Một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Phạt vi phạm trong hợp đồng mua bán hàng hóa là hình thức chế tài cho vi phạm hợp đồng, theo đó bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm khoản tiền nhất định do pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận trên cơ sở pháp luật.
1. Mối quan hệ giữa bồi thường thiệt và phạt vi phạm hợp đồng
Chế tài phạt vi phạm hợp đồng có mục đích chủ yếu là trừng phạt, tác động vào ý thức của các chủ thể nhằm giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, phòng ngừa vi phạm hợp đồng. Với mục đích như vậy, phạt vi phạm được áp dụng một cách phổ biến đối với các vi phạm hợp đồng[1]. Khác với phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại là hình thức áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng mua bán[2].
Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Theo đó có thể hiểu rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sẽ mặc nhiên phát sinh khi có đủ các căn cứ theo Điều 303 Luật Thương Mại năm 2005 mà không cần có thỏa thuận áp dụng kèm theo thỏa thuận phạt vi phạm. Hay nói cách khác, bên bị vi phạm trong hợp đồng không cần phải dựa trên một thỏa thuận trước nào đó để có thể có được quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, để có quyền yêu cầu phạt vi phạm thì phải dựa trên thỏa thuận giữa các bên.
Cách tiếp cận này của Luật Thương mại năm 2005 cũng giống như Bộ nguyên tắc UNIDROIT: “(Điều 7.4.1) và “ (Điều 7.2.4).
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thỏa thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm” (khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2005). Khoản 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”. Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 có cùng cách tiếp cận, nhưng có sự khác biệt so với quy định của Luật Thương mại năm 2005. Cụ thể, Bộ luật Dân sự yêu cầu bên bị vi phạm nếu muốn được áp dụng đồng thời hai chế tài cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thì cần có sự thỏa thuận là “áp dụng đồng thời” hai chế tài. Tức là vừa phải có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa phải có “yếu tố thỏa thuận” áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại thì mới có thể áp dụng đồng thời. Trong khi đó, cách tiếp cận của Luật Thương mại năm 2005 thì chỉ cần có thỏa thuận về phạt vi phạm mà không cần có “yếu tố thỏa thuận” về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm vẫn có thể có quyền áp dụng đồng thời cả hai chế tài.
Trong bản thân Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tồn tại sự mâu thuẫn. Cụ thể: Thứ nhất, “các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại”, điều này có thể hiểu là khi có thỏa thuận phạt thì quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại vẫn là mặc định, nếu các bên muốn chỉ áp dụng điều khoản phạt mà không đặt vấn đề bồi thường thiệt hại thì phải nêu rõ trong thỏa thuận. Thứ hai, “… hoặc (có thể thỏa thuận) vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”. Điều này có thể hiểu ngược lại là trong trường hợp có thỏa thuận phạt thì quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại không còn là quyền mặc nhiên nữa, nghĩa là nếu các bên vừa muốn phạt hợp đồng, vừa muốn bồi thường thiệt hại thì phải nói rõ trong hợp đồng. Nếu chỉ thỏa thuận về phạt vi phạm và không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Như vậy, không thể đồng thời trong một điều khoản lại chứa đựng hai cách thể hiện quan điểm trái ngược nhau như vậy[3].
Theo tác giả, cách tiếp cận mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại năm 2005 hợp lý hơn và phù hợp với ý nghĩa, mục đích của bồi thường thiệt hại. Bởi ý nghĩa của chế tài phạt vi phạm là nhằm mục đích răn đe, trừng phạt nên việc có muốn thực hiện mục đích này không thì phụ thuộc vào ý chí của các bên khi thiết lập hợp đồng. Trong khi ý nghĩa của chế tài bồi thường thiệt hại lại là bù đắp những tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi vi phạm của bên vi phạm, có thể xem là “quy luật tự nhiên” gây thiệt hại thì phải bồi thường cho những tổn thất mình gây ra. Việc bên bị vi phạm không có câu chữ “bên vi phạm vừa phải chịu phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại” không có nghĩa họ từ bỏ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình.
Như vậy, việc quy định cần phải có một thỏa thuận “vừa phải chịu phạt vi phạm, vừa phải bồi thường thiệt hại” để được áp dụng đồng thời cả hai chế tài là không hợp lý. Chúng ta nên theo cách tiếp cận của Luật Thương mại năm 2005, chỉ cần có thỏa thuận phạt vi phạm còn trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn có thể mặc nhiên phát sinh khi có đủ căn cứ mà không cần phải có sự thỏa thuận trước đó song hành cùng với thỏa thuận phạt vi phạm.
2. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được quy định tại các điều khoản sau của Bộ luật Dân sự năm 2015: Điều 13 quy định, cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường “toàn bộ thiệt hại”, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Điều 360 cũng có quy định tương tự, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường “toàn bộ thiệt hại”, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần (Điều 361). Điều 419 quy định cụ thể về xác định thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng. Theo đó, thiệt hại được bồi thường sẽ bao gồm: (i) Thiệt hại vật chất thực tế xác định được: tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại , thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; (ii) Khoản lợi ích mà lẽ ra bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại được hưởng do hợp đồng mang lại; (iii) Chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại; (iv) Thiệt hại về tinh thần.
Có thể nhận thấy, thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 có sự mở rộng hơn so với quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 khi thiệt hại được bồi thường không chỉ bao gồm những thiệt hại thực tế, hiện hữu mà còn bao gồm cả khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm lẽ ra được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Sự mở rộng này có sự tương đồng với quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại năm 2005: “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm” (khoản 2 Điều 302).
Như vậy, quy định về bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự năm 2015 là rõ ràng và mở rộng hơn cả. So với Bộ luật Dân sự năm 2005 thì giá trị được bồi thường đã được mở rộng hơn, đồng thời chỉ rõ rằng những thiệt hại về tinh thần cũng thuộc phạm vi được bồi thường do vi phạm hợp đồng – nội dung gây nhiều tranh cãi theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. So với Luật Thương mại nắm 2005 thì sự mở rộng hơn được thể hiện ở việc quy định những thiệt hại về tinh thần cũng thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
3. Bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng
Quy định về việc xác định thiệt hại về tinh thần cũng thuộc phạm vi được bồi thường khi vi phạm hợp đồng theo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 cho đến nay. Hơn nữa, dù Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định một cách cụ thể rằng thiệt hại về tinh thần cũng có thể được bồi thường trong vi phạm hợp đồng, nhưng cũng được hiểu một cách mặc thị rằng, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại (bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bất kỳ một tiền lệ nào về bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng. Có thể thấy, cho dù căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là rất rõ ràng nhưng khi xác định liệu có đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại cho những tổn thất tinh thần do vi phạm hợp đồng hay không lại là điều không dễ dàng.
Tác giả xin giới thiệu một vài vụ việc tiêu biểu mà Tòa án các nước đã chấp thuận việc bồi thường thiệt hại cho tổn thương tinh thần do vi phạm hợp đồng giúp chúng ta có thể áp dụng một cách hiệu quả những quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này:
Vụ việc thứ nhất: Bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng bảo hiểm[4]: Vào ngày 28/9/2009, Tòa án công lý tối cao Ontario (The Ontario Superior Court of Justice) đã ra phán quyết về vụ việc giữa McQueen và Echelon General Insurrance Co [2009] O.J.No.3965. Tòa đã quyết định một mức bồi thường đáng kể cho những tổn hại về tinh thần chống lại công ty bảo hiểm Echelon, với số tiền là 25.000 đô la. Vụ việc phát sinh từ yêu cầu cho quyền lợi từ tai nạn theo quy định của pháp luật và thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của công ty bảo hiểm đối với việc phải hành động một cách thiện chí. Nguyên đơn đã bị chấn thương trong tai nạn xe. Vào thời điểm của vụ tai nạn, cô ấy thất nghiệp và nhận hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ người khuyết tật của Ontario, chủ yếu bởi vì chấn thương tâm lý (manic depression). Sau tai nạn, công ty bảo hiểm đã từ chối chi trả trợ cấp dọn dẹp và chi phí đi lại. Hơn nữa, công ty bảo hiểm đã giới hạn nguyên đơn tiếp cận với đánh giá y tế (medical assessement). Trong khi công ty bảo hiểm bắt đầu chi trả 26 tuần chi phí dọn dẹp, khoản chi phí này sau đó bị bãi bỏ sau khi nhận đánh giá phần 42 (after receipt of a section 42 assessment). Công ty bảo hiểm đã từ chối tài trợ tiền đánh giá cho chi phí dọn dẹp với lý do rằng nó “không hợp lý và cần thiết”, tuy nhiên, Echelon đã không đưa ra được những lý do cho quyết định của mình. Nguyên đơn khẳng định rằng, việc từ chối của công ty bảo hiểm đối với quyền lợi và giới hạn cô tiếp cận với đánh giá y tế đã khiến cô bị chấn thương tâm lý. Tòa ở McQueen đã chấp nhận rằng mục đích của hợp đồng giữa các bên là đảm bảo lợi ích thuộc về tâm lý (psychological benefits) cho nguyên đơn ở dạng yên tâm (peace of mind). Bản chất của hợp đồng (the nature of contract) là sự vi phạm hợp đồng sẽ gây ra tổn thương tinh thần và điều này “trong khả năng lường trước của các bên”. Tòa chỉ ra rằng điều này là “hoàn toàn hợp lý có thể lường trước được”, rằng tổn thương vô hình và tổn thương tinh thần có thể gây ra từ hành vi từ chối chi trả lợi ích sai của bên công ty bảo hiểm thậm chí trong hoàn cảnh bên được bảo hiểm không phải đối mặt với khó khăn về tài chính ngay lập tức. Theo đó, thiệt hại được bồi thường cho tổn hại tinh thần là số tiền 25.000 đô la.
Vụ việc thứ hai: Bồi thường thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng xây dựng[5]: Công ty xây dựng Hickey (bị đơn) đã ký hợp đồng với ông bà Harvey và Pasty Sheppard (nguyên đơn) để xây dựng mội ngôi nhà cho họ. Tòa án đã trao cho cặp vợ chồng 15.000 đô la cho những tổn thương về tinh thần và những vấn đề (bất tiện) từ hành vi của những nhà thầu. Những nhà thầu đồng thời phải trả những chi phí để sửa lại ngôi nhà. Tình tiết của vụ việc hết sức đơn giản. Một cặp vợ chồng đã ký một hợp đồng xây một ngôi nhà cho việc nghỉ hưu của họ. Người vợ phải sử dụng xe lăn và nạng. Mục đích của ngôi nhà là để tạo không gian thoải mái phù hợp với tình trạng của cô ấy. Cặp đôi đã khẳng định rằng, họ đã nhấn mạnh yêu cầu không gây bất kỳ bất tiện nào đối với bên xây dựng và đã từ chối thanh toán đợt cuối theo quy định của hợp đồng khi họ nhận ra phần chuyển tiếp giữa mặt sàn không thực sự bằng phẳng. Nhà thầu đã cầm giữ ngôi nhà vì hành vi không thanh toán. Các nhà thầu cho rằng, mặt sàn không bằng phẳng là có thể chấp nhận được bởi vì họ đã tuân theo tiêu chuẩn cơ bản của National Building Code (NBC). Họ cũng cho rằng, bởi vì toàn bộ điều khoản thỏa thuận phải được lập thành văn bản, không thỏa thuận nào ngoài hợp đồng văn bản. Tòa đã đứng về phía chủ ngôi nhà. Có những mâu thuẫn tiềm năng giữa nhu cầu của khách hàng và những gì NBC cho phép. Tổn thương về tinh thần của khác hàng được cho là “hoàn toàn có thể lường trước được”. Cho dù NBC cho phép chiều cao chuyển tiếp giữa các sàn, nhưng các nhà thầu lẽ ra xem xét nhưng đã không làm sàn tuyệt đối bằng phẳng là cần thiết trong hoàn cảnh này.
