Một số ý kiến về tội “tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” và tội “đánh bạc”
Tạp chí Tòa án đã đăng bài “Xác định số tiền đánh bạc theo lời khai hay số thu được thực tế”của tác giả Trần Quang Minh, Chánh tòa hình sự TAND thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Tôi xin có một số ý kiến trao đổi cùng tác giả và bạn đọc.
1.Số tiền sử dụng vào việc đánh bạc
Theo lời khai của các bị cáo thì tổng số tiền được dùng vào việc đánh bạc là 48.060.000 đồng , nhưng thực tế thu trên chiếu bạc tổng số là 32.970.000 đồng.
Có hai quan điểm về xác định số tiền đánh bạc: Theo lời khai của các bị cáo hay theo thực tế số tiền đã thu giữ. Như vậy chúng ta phải xác định và đánh giá chứng cứ và qua đó để xác định việc sử dụng chứng cứ nào là chính xác.
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tực do BLTTHS quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Theo quy định tại Điều 87 BLTTHS nguồn chứng cứ thì vật chứng (số tiền thu được trên chiếu bạc 32.970.000 đồng) là vật chứng của vụ án; các lời khai của bị can, bị cáo cũng là chứng cứ.
Theo quy định tại Điều 98 BLTTHS thì: “2.Lời khai nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.
Trong trường hợp này, lời khai nhận của các bị can, bị cáo về số tiền dùng vào việc đánh bạc không phù hợp với vật chứng đã thu giữ, (nếu việc thu giữ được cơ quan điều tra thực hiện đúng quy trình của các Điều 88,89,90 của BLTTHS).
Như vậy, các lời khai nhận đó không đủ độ tin cậy và cũng chỉ là lời khai duy nhất của họ và không được sử dụng làm chứng cứ để xác định trách nhiệm hình sự.
Các bị can, bị cáo đều thừa nhận số tiền thu giữ trên chiếu bạc là tiền của các bị can, bị cáo dùng vào việc đánh bạc. Lời khai nhận này phù hợp với vật chứng thu được là tiền dùng đánh bạc.
Do đó, chỉ có căn cứ để kết luận về số tiền dùng đánh bạc của các bị can, bị cáo là 32.970.000 đồng. Mặt khác theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo thì việc xác định số tiền đánh bạc được ít hơn so với lời khai là có lợi cho các bị can, bị cáo.
2.Về tội danh của Nguyễn Đăng Liên
Nguyễn Đăng Liên là người sử dụng nhà ở thuộc quyền quản lý của mình cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc số tiền đánh bạc trên 20.000.000 đồng. Nguyễn Đăng Liên không tham gia đánh bạc, không thu tiền hồ hoặc hưởng lợi ích gì.
Tác giả cho rằng Liên chuẩn bị công cụ; bát, đĩa, trợ giúp cho các bị can, bị cáo đánh bạc tại nhà mình nên Liên chỉ phạm tội đánh bạc với vai trò đồng phạm là người giúp sức.
Điều 322 BLHS quy định Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
“1.Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
a.Tổ chức cho 10 người trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b…..
c.Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;…”
Như vậy, Nguyễn Đăng Liên đã thực hiện đầy đủ các hành vi thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a,c,d khoản 1 Điều 322 BLHS.
Vì vậy, Nguyễn Đăng Liên phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định taị khoản 1 Điều 322 về Tội tổ chức đánh bạc.
Người tổ chức đánh bạc có thể còn thực hiện các hành vi như cho những người đánh bạc mượn bát, đĩa, quân bài, chuẩn bị chiếu ngồi, bàn, ghế, giường… làm nơi chơi đánh bạc hoặc cũng có thể giúp đánh bạc đun nước, pha trà, mua hộ đồ ăn… Những hành vi đó của người tổ chức đánh bạc đúng là hành vi giúp sức đánh bạc nhưng không nên coi đó là một tội riêng như trường hợp vừa tổ chức đánh bạc, vừa trực tiếp tham gia đánh bạc.
Trong quy định tại điểm b khoản 1 Điều 322 tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định: “b, Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên …”
Trong thực tiễn, không ít trường hợp người tổ chức đánh bạc không sử dụng nơi thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để tổ chức đánh bạc, gá bạc mà sử dụng những địa điểm khác không phải của họ như sử dụng bãi đất trống, để tổ chức xới đá gà, sử dụng điếm canh đê, nhà nghỉ giữa cánh đồng, miếu hoang… để tổ chức đánh bạc. Tường hợp này không áp dụng được điểm b khoản 1 Điều 322 mà phải xem xét tới các tình tiết, các trường hợp khác quy định tại các điểm a, b, c, đ khoản 1 Điều 322 để xác định tội danh.
Về gá bạc, Điều 322 BLHS là một điều quy định tội ghép của hai tội: Tổ chức đánh bạc và gá bạc. Điều luật không mô tả rõ ràng hành vi gá bạc, vậy thế nào là gá bạc? Các dấu hiệu quy định khoản 1 Điều 322 BLHS có phải là dấu hiệu của tội gá bạc không? Đây là vấn đề mà Luật cũng như TANDTC đều chưa có hướng dẫn áp dụng.
Theo chúng tôi, tổ chức đánh bạc và gá bạc tương đối giống nhau về hành vi. Người tổ chức đánh bạc có thể chỉ vì nể nang mà cho người đánh bạc dùng địa điểm thuộc người sỡ hữu hoặc quản lý của mình để đánh bạc và họ không được hưởng lợi ích vật chất nào.
Gá bạc cũng là tổ chức cho người khác đánh bạc nhưng có hưởng lợi ích vật chất từ những người đánh bạc như thu tiền hồ, vé vào cửa, tổ chức cầm cố tài sản cho người đánh bạc, cho vay tiền trong xới bạc.
Mặc dù trong thực tiễn, các Tòa án ít xét xử về tội gá bạc nhưng chúng tôi cũng mong TANDTC có hướng dẫn phân biệt tội danh của Điều 322 BLHS để áp dụng đúng và thống nhất.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận