Một số vấn đề khúc mắc về pháp luật thừa kế
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã dành phần thứ tư để quy định về thừa kế, theo đó phần thứ tư bao gồm 04 chương và 54 điều (từ Điều 609- đến Điều 662). Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ các quy định của BLDS về thừa kế, chúng tôi cũng còn băn khoăn về một số quy định, xin nêu để các bạn tham khảo.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã dành phần thứ tư để quy định về thừa kế, theo đó phần thứ tư bao gồm 04 chương và 54 điều (từ Điều 609- đến Điều 662). BLDS không đưa quy định và khái niệm thừa kế.
Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác, việc chuyển dịch tài sản này có thể bằng di chúc hoặc theo trình tự mà pháp luật dân sự quy định.
Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân. Khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa thế được pháp luật bảo hộ”. Bảo hộ quyền thừa kế tức là bảo hộ quyền sở hữu tư nhân hay chỉ khi có quyền sở hữu tư nhân thì mới có quyền thừa kế.
Về cơ bản các quy định trong 04 chương (những quy định chung, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán và phân chia tài sản) của BLDS là tương đối rõ ràng, đầy đủ và đã khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế của BLDS năm 2005. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ các quy định của BLDS về thừa kế, chúng tôi cũng còn băn khoăn về một số quy định.
1.Về quy định tại khoản 3 Điều 615 thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Người được hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, Luật chỉ quy định phần di sản thừa kế đã chia ở thời điểm chia thừa kế mà không quy định việc phát minh hoa lợi, lợi tức từ di sản thừa kế mà người thừa kế đã nhận. Vậy, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại có được tính cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần di sản mà người thừa kế đã nhận không?
Chúng tôi cho rằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản (di sản) mà người thừa kế được chia là tài sản hình thành trong tương lai của cả người để lại thừa kế và người nhận thừa kế nên được coi là phần tài sản thanh toán nghĩa vụ của người chết đã để lại di sản.
2. Về thời hiệu thừa kế
Khoản 1 Điều 623 BLDS quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.
Vậy người thừa kế đang quản lý di sản có phải tính đến hàng thừa kế không? Thời hạn nêu trên được tính như thế nào?
-Luật không quy định hàng thừa kế, trong trường hợp này người thừa kế đang quản lý di sản có thể là ở hàng thứ nhất, hàng thứ hai hoặc hàng thứ ba.
Ví dụ: Một người thừa kế ở hàng thứ ba đang quản lý di sản thừa kế và họ đã quản lý hơn 30 năm đối với bất động sản và hơn 10 năm đối với động sản thì họ là chủ sở hữu của di sản đó. Những người thừa kế ở hàng thứ nhất hoặc hàng thứ hai không còn quyền khởi kiện chia thừa kế hoặc đòi tài sản.
Nếu người thừa kế đang quản lý di sản nhưng chưa quá 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản thì những người thừa kế có quyền khởi kiện chia thừa kế.
-Trường hợp người thừa kế đã qua quản lý di sản xấp xỉ 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản nhưng lại giao quyền quản lý di sản cho người thừa kế khác (là đồng thừa kế) và người này mới chỉ mới chỉ đang quản lý di sản theo quy định thì họ được hưởng toàn bộ di sản thừa kế. Như vậy có thiệt thòi cho người thừa kế trước đó không? Rõ ràng là không hợp lý bởi trong khối di sản đó còn có công duy trì, tôn tạo của người thừa kế trước đó. Do đó, nếu không thỏa thuận được thì người thừa kế có quyền kiện đòi những công sức này.
-Trường hợp người quản lý di sản không phải là người thừa kế nhưng họ chiếm hữu (người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai) trong thời hạn 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ ngày chiếm hữu tài sản. Nếu người chiếm hữu di sản thừa kế chưa đủ các thời hạn nêu trên và thời hiệu thừa kế vẫn còn thì người thừa kế vẫn có quyền kiện thừa kế.
Tuy nhiên, nếu người chiếm hữu di sản thừa kế đã quá các thời hạn nêu trên nhưng thời hiệu khởi kiện thừa thế vẫn còn thì giải quyết thế nào?
Ví dụ: A chiếm hữu di sản thừa kế từ năm 1985, đến năm 2018 thì các thừa kế kiện thừa kế kiện thừa kế vì thừa kế còn trong thời hiệu khởi kiện thừa kế mở năm 2018.
Như vậy A đã chiếm hữu di sản thừa kế 33 năm và thời hiệu thừa kế thì mới chỉ có 01 năm.
Theo chúng tôi, khi thời hiệu thừa kế còn thì các thừa kế vẫn có quyền thừa kế, có quyền yêu cầu chia thừa kế. Người chiếm hữu chỉ có thể được trở thành chủ sở hữu khi mà hết thời hiệu thừa kế, việc họ chiếm hữu di sản bao nhiêu năm không còn ý nghĩa để xác định sở hữu. Đây là một vấn đề mới quy định trong BLDS cần có hướng dẫn cụ thể của Hội động Thẩm phán TANDTC.
3. Về di chúc miệng Điều 629 BLDS
Theo chúng tôi, quy định về di chúc miệng khó thực hiện trong thực tiễn, nhất là trong những trường hợp mà hai người làm chứng không thể ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ và trong thời hạn 05 ngày phải thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực. Người lập di chúc miệng thường là người đang ở trong tình trạng tình trạng nguy kịch đến tính mạng như bện nặng sắp chết hoặc khi gặp hoạn nạn. Chẳng hạn bị đắm tàu giữa biển, lời của họ nhắn gửi lại thường được coi là trăn trối. Giả sử có hai người cùng bị đắm tàu nghe được lời trăn trối đó thì họ cũng không thể ghi chép, chứng thực, chứng nhận theo quy định của Luật, nếu họ không được cứu thoát và trở về trong vòng 05 ngày.
Như vậy, di chúc miệng không đảm bảo về mặt hình thức và sẽ không được chấp nhận. Người để lại di sản thừa kế không thể thực hiện hoặc được thực hiện ý chí của họ bởi thừa kế được thực hiện theo luật.
Theo đó, luật cần cân nhắc thời hạn mà những người làm chứng có thể ghi chép chứng nhận, chứng thực cho phù hợp với thực tế cuộc sống.
4. Về hình thức của di chúc
Khoản 3 Điều 631 BLDS quy định “Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”.
Quy trình này phù hợp với di chúc được lập thành văn bản do người để lại di chúc, tự đánh máy, nhờ người đánh máy hoặc nhờ người khác viết hộ. Người để lại di chúc ký hoặc điểm chỉ vào từng trang để xác nhận đó là ý chí của họ.
Tuy nhiên, di chúc bằng văn bản do chính người để lại di chúc viết cũng phải ký tên, điểm chỉ trong từng trang di chúc có lẽ không cần thiết bởi ý chí của họ đã thể hiện trên từng chữ của di chúc.
Sẽ là trái ý chí của người để lại di chúc khi họ chỉ ký vào trang cuối cùng của di chúc mà không ký từng trang. Vậy những trang không ký là không có giá trị pháp lý về hình thức. Giả sử trang cuối cùng chỉ có vài câu như “Tôi để lại di chúc này, mong các con thực hiện đúng tâm nguyện của tôi” và ký tên (hết trang). Nội dung của di chúc lại nằm ở các trang trước đó và những trang đó lại không có chữ ký, điểm chỉ của người viết (thông thường thì người đã viết di chúc, chỉ ký mà không sử dụng hình thức điểm chỉ) thì toàn bộ di chúc cũng không có giá trị và thừa kế được chia theo pháp luật.
Chúng tôi cho rằng, di chúc viết tay là di chúc có giá trị cao nhất, thể hiện đầy đủ, chính xác ý chí của người để lại di chúc. Nếu xác định di chúc là do chính người để lại di chúc viết ra thì việc họ không ký trong từng trang hoặc quên không đánh số thứ tự cũng không ảnh hưởng đến ý chí của họ và di chúc đó phải được chấp nhận.
Cũng sẽ có trường hợp di chúc có trang ký, có trang không ký hoặc đánh số thứ tự của trang.Trang ký, có số thứ tự thì được chấp nhận, trang không ký không có số thứ tự thì không được chấp nhận. Phần di chúc không được chấp nhận vì vi phạm hình thức được chia theo luật. Rõ ràng là quyền và lợi ích của người thừa kế rơi vào trang không có chữ ký hoặc điểm chỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi phần thừa kế của họ bị chia cho các thừa kế khác đã có phần thừa kế được chấp nhận tại các trang có chữ ký, điểm chỉ . Có nghĩa là ý chí của người để lại di chúc không được tôn trọng và thực hiện đầy đủ.
5. Thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
Điều 644 BLDS quy định: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ trường hợp họ là người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng thừa kế di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của BLDS.
a. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”
Điều luật chỉ quy định mức tối thiểu mà những người đương nhiên được hưởng thừa kế mà không quy định mức tối đa được hưởng là bao nhiêu. Quy định này có thể dẫn đến người đương nhiên được hưởng thừa kế nhiều hơn người thừa kế.
Ví dụ: Ông A không có con, chỉ có một người cháu. Ông A kết hôn với bà B nhưng mục đích hôn nhân không đạt được. Ông A xin ly hôn. Trong khi Tòa đang giải quyết việc ly hôn thì ông A viết di chúc cho toàn bộ tài sản riêng của mình cho người cháu. Ông A chết.
Theo quy định tại Điều 655 thì bà B vẫn được hưởng thừa kế của ông A và theo quy định tại Điều 644 thì bà B (là vợ) được hưởng ít nhất là 2/3 suất của người thừa kế, tức là 2/3 của toàn bộ di sản của ông A – của một suất thừa kế.
Như vậy, bà B được hưởng 2/3 di sản của ông A và cháu của ông A chỉ được 1/3 khối di sản mà lẽ ra theo ý chí của ông A thì được hưởng toàn bộ.
Nếu điều luật quy định mức độ tối đa hoặc quy định không được nhiều hơn một suất thừa kế thực tế được hưởng thì mới phù hợp.
6.Về trường hợp có nhiều di chúc
Khoản 5 Điều 643 quy định: “Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật”.
Điều luật quy định “Đối với một tài sản” là không chính xác khi di chúc đề cập đến nhiều tài sản. Lẽ ra chỉ quy định là “đối với tài sản” là phù hợp. Người lập nhiều bản di chúc nhưng nội dung của các di chúc đó không mâu thuẫn với nhau thì các bản di chúc đó đều có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp thì Tòa án chỉ căn cứ vào bản di chúc được lập sau cùng, các bản di chúc trước đó có thể được coi là chứng cứ thể hiện thống nhất ý chí của người để lại di chúc.
Trong trường hợp có nhiều bản di chúc nhưng không xác định được thời điểm lập di chúc mà nội dung của các bản di chúc này không thống nhất, có mâu thuẩn với nhau tức là không xác định được đâu là bản di chúc sau cùng thì giải quyết như thế nào? Đây là vấn đề mà điều luật không quy định rõ.
Đối với trường hợp này, có thể áp dụng Điều 648 BLDS giải thích nội dung di chúc vì nội dung di chúc được coi là không rõ ràng, có những mâu thuẩn giũa các bản di chúc. Nếu những người thừa kế không thống nhất được về giải quyết mâu thuẩn của các bản di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, tức là chia thừa kế theo pháp luật. Như vậy, trường hợp không xác định được chia di chúc sau cùng khi có nhiều di chúc khác nhau, có nội dung mâu thuẩn với nhau mà không thể giải thích thống nhất được, phải yếu cầu Tòa án giải quyết thì các bản di chúc đó đều không có hiệu lực pháp luật.
8. Về di chúc chung của vợ chồng
Điều 663 BLDS năm 2005 quy định về di chúc chung của vợ, chồng: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”.
BLDS năm 2015 đã bỏ quy định này, do vậy về nguyên tắc thì di chúc chung của vợ, chồng không có hiệu lực vì pháp luật không còn thừa nhận. Tuy nhiên, trước khi BLDS năm 2015 có hiệu lực pháp luật mà vợ, chồng đã lập di chúc định đoạt tài sản chung thì giải quyết thế nào nếu họ không lập các di chúc khác.
Theo chúng tôi nên phân định ra các trường hợp sau:
-Nếu di chúc vợ, chồng được lập trước ngày 01/01/2017 và thời điểm mở thừa kế đều vào trước ngày 01/01/2017 thì di chúc vợ, chồng vẫn có hiệu lực pháp luật.
-Nếu di chúc vợ, chồng được lập trước ngày 01/01/2017 và thời điểm mở thừa kế của người chết (vợ hoặc chồng) trước ngày 01/01/2017 thì di chúc vẫn có hiệu lực đối với phần tài sản chung mà vợ chồng định đoạt.
-Nếu thời điểm mở thừa kế sau ngày 01/01/2017 mà không có sự thay đổi, bổ sung di chúc chung thành di chúc cá nhân cho phù hợp với sự thay đổi của pháp luật thì bản di chúc chung vợ, chồng không có hiệu lực pháp luật.
8. Về thừa kế quyền sử dụng đất
BLDS năm 2015 không quy định về thừa kế quyền sử dụng đất, khi giải quyết việc chia thừa kế quyền sử dụng đất, Tòa án phải căn cứ vào quy định thừa kế tài sản và quy định của Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết.
Điểm đ khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 quy định “cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật”.
Đất đai do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với đất đai đó) mà đất đai này đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 thì quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.
Ngoài các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thì điểm g khoản 1 Điều 100 quy định “Các loại giấy tờ xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ”.
Các loại giấy tờ khác đã được Chính phủ quy định tại Điều 18 Nghị quyết số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013.
Khi giải quyết thừa kế về đất đai, các Tòa án phải căn cứ vào quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, đó là:
“ a. Có giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của luật này:
b.Đất không có tranh chấp;
c.Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d.Trong thời hạn sử dụng đất.
Ngoài ra các điều kiện nêu trên quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì thừa kế về đất đai còn phải bảo đảm các điều kiện khác quy định tại các Điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật Đất đai.
Ví dụ: Việc thừa kế đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng…
Người được thừa kế quyền sử dụng đất phải đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Trường hợp người chết để lại đất đai mà đất đai đó không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất thì đất đai đó không phải là di sản thừa kế vì chưa có quyền sử dụng đất.
Nếu có tranh chấp về đất không có giấy tờ thì đó là tranh chấp đất đai và đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết là nộp đơn tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 hoặc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của cơ quan hành chính thì đương sự có quyền khởi kiện tại Tòa án và Tòa án giải quyết theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi về một số quy định của BLDS năm 2015 về thừa kế để các bạn tham khảo và rất mong nhận được các ý kiến phản hồi.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
2 Bình luận
Thu
06:50 11/01.2025Trả lời
quang kim hai
06:50 11/01.2025Trả lời