Các nhà thầu đã phải bồi thường cho chủ nhà cho những thiệt hài về tinh thần như là kết quả của những cái sàn không bằng phẳng. Tòa án không cho phép các nhà thầu phụ thuộc vào điều khoản chỉ ra rằng hợp đồng văn bản và toàn bộ thỏa thuận và rằng không thỏa thuận nào khác tồn tại liên quan đến ngôi nhà. Những lý do đồng thời chỉ ra rằng, nó được xem là đương nhiên trong một hợp đồng xây nhà với sàn hoàn thành phải hoàn toàn không nguy hiểm. Thông thường, các nhà thầu xem tiêu chuẩn không nguy hiểm (hazard-free) là thỏa mãn các tiêu chuẩn của NBC. Sẽ không căn cứ chỉ với một vài tổn hại tinh thần, đó phải “đủ” tổn hại tinh thần để đảm bảo bồi thường bởi nhà thầu. Trong trường này, tổn hại tinh thần từ vi phạm hợp đồng xây dựng được xem là nghiêm trọng, kéo dài và không phải là vấn đề nhỏ. Hợp đồng được mô tả như là một hợp đồng về sự “yên tâm” (“peace of mind” contract). Như là một hậu quả của sàn nhà bị lỗi, bà Sheppard đã phải sinh hoạt trong không gian nhiều rủi ro và rơi vào tình trạng sợ hãi, lo lắng liên quan đến nguy cơ đó. Những tổn thương tinh thần của bà Sheppard được xem là khá nghiêm trọng. Ông Sheppard cũng bị tổn thương. Ngoài việc giải quyết những lo lắng liên quan đến việc sửa chữa lại sàn, ông ấy cũng có nguy cơ bị vấp ngã và ông phải chịu những lo lắng của vợ ông về các hoạt động sinh hoạt hằng ngày trong ngôi nhà không an toàn… Tóm lại, những tổn thương tinh thần cho cả ông và bà Sheppard là nghiêm trọng, lâu dài và không phải là nhỏ. Nó đủ để đảm bảo bồi thường.
Như vậy có thể thấy, đối với các thiệt hại về tinh thần được các Tòa án chấp thuận bồi thường ngoài các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã nêu trên thì còn cần phải có hai dấu hiệu:
Thứ nhất, là tính dự đoán được của thiệt hại. Bên có nghĩa vụ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà mình đã dự đoán trước hoặc có thể dự đoán trước một cách hợp lý vào thời điểm giao kết hợp đồng như là một hậu quả có thể xảy ra từ việc vi phạm hợp đồng. Đây cũng là nội dung được nêu ra trong Bộ nguyên tắc UNIDROIT về “tính dự đoán trước được của thiệt hại” cùng với yêu cầu về “tính xác thực của thiệt hại” trong khi yêu cầu về mức bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, những tổn thương tinh thần mà bên bị vi phạm phải gánh chịu phải là những thiệt hại “đáng kể”. Có thể hiểu “thiệt hại đáng kể” là những thiệt hại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của bên bị vi phạm và có ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe tinh thần, tâm lý của bên bị vi phạm.
Những thiệt hại tinh thần được bồi thường thường là các hợp đồng mang tính “cá nhân” (hợp đồng dân sự thông thường) hơn là các hợp đồng mang tính thương mại[6]. Những loại hợp đồng sau đây là những hợp đồng thường được chấp thuận các khoản bồi thường cho thiệt hại về tinh thần do vi phạm hợp đồng[7]: (i) Hợp đồng giải quyết các vấn đề về nhà ở; (ii) Hợp đồng hỗ trợ cho việc sinh con; (iii) Hợp đồng vận chuyển hành khách; (iv) Hợp đồng bảo hiểm cho những chiếc ô tô mới. Có thể thấy, đối tượng của những hợp đồng này là những tài sản, công việc phải thực hiện có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cá nhân. Khi có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra, việc gây ra những tổn thương về tinh thần là điều không tránh khỏi, thậm chí còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng và lâu dài. Đó là lý do một số Tòa án chấp nhận các khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần trong các dạng hợp đồng như vậy cho dù pháp luật không có quy định về điều này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận