại không chỉ có thương nhân mà còn bao gồm tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại và cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Điều đó có nghĩa là, trong hoạt động thương mại nói chung, hợp đồng thương mại nói riêng, các bên tham gia không chỉ có thương nhân mà còn có các chủ thể khác. Việc điều luật ghi nhận nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân là chưa đầy đủ, chính xác.
Viện dẫn quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”; tác giả kiến nghị, khi sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005, nhà làm luật cần bổ sung quy định tại Điều 2 theo hướng quy định các bên tham gia hoạt động thương mại bình đẳng trước pháp luật thì mới bảo đảm tính đầy đủ và chính xác.
Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhà làm luật cần nghiên cứu tiếp thu các quy định về những nguyên tắc khác trong Bộ luật Dân sự năm 2015 vào Luật Thương mại sửa đổi để bảo đầy đủ, rõ ràng, phù hợp.
2.3. Về sự phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan
Điều 4 Luật Thương mại năm 2005 quy định về áp dụng Luật thương mại và pháp luật có liên quan như sau:
“1. Hoạt động thương mại phải tuân theo Luật thương mại và pháp luật có liên quan.
2. Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó.
3. Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.”.
Tuy nhiên, do Luật Thương mại năm 2005 đã trải qua thời gian dài áp dụng và thực tế có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Điều này tạo ra sự bất cập giữa Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản luật khác có liên quan. Cụ thể, hiện nay một số luật chuyên ngành khác có liên quan như Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022,... được ban hành sau đã có những quy định mới, phù hợp hơn với thực tiễn, tuy nhiên, khi áp dụng Luật Thương mại năm 2005 có nội dung cần viện dẫn đến các quy định của luật chuyên ngành khác có liên quan thì lại bộc lộ những hạn chế, vướng mắc. Vì vậy, để tránh gây ra sự khó khăn cho quá trình áp dụng, kiến nghị các nhà làm luật cần nghiên cứu sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 cho phù hợp với các văn bản pháp luật chuyên ngành được ban hành sau.
Ví dụ: việc sử dụng thuật ngữ “thương nhân” tại Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 cần được sửa đổi lại cho phù hợp với quy định về chủ thể là pháp nhân giao kết hợp đồng theo pháp luật của Luật Doanh nghiệp năm 2020; hoặc trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có những thuật ngữ khác nhau như pháp nhân, pháp nhân thương mại, doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, do vậy, việc sử dụng thuật ngữ thương nhân trong Luật Thương mại năm 2005 đã không còn phù hợp.
Kết luận
Luật Thương mại là văn bản luật chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng trong điều chỉnh các hoạt động thương mại nói chung, trong việc xác lập, ký kết, thực hiện các hợp đồng thương mại nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi mà sự hợp tác phát triển kinh tế vượt khỏi phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia, hoạt động thương mại lại càng được xúc tiến thực hiện nhiều hơn. Điều này đòi hỏi hệ thống văn bản pháp lý cần sớm được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yên cầu của thực tiễn. Do vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật Thương mại sửa đổi là yêu cầu tất yếu, khách quan. Việc hoàn thiện dự thảo Luật Thương mại sửa đổi cần được tiến hành trên cơ sở tổng kết, đánh giá tổng quát thực tiễn thi hành Luật Thương mại năm 2005, rà soát những nội dung liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là Bộ luật Dân sự năm 2015 để tránh trùng lặp, chồng chéo.
[1] Điều 323, Điều 324 Luật Thương mại năm 2005.
[2] Xem thêm: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ho-tro-phap-luat/luat-thuong-mai-moi-nhat-2023-nhung-van-ban-nao-huong-dan-thi-hanh-luat-thuong-mai-moi-nhat-62802.html, truy cập ngày 05/4/2025.
[3] Điều 4 Luật Thương mại năm 2005.
[4] Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005.
Ảnh: nguồn Internet.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Dân sự năm 2015;
2. Luật Thương mại năm 2005;
3. Luật Doanh nghiệp năm 2020;
4. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chức năng của Tòa án và một số nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự
-
Trao đổi thêm về giá trị của Bộ luật Gia Long
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
TANDCC tại Hà Nội quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
-
Khởi tố Phó Chủ tịch và Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kiến Xương, Thái Bình
Bình luận