Một số ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính
Chuyển đổi giới tính hay xác định lại giới tính là thuật ngữ không còn xa lạ trong đời sống dân sự hiện nay. Trên thế giới, thuật ngữ này cũng khá phổ biến và dường như trở thành một điều bình thường trong xã hội. Đây được xem như một nhu cầu tự nhiên của con người và được thừa nhận là một quyền con người, được pháp luật công nhận và bảo hộ.
Tại Việt Nam, quyền xác định lại giới tính cũng được thừa nhận trong một số văn bản quy phạm pháp luật và hiện cơ quan soạn thảo đang hoàn thiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và dự kiến Luật này được thông qua vào tháng 10 năm 2024. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích, nêu nhận định, đánh giá và chỉ ra một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện quy định tại dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính.
1. Căn cứ pháp lý về quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023 xác định Dự án Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào vào tháng 10 năm 2024. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong thực hiện các cam kết, khuyến cáo của quốc tế về bảo đảm và thực thi quyền con người nói chung, quyền của cộng đồng LGBT nói riêng, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam.
Trước tiên cần hiểu về LGBT là gì? LGBT là cụm từ viết tắt của các cụm từ tiếng anh như: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (người song tính/lưỡng tính) và Transgender (người chuyển giới). Đây đều là những người thuộc cộng đồng người có xu hướng tính dục khác với dị tính[1].
Thực tế xã hội hiện nay, cộng đồng những người thuộc nhóm LGBT chiếm số lượng không nhỏ, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, cần có sự ghi nhận về mặt pháp lý một cách phù hợp. Đây là yêu cầu tất yếu và khách quan nhằm bảo đảm thực thi quyền bình đẳng, công bằng trong xã hội.
Nghiên cứu quy định của pháp luật thì thấy, cơ sở pháp lý cho sự ra đời của một văn bản luật chính thức về chuyển đổi giới tính đã được ghi nhận từ trước đó trong một số văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau: Trong Hiến pháp năm 2023, ở các điều 14, 16, 20 và 38 đã có nội dung quy định về việc ghi nhận quyền con người, trong đó:
Tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Điều 16 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Tiếp đến, BLDS 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 tại Điều 2 và Điều 3, quy định về việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự, nguyên tắc bình đẳng, không bị phân biệt đối xử của cá nhân.
Đặc biệt, lần đầu tiên BLDS 2015 đã chính thức thừa nhận quyền nhân thân của người chuyển đổi giới tính, người xác định lại giới tính, cụ thể:
Điều 36 quy định: “Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Điều 37 BLDS 2015 quy định cụ thể: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Có thể thấy, BLDS 2015 dừng lại ở quyền nhân thân để xác định tư cách của cá nhân khi tham gia các quan hệ dân sự, tạo sự minh bạch về quyền nhân thân, tài sản, giao dịch,... trong các quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, điều này cũng là bước đi lớn của pháp luật nhằm tạo rào pháp lý ngăn chặn hành vi phân biệt đối xử với người chuyển giới, bảo đảm cho họ có địa vị pháp lý bình đẳng như cá nhân khác.
Ngoài ra, nghiên cứu quy định của pháp luật có liên quan thì thấy, việc xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính cũng được ghi nhận ở một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như:
Điểm c khoản 2 Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: Xác định lại giới tính được ghi vào Sổ Hộ tịch theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khoản 3 Điều 36 Luật này quy định: Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Điểm a khoản 4 Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng: a) Người đồng tính, người chuyển giới”.
Có thể thấy, các quy định nêu trên tuy chưa cụ thể, nhưng đây là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính (CĐGT) nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính, xác định lại giới tính.
Việc xây dựng và ban hành Luật CĐGT thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và của xã hội đối với việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của những người chuyển giới. Đây còn là một bước tiến vô cùng quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, thể hiện sự tiến bộ, phù hợp với thời đại, đề cao quyền bình đẳng và bảo vệ quyền của con người, hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người. Và sau khi BLDS 2015 được ban hành, Việt Nam là quốc gia thứ 11 tại châu Á hợp pháp hóa quyền CĐGT.
CĐGT là một quá trình phức tạp và quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến con người, do đó không thể chỉ gói gọn trong một điều luật mà cần được quy định cụ thể trong văn bản luật chuyên biệt, trong khi vấn đề xác định lại giới tính cho đến nay vẫn chỉ được cụ thể hóa bằng nghị định và thông tư.
Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về CĐGT là cần thiết, qua đó, cụ thể hóa quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người CĐGT cũng như của cơ quan, tổ chức liên quan đến người CĐGT và bảo đảm việc thực hiện các biện pháp quản lý đối với nhóm đối tượng.
Trên thế giới, tính đến tháng 02/2024, đã có 91 quốc gia đã có quy định về CĐGT và bản dạng giới trong hệ thống pháp luật của họ. Trong đó, có 17 quốc gia trong hệ thống pháp luật của họ có Luật về CĐGT hoặc bản dạng giới với các tên gọi khác nhau. Mặc dù các quốc gia có văn hóa, luật pháp, quan niệm về CĐGT là không giống nhau, nhưng có thể thấy các nước trên thế giới cũng rất quan tâm và cởi mở trong vấn đề này. Đây cũng là căn cứ để Ban soạn thảo xem xét, rà soát, tham khảo kinh nghiệm của họ trong quá trình xây dựng Luật CĐGT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và tương thích với các Luật và Điều ước quốc tế liên quan. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, thực tiễn phát triển của đất nước.
2. Một số ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật CĐGT
Dự thảo Luật CĐGT được đăng tải trên trang Cổng thông tin điện tử Quốc hội vào ngày 24/11/2023[2] để lấy ý kiến Nhân dân. Ngay sau khi được đăng tải công khai, dự thảo Luật này đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cá nhân, điều đó chứng tỏ việc ban hành Luật CĐGT là hết sức cần thiết và phù hợp. Việc có nhiều ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật này sẽ giúp hoàn thiện nội dung dự thảo hơn, vì vậy, khi Luật chính thức được thông qua sẽ phát huy hiệu lực, hiệu quả của Luật trong thực tiễn một cách tốt nhất. Với mong muốn đó, qua việc nghiên cứu dự thảo Luật CĐGT, tác giả xin có một số ý kiến góp ý cụ thể như sau:
Thứ nhất, về giải thích từ ngữ
Tại Điều 3 Dự thảo Luật CĐGT (sau đây gọi tắt là Dự thảo) quy định về giải thích từ ngữ, trong đó chứa đựng 12 khoản tương ứng với 12 cụm từ được giải thích nội dung cụ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu Điều luật này, tác giả thấy một số nội dung giải thích nhưng chưa thực sự rõ nghĩa hoặc không cần thiết phải ghi nhận. Cụ thể:
Tại khoản 3, khoản 4 Dự thảo quy định:
“3. Giới tính là những đặc điểm sinh học và thể chất khác nhau như bộ phận sinh dục ngoài, cơ quan sinh sản, nhiễm sắc thể giới tính, nội tiết tố, được sử dụng để xác định người mang giới tính nam hay nữ.
4. Giới tính khi sinh là giới tính nam hoặc nữ, được gán cho một đứa trẻ ở thời điểm được sinh ra, chủ yếu dựa trên giải phẫu sinh dục ngoài của đứa trẻ”.
Như vậy, Điều luật quy định và giải nghĩa về hai thuật ngữ được xem là khác nhau, đó là “giới tính” và “giới tính khi sinh”. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng, giới tính khi sinh chính là giới tính được xác nhận theo những tiêu chí tại khoản 3 Điều 3 dự thảo. Hay nói cách khác, khi một đứa trẻ được sinh ra, căn cứ vào các đặc điểm ghi nhận tại khoản 3 Điều 3 dự thảo để kết luận đứa trẻ đó mang giới tính nam hay nữ. Do vậy, việc nhà làm luật xây dựng dự thảo và tách riêng thêm một khoản 4, theo tác giả là thực sự không cần thiết. Điều này tạo ra sự rườm rà, dàn trải, không bảo đảm tính logic, phù hợp trong kỹ thuật lập pháp.
Tác giả kiến nghị, nhập 02 điều khoản này vào và nội dung sau khi nhập 02 điều khoản này được thể hiện như sau:
“3. Giới tính là những đặc điểm sinh học và thể chất khác nhau như bộ phận sinh dục ngoài, cơ quan sinh sản, nhiễm sắc thể giới tính, nội tiết tố, được sử dụng để xác định người mang giới tính nam hay nữ tại thời điểm người này được sinh ra”.
Thứ hai, về các hành vi bị nghiêm cấm quy định trong dự thảo
Tại Điều 5 dự thảo quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm. Đây có thể xem là điểm mới khi so sánh với một số văn bản Luật, bởi số lượng hành vi bị cấm quy định trong dự thảo này nhiều hơn hẳn. Việc quy định theo hướng liệt kê chi tiết các hành vi bị nghiêm cấm giúp cho việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người chuyển giới được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu nội dung Điều 5 dự thảo, tác giả thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, cần được hoàn thiện, cụ thể:
Một là, tại khoản 2 Điều 5 dự thảo quy định: “2. Vận động, dụ dỗ, thúc ép, bắt buộc người khác chuyển đổi giới tính”. Đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, cách thể hiện của điều khoản này chưa thực sự đầy đủ và chính xác, sẽ gây khó khăn cho quá trình xử lý về sau nếu chủ thể thực hiện hành vi bị nghiêm cấm. Đơn cử, việc vận động người khác chuyển đổi giới tính chỉ bị coi vi phạm và bị nghiêm cấm khi hành vi vận động này trái với ý muốn của họ. Tức là, việc xác định ý muốn chủ quan của chủ thể thực hiện việc chuyển đổi giới tính mang tính quyết định. Do vậy, nếu trường hợp một người vận động người khác thực hiện việc chuyển đổi giới tính mà không trái với ý muốn của họ thì cũng chưa đầy đủ căn cứ để đánh giá, xác định đây là hành vi bị nghiêm cấm. Đối với các hành vi khác cũng cần hiểu theo hướng phân tích nêu trên.
Do vậy, tác giả kiến nghị, nội dung khoản 2 Điều 5 dự thảo cần được sửa đổi như sau:
“2. Vận động, dụ dỗ, thúc ép, bắt buộc người khác chuyển đổi giới tính trái với ý muốn của họ”.
Hai là, tại khoản 9 Điều 5 dự thảo quy định: “9. Tiết lộ thông tin, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người chuyển đổi giới tính mà không có sự đồng ý của họ”.
Nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tác giả thấy rằng quy định này là chưa thực sự chính xác, chưa bảo đảm thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, mà cụ thể là BLDS 2015. Theo đó, tại Điều 38 BLDS 2015 quy định quyền được bảo vệ cuộc sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Như vậy, Điều luật này sử dụng thống nhất thuật ngữ “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”, và sử dụng cụm từ “thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân”, còn khoản 9 Điều 5 dự thảo lại thêm thuật ngữ “tiết lộ thông tin”. Tuy nhiên, không ghi nhận tiết lộ thông tin là như thế nào vì sau thuật ngữ này lại sử dụng dấu phẩy để tách với cụm từ “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Ở đây, ta có thể hiểu tiết lộ thông tin là việc tiết lộ thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người chuyển giới. Tuy nhiên, do cách thể hiện, cách diễn đạt của khoản 9 Điều 5 dự thảo sẽ tạo ra cách hiểu thiếu thống nhất và cũng không bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Ở đây, BLDS được coi là luật chung, và các luật chuyên ngành có liên quan cần được xây dựng bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với quy định của BLDS. Thực tế, dự thảo Luật CĐGT được xây dựng, ban hành sau, do vậy, các quy định của dự thảo cần được rà soát, điều chỉnh cho thống nhất với quy định của BLDS 2015 để bảo đảm tính đồng bộ, tăng tính hiệu lực, hiệu quả khi được thông qua và áp dụng vào thực tiễn đời sống. Tác giả kiến nghị nội dung điều khoản này cần được điều chỉnh lại như sau: “9. Tiết lộ thông tin có liên quan về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người chuyển đổi giới tính mà không có sự đồng ý của họ”.
Thứ ba, về tư vấn tâm lý cho người chuyển đối giới tính
Trong dự thảo có một số nội dung quy định về tư vấn tâm lý cho người chuyển đổi giới tính. Có thể thấy, việc tư vấn tâm lý cho họ là khá cần thiết và quan trọng, giúp người đề nghị chuyển đổi giới tính tự tin đưa ra quyết định của mình, đồng thời, việc này cũng giúp họ ổn định tâm lý trước, trong, sau quá trình thực hiện chuyển đối giới tính, để họ nhanh chóng thích nghi với cuộc sống bằng chính giới tính mà họ thực sự mong muốn. Từ đó, họ có nhiều đóng góp tích cực hơn cho cộng đồng, gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, nghiên cứu quy định của dự thảo về tư vấn tâm lý cho người chuyển đổi giới tính, tác giả thấy rằng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc cần được nghiên cứu, hoàn thiện. Cụ thể:
Trong dự thảo ghi nhận rất cụ thể chính sách của Nhà nước về chuyển đổi giới tính, theo đó, Nhà nước tạo điều kiện để người chuyển đổi giới tính được thực hiện tư vấn tâm lý, y học và pháp lý kỹ lưỡng trước, trong và sau khi can thiệp y học để chuyển đổi giới tính[3]. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tư vấn tâm lý và can thiệp y khoa cho người chuyển đổi giới tính[4]. Trong dự thảo cũng xác định rõ, việc tư vấn tâm lý là yêu cầu bắt buộc đối với người chuyển đổi giới tính, tức là chỉ thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi người đề nghị chuyển đổi giới tính đã được tư vấn tâm lý[5]. Tại khoản 13 Điều 5 dự thảo cũng quy định hành vi bị nghiêm cấm là hành vi không thực hiện đầy đủ quy định của quy trình tư vấn tâm lý trước và trong khi thực hiện can thiệp y học cho người đề nghị chuyển đổi giới tính.
Như vậy, có thể thấy, nhà làm luật dành khá nhiều điều khoản để quy định về tư vấn tâm lý cho người chuyển giới và việc tư vấn tâm lý này là bắt buộc nếu muốn thực hiện chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, tại Chương IV của dự thảo quy định về tư vấn tâm lý, y tế, pháp lý cho người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, cụ thể:
Chương IV ghi nhận việc tư vấn bao gồm: tư vấn tâm lý, tư vấn về y tế và tư vấn đề pháp lý; việc tư vấn này diễn ra trước, trong và sau thực hiện thành công việc chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, tại Điều 15 dự thảo quy định về tư vấn tâm lý trước khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhưng lại không ghi nhận nội dung cụ thể của tư vấn tâm lý trong trường hợp cụ thể này là gì? Tại khoản 14 Điều 15 dự thảo quy định: “Việc tư vấn tâm lý được thực hiện xuyên suốt từ trước và trong quá trình can thiệp y học. Người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có quyền dừng can thiệp y học bất cứ lúc nào. Việc tư vấn được thực hiện theo quy định tại các điều 18, 19, 20 và 21 của Luật này”. Nghiên cứu nội dung dự thảo thì thấy, Điều 20, Điều 21 là quy định về tư vấn y tế, còn Điều 18 quy định về trách nhiệm tư vấn trước, trong quá trình can thiệp y học để chuyển đổi giới tính mà không ghi nhận về nội dung tư vấn tâm lý. Điều 19 dự thảo có quy định về nội dung tư vấn tâm lý, tuy nhiên, nội dung điều khoản này quy định việc tư vấn sau khi can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, tức là không phù hợp với nội dung tư vấn trước khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính tại Điều 15. Do vậy, sự viện dẫn về nội dung tư vấn tâm lý tại Điều 15 dự thảo là chưa chính xác và phù hợp, hay nói cách khác, hiện trong dự thảo chưa có nội dung ghi nhận về tư vấn tâm lý trước khi can thiệp y học để chuyển đổi giới tính một cách cụ thể, rõ ràng, điều này dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn. Bởi lẽ, theo quy định phân tích ở trên, việc tư vấn tâm lý là bắt buộc, nhưng nhà làm luật lại không có quy định cụ thể, dẫn đến việc triển khai thực hiện trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tác giả kiến nghị, nhà làm luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định về nội dung tư vấn tâm lý một cách cụ thể, rõ ràng. Tác giả đề xuất, nội dung tư vấn tâm lý chỉ cần xây dựng thành một điều khoản chung, ghi nhận nội dung tư vấn tâm lý cho cả trường hợp trước, trong và sau khi can thiệp y học để chuyển đổi giới tính mà không cần tách ra thành việc tư vấn trước khi thực hiện can thiệp y học và sau khi thực hiện can thiệp y học, vì điều này là vừa thừa, vừa thiếu. Cụ thể, như trên phân tích, việc tư vấn tâm lý đòi hỏi phải được thực hiện trong suốt quá trình trước, trong và sau khi can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, nhưng trong Chương IV dự thảo, nhà làm luật mới chỉ quy định tư vấn tâm lý trước và sau khi can thiệp y học, như vậy là còn thiếu việc tư vấn tâm lý trong quá trình can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Đồng thời, quy định nội dung tư vấn tâm lý tách riêng thành các giai đoạn như hiện nay trong dự thảo đang thể hiện là không cần thiết. Do vậy, tác giả cho rằng, nhà làm luật nên nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện quy định tại Điều 19 dự thảo thành nội dung chung về tư vấn tâm lý, đồng thời, điều chỉnh chính xác tên gọi của Điều luật thành “Nội dung tư vấn tâm lý trước, trong, sau quá trình can thiệp y học để chuyển đối giới tính”, nhằm bảo đảm phân định với các nội dung về tư vấn y tế và tư vấn pháp lý.
KẾT LUẬN
Việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo về Luật Chuyển đổi giới tính là một bước tiến quan trọng trong quá trình lập pháp ở nước ta, nhằm tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người người chuyển đổi giới tính, người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; quy trình, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; công nhận giới tính nữ hoặc nam đối với người chuyển đổi giới tính; quản lý nhà nước về chuyển đổi giới tính[6]. Với những phân tích, đánh giá và đưa ra một số kiến nghị nêu trên, tác giả hy vọng đóng góp cho việc hoàn thiện dự thảo để khi triển khai áp dụng vào thực tế được hiệu quả và thống nhất cao.
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023.
4. Luật Hộ tịch năm 2014.
5. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
6. Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính.
[1] Thư viện pháp luật, LGBT là gì? LGBTQ+ là gì? Việc phòng chống phân biệt đối xử, kỳ thị LGBT được quy định như thế nào ở Việt Nam hiện nay?, https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/lgbt-la-gi-lgbtq-la-gi-viec-phong-chong-phan-biet-doi-xu-ky-thi-lgbt-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-o-vi-143132-130730.html, truy cập ngày 20/6/2024.
[2] Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-luat-chuyen-doi-gioi-tinh-119231211104942177.htm, truy cập ngày 15/4/2024.
[3] Khoản 3 Điều 4 dự thảo.
[4] Khoản 6 Điều 4 dự thảo.
[5] Khoản 2 Điều 6 dự thảo
[6] Điều 1 dự thảo.
Các bác sĩ đang phẫu thuật để chỉnh sửa lại giới tính cho một bệnh nhi - Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 2
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận