Một số ý kiến về đương nhiên xóa án tích theo quy định của BLHS năm 2015
Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về việc đương nhiên được xóa án, Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc. Tác giả đề xuất hướng khắc phục.
Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về việc đương nhiên được xóa án tích như sau:
Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
So với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có mội số điểm mới mang tính có lợi cho người bị kết án đó là: Thời hạn để xem xét xóa án tích ngắn hơn; thời hạn xóa án tích được tính từ khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách của án treo hoặc hết thời hiệu thi hành án bản án (Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định thời hạn xóa án tích tính từ khi chấp hành xong toàn bộ các quyết định của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015, có một số vướng mắc như sau:
Thứ nhất: Người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa thực hiện việc bồi thường cho người bị hại do người bị hại chưa có yêu cầu hoặc là không biết người bị hại ở đâu nên họ không đủ điều kiện để được xóa án tích. Trường hợp này sẽ được xem xét xóa án tích như thế nào.
Thứ hai: Cơ quan thi hành án dân sự dân sự không ban hành quyết định thi hành án buộc người bị kết án thi hành hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí hình sự, án phí dân sự hoặc là có ban hành quyết định nhưng không tống đạt cho người bị kết án nên họ không biết thi hành ở đâu, dẫn đến việc họ không được xóa án tích.
Thứ ba: Khi xem xét xóa án tích đối với trường hết thời hiệu thi hành bản án thì khái niệm thời hiệu thi hành bản án sẽ được hiểu như thế nào cho chính xác. Bởi lẽ, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Thi hành án dân sự có sự mâu thuẫn trong việc quy định thời hiệu thi hành hình phạt hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự. Cụ thể như sau:
Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về thời hiệu thi hành bản án hình sự (không áp dụng đối với các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, khoản 3 và khoản 4 Điều 353, khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật Hình sự năm 2015) như sau:
Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:
a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
b) 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
c) 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
d) 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.
Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (gọi tắt là Luật Thi hành án dân sự năm 2008) quy định về thời hiệu thi hành án như sau:
Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Theo quy định tại Điều 1 Luật Thi hành dân sự năm 2008, thì phạm vi điều chỉnh của Luật thi hành án dân sự năm 2008 bao gồm cả thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự.
Như vậy, nếu đối chiếu quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự năm 2008 thì trong một số trường hợp sẽ có mâu thuẫn khi xem xét thời hiệu thi hành các quyết định dân sự trong bản án hình sự:
Ví dụ 01: Bản án số 01 ngày 01/01/2018 của Tòa án nhân dân TP.HCM xử phạt bị cáo A 9 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản” và buộc bị cáo bồi thường cho người bị hại B 500.000.000đ, bản án có hiệu lực vào ngày 16/01/2018. Như vậy, đối chiếu với điểm b khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì thời hiệu thi hành bản án đã nêu là 10 năm, thời điểm kết thúc thời hiệu thi hành là ngày 16/01/2028. Trong thời gian còn thời hiệu thi hành bản án, bị hại B vẫn có quyền yêu cầu A thực hiện việc bồi thường (vì Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định về thời hiệu thi hành bản án hình sự mà không phân biệt thi hành phần hình sự hay dân sự trong bản án hình sự). Tuy nhiên, nếu đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì thời hiệu mà bị hại B có quyền yêu cầu A phải bồi thường sẽ kết thúc vào ngày 16/01/2023.
Để giải quyết một trong những vướng mắc đã nêu, tại Mục 7 phần I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao (Công văn 64/TANDTC-PC) đã giải thích và hướng dẫn như sau:
“Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.
Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.”.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc giải thích và hướng dẫn như đã nêu có thể dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau khi xem xét việc xóa án tích cho người bị kết án. Chúng tôi có một số ý kiến trao đổi và đề xuất hướng giải quyết trong một số trường hợp cụ thể như sau:
Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự năm 2008 có sự mâu thuẫn với nhau trong việc xác định thời hiệu thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự (như đã được trình bày ở phần trên). Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành sau Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Do vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, khi xem xét về thời hiệu thi hành đối với hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự cần phải áp dụng theo Điều 60 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Trường hợp người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù, hoặc hết thời thời gian thử thách của án treo nhưng chưa chấp hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án: Nếu đã hết thời hiệu thi hành bản án theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì thời điểm được xóa án tích trong từng trường hợp cụ thể cụ thể sẽ được xem xét căn cứ vào hình phạt mà họ đã bị tuyên xử và phải thỏa mãn điều kiện về thời gian quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ví dụ 02: Ngày 01/01/2018, Tòa án nhân dân TP.HCM ban hành bản án số 02 xử phạt A 1 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”, thời hạn tù tính từ ngày 01/6/2018; buộc A phải bồi thường cho bị hại B 40.000.000đ. Bản án có hiệu lực ngày 16/01/2018. A chấp hành xong hình phạt tù vào ngày 01/01/2019 nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ bồi thường do không có yêu cầu thi hành án của B. Trong trường hợp này, thời hiệu thi hành bản án kết thúc vào ngày 16/01/2023; thời điểm ông A được xóa án tích là ngày 16/01/2025.
Nếu đã hết thời hiệu thi hành án theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng khoảng thời gian từ khi hết thời hiệu thi hành bản án đến thời điểm xóa án tích như đã được phân tích (ở phần trên) mà người bị kết án tự nguyện thực hiện bồi thường cho người được thi hành án hoặc người được thi hành án có văn bản xác nhận không yêu cầu người bị kết án phải bồi thường thì thời điểm xóa án tích là thời điểm người bị kết án tự nguyện thực hiện bồi thường hoặc là thời điểm người được thi hành án có văn bản xác nhận không yêu cầu người bị kết án phải bồi thường (trong trường hợp này thì thời điểm xóa án tích của A, ví dụ 2, được xác định như sau: Nếu trong khoảng thời gian từ 16/01/2023 đến 16/01/2025 mà A tự nguyện thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho B, hoặc B có văn bản cho biết không yêu cầu A phải bồi thường thì thời điểm A được xóa án tích là thời điểm A thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường cho B hoặc là thời điểm B làm văn bản xác nhận không yêu cầu A phải bồi thường).
Nếu trong trường hợp đã hết thời hiệu thi hành bản án hình sự nhưng không có đơn yêu cầu thì hành án của người được thi hành án và cũng không biết được người được thi hành án cư trú ở đâu, thì thời điểm mà người bị kết án được xóa án tích trong từng trường hợp cụ thể sẽ được xem xét dựa trên căn cứ hình phạt mà họ đã bị tuyên xử và phải thỏa mãn điều kiện về thời gian theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp cơ quan Thi hành án ra quyết định thi hành án và đã tống đạt hợp lệ theo quy định nhưng người phải thi hành không thực hiện, thì xem như chưa thi hành xong bản án. Nếu Cơ quan Thi hành án dân sự không ban hành quyết định thi hành hình phạt bổ sung, tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án hình sự, hoặc có ban hành nhưng không tống đạt cho người được thi hành án theo quy định dẫn đến việc hết thời hiệu thi hành bản án hình sự theo Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015, thời điểm xóa án tích của người bị kết án trong từng trường hợp cụ thể được xem xét dựa vào hình phạt chính đã tuyên và phải thỏa mãn điều kiện về thời gian theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015.
(*) Chế định xóa án tích thể hiện tính nhân đạo trong chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho người bị kết án xóa đi mặc cảm, tái hòa nhập với cộng đồng. Việc xác định thời điểm xóa án tích không chính xác sẽ dẫn đến việc xác nhận lý lịch tư pháp của người đã bị kết án không đúng; xác định “tái phạm”, “tái phạm nguy hiểm”, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, điều khoản truy cứu trách nhiệm hình sự (trong trường hợp họ phạm tội mới) không dúng, có thể dẫn đến việc xâm hại quyền lợi của bị can, bị cáo. Do vậy, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cáo sớm có Nghị quyết hướng dẫn giải quyết những vướng mắc đã đề cập để đảm bảo tính thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